Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo (1)

VRNs (07.07.2011) – Sài Gòn – Thượng hội đồng Giám mục Thế giới thường niên lần XII (THĐGM XIII): Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo





LINEAMENTA (đề cương) do Văn phòng Tổng thư ký THĐGM XIII công bố ngày 02.02.2011, để dân Chúa khắp nơi trên thế giới dựa vào đó cùng thảo luận, góp ý xây dựng, để khi THĐGM XIII diễn ra, thì tuy đa số là các Đức giám mục, vẫn mang đậm dấu ấn dân Chúa.

Nội dung của đề cương làm việc được bắt đầu bằng phần dẫn nhập, đề cập đến tính cấp bách của cuộc tân phúc âm hoá, bổn phận rao giảng Tin Mừng, sứ vụ rao giảng Tin Mừng và việc phân định, việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, bắt đầu từ những thách thức.

Phần chính được chia làm ba chương:

1. THỜI ĐIỂM CHO MỘT CUỘC “TÂN PHÚC ÂM HOÁ”

- “Tân phúc âm hoá”. Ý nghĩa của một định nghĩa
- Bối cảnh của cuộc tân phúc âm hoá
- Người Kitô hữu đứng trước bối cảnh mới này
- “Tân phúc âm hoá” và nhu cầu linh đạo
- Các cách thức mới để “là Hội Thánh”
- Phúc âm hoá ban đầu, chăm sóc mục vụ và cuộc tân phúc âm hoá

2. CÔNG BỐ TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ

- Gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Đức Kitô: mục đích của truyền bá đức tin
- Hội Thánh truyền bá đức tin mình đang sống
- Lời Thiên Chúa và việc truyền bá đức tin
- Khoa sư phạm đức tin
- Các Giáo Hội địa phương: chủ thể truyền bá đức tin
- Lý giải: Phong cách rao giảng
- Các kết quả của việc truyền bá đức tin

3. KHAI TÂM VÀO KINH NGHIỆM KITÔ GIÁO

- Khai tâm Kitô giáo, tiến trình rao giảng Tin Mừng
- Loan báo ban đầu và các hình thức mới cần có để nói về Thiên Chúa
- Khai tâm đức tin; giáo dục sự thật
- Mục đích của một “khoa sinh thái nhân vị”
- Người rao giảng Tin Mừng và người giáo dục: vì là chứng nhân

Phần cuối là kết luận với những gợi ý hướng đến suy tư và kinh nghiệm thực tế của lễ Hiện Xuống: Nền tảng của cuộc “tân phúc âm hoá”, “Tân phúc âm hoá”, tầm nhìn cho Hội Thánh hôm nay và ngày mai, và niềm vui rao giảng Tin Mừng.

Đây là một tài liệu quan trọng giúp mọi thành phần trong Giáo hội hoàn vũ cùng nhau chuyển mình, khám phá lại kinh nghiệm niềm tin Kitô giáo của riêng mình và của cộng đoàn mình là thành viên. Từ đó cùng nhau vạch ra một lối đi trong quyền ăng của Chúa Thánh Thần.

VRNs trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương làm việc này, dựa trên bản dịch chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện, do Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm gởi đến các Tòa giám mục, và qua đó gởi đến cộng đồng dân Chúa. Vì đây là tài liệu quan trọng và dài, nên VRNs sẽ chuyển đến quý vị từng phần một. Cuối mỗi phần có những câu hỏi để cùng nhau chia sẻ. VRNs hy vọng nhận được những chia sẻ của quý độc giả gần xa để chuyển tiếp tục chuyển đến cho nhiều người được chia sẻ hơn.

Bây giờ xin quý vị bước vào phần đầu tiên.

--------------------------

Thượng hội đồng Giám mục Thế giới thường niên lần XII
Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo
LINEAMENTA (đề cương)


LỜI TỰA

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:19-20). Trước khi lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (x. Ep 1, 20), Đức Giêsu Kitô đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới. Họ là một nhóm người làm chứng về Đức Giêsu Nadarét, về cuộc sống trần thế của Người, các lời giảng dạy, cái chết và nhất là sự phục sinh của Người (x. Cv 1:22). Đây là một nhiệm vụ quá lớn, vượt trên khả năng của họ. Để khích lệ họ, Người hứa Đấng Bảo Trợ do Chúa Cha gửi đến sẽ đến nhân danh Người (x. Ga 14:26) để “dẫn [họ] … tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Hơn nữa, Người bảo đảm sự hiện diện thường hằng của Người với họ: “Và đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Sau biến cố Hiện Xuống, khi ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên các tông đồ (x. Cv 2:3) đang tụ tập cầu nguyện “cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1:14), lệnh truyền của Chúa Giêsu bắt đầu được thực hiện. Thánh Thần được Đức Giêsu Kitô ban tặng dồi dào (x. Ga 3:34) đã có mặt ngay từ khởi đầu của Hội Thánh mang bản chất là truyền giáo. Thật vậy, ngay sau khi lãnh nhận dầu xức của Chúa Thánh Thần, Thánh Phêrô Tông Đồ “đứng dậy…lên tiếng” (Cv 2:36) công bố ơn cứu độ nhân danh Đức Giêsu, Đấng mà “Thiên Chúa đã đặt làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô” (Cv 2: 36). Được ơn Chúa Thánh Thần biến đổi, các môn đệ phân tán đi khắp nơi trên thế giới được biết đến thời bấy giờ, và đã truyền bá “Tin Mừng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Lời loan báo của họ lan tới tận các vùng Địa Trung Hải, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con ban tặng, những người kế vị các tông đồ đã theo đuổi sứ mạng này, một sứ mạng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày tận thế. Bao lâu còn tồn tại, Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng về Nước Chúa đến, loan báo những lời dạy của Thầy và Chúa của mình, và nhất là con người Đức Giêsu Kitô.

Từ “Tin Mừng” hay “Phúc Âm” – τò εúαγγέλιον - đã được sử dụng ngay từ thời Hội Thánh vừa mới khai sinh. Thánh Phaolô thường xuyên dùng từ này để chỉ về toàn thể nhiệm cục cứu độ mới (x. 1 Tx 1:5 tt.; Gl 1:6-9 tt.) và việc rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài (x. 1 Tx 2:24) và ngài đã thực hiện “giữa muôn vàn chống đối và khích bác” (1 Tx 2:2). Không chỉ một mình Máccô sử dụng (x. Mc 1:14.15; 8:35; 10:29; 13:10; 14:9; 16:15), từ “Tin Mừng” còn được tác giả Tin Mừng Mátthêu sử dụng, thường là trong cụm từ kết hợp đặc biệt “Tin Mừng Nước Trời” (Mt 9:35; 24:14; x. 26:13). Thánh Phaolô cũng sử dụng động từ “εúαγγελίσασθαι” (“rao giảng Tin Mừng” hay “phúc âm hoá – x. 2 Co 10:16) mà ta còn gặp thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. đặc biệt Cv 8, 4.12.25.35.49) và cách dùng này đã được phát triển rộng rãi trong suốt lịch sử của Hội Thánh.

Vào thời gần đây, thuật ngữ “rao giảng Tin Mừng” hay “phúc âm hoá” chỉ về mọi khía cạnh hoạt động của Hội Thánh. Tông Huấn Evangelii nuntiandi (EN), công bố ngày 8-12-1975, nói rằng phúc âm hoá bao gồm việc giảng thuyết, huấn giáo, phụng vụ, đời sống bí tích, việc đạo đức bình dân và chứng tá đời sống Kitô giáo (x. EN 17.21.48 tt.). Trong Tông Huấn này, Tôi Tớ Chúa, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã vạch ra những kết quả của Đại Hội Thường Kỳ lần thứ III của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức từ 27 tháng 9 đến 26 tháng 10, 1974, để bàn về chủ đề rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện đại. Trong các thập niên sau đó, văn kiện này đã cung cấp một lực đẩy mạnh cho hoạt động rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, và hoạt động này đồng thời đã dẫn đến một sự thăng tiến con người đích thực (x. EN 29.38.70).

Trong bối cảnh rộng hơn của việc rao giảng Tin Mừng, một sự chú ý đặc biệt được dành cho việc công bố Tin Mừng cho những con người và những dân tộc mà cho đến nay vẫn chưa được biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc (missio ad gentes) này đã làm nổi bật nét đặc trưng của hoạt động hiện nay của Hội Thánh, bao gồm một số thời điểm quan trọng trong lịch sử Hội Thánh, chẳng hạn như các cố gắng truyền giáo tại Châu Mỹ, và tiếp đến là tại Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương. Trong Sắc Lệnh Ad gentes (AG), Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh bản chất truyền giáo của toàn thể Hội Thánh. Tuân theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô, Đấng Sáng Lập của mình, những người Kitô giáo không những phải hỗ trợ bằng kinh nguyện và giúp đỡ vật chất cho các vị truyền giáo, cách riêng những người rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo, mà chính họ cũng được kêu gọi góp phần vào việc truyền bá Nước Thiên Chúa trên thế giới, mỗi người tuỳ theo ơn gọi và khả năng riêng của mình. Nhiệm vụ này đặc biệt trở nên cấp bách trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay, khi mà vì lý do này hay lý do khác, nhiều người chưa từng biết đến Đức Giêsu Kitô nay đang di dân đến các nước có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu và vì thế có điều kiện tiếp xúc với người Kitô giáo là những chứng nhân của Chúa Phục Sinh, luôn hiện diện trong Hội Thánh của Người, đặc biệt trong Lời của Người và các bí tích.

Kể từ khi được thiết lập 45 năm về trước, Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) đã từng khai triển đề tài missio ad gentes trong nhiều đại hội khác nhau của mình. Vào các dịp như thế, các giám mục một mặt xem xét về bản chất truyền giáo của Hội Thánh, và mặt khác xét đến các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, trong đó Sắc Lệnh Ad gentes đã gán cho Thượng Hội Đồng Giám Mục một đặc tính truyền giáo chuyên biệt: “Vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới trước hết là việc của Giám Mục Đoàn, nên THĐGM, tức “Hội Đồng Giám Mục thường trực để lo cho toàn Giáo Hội”, giữa những công tác có tầm quan trọng tổng quát khác, phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt động truyền giáo, một nhiệm vụ rất quan trọng và rất thánh thiện của Hội Thánh.” (*)

Những thập niên gần đây, người ta nói nhiều về tính cấp bách của cuộc tân phúc âm hoá. Vì rao giảng Tin Mừng là nét đặc trưng của hoạt động bình thường của Hội Thánh và vì việc loan báo Tin Mừng ad gentes đòi hỏi việc thành lập cộng đoàn địa phương và các Giáo Hội địa phương tại những xứ truyền giáo trong cuộc phúc âm hoá lần đầu, nên cuộc tân phúc âm hoá chủ yếu nhắm tới những người đã rời xa Hội Thánh tại những nước đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Không may, hiện tượng này đang tồn tại ở những mức độ khác nhau ngay tại những nước mà Tin Mừng đã được loan báo vào những thế kỷ trước, nhưng nay không còn được đón nhận đủ để biến đổi những con người, gia đình và xã hội theo tinh thần Kitô giáo. Mặc dù các tình hình này đã được thảo luận thích hợp trong các Đại Hội Đặc Biệt của các Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp châu lục và cấp vùng được tổ chức nhân dịp chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, nhưng đề tài này vẫn còn là một thách thức lớn cho toàn thể Hội Thánh. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, sau khi tham khảo ý kiến các giám mục, đã quyết định triệu tập Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của THĐ Giám Mục từ ngày 7 đến 28 tháng 10, 2012 để thảo luận đề tài: Tân Phúc Âm hoá để truyền bá Đức Tin Kitô giáo.

Tiếp nối những suy tư đã có từ trước đến nay về đề tài này, mục tiêu của đại hội Thượng Hội Đồng sẽ là xem xét tình hình hiện nay tại các Giáo Hội địa phương và cùng với Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Giám Mục Rôma và Mục Tử của Hội Thánh hoàn vũ, vạch ra các cách thức và phương tiện để truyền bá Tin Mừng cho con người trong thời đại chúng ta hôm nay với sự nhiệt tình của các thánh, những chứng nhân hân hoan của Chúa Giêsu Kitô, “Đấng đã có, hiện có và đang đến” (Kh 4:8). Đây chính là rút ra một thách thức giống như viên kinh sư trở thành môn đệ của Nước Trời đã biết rút ra những cái mới và những cái cũ từ kho tàng châu báu của Truyền Thống (x. Mt 13:52).

Bản Đề Cương Lineamenta này đã được soạn thảo với sự trợ giúp của Hội Đồng Thường Trực thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho đại hội này của Thượng Hội Đồng. Cuối mỗi chương sẽ có những câu hỏi nhằm gợi ý thảo luận ở mọi cấp của Hội Thánh. Nhằm mục đích ấy, Lineamenta này được gửi tới các Thượng Hội Đồng Giám Mục tự chủ (sui iuris) của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các Hội Đồng Giám Mục, các ban của giáo triều Rôma và Hiệp Hội các Bề Trên Tổng Quyền là những cơ quan có quan hệ chính thức với Văn Phòng Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Các cơ quan nêu trên cần khuyến khích thảo luận về văn kiện này trong các lãnh vực thuộc thẩm quyền của họ: các giáo phận, các giáo hạt mục vụ, các giáo xứ, các tu hội, các hiệp hội, các phong trào, v.v… Sau đó, các Hội Đồng Giám Mục, các Thượng Hội Đồng Giám Mục và các cơ quan nói trên sẽ tóm tắt các nhận xét và gửi bản tường trình về cho Văn Phòng Tổng Thư Ký trước ngày 1 tháng 11, 2011, Đại Lễ Các Thánh. Với sự trợ giúp của Hội Đồng Thường Trực, các phản hổi này sẽ được phân tích kỹ và đúc kết để trở thành công cụ làm việc Instrumentum laboris, là văn bản làm việc cho đại hội của Thượng Hội Đồng.

Trong khi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với cố gắng hợp tác này, một biểu thị của sự trao đổi quí báu các khả năng, sự quan tâm và lo lắng mục vụ, tôi xin phó thác mọi khía cạnh của Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII này của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho sự bảo trợ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm Hoá. Nhờ sự chuyển cầu của Người, xin cho Hội Thánh được ơn canh tân trong Thánh Thần, để với lòng nhiệt thành, Hội Thánh có thể đem ra thực hành trong thời đại chúng ta lệnh truyền của Chúa Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16:15).

Nikola ETEROVIĆ
Tổng Giám Mục Hiệu Toà Cibale
Tổng Thư Ký
Thành Phố Vatican, ngày 2 tháng 2, 2011
Lễ Dâng Chúa và Đền Thờ

(*) Ad Gentes, Sắc lệnh về Truyền Giáo số 29. Các trích dẫn Công Đồng Vaticanô II lấy từ bản dịch tiếng Việt của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đàlạt, 1972. ― Các trích dẫn Kinh Thánh lấy từ bản dịch tiếng Việt của Nhóm CGKPV, 1999.

NHẬP ĐỀ

“Những kẻ không tìm Ta lại được gặp Ta; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy.” (Rm 10:20)

1. Sự cấp bách của việc “tân phúc âm hoá”

Vào lúc bế mạc Đại Hội Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng cho vùng Trung Đông, ĐTC Bênêđitô XVI đã rõ ràng đặt đề tài tân phúc âm hoá lên vị trí hàng đầu trong nghị trình của Hội Thánh. “Trong các khoá họp của Thượng Hội Đồng, vấn đề thường xuyên được nhấn mạnh là nhu cầu cống hiến Tin Mừng một cách mới mẻ cho những người không biết rõ Tin Mừng hay thậm chí những người đã rời xa Hội Thánh. Thượng Hội Đồng cũng thường xuyên nhắc đến nhu cầu của một cuộc Tân phúc âm hoá cho vùng Trung Đông nữa. Đây là một chủ đề khá phổ biến, đặc biệt tại các nước mà Kitô giáo từ lâu đã ăn rễ sâu rồi. Việc thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá mới đây cũng đáp ứng nhu cầu sâu xa này.

Vì vậy, sau khi tham khảo ý kiến các giám mục trên toàn thế giới và lắng nghe Hội Đồng Thường Trực của Văn Phòng Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi đã quyết định dành cho Đại Hội Thường Kỳ năm 2012 tới đây chủ đề này: “Nova evangelizatio ad christianam fidem tradendam ― Tân phúc âm hoá để truyền bá đức tin Kitô giáo.” (1)

Đức Thánh Cha lưu ý rằng quyết định chọn đề tài này cho Đại Hội Thường Kỳ sắp tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục là một phần của một kế hoạch thống nhất bao gồm việc thiết lập mới đây một uỷ ban chuyên trách (2) tại giáo triều Roma và việc công bố Tông Huấn hậu-Thượng Hội Đồng Verbum Domini. (3)

Kế hoạch này đã phát sinh từ quyết tâm của Hội Thánh trong việc canh tân hoạt động rao giảng Tin Mừng, vốn là một nét nổi bật của Quyền Giáo Huấn và tông đồ vụ của cả hai Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Ngay từ Công Đồng Vaticanô, việc tân phúc âm hoá đã ngày càng tỏ ra là một công cụ thích hợp và đúng lúc để đối diện với các thách thức của thế giới đang thay đổi mau lẹ, và là cách thức đáp lại lòng quảng đại của Thiên Chúa trong việc chúng ta được Chúa Thánh Thần qui tụ lại với nhau để cảm nghiệm về Thiên Chúa như là Cha của tất cả chúng ta, để làm chứng và rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

