Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Kho báu và viên ngọc

VRNs (19.07.2011)- Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm (IV A 39) – Mt 13, 44-52 – ngày 24 tháng 07 năm 2011 – Chúa nhật XVII Thường niên, năm A



- ” Nước Trời giống như một kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

” Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc qúy, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” ( Mt 13, 44-45).

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa lập lại của bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay nói lên cho chúng ta thái độ phải có đối với Nước Trời, tình thương và ơn cứu rổi của Thiên Chúa.

a) Nước Trời là của kẻ bé mọn.

Trước hết hai nhân vật chính trong hai dụ ngôn vừa kể là ” người kia ” trong dụ ngôn kho báu trong thửa ruộng và ” một thương gia ” trong dụ ngôn viên ngọc qúy.

Trong dụ ngôn kho báu trong thửa ruộng, ” người kia ” không ai khác hơn là người nông dân làm mướn trong thửa ruộng.

Anh làm mướn trong thửa ruộng, bởi lẽ anh phải ra về ” bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng “. Điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng thửa ruộng không phải là của anh.

Người nông dân làm mướn cũng như ” một thương gia ” là những hạng người không có địa vị gì trong xã hội, dốt nát ít học và có lẽ cũng không đạo đức mấy đối với các kinh sư và các người Pharisêu, những hạng người ” tách biệt “, hoàn hảo, ” élites ” theo quan niệm xã hội và tôn giáo thời đó.

Nói cách khác, người nông dân làm công, chân lấm tay bùn và hạng con buôn là những ” kẻ bé mọn ” và tội lỗi đối với xã hội và tôn giáo thời đó, nhưng lại là những chủ thể được Đức Giêsu và Phúc Âm của Ngài dành cho quyền ưu tiên trong Nước Trời:

- ” Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn ” ( Mt 11, 25) .

- ” Vì Ta không đến để kêu người công chính, mà để kêu người tội lỗi” ( Mt 8, 13).

Trong Phúc Âm Thánh Matthêu nhan nhản những tư tưởng và câu nói tương tợ. Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng Phúc Âm Thánh Matthêu là Phúc Âm đứng về phía và bênh vực những người yếu thế, những kẻ ” bé mọn ” và người tội lỗi.

Bởi lẽ chính Thánh Matthêu cũng đã là người siết thuế, hạng người bị coi là hèn hạ, bị khinh bỉ trong xã và tôn giáo thời đó, nhưng được Chúa Giêsu ” dành ưu tiên “, được kêu gọi trở thành môn đệ Ngài:

- ” Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở trạm. Người bảo ông: Anh hãy theo Ta! Ông đứng dậy đi theo Người.” ( Mt 9, 9).

Không những vậy, Đức Giêsu và các môn đệ Ngài còn ngồi ăn đồng bàn với họ, để chia xẻ với họ những vấn đề, khổ tâm và ước vọng của họ:

- ” Khi Đức Giêsu đang dùng bàn tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến, cùng ăn với Người và các môn đệ ” ( Mt 9,10).

Hành động như vậy không phải Đức Giêsu có thái độ thù nghịch với những ai có chức vị và trí thức trong xã hội, cho bằng ” dành ưu tiên”, đứng ra bênh đở kẻ bé mọn, những người không có địa vị trong xã hội, những người bị khinh bỉ, những người tội lỗi, những người không được ai chiếu cố và không có phuơng tiện để tự bênh vực.

b) Tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Đọc lại hai dụ ngôn, chúng ta thấy rằng người nông dân làm mướn cũng như thương gia tìm gặp những gì mình muốn sau một thời gian tiềm kiếm và làm lụng vất vả.

Trong dụ ngôn viên ngọc qúy, người thương gia để hết tâm trí, nhất quyết tìm cho bằng được viên ngọc qúy, bất kể gian khổ và ý thức được những gì mình muốn tìm:

- ” Nước Trời lại cũng giống như một thương gia đi tìm ngọc đẹp…” ( Mt 13, 45).

Và cuối cùng ông được thoả mãn tìm được mục đích mà ông đã bỏ ra bao công sức để đạt được:

- ” Tìm được viên ngọc qúy, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 46).

Trong dụ ngôn kho báu, người nông dân có lẽ ít học, không ý thức được một cách rõ rệt những gì mình đang tìm. Nhưng chắc chắn với việc làm cần cù, lao tác, thành tín và siêng năng, mục đích của anh cũng không khác gì hơn mục đích của người thương gia: tạo cho mình và gia đình mình một tương lai sáng sủa hơn, hạnh phúc hơn. Nói tóm lại, dù không ý thức rõ mình phải tìm gì để cho mình và gia đình mình được hạnh phúc, nhưng anh cũng muốn có được một cái gì đó tốt đẹp cho mình và cho thân nhân.

Người thương gia có ý thức rõ rệt cho mục đích, ra công tìm kiếm và được tưởng thưởng.

Người nông dân kém hiểu biết hơn, nhưng với tâm hồn ngay chính hướng về hạnh phúc, làm việc cần cù, thành tín và siêng năng. Cuối cùng rồi anh cũng không thể bị Đấng Tối Cao phụ lòng: anh cũng tìm được kho báu trong cuộc sống của anh:

- ” Nước Trời giống như kho báu giấu trong thửa ruộng. Có người kia gặp được…, vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” ( Mt 13, 44).

