Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Phóng sự: Những căn nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng

VRNs (04.07.2011) – Hà Nội – Có rất nhiều người đã từng đến bãi Giữa sông Hồng, gần cầu Long Biên – Hà Nội để tận hưởng cảm giác mát mẻ của những làn gió thổi hiu hiu, nhẹ nhàng hòa với vẻ đẹp tự nhiên của cảnh vật, nhưng ít ai biết đến những gia đình sinh sống với những ngôi nhà hết sức đặc biệt trên sông Hồng. Thứ năm ngày 16.06.2011 nhóm phóng viên TLMK đã tìm đến các gia đình nơi đây.

Ở tại khu vực này hiện có 24 hộ gia đình đang sống trong những ngôi nhà nổi trên nước, nhìn chung cuộc sống của họ đều khó khăn. Chúng tôi may mắn tiếp xúc được gia đình bác Mai. Bác Mai cho biết: trước khi bác đến đây thì đã có một số hộ gia đình sống nơi đây, có gia đinh đã sống ở đây tới nay 20 năm. Gia đình bác có 10 người, quê gốc Phú Xuyên, Hà Nội. Bác Mai năm nay 58 tuổi, con trai là anh Tuấn 22 tuổi, vợ là chị Hải cùng tuổi đang làm thuê ở Lào Cai. Bác còn có cô con gái tên Ngân 20 tuổi, chồng là anh Sơn 25 tuổi, đang làm bốc vác thuê. Ngoài ra, bác có một người con gái đã mất tích là em Hà. Gia đình bác đã lên ở đây được gần 17 năm.

Khi nói về cuộc sống sinh hoạt bác cho biết hằng ngày dậy từ rất sớm để đi làm. “Vì công việc vất vả, nên chúng tôi thường đi ngủ rất sớm vào buổi tối”. Bác nói: “ở đây nhiều muỗi lắm cô chú ạ”.

Trong nhà có một chiếc Tivi đen trắng rất cũ, 2 bóng đèn nhỏ, 1 chiếc quạt cóc, không giường, căn nhà chỉ có chưa đầy 10m2 được chia làm 3 gian, gian giữa khoảng 4m2, hai bên là gian bếp và gian phụ, mái che bằng cót khi mưa có thể bị dột, ướt, nguồn điện cung cấp cho căn nhà là bình Ắcqui, hết điện phải đi vào phố thuê sạc, mỗi bình mất 10.000đ, mỗi lần sạc dùng được khoảng 1 tuần.

Khi chia sẻ về công việc hàng ngày bác cho biết chúng tôi phải làm việc rất vất vả, cực nhọc: phải đi làm thuê kiếm sống, nhặt rác, nhặt giấy, bốc vác, lau nhà thuê… Công việc thì rất vất vả, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, nhiều khi không đủ ăn. Bác chia sẻ tiếp: vì xưa kia không có điều kiện được học hành nên bây giờ gặp rất nhiều khó khăn, nên phải làm các công việc rất vất vả, thấp kém như vậy. Bác nói tiếp: “đã khó khăn lại càng khó khăn thêm” nhất là những khi có những trận bão lớn thì có thể làm ngôi nhà bị tốc mái làm cuộc sống.

Khi nhóm chúng tôi hỏi về sức khoẻ của gia đình, Bác và chị Ngân nói trong niềm vui: “được trời thương chúng tôi khỏe lắm chẳng có bệnh tật gì cả, các cháu lại rất ngoan, nên cuộc sống có nhiều niềm vui”.

Nguyện ước của bác và gia đình là mong muốn có một ngôi nhà rộng hơn, ổn định để đỡ chật trội. Mặc dù, phải sống rất khó khăn như vậy nhưng gia đình luôn yêu thương nhau để cùng vượt qua khó khăn trước mắt.

Nói về an ninh, bác cho biết không có tình trạng ăn cắp, ăn trộm nơi đây. Chính quyền cũng đã quan tâm, không đuổi những hộ dân ở đây đi nữa. Nhìn chung tình anh em hàng xóm nơi đây sớm tối có nhau, cùng chia vui, sẻ buồn với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn.

Khi hỏi về cuộc sống trước đây bác Mai cho biết: xưa kia bác ở quê làm ruộng, nhưng do hoàn cảnh gia đình vợ chồng bất hòa, chia rẽ rồi ly hôn nên không có chỗ ở, do đó phải bỏ quê đi lên Hà Nội để kiếm sống. Trong nghẹn ngào bác nói tiếp: lúc đầu mới lên thì vất vả lắm, phải đi ở thuê mà tiền không có, sau vài năm bác mua được phao của một người bạn với giá 1 triệu đồng, số tiền này do con trai của bác đi đánh giầy tiết kiệm được.

Hoàn cảnh gia đình bác Mai cũng là hoàn cảnh chung của các hộ gia đình sống nơi đây. Qua đó chúng ta hiểu thêm phần nào về những khó khăn của họ.

Trong xã hội ngày nay, mặc dù đất nước đang đổi mới, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tình trạng phân biệt giầu nghèo có khoảng cách rất xa, người giàu thì vẫn cứ giàu, người nghèo thì lại càng nghèo. Gia đình bác Mai và các hộ gia đình ở đây thuộc tầng lớp những người nghèo trong xã hội.

JB Nguyễn Văn Tường – Anna Nguyễn Thị Long – Giuse Đỗ Văn Mạnh – JB Hoàng Văn Khuê