Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Anh đang bay trên trời

VRNs (07.07.2011) – Sài Gòn – Trước khi tôi ra Hà nội, Hải Yến, cô bạn nhỏ dặn mua gì thì hỏi giá, nhớ đừng đi ăn nơi chưa biết giá rõ ràng, nếu không sẽ bị… chém đẹp. Khi tôi ra đến Hà nội, những người tốt bụng gặp trên đường phố bảo tôi đón xe buýt đi cho chắc ăn, chứ đi xe ôm coi chừng bị hớ!



Tôi mới kể trên Facebook rằng gặp Paulus Lê Sơn, tôi nghe Sơn vừa kể chuyện vừa nhắc nhở đại ý Sơn mua chai nước suối khi đi máy bay ra Hà nội (vé rẻ không cho uống nước!). Thấy cô tiếp viên hét giá dữ quá, Sơn nhà ta bèn nói: “Sao giá cao vậy em?”. Với giọng nói lạnh lùng, cô tiếp viên mẫu mực của hàng không đáp: “Thế anh không biết anh đang đi máy bay, đang bay ở trên trời sao? Thế thì giá cũng phải trên trời chứ!”. Điều này nói lên cái gì? Chắc hẳn không hề là chuyện cười.

Nhưng tôi cũng không lắng quá về những chuyện ấy vì mình không phải mua gì mà phải lo bị hét giá. Ra Hà nội được hưởng cơm nhà Dòng vừa no vừa an toàn. Chỉ một lần uống hai ly nước chanh ven đường với người bạn mà phải trả tiền bằng uống café hảo hạng trong quán sang ở Sàigòn thôi. Vấn đề là chẳng lẽ sống ở xã hội mà cứ phải lo lắng bị lừa hay sao?

Về Sàigòn, tôi ra chợ Tân Hương mua 200g chả, cũng hỏi giá trước. Hỏi xong mới thấy mình kỳ, bèn nói với anh bán hàng: “Vì mới ra Hà nội về nên quen hỏi giá trước”. Anh bán hàng cũng dân Hà nội vào Sàigòn làm ăn nên tỏ ra hiểu lắm: “Vâng, ở Hà nội chúng tôi mà nghe ai nói giọng miền Nam là cứ hét giá”.

Thật ra ở khắp nước Việt nam bây giờ, hễ chỗ nào có du khách là có chuyện kê giá bán lên đến tận mây xanh. Chắc người bán hàng nghĩ: đã là du khách, thì hoặc là người ta rất giàu hoặc là người ta không chú ý đến giá cả. Cũng có thể người bán hàng cho là du khách đến một lần rồi về nên có “chém đẹp” cũng chẳng phải lo đến chuyện giữ khách hay mất khách.

Có lần tôi đi dạy ở Đà lạt, được sinh viên dẫn vào thăm trường Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Trường nổi tiếng vì trước kia là trường Grand Lycée Yersin, kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Nhưng vì đó là trường học, không ai bán vé du lịch.

Chỉ vào xem trường thôi mà tôi phải trả tiền “phí cổng” khá cao. Tôi hỏi sao các bạn sinh viên đi cùng tôi không phải trả tiền mà tôi phải trả, người thu tiền nói tỉnh bơ: “Nhìn mấy em kia biết là dân Đà lạt, còn anh thì chắc chắn là ở xa mới đến”. Họ hay thật, chắc thấy mình ngơ ngơ ngác ngác nên đoán ra!

Ngoài chuyện văn hoá du lịch, việc bán hàng quá giá còn liên quan đến nhiều nguyên tắc đạo đức. Một xã hội không còn chừng mực cho bất cứ điều gì thì cũng không thể đòi người ta tuân giữ một thứ kỷ cương nào. Đọc lại Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội, chúng ta thấy công lý có ít nhất ba khía cạnh: công lý giao hoán, công lý phân phối và công lý pháp lý.

Công lý giao hoán được diễn đạt nôm na là giữ công bằng trong các quan hệ về của cải. Nếu công lý phân phối và công lý xã hội không được tuân giữ, thì công lý giao hoán chẳng ai quan tâm. Trong thời ly loạn chẳng hạn, cướp bóc xảy ra nhiều vì xã hội không còn ai cầm cân nẩy mực, (mà chỉ còn cầm cân… thiếu ký).

Khi người ta ăn cắp của ai vật gì, họ phải đền trả lại cho đủ số. Thời Chúa Giêsu, ông Giakêu còn ý thức rằng khi ông gian lận của người ta, ông không những làm hại người ta số của cải ấy, mà còn làm thiệt hại cho người ta do những điều phát sinh phía sau. Do đó mà ông hứa với Chúa Giêsu là ông sẽ đền cho người ta gấp bốn.

Vậy những người bán hàng mà cứ thu lợi gấp nhiều lần thì sẽ đền thế nào đây? Và làm sao để bảo đảm công lý giao hoán trong xã hội? Có người bảo: khi mua hàng, hễ người mua đồng ý giá cả (đã mặc cả) hay đồng ý mặc nhiên (sử dụng sản phẩm là mặc nhiên chấp nhận giá) là người bán đã hành xử công bằng rồi, kêu ca gì nữa.

Thật ra, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Giáo lý Giáo hội Công giáo (1929) đã nhìn thấy vấn đề và dạy rằng: “công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận suông giữa con người với nhau, vì muốn biết điều gì là “công lý” (nghĩa là phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội), trước tiên chúng ta không dựa vào sự ấn định của lề luật, mà phải xem điều đó có phù hợp với bản chất sâu xa của con người hay không”.

Bản chất sâu xa của con người chắc chắn không lừa lọc và không muốn bị cư xử thiếu tôn trọng. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” là cách nói khác để diễn đạt lời Kinh Thánh: “Chúa thấy mọi sự Ngài làm là tốt đẹp”.

Vậy để kiến tạo một xã hội văn minh thật sự, tôn trọng công lý thật sự và là nơi an bình cho mỗi con người, thì phải bảo đảm rằng dù họ bay trên trời hay đi dưới đất, dù ở quê nhà hay đi du lịch, mọi người phải được tôn trọng ở mọi khía cạnh. Và công lý phải được tôn trọng thật sự.

Chắc chắn một bài viết không thể có tham vọng sửa đổi những điều đã ăn sâu vào con người do nền giáo dục nhiều năm chỉ nhấn mạnh đến bạo lực. Nhưng ước mong Giáo huấn Hội Thánh ngày càng đi sâu vào cuộc sống để công lý toả xuống trên cuộc đời như bóng mát, để con người không còn thấy bấp bênh, hụt hẫng và lo ngại ngay chính trên quê hương, nơi mình đang gắn bó.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs