Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Ơn vô ngộ của Đức giáo hoàng trong đối thoại Đại kết

VRNs (05.07.2011) – Toronto, Canada – Đặc ân vô ngộ được Thiên Chúa ban cho Giáo hội ngang qua đấng kế vị thánh Phêrô nhằm gìn giữ Giáo hội không xa rời Chúa Kitô và các chân lý của Người. Ấy vậy, ngày nay người ta cảm thấy nghi ngại và băn khoăn khi nói về đặc ân vô ngộ của Đức Giáo Hoàng trong phán quyết của ngài liên quan đến các vấn đề đức tin và luân lý. Đặc biệt, thế giới ngày nay thường cho rằng thật là nực cười khi đề cập đến ơn vô ngộ. Đúng ra, con người ngày nay có vẻ như không còn đặt vấn đề về đặc ân này nữa, vì họ nghĩ rằng không thể nói về sự vô ngộ của một con người được. Người ta lý luận đơn giản rằng đã là con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm. Có lẽ vì coi thường đặc ân lạ lùng này mà thế giới phương Tây ngày nay thường không mặn mà, nói đúng hơn là bỏ ngoài tai những giáo huấn của thẩm quyền Giáo hội về các vấn đề luân lý. Đơn cử như hiện nay, một số tiểu bang của Mỹ đã coi hôn nhân đồng giới là hợp pháp và bỏ qua tính cách luân lý của dạng hôn nhân bất tự nhiên này.

Suy tư về các vấn đề đức tin và luân lý trong một thời đại mà Đức Giáo hoàng Benedicto XVI lưu ý rằng chủ nghĩa tương đối đang thắng thế, con đã có bài nghiên cứu về đặc ơn vô ngộ trong chiều hướng đối thoại đại kết. Bài viết này của con đã được giáo sư Magaret O’Gara, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết các giáo hội Kitô tại Canada, nhận xét là có giá trị tham khảo rất bổ ích. Vì vậy, con xin được chia sẻ cùng quý cha, quý thầy.



VẤN ĐỀ ƠN VÔ NGỘ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG XÉT TRONG CHIỀU HƯỚNG ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT

Ơn vô ngộ là đặc ân Chúa ban cho Hội thánh của Người, cho thánh Phêrô và những người kế vị ngài. Tuy thế, đặc ân này đã trở thành một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất trong công cuộc đại kết giữa Giáo hội Công giáo và các giáo hội Kitô khác. Vấn đề này đã được đặt ra kể từ thế kỷ XVI và nhất là kể từ 1870, khi mà đặc ân vộ ngộ của Đức Giáo Hoàng được định tín tại Công đồng Vatican I[i]. Cụ thể, Công đồng long trọng tuyên tín rằng trong những trường hợp cụ thể và xác định, Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm khi dạy về các vấn đề liên quan đến đức tin và phong hóa, và giáo huấn của ngài buộc toàn thể Giáo hội phải tuân giữ. Với những tuyên tín cứng rắn này, “các tín hữu Anh giáo cảm thấy vô cùng khó khăn khi đón nhận,”[ii] và “đây cũng là vần đề gây nhiều chia rẽ nhất giữa Giáo hội Công giáo và các giáo hội Cải Cách.”[iii]

Bài viết này sẽ trình bày những nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc giải thích lại đặc ân vô ngộ đã được định tín tại Công đồng Vatican I. Đặc biệt, bài viết sẽ tập chú vào cách giải thích đặc ân này dưới nhãn giới Giáo hội học hiệp thông được Công đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh. Tiếp đó, bài viết cũng xem xét những cách tiếp cận vấn đề của các giáo hội Kitô khác trong tinh thần đại kết. Riêng phần này, bài viết chỉ giới hạn ở cách tiếp cận của Giáo hội Anh giáo là giáo hội đang có những hướng rộng mở cho sự hiệp nhất với Giáo hội Công giáo sau khi có tiếng nói chính thức gần đây nhất của Đức Benedicto XVI về sự hiệp nhất, nên một giữa hai giáo hội. Bài viết cũng chỉ giới hạn ở cách tiếp cận vấn đề của anh em Tin lành phái Luther là giáo phái ngay từ ban đầu đã có những phản ứng khá gay gắt khi mà đặc ân được định tín. Sau cùng, bài viết sẽ nêu lên một vài nhận định liên quan đến những khúc mắc trong việc tiếp nhận cách giải thích lại đặc ân vô ngộ.

Nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc giải thích lại tín điều vô ngộ

Cho đến nay, đặc ân vô ngộ của Đức Giáo hoàng đã “được thiết định trong đời sống đức tin của Giáo hội Công giáo;”[iv] vì thế, Giáo hội Công giáo có lẽ sẽ không bao giờ chối bỏ tín điều này nhằm giải quyết những bất đồng về các vần đề đức tin với các giáo hội Kitô khác trong công cuộc đại kết. Giữ vững lập trường của Giáo hội Công giáo, Ladislas Orsy nhấn mạnh rằng “ý niệm vô ngộ có thể là một ý niệm vụng về, nhưng nó cố gắng diễn tả một hành động kỳ diệu – đó là sự hiện diện mầu nhiệm và mãi mãi của Lời Thiên Chúa trong Hội thánh.”[v] Điều mà Giáo hội Công giáo đã và đang nỗ lực hết sức ấy là giải thích lại tín điều này, nhờ vậy có thể đạt được những đồng thuận với các giáo hội Kitô khác trong vấn đề đặc ân vô ngộ. Khi đề cập đến nỗ lực này, John Ford gợi ý rằng “nếu đặc ân vô ngộ thực sự là yếu tố thiết yếu trong mầu nhiệm Hội thánh, thì cũng như những đặc ân đa dạng khác được ban cho Hội thánh, đặc ân này có thể có những chức năng và có thể được giải thích theo nhiều cách thức khác nhau.”[vi]

Thật vậy, với nỗ lực giải thích lại đặc ân vô ngộ, nhiều thần học gia Công giáo như Karl Rahner, Charles Davis, John McKezie, Avery Dulles, Gregory Baum và Walter Kasper, đã đề xuất ý niệm “vô ngộ ôn hòa” (moderate infallibilism), với xác tín rằng “đặc ân vô ngộ của huấn quyền Giáo hội không đảm bảo rằng một giáo thuyết nào đó của Giáo hội có thể tránh khỏi mọi sai lầm, nhưng đặc ân này xét cho đến kỳ cùng là nhằm đảm bảo cho Giáo hội không xa rời Chúa Kitô và chân lý của Người.”[vii] Ghi nhận đề xuất của các thần học gia Công giáo, George Limdbeck, một nhà thần học lỗi lạc của Tin Lành, đã nhận định rằng “một tín điều nào đó có thể được công bố một cách vụng về và nhiều khi còn bị lạm dụng, nhưng về lâu về dài thì nó có thể được tuyên định lại theo một cách thức hài hòa hơn với chân lý Kitô giáo.”[viii] Nói đến sự tương thích của ý niệm “vô ngộ ôn hòa” trong đối thoại đại kết giữa Công giáo và Tin lành Luther, thần học gia này cũng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội tốt nhất để hiệp nhất những gì là khác biệt, phân rẽ giữa hệ phái Cải Cách và Rôma.”[ix]

Hơn nữa, nêu lên những nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc giải thích lại đặc ân vô ngộ, Margaret O’Gara, người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đại kết giữa các giáo hội Kitô, đã xác nhận rằng “giới Công giáo đang có những bước tiến trong việc giải thích lại đặc ân vô ngộ. Điều này xuất phát từ sự thay đổi nội tại của thần học Công giáo và cũng là một đòi buộc thiết yếu khi chúng ta chấp nhận bước vào cuộc đối thoại đại kết với những giáo hội Kitô khác.”[x] Cũng theo vị giáo sư này, nhìn một cách bao quát, hiện nay có hai khuynh hướng giải thích lại đặc ân vô ngộ: đặc ân vô ngộ được giải thích lại dựa vào sự thay đổi nhận thức luận từ một não trạng cổ điển, tĩnh tại sang một tâm thức mang tính lịch sử; đặc ân cũng được giải thích lại dựa vào sự thay đổi từ một lối nhìn Giáo hội theo hình kim tự tháp sang một nhãn giới Giáo hội học hiệp thông. O’Gara nhấn mạnh rằng “ý niệm vô ngộ dường như đã bị bó hẹp trong một nhãn giới cổ điển mà trong đó mọi sự luôn được nhìn trong một trạng thái cố định, ngay cả nhận thức về chân lý cũng được xem là không bao giờ thay đổi, mọi sự vật lúc nào cũng như lúc nào, không hề có sự tiến triển hay đổi thay nào cả.”[xi] Vì vậy, ý niệm này cần được hiểu theo nhãn giới lịch sử, nghĩa là nhận thức của chúng ta về chân lý “không cố định, tĩnh tại, nhưng có tính cách thay đổi và tiến triển.”[xii] Tuy nhiên, vị giáo sư thần học này cho thấy rằng một sự thay đổi từ một nền Giáo hội học hình kim tự tháp sang một nền Giáo hội học hiệp thông “đang được bàn thảo rộng rãi trong giới thần học Công giáo”[xiii] qua đó những khúc mắc về tín điều đặc ân vô ngộ có thể được giải quyết. Bà nhận xét: “Công đồng Vatican II đã đặc biệt chú trọng đến giáo hội địa phương, giám mục đoàn và sứ mạng của toàn thể Giáo hội;”[xiv] vì thế, “ơn vô ngộ có lẽ sẽ không còn được hiểu như là một thứ quyền bính được ban cho một người hay một nhóm người để phán từ trên phán xuống theo cấu hình kim tự tháp.”[xv]

Tắt một lời, Giáo hội Công giáo không bao giờ hủy bỏ tín điều về ơn vô ngộ của Đức Giáo hoàng là đặc ân đã được Giáo hội chính thức định tín kể từ Công đồng Vatican I. Mặc dù vậy, Giáo hội cũng đang có những cố gắng nhằm giải thích lại tín điều này cho phù hợp, nhờ vậy công cuộc đại kết được thúc đẩy hơn nữa.

Ơn vô ngộ trong nhãn giới Giáo hội học hiệp thông

Trên đây bài viết đã trình bày sơ lược nỗ lực của Giáo hội Công giáo trong việc giải thích lại đặc ân vô ngộ được ban cho vị Giám mục Rôma. Để làm sáng tỏ hơn nỗ lực này, bài viết sẽ đặc biệt tập chú vào cách giải quyết vấn đề của Công đồng Vatican II khi Công đồng nhấn mạnh đến Giáo hội học hiệp thông.

Có một sự thật đáng tiếc là lối nhìn cơ cấu Giáo hội theo cấu hình kim tự tháp đã ngự trị trong Giáo hội qua nhiều thế kỷ. O’Gara nhận xét rằng “cách hiểu cơ cấu Giáo hội theo mô hình kim tự tháp có tác dụng nhận mạnh sự duy nhất của Giáo hội, nhưng điều này lại dễ đưa đến sự nhầm lẫn giữa duy nhất và đồng nhất. Giáo hội địa phương được xem như là những miếng bánh được cắt ra tự một cái bánh lớn là Giáo hội hoàn vũ, và đã xảy ra hiện tượng trung ương tập quyền và việc sung bái cá nhân vị Giám mục Rôma.”[xvi] Tuy nhiên, Công đồng Vatican II đã đưa đến một sự thay đổi lớn khi nhấn mạnh đến một nền Giáo hội học hiệp thông, và nhờ vậy cũng tuyên định lại đặc ân vô ngộ của Đức Giáo hoàng theo tinh thần đại kết.

Dĩ nhiên, Công đồng Vatican II không hề phủ nhận những gì đã được định tín tại Công đồng Vatican I. Nói cách khác, Vatican II vẫn nhắc lại định tín về ơn vô ngộ của Vatican I, nhưng đồng thời cũng lại nhấn mạnh đến những thừa tác vụ khác ngoài Đức Giáo hoàng trong việc thực thi đặc ân vô ngộ được Thiên Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội nhằm giúp Giáo hội không lìa xa Chúa Kitô và các chân lý của Người. Cụ thể, Công đồng xác tín rằng các Giám mục cùng chia sẻ đặc ân vô ngộ khi các ngài hiệp nhất với vị Giám mục Rôma và khi các ngài nhóm họp tại một công đồng chung.[xvii] Nhận xét về sự thay đổi căn bản của Vatican II, Patrick Hartin giải thích rằng “vấn đề ở đây là Đức Giáo hoàng không bao giờ tách biệt, độc lập với quyền riêng của ngài; mà dĩ nhiên là ngài có thể thực thi quyền bính riêng biệt được ban cho ngài, nhưng với nhiệm vụ duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội, ngài thi hành sứ vụ ấy trong sự liên đới với các giám mục.”[xviii]

Bên cạnh việc nhấn mạnh đến Giám mục đoàn trong việc chia sẻ cùng một đặc ân vô ngộ với Đức Giáo hoàng, Vatican II cũng đề cao vai trò cảm thức đức tin của cộng đoàn tín hữu trong mối liên hệ với đặc ân này. Cụ thể, Công đồng xác quyết rằng “toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Gio 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa.”[xix] Mặc dầu Vatican II vẫn lặp lại quan điểm của Vatican I rằng những tuyên tín của Đức Giáo hoàng không đòi phải có sự chuẩn nhận của cộng đoàn tín hữu, nhưng Vatican II có ý đề cập đến việc thực thi đặc ân này “trong bối cảnh là việc thực thi đó là thành tố thiết yêu của toàn thể Giáo hội.”[xx] Yves Congar, một thần học gia đã có nhiều đóng góp cho Vatican II, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn tín hữu trong sự liên hệ với đặc ân vô ngộ. Ngài lưu ý rằng “Đức Giáo hoàng không tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng là ở trong cộng đoàn đức tin… Vì vậy, không hề có sự chối bỏ những đòi buộc của cộng đoàn tín hữu; sự vâng phục giả thiết một sự cộng tác, đồng trách nhiệm và do đó, ở một mức nào đó, nó bao hàm một sự đối thoại….”[xxi]

Như vậy, giải thích lại đặc ân vô ngộ dưới lăng kính Giáo hội học hiệp thông, Công đồng Vatican II mở ra một thời kỳ mới cho việc đối thoại đại kết về những vấn đề tín lý giữa Giáo hội Công giáo và các giáo hội Kitô khác.

Các Giáo hội Kitô hướng tới sự đối thoại đại kết về vấn đề đặc ân vô ngộ

Trong khi với Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo đã mở ngỏ cho việc đối thoại đại kết về đặc ân vô ngộ, các giáo hội Kitô khác cũng có những bước xúc tiến cần thiết cho công cuộc này.

Đối thoại với Giáo hội Tin lành phái Luther về đặc ân vô ngộ

Bản tuyên bố chung của Ủy ban đối thoại đại kết Công giáo – Tin lành cho thấy rằng Giáo hội Tin lành Luther xem việc giải thích đặc ân vô ngộ theo nhãn giới Giáo hội học hiệp thông như Công đồng Vatican II đã xác tín là cả một bước tiến quan trọng cho công cuộc đối thoại đại kết, bởi lẽ Giáo hội Tin lành Luther cũng đã cân nhắc đến quyền giáo huấn trong Hội thánh. Bản tuyên bố chung ghi nhận: “Trong khi Giáo hội Công giáo đang có những cân nhắc lại về ý nghĩa của đặc ân vô ngộ, thì nhiều tín hữu Tin lành Luther ý thức hơn đến tầm quan trọng của giáo huấn của công đồng chung hay quyền giáo huấn của toàn thể Hội Thánh.”[xxii] Mặc dầu anh em Tin lành Luther “vẫn tiếp tục đặt vấn đề về sự phù hợp khi nói đến quyền giáo huấn hay những định tín có tính cách vô ngộ,”[xxiii] nhưng họ ghi nhận rằng “trong Hội thánh có sự tồn tại quyền rao giảng và giáo huấn nhằm phục vụ sứ vụ công bố Lời và vì trật tự và nguyên tắc hiệp nhất trong Hội Thánh.”[xxiv]

Hơn nữa, bản tuyên bố chung này cũng giải gỡ những khúc mắc giữa hai giáo hội liên quan đến tín điều đặc ân vô ngộ bằng cách ghi nhận vai trò của cộng đoàn tín hữu trong việc đón nhận Tin mừng (mà cốt lõi của Tin mừng thì không bao giờ là lầm lạc). Cụ thể bản tuyên bố chung khẳng định: “Với ơn huệ đầy tràn của Thánh Thần, cộng đoàn tín hữu đóng vai trò chân thực trong việc tiếp nhận Sách Thánh và Tin mừng.”[xxv] Đặc biệt, bản tuyên bố chung cũng nêu lên sự đồng thuận quan trọng rằng “trong Hội thánh, sự hài hòa giữa các quyền giáo huấn và sự chấp nhận của cộng đoàn tín hữu làm nên dấu chứng cho thấy sự trung thành của Hội thánh đối với giáo huấn của Tin mừng.”[xxvi]

Đối thoại với Giáo hội Anh giáo về đặc ân vô ngộ

Ngoài Giáo hội Tin lành Luther sẵn sàng cân nhắc vấn đề tín lý về ơn vô ngộ, Giáo hội Anh giáo cũng có những ghi nhận tích cực về vấn đề này. Ủy ban quốc tế về đối thoại đại kết giữa Công giáo và Anh giáo (Anglican-Rôman Catholic International Commission – ARCIC) đã đưa ra những thông cáo quan trọng, trong đó ghi nhận rằng Giáo hội Anh giáo đang tiếp cận vấn đề tín lý này trong nhãn giới Giáo hội học hiệp thông. Xác tín Giáo hội là Hiệp thông, thông cáo chung của ARCIC giải thích rằng “Chúa Kitô là đầu của Hội thánh đã trao ban Thánh Thần để kiến tạo một cộng đoàn nhân loại hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Ý định đời đời của Thiên Chúa là muốn cho sự hiệp thông này đạt tới sự viên mãn. Hội thánh có sứ mạng phụng sự ý định nhiệm mầu này….”[xxvii] Bản thông cáo nhắc đến quyền tối thượng và giám mục đoàn như là những nhân tố cần thiết phục vụ sự hiệp nhất các giáo hội.[xxviii]