Ý thức hay không ý thức được điều mình tìm kiếm, là thành viên của một tôn giáo nầy hay một tôn giáo khác, điều đó có tầm quan trọng của nó. Bởi lẽ tôn giáo là con đường hướng dẫn chúng ta dễ tìm được Đấng Tối Cao, nguồn hạnh phúc bất diệt và là cùng đích của cuộc sống.Tôn giáo với giáo lý và các nghi lễ tế tự trực tiếp hướng dẫn chúng ta đến Đấng mà chúng ta tìm kiếm, giúp chúng ta tiếp xúc trực tiếp với Ngài.

Nhưng điều quan trọng thiết yếu không thể thiếu là chính chúng ta phải đứng ra nỗ lực tìm kiếm nguồn hạnh nguồn phúc tối hậu của mình trong chuyên cần và thành tâm.

Những con người chuyên cần và thật lòng tìm kiếm phúc tối hậu của mình, Thiên Chúa sẽ không để họ thiếu thốn, như trường hợp người nông dân làm mướn lao tác cần cù và thành tín trong thửa ruộng, anh nổ lực cần cù tìm kiếm hạnh phúc, nhưng không như người thương gia ý thức rõ rệt đối tượng mình phải tìm.

Đó là điều Công Đồng Vatican II xác nhận:

- ” Cũng vậy, những người khác đang tìm trong bóng tối và dưới những hình ảnh một Thiên Chúa mà họ không biết, Thiên Chúa không ở xa, bởi vì chính Ngài là Đấng ban cho tất cả đời sống, hơi thở và mọi viêïc ( Act. 17, 25-28) và chính Ngài, Đấng Cứu Thế, muốn cho tất cả mọi ngưòi đều được cứu thoát ( 1 Tim 2,4) ” ( Lumen Gentium ,16).

c) Niềm vui đạt được Nước Trời

So sánh thái độ của người nông dân làm mướn và người thương gia trong hai dụ ngôn chúng ta đang suy niệm với thái độ của người thanh niên trong câu chuyện ” người thanh niên có nhiều của cải “, chúng thấy được thái độ buồn bực của người thanh niên khi nghe Chúa Giêsu bảo anh bán của cải tài sản và bố thí cho kẻ nghèo :

- ” Chúa Giêsu đáp: ” Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời…Rồi hãy theo Ta. Nghe lời nói đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải ” ( Mt 19, 21), trái với sự hài lòng và niềm vui mừng phấn khởi của những ai tìm được Nước Trời:

- ” …rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” hoặc:

- “…ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.

Nhiều lúc đọc thoáng qua hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc qúy, có lẽ đôi khi chúng ta chú tâm đến động tác” bán tất cả những gì mình có ” của người nông dân làm mướn và người thương gia, hơn là niềm vui phấn khởi của họ vì đạt được kho báu và viên ngọc qúy, có giá trị trổi vượt hơn bao nhiêu lần lòng mong ước của họ:

- ” …rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy “.

Nói cách khác, nhiều lần chúng ta đặt nặng những hy sinh phải có để đạt được Nước Trời hơn là niềm hạnh phúc, phấn khởi của người sống vì Nước Trời và sống tin tưởng vào hạnh phúc vô hạn và bất diệt của Nước Trời.

Nước Trời không có gì khác hơn là chính Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc tuyệt đỉnh và bất diệt.

Đạt được Nước Trời là được tham dự vào chính bản tính thần linh của Thiên Chúa, tham dự vào đời sống nội tại mà Thiên Chúa đang sống:

- ” Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy ( của Chúa Giêsu) Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa…” ( II Pt 1,4).

Đạt được Nước Trời là thốt được câu nói thoả mãn của Thánh Augustino:

- ” Tâm hồn tôi chỉ có thể an nghĩ. Khi tôi chiếm hữu được Thiên Chúa làm của riêng tôi “.

Đạt được khó báu, viên ngọc qúy, Nước Trời vô giá như vậy mà nhìn Nước trời với đôi mắt tiêu cực và buồn bực ” bán tất cả những gì mình có “, là cái nhìn không đúng sự thật.

Nước Trời với những giá trị cao cả vừa kể phải được biểu thị bằng niềm hạnh phúc và phấn khởi cho những ai tìm được.

Với cái nhìn tiêu cực vừa kể, chúng ta thường nhìn cuộc sống Ki Tô giáo là một cuộc sống buồn nãn, chỉ có hy sinh ” bán tất cả những gì mình có “.

Nhiều lúc chúng ta nhìn cuộc đời tận hiến của các linh mục, tu sĩ qua màu đen tang tóc của chiếc áo dòng.

Phải, các vị đã chết cho các ước vọng trần tục, nhưng bên dưới màu đen tang tóc của chiếc áo dòng đó là cuộc sống sung mãn, tràn đầy hạnh phúc của tình thương và niềm phấn khởi tìm được Thiên Chúa.

Và chính nhờ cuộc sống sung mãn nội tâm hạnh phúc tràn đầy Thiên Chúa, mà các vị mới có thể thông ban Thiên Chúa cho chúng ta qua hành động và lời giảng dạy của các vị.

Các vị đã tìm gặp Chúa, các vị

- “…vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” ( Mt 13, 44).

Có lẽ không ai có thể diễn tả cho chúng ta rỏ rệt hơn Thánh Matthêu niềm hạnh phúc đầy tràn trong tâm hồn Ngài, khi Ngài vừa nghe tiếng gọi của Đức Giêsu:

- ” Chúa Giêsu bảo ông: anh hảy theo Ta. Ông đứng dậy đi theo Người “.( Mt 9,9) .

NGUYỄN HỌC TẬP