2. Bổn phận rao giảng Tin Mừng

Khi rao giảng và truyền bá đức tin, Hội Thánh noi gương Thiên Chúa, Đấng tự truyền thông qua việc ban tặng cho nhân loại Con của Người, là Đấng sống trong sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và tuôn đổ Thánh Thần để thực hiện cuộc đối thoại với loài người. Để việc rao giảng Tin Mừng có thể phản chiếu sự truyền thông này, Hội Thánh phải để cho mình được uốn nắn bởi Thánh Thần và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh, Đấng mặc khải cho thế giới những đặc tính của tình thương và sự hiệp thông của Thiên Chúa.

Bằng cách này, Hội Thánh sẽ tái khám phá ơn gọi của mình như là Ecclesia mater, Mẹ Hội Thánh, người mẹ sinh ra cho Chúa những người con bằng việc truyền đạt đức tin và dạy cho họ biết tình yêu đã sinh ra và nuôi dưỡng các con cái mình.

Tâm điểm của việc rao giảng là Đức Giêsu Kitô, Đấng được người ta tin và làm chứng. Truyền đạt đức tin có nghĩa cơ bản là truyền đạt Kinh Thánh, trên hết là Tin Mừng, để tạo cơ hội cho người ta biết Đức Giêsu là Chúa.

Đức Thánh Cha Phaolô VI không ngừng nhấn mạnh cho các tín hữu vị trị tối thượng của việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: “Rất hữu ích khi mỗi Kitô hữu và mỗi người rao giảng cầu nguyện theo ý này: nhờ ơn Chúa, xin cho mọi người có thể đạt được ơn cứu độ không chỉ nhờ việc chúng ta rao giảng Tin Mừng cho họ, mà còn bằng nhiều cách khác nữa; nhưng đối với chính chúng ta, liệu chúng ta có thể được cứu độ hay không, nếu vì sự lười biếng, sợ hãi, xấu hổ―điều mà Thánh Phaolô gọi là ‘cắt xén Tin Mừng’―hay vì những ý tưởng sai lạc, chúng ta không rao giảng Tin Mừng?” (4)

Câu hỏi này ở đoạn kết của Evangelii nuntiandi có thể là một lời chú giải cho câu nói của Thánh Phaolô được dẫn ở phần đầu. Nó cũng cho phép chúng ta đi thẳng vào tâm điểm của chủ đề này, đó là, vị trí trung tâm tuyệt đối của nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng đối với Hội Thánh hôm nay. Một sự đánh giá lại các kinh nghiệm và thái độ của chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng sẽ giúp cải thiện lối thực hành và phương pháp rao giảng của chúng ta, không chỉ đơn thuần ở bình diện thực tế. Ở một bình diện sâu hơn, tiến trình này sẽ cho phép chúng ta xác nhận chất lượng đức tin của mình, xác định ý thức mình “cảm thấy” và “sống” tư cách của người Kitô hữu và môn đệ Chúa Kitô, những con người được sai đi để loan báo Người cho thế giới, và là những chứng nhân được tràn đầy Thánh Thần (x. Lc 24:28tt. Cv 1:8) và được gọi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ (x. Mt 28:19tt.).

Những lời kể của các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24:13-35) minh hoạ cho trường hợp việc loan báo Đức Kitô có thể thất bại: những lời của họ không có khả năng thông truyền sự sống. Khi kể lại nỗi ê chề thất vọng của mình, hai môn đệ đã rao giảng về một con người đã chết (x. Lc 24:21-24). Đối với Hội Thánh trong mọi thời đại, những lời họ kể nói đến khả năng có một sự rao giảng không đem lại sự sống nhưng lại cột chặt cả người rao giảng lẫn người nghe vào cái chết của Đức Kitô mà họ rao giảng. Câu hỏi về việc thông truyền đức tin không bao giờ là một công việc cá nhân, đơn lẻ, nhưng là một biến cố tập thể, giáo hội. Câu hỏi này không được hướng các câu trả lời tới chỗ tìm kiếm một chương trình truyền thông hiệu quả, càng không thể tập trung một cách phân tích vào người nghe, như giới trẻ chẳng hạn. Nó cũng không thể là một câu hỏi liên quan đến người được gọi để thi hành công việc thiêng liêng này. Nó phải trở thành một câu hỏi của Hội Thánh về chính bản chất của mình.

Như thế, vấn đề không phải được nhìn từ bên ngoài nhưng được đặt đúng bối cảnh của nó và được xử lý đúng, nghĩa là toàn thể Hội Thánh trong tất cả bản chất và hoạt động của mình được đưa vào tâm điểm thảo luận. Có lẽ đây là cách để có thể hiểu ra rằng vấn đề kém hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo thời nay là một vấn đề giáo hội học, liên quan tới việc Hội Thánh có khả năng nhiều hay ít trong việc trở thành một cộng đoàn thực thụ, một tình huynh đệ đích thực, một thân thể, chứ không phải một cái máy hay một công trình. “Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo.” (5)

Khẳng định này của Công Đồng Vaticanô II tóm lược một cách đơn sơ và đầy đủ Truyền Thống của Hội Thánh. Hội Thánh là truyền giáo, vì Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Giêsu và sứ mạng của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha. (6)

Hơn nữa, Hội Thánh là truyền giáo bởi vì Hội Thánh trở về và sống lại thời kỳ đầu của mình qua việc rao giảng và làm chứng mặc khải này của Thiên Chúa và qua việc qui tụ lại Dân Thiên Chúa tản mác khắp nơi, để nhờ đó Hội Thánh có thể hoàn thành lời tiên tri của ngôn sứ Isaia mà các Giáo Phụ đã áp dụng vào cho Hội Thánh: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc, (3) vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc và đến ở trong các thành bỏ hoang.” (Is 54:2-3). (7)

Các lời của Thánh Phaolô Tông Đồ, “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16) có thể chỉ về toàn thể Hội Thánh và áp dụng vào Hội Thánh. Đức Phaolô VI khẳng định: “… rao giảng cho muôn dân chính là sứ mạng cốt yếu của Hội Thánh. Nhiệm vụ và sứ mạng này đặc biệt cấp bách vì những thay đổi sâu rộng trong xã hội ngày nay. Thật vậy, rao giảng Tin Mừng là ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính nổi nhất của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng..” (8)

Trong hoạt lực kép vừa truyền giáo vừa phúc âm hoá này, Hội Thánh không chỉ thể hiện vai trò tích cực của mình như là người rao giảng mà cả vai trò suy tư của người nghe và người môn đệ. Trong vai trò phúc âm hoá, Hội Thánh bắt đầu bằng việc phúc âm hoá chính mình. (9)

Hội Thánh biết rằng mình là kết quả rõ ràng của công trình phúc âm hoá liên tục này được Thánh Thần hướng dẫn trong suốt lịch sử, để tập thể những người được cứu độ có thể làm chứng cho ký ức sống động về Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Và hôm nay chúng ta có thể khẳng định với sự chắc chắn và xác tín lớn lao về sự thật là chúng ta phát sinh từ một lịch sử đã ban cho chúng ta những trang sách kỳ diệu về lòng can đảm, tận tuỵ, gan dạ, trực giác và lý trí; những trang sử đã để lại cho chúng ta rất nhiều tiếng vang và dấu vết trong các bản văn, các lời nguyện, các mẫu mực và các phương pháp sư phạm, các hành trình thiêng liêng, các chặng đường khai tâm vào đức tin, các công cuộc và các tổ chức giáo dục.

3. Phúc âm hoá và việc phân định

Ngoài lý do vừa kể – tạ ơn và chiêm ngắm những kỳ công của Chúa (mirabilia Dei) – còn có một lý do thứ hai cho thấy tầm quan trọng của việc Hội Thánh phải nhận ra khía cạnh lắng nghe và tư cách môn đệ được ghi tạc trong công việc rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh nhận ra mình là người rao giảng, nhưng cũng là kết quả của việc rao giảng, vì Hội Thánh xác tín rằng không phải tự mình thực hiện tất cả tiến trình này nhưng là Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn Hội Thánh trong lịch sử nhờ Thánh Thần. Như Thánh Phaolô diễn tả rõ trong đoạn văn trích ở phần nhập đề này, Hội Thánh biết rằng việc tổ chức hoạt động rao giảng Tin Mừng là công trình của Chúa Thánh Thần; Hội Thánh dựa vào chính Người để nhận ra các công cụ, các thời điểm và địa điểm của việc loan báo mà Hội Thánh được kêu gọi để sống. Thánh Phaolô biết rõ điều này, bởi vì sống vào một thời kỳ biến động sâu xa như thời kỳ khởi đầu của Hội Thánh, ngài đã nhận ra không chỉ “trên lý thuyết” mà cả “trong thực hành” địa vị tối thượng của Thiên Chúa trong việc tổ chức và trong diễn tiến của việc rao giảng Tin Mừng, và ngài đã có thể viết ra những lý do của địa vị tối thượng này dựa vào Kinh Thánh, chính xác là dựa vào các lời Ngôn Sứ.

Thánh Phaolô nhận ra vai trò tối thượng của hành động của Chúa Thánh Thần vào một thời điểm đặc biệt quyết liệt và ý nghĩa đối với Hội Thánh vừa mới khai sinh. Thật vậy, một số tín hữu cảm thấy rằng phải chọn những con đường khác; số khác thì tỏ ra do dự khi đứng trước một số chọn lựa cơ bản phải thực hiện. Tiến trình rao giảng Tin Mừng đã trở thành một tiến trình phân định. Rao giảng trước tiên đòi hỏi những giai đoạn lắng nghe, hiểu và giải thích.

Về nhiều phương diện, thời chúng ta đang sống cũng giống như thời Thánh Phaolô đã sống. Là Kitô hữu, chúng ta cũng cảm thấy mình ngập chìm trong một thời kỳ thay đổi quan trọng về văn hoá và lịch sử mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến chi tiết hơn ở phần sau. Hoạt động rao giảng Tin Mừng đòi chúng ta thực hiện một hoạt động phân định tương ứng và đúng lúc giống như thế. Mô tả của Công Đồng Vaticanô II về tình hình của 40 năm trước cũng có thể được áp dụng cho thời đại chúng ta hôm nay: “Nhân loại ngày nay đang sống ở một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thế giới.” (10)

Kể từ sau Công Đồng, những thay đổi này ngày càng tăng theo năm tháng, và không giống như ở thời ấy, những thay đổi bây giờ không chỉ mang theo những hi vọng và hoài bão mà cả những nỗi sợ và hoài nghi. Thập niên đầu của thế kỷ/thiên niên kỷ mới này đã chứng kiến những sự phát triển ghi dấu ấn lịch sử không thể phai nhoà và ảnh hưởng ghê gớm tới lịch sử về nhiều phương diện.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt quan trọng với những thay đổi, căng thẳng, mất cân bằng và mất phương hướng. Thời đại này đang ngày càng buộc chúng ta sống chìm ngập trong những sự việc hiện tại và nhất thời khiến chúng ta khó lắng nghe, khó truyền đạt một sự đánh giá đối với quá khứ và chia sẻ những giá trị để xây dựng các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh này, sự hiện diện Kitô giáo và việc làm của các tổ chức của Hội Thánh không dễ được nhận thấy và nhiều khi bị nhìn vào với nghi kỵ. Trong những thập niên qua, đã có nhiều chỉ trích liên tục nhắm vào Hội Thánh, vào người Kitô hữu và vào Thiên Chúa mà chúng ta rao giảng. Hậu quả là việc rao giảng Tin Mừng đang phải đối diện với những thách thức mới đặt vấn đề về những việc thực hành quen thuộc và đang làm suy yếu những cách hành động truyền thống. Tắt một lời, tình hình hiện nay đang đòi Hội Thánh suy xét một cách hoàn toàn mới mẻ xem mình rao giảng và truyền đạt đức tin như thế nào. Tuy nhiên, Hội Thánh không đối diện với những thách thức này mà không có sự sửa soạn trước gì cả. Hội Thánh có sẵn những kết quả của các kỳ đại hội trước của Thượng Hội Đồng Giám Mục được dành đặc biệt cho chủ đề rao giảng và truyền bá đức tin, cách riêng là hai Tông Huấn Evangelii nuntiandi và Catechesi tradendae. Trong hai kỳ đại hội ấy của Thượng Hội Đồng, Hội Thánh đã trải qua một thời điểm quan trọng trong việc đánh giá chính mình và tái tạo sinh lực cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

4. Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, bắt đầu với những thách thức của nó

Câu trích của Thánh Phaolô, giống như một điệp khúc trong phần nhập đề này, giúp chúng ta hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của Đại Hội Thường Kỳ sắp tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục đang được chuẩn bị. Sau một thời gian dài với nhiều thay đổi và những sự kiện cách mạng, Hội Thánh muốn lợi dụng cơ hội này để lắng nghe và tham gia thảo luận, để bảo đảm có một chất lượng cao trong việc phân định cần thiết trong hoạt động rao giảng Tin Mừng mà chúng ta là Hội Thánh được kêu gọi thực hiện. Đại Hội Thường Kỳ sắp tới có ý là một thời điểm ưu việt và một giai đoạn đầy ý nghĩa trong tiến trình phân định này. Kể từ sau các đại hội của Thượng Hội Đồng về rao giảng Tin Mừng và huấn giáo, các nền văn hoá và các xã hội đã trải qua những thay đổi quan trọng và đôi khi bất ngờ, và những hiệu ứng của chúng – như trong trường hợp cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính – vẫn đang được thấy rõ và tác động mạnh trong các hoàn cảnh của mỗi địa phương của chúng ta. Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi này, Hội Thánh có những vấn đề phải xét đến, những hiện tượng phải tìm hiểu, những việc thực hành phải chỉnh đốn và những chương trình và tình huống sống thực phải thấm nhuần một cách mới mẻ Tin Mừng của hi vọng. Hôm nay, một tập hợp các tình huống tương tự đang thôi thúc chúng ta một cách hoàn toàn tự nhiên đi vào con đường dẫn tới đại hội Thượng Hội Đồng sắp tới. Qua việc lắng nghe và trao đổi, tất cả chúng ta sẽ bước ra phong phú hơn và sẵn sàng nhận ra những con đường mà Thiên Chúa đang khai mở nhờ Thánh Thần của Người để mặc khải về Người và làm cho loài người tìm thấy Người, theo hình ảnh của Ngôn Sứ Isaia (x. Is 40:3; 57:14; 62:10).

Tự nó việc phân định đòi phải nhận diện rõ các đối tượng và các chủ đề để chúng ta tập trung nhìn vào, từ đó làm cho việc lắng nghe và trao đổi trở nên sinh động. Để nâng đỡ hoạt động rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh và thực hiện những thay đổi cần thiết, việc phân định của chúng ta phải đặt vào tâm điểm suy xét của chúng ta những khía cạnh cơ bản của nhiệm vụ giáo hội này: đó là sự phát sinh, tăng trưởng và tiến bộ của cuộc “tân phúc âm hoá” trong các Giáo Hội của chúng ta; cách thức Hội Thánh đảm nhận và thực thi trách nhiệm và nhiệm vụ truyền đạt đức tin hôm nay; và các phương tiện Hội Thánh đang có để sử dụng trong thế giới hôm nay, để làm phát sinh đức tin (khai tâm Kitô giáo, giáo dục) và đáp ứng những thách thức hôm nay. Những khía cạnh này cung cấp cấu trúc cho tài liệu này, với mục đích khởi sự một tiến trình lắng nghe và hiểu biết và mở rộng phạm vi phân định đang diễn ra trong các Giáo Hội của chúng ta. Bằng cách này, việc phân định sẽ trở nên sắc bén và thậm chí tăng thêm chất “công giáo” và “hoàn vũ”.

Câu hỏi

Tự bản chất, việc phân định này luôn luôn bị chi phối bởi lịch sử và một ý hướng nhất định. Nói khác đi, tiến trình phân định bắt đầu với những yếu tố lấy từ đời sống thực và phát biểu một câu trả lời cho một tình huống nhất định. Đại để, các Giáo Hội của chúng ta chia sẻ chung một nền văn hoá Công Giáo, nhưng trong những thập niên gần đây đã trải nghiệm những biến cố và những giai đoạn trong tiến trình phân định mỗi nơi mỗi khác, được xác định bởi những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

1. Quí vị thấy những kinh nghiệm nào trong quá khứ liên quan đến vấn đề này cần phải chia sẻ với các Giáo Hội địa phương khác?

2. Trong tiến trình phân định các sự kiên trong lịch sử, điều gì phải được chia sẻ với Hội Thánh hoàn vũ, để nhờ lắng nghe nhau về những sự kiện này, Hội Thánh hoàn vũ có thể nhận biết Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa Hội Thánh đi đến đâu trong công cuộc rao giảng Tin Mừng?

3. Đến nay, chủ đề “tân phúc âm hoá” đã được biết đến khá rõ trong các Giáo Hội địa phương của chúng ta. Nó đã được thực hiện và vạch ra như thế nào? Nó có hình thức nào?

4. Hoạt động mục vụ chuyên biệt nào được hưởng lợi từ việc thực hiện cuộc “tân phúc âm hoá”? Kể ra những thay đổi trong các chương trình mục vụ này hay những đổi mới quan trọng về hoạt động. Mặt khác, mô tả những trở ngại hay căng thẳng có thể xảy ra về phương diện này.

(còn tiếp)