Như thế, theo ARCIC đặc ân vô ngộ được thi hành bởi đấng có quyền tối thượng như vị Giám mục Rôma chẳng hạn, nhưng không phải là nhân danh cá nhân vị đó mà là nhân danh toàn thể Hội thánh và vị lợi ích của toàn thể Hội thánh. Đặc ân này không phải để củng cố địa vị của một cá nhân, nhưng để củng cố sự hiệp thông trong Hội thánh. Xác định rõ chức năng của đặc ân vô ngộ, ARCIC nhấn mạnh: “Hiểu một cách đúng đắn, người có quyền tối thượng, như vị Giám mục Rôma chẳng hạn, sẽ thi hành sứ vụ coi sóc của mình trong ý hướng bảo đảm và gia tăng sự tín trung của tất cả các giáo hội đối với Chúa Kitô và với nhau.”[xxix] Hơn thế nữa, Giáo hội Anh giáo có thể thừa nhận rằng ơn vô ngộ được thực thi bởi vị có quyền tối thượng như Giám mục Rôma nhưng với điều kiện là những phán quyết của ngài phải gắn liền và được cân nhắc bởi toàn thể Hội thánh. Ghi nhận điểm này, ARCIC khẳng định: “Mọi thành phần của Hội thánh cùng có liên hệ trong các tuyên tín nhằm làm sáng tỏ và làm phong phú việc tiếp nhận chân lý…. Sự ưng nhận của các tín hữu là đặc điểm rõ ràng nhất cho thấy các phán quyết của thẩm quyền Giáo hội về những vấn đề đức tin được Chúa Thánh Thần thực sự gìn giữ cho khỏi mọi sai lầm.”[xxx]

Tựu trung, dưới cái nhìn về Giáo hội như là sự hiệp thông, “một thuật ngữ ưa được sử dụng trong các cuộc đối thoại đại kết ngày nay,”[xxxi] các giáo hội Kitô khác đang có những bước tiến tích cực trong việc tiếp cận vấn đề tín lý về ơn vô ngộ mà Giáo hội Công giáo đã chính thức định tín kể từ Công đồng Vatican I.

Vẫn đề tiếp nhận vẫn còn bỏ ngỏ phía trước

Trong khi giới thần học Công giáo đã có những nỗ lực lớn lao nhằm giải thích lại đặc ân vô ngộ và các giáo hội Kitô khác cũng có những ghi nhận tích cực để đi đến chỗ đối thoại với nhau về vấn đề này, thì xem chừng Vatican vẫn dè dặt chấp nhận những cách giải thích lại tín lý về đặc ân vô ngộ. Cụ thể, phản hồi Bản thông cáo sau hết (The Final Report) của ARCIC, năm 1982, Bộ Giáo lý và Đức tin đã đưa ra một văn kiện nhận định về bản thông cáo này, trong đó có nêu lên mối quan ngại rằng Ủy ban này quá nhấn mạnh đến vai trò của sự tiếp nhận của cộng đoàn tín hữu như là sự chuẩn nhận các giáo huấn của huấn quyền Hội thánh. Bộ Giáo lý và Đức tin, do đó, cho rằng việc nhấn mạnh như thế sẽ đi ngược lại với những gì Công đồng Vatican I và II đã định tín về đặc ân vô ngộ của Đức Giáo hoàng.[xxxii] Năm 1991, Bộ Giáo lý và Đức tin lại một lần nữa phàn nàn về Tuyên cáo chung của ARCIC khi bản tuyên cáo này vẫn nhất quyết chú trọng đến sự “ưng thuận của cộng đoàn tín hữu” như là điều kiện cần thiết để xác định những phán quyết của Đức Giáo Hoàng và công đồng chung về các vấn đề đức tin là được miễn trừ khỏi mọi sai lầm.”[xxxiii] Vatican khẳng khái công bố rằng đối với Giáo hội Công giáo, việc định tín một chân lý đức tin nào đó không do cộng đoàn tín hữu đảm nhận, nhưng do bởi thẩm quyền của các vị thầy trong Giáo hội như những gì Chúa Kitô đã ủy thác.[xxxiv]

Những dè dặt nêu trên cho thấy Vatican rất cẩn trọng đối với những tuyên bố nào đó khác biệt với lập trường của Giáo hội Công Giáo về vấn đề đặc ân vô ngộ. Những nghi ngại nêu trên cũng cho thấy Vatican rất thận trọng khi tiếp nhận các công thức định tín mới về đặc ân vô ngộ. Nhận xét về những nghi ngại của Vatican, O’Gara bảo rằng “thật khó để có thể bỏ đi não trạng cũ! Có vẻ như trong vấn đề tiếp nhận những cách giải thích lại đặc ân vô ngộ, Vatican tiếp tục bộc lộ lối suy nghĩ thời trước Công đồng Vatican II, một lối suy nghĩ quá nhấn đến trung ương tập quyền và coi nhận thức về chân lý như là cái gì đó không hề thay đổi.”[xxxv]

Tuy vậy, suy xét cho cùng về những dè dặt của Vatican ta có thể nhận xét rằng khi bày tỏ sự lo ngại trước những thông cáo của ARCIC, Vatican chỉ muốn tránh khỏi mọi hình thức nhấn mạnh quá đáng làm ảnh hưởng đến tín lý tinh tuyền về đặc ân vô ngộ. Hơn nữa, vì tín lý này đã “được thiết định trong đời sống đức tin của Giáo hội Công giáo,”[xxxvi] nên sự dè dặt của Vatican là cần thiết để nhắc nhớ cho những ai đang có trách nhiệm trong các cuộc đối thoại đại kết rằng đối thoại đại kết không phải là vấn đề thỏa hiệp hay chịu lụy lẫn nhau và không thể đạt được các tuyên cáo chung trong các cuộc đối thoại đại kết bằng cách giảm thiểu các quan điểm khác biệt về thần học của các bên.

Hướng về một tương lai tươi sáng

Mặc dầu hiện nay Vatican có những nghi ngại và dè dặt trong việc tiếp nhận những cách giải thích lại về đặc ân vô ngộ và đồng thời các giáo hội Kitô khác dù sao vẫn xem vấn đề tín lý về ơn vô ngộ của Đức Giáo hoàng như là một nỗi nhức nhối, chúng ta vẫn có thể nhìn về một tương lai bớt mịt mù hơn, trong đó ta vẫn hy vọng tìm được hướng đi mới cho vấn đề đại kết. Hướng tới một tương lai sáng sủa hơn, William Abraham khẳng định một cách lạc quan rằng:

Đến thời điểm này chúng ta có thể an tâm khi nhìn thấy sự tiến triển trong vấn đề tín lý về ơn công chính hóa qua Tuyên bố chung vào tháng 6 năm 1999. Hai thế hệ về trước, ít ai có thể nghĩ rằng sẽ có một sự đồng thuận chính thức về vấn đề này; vậy mà bây giờ điều cần thiết đó đã xảy ra. Cũng thế, ít ai nghĩ rằng cuộc tranh cãi về tín lý Filioque có thể được giải quyết, nhưng điều này đã xảy đến khi có một ghi nhận chung vào ngày 13 tháng 12 ngay sau khi Đức Gioan Phaolô II có buổi tọa đàm với Đức Thượng phụ Batôlômêô I ngày 29 tháng 6 năm 1995. Vậy thì cũng thế, chúng ta có thể thoát ra khỏi nỗi thất vọng về việc giải quyết vấn đề ơn vô ngộ, dẫu biết rằng đây là vấn đề đưa đến một thách đố lớn, độc nhất vô nhị.[xxxvii]

Một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất cho niềm hy vọng này là các giáo hội Kitô đang nỗ lực hết sức đề cùng làm chứng cho Tin mừng ngang qua việc tích cực thúc đẩy các cuộc đối thoại đại kết trong một thế giới đa nguyên về tôn giáo như ngày nay.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R

--------------------------------------------------------------------------------

[i] Avery Dulles, A Church to Believe in (New York: Crossroad, 1982), 133.
[ii] Anglican-Rôman Catholic International Commission (ARCIC), “Authority in the Church I” in The Final Report (London: SPCK & Catholic Truth Society, 1982), #24
[iii] Lutheran-Rôman Catholic Dialogue, “Teaching Authority and Infallibility in the Church: Lutheran Reflections” in Teaching Authority and Infallibility in the Church, eds. Paul C. Empie, T. Austin Murphy, and Joseph A. Burgess (Minneapolis: Augsburg Publishing House, 1980) #4.
[iv] William J. Abraham, “Ut Unum Sint and Papal Infallibility: A Response” in The Legacy of John Paul II, ed. Tim Perry (Downers Grove, IL : InterVarsity Press, 2007),146.
[v] John T. Ford, “Infallibility – From Vatican to the Present,” Journal of Ecumenical Studies 8, no 4 (Fall 1971): 768.
[vi] Ibid., 790.
[vii] George Lindbeck, “The Reformation and the Infallibility Debate” in Teaching Authority and Infallibility in the Church, eds. Paul C. Empie, T. Austin Murphy, and Joseph A. Burgess (Minneapolis: Augsburg Publishing House, 1980), 110.
[viii] Ibid.
[ix] Avery Dulles, “Moderate Infallibilism” in Teaching Authority and Infallibility in the Church, eds. Paul C. Empie, T. Austin Murphy, and Joseph A. Burgess (Minneapolis: Augsburg Publishing House, 1980), 82.
[x] Margaret O’Gara, “Reconceptualizing Infallibility in Ecumenical Dialogue: Epsitemology, Eclesiology, and the Issue of Reception” in The Ecumenical Gift Exchange (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1998), 64.
[xi][xi] Ibid., 66.
[xii] Ibid., 65.
[xiii] Ibid., 70.
[xiv] Ibid.
[xv] Ibid.
[xvi] Ibid.
[xvii] Lumen Gentium, #25.
[xviii] Patrick Hartin, “Sensus Fidelium: A Rôman Catholic Reflection on Its Significance for Ecumenical Thought,” Journal of Ecumenical Studies 28, no 1 (Winter 1991): 81-82.
[xix] Lumen Gentium, #12.
[xx] Hartin, “Sensus Fidelium: A Rôman Catholic Reflection on Its Significance for Ecumenical Thought,” 82.
[xxi] Yves Congar, Blessed Is the Peace of My Church, trans. Salvator Attanasio (Denville: Dimension Books, 1973), 78.
[xxii] Lutheran-Rôman Catholic Dialogue, “Teaching Authority and Infallibility in the Church: Lutheran Reflections,” #18.
[xxiii] Ibid., #20.
[xxiv] Ibid.
[xxv] Lutheran-Rôman Catholic Dialogue, “Teaching Authority and Infallibility in the Church: Common Statement,” #12.
[xxvi] Lutheran-Rôman Catholic Dialogue, “Teaching Authority and Infallibility in the Church: Convergences,” #41.
[xxvii] Anglican-Rôman Catholic International Commission, “Authority in the Church I,” #1.
[xxviii] Ibid., #19 & 23.
[xxix] Ibid., #24.
[xxx] Anglican-Rôman Catholic International Commission, “Authority in the Church II,” #25.
[xxxi] Michael Kinnamon, “Ecumenical Dialogue: What Unites Us? What Divides Us,” Mid-Stream 36, no 2 (April 1997): 212.
[xxxii] Congregation for the Doctrine of the Faith, “Observation on the ARCIC Final Report,” Origins 11 (1981-82) 755-56, quoted in Margaret O’Gara, “Reconceptualizing Infallibility in Ecumenical Dialogue: Epsitemology, Eclesiology, and the Issue of Reception” in The Ecumenical Gift Exchange (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1998), 74.
[xxxiii] “Vatican Responds to ARCIC Final Report,” Origins 21 (1991-92): 444, quoted in Margaret O’Gara, “Reconceptualizing Infallibility in Ecumenical Dialogue: Epsitemology, Eclesiology, and the Issue of Reception” in The Ecumenical Gift Exchange (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1998), 75.
[xxxiv] Ibid.
[xxxv] O’Gara, “Reconceptualizing Infallibility in Ecumenical Dialogue: Epsitemology, Eclesiology, and the Issue of Reception,” 78.
[xxxvi] Abraham, “Ut Unum Sint and Papal Infallibility: A Response,” 146.
[xxxvii] Ibid., 144.