Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo (3)

VRNs (09.07.2011) – Sài Gòn – Ngày hôm qua, chúng ta đã tìm hiển Chương một của tài liệu làm việc hướng tới THĐGM XIII. Chương một đề cập đến THỜI ĐIỂM CHO MỘT CUỘC “TÂN PHÚC ÂM HOÁ”, trình bày “Tân phúc âm hoá” – Ý nghĩa của một định nghĩa, bối cảnh của cuộc tân phúc âm hoá, Người Kitô hữu đứng trước bối cảnh mới này, “Tân phúc âm hoá” và nhu cầu linh đạo, Các cách thức mới để “là Hội Thánh”, Phúc âm hoá ban đầu, và chăm sóc mục vụ và cuộc tân phúc âm hoá.
Mời quý vị tiếp tục đọc Chương hai.



CHƯƠNG II – LOAN BÁO TIN MỪNG ĐỨC GIÊSU KITÔ

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
(Mc 16:15)

11. Gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, mục tiêu của truyền bá Đức Tin

Huấn lệnh truyền giáo mà các môn đệ lãnh nhận từ Chúa Giêsu (x. Mc 16:15) có một sự ám chỉ về việc loan báo và giảng dạy Tin Mừng (“dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:20). Thánh Phaolô Tông Đồ tự giới thiệu là “tông đồ, [… dành riêng] để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. (Rm 1:1). Vì vậy, Hội Thánh có nhiệm vụ thể hiện Traditio Evangelii, loan báo và truyền bá Tin Mừng, “là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1:16), và là chính Đức Giêsu Kitô (x. 1 Cr 1:24) (33).

Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người (34).

Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng. Do đó, mục tiêu của truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta (35).

Truyền bá đức tin có nghĩa là tạo ra ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện để có thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô. Gặp gỡ đức tin với con người Đức Giêsu Kitô là có mối quan hệ với Người, “tưởng nhớ đến Người” (trong Thánh Thể), và có lối suy nghĩ như Người, nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Như Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tái khẳng định:

“Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định. […] Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4:10), nên bây giờ tình yêu không còn chỉ là một ‘mệnh lệnh’; nó là một sự đáp lễ vì món quà tình yêu Thiên Chúa đã ban đến gặp chúng ta” (36).

Hội Thánh tự thể hiện mình chính là qua việc thi hành nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và truyền bá đức tin Kitô giáo.

Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần. Mục đích của truyền bá đức tin và loan báo Tin Mừng là dẫn chúng ta “nhờ Người [Đức Kitô] mà đến với Chúa Cha trong một Thánh Thần duy nhất” (Cl 2:18) (37).

Đây là cái kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu. Từ cái nhìn này, truyền bá đức tin trong Đức Kitô có nghĩa là tạo ra những điều kiện để có một đức tin ý thức, hoan hỉ, được sống và cầu nguyện; tóm lại, nó có nghĩa là dự phần vào đời sống của Hội Thánh (38).

Cách truyền bá đức tin này có cơ sở rất vững chắc trong Truyền Thống của Hội Thánh, được trình bày sâu rộng trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và sách Giáo Lý Yếu Lược, cả hai đều triển khai chủ đề tân phúc âm hoá để khuyến khích, cắt nghĩa và tái phát động cách truyền bá đức tin này (39).

12. Hội Thánh truyền bá đức tin mình sống

Truyền bá đức tin là một tiến trình rất phức tạp và năng động, bao trùm toàn thể đức tin của người Kitô hữu và đời sống của Hội Thánh. Cái gì người ta không tin hay không sống thì không thể truyền bá được. Dấu chỉ của một đức tin có cơ sở vững chắc và trưởng thành chính là cách thức tự nhiên để chúng ta truyền đạt nó cho người khác. Đức Kitô “gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:13.14). Tin Mừng chỉ có thể được truyền đạt dựa trên cơ sở “ở” với Đức Giêsu và sống với Người kinh nghiệm về Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần; và tương tự, “cảm thấy” bị thúc bách phải loan báo và chia sẻ cho người khác điều mình đã sống như là một điều tốt lành, tích cực và đẹp đẽ.

Nhiệm vụ loan báo và rao giảng Tin Mừng không phải là công việc riêng lẻ của một người hay một nhóm tuyển chọn, nhưng là một món quà được ban cho mọi người tin tưởng đáp lại tiếng gọi đức tin. Truyền bá đức tin cũng không phải là công việc chuyên môn được trao cho một nhóm người hay một số cá nhân được chỉ định đặc biệt, mà là một trải nghiệm của mọi Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh. Qua công việc này, Hội Thánh liên tục tái khám phá căn tính của mình như là một Dân được hợp nhất bởi tiếng gọi của Thánh Thần, Đấng tập hợp chúng ta lại từ vô số lãnh vực khác nhau của đời sống hằng ngày để trải nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô và nhờ đó, khám phá ra Thiên Chúa là Cha. “Vì được tham dự vào sứ mạng tiên tri của Đức Kitô, người giáo dân là thành viên đầy đủ của công việc này của Hội Thánh. Cách riêng, trách nhiệm của họ là làm chứng rằng đức tin Kitô là câu trả lời duy nhất có giá trị đầy đủ – được mọi người nhận ra và phát biểu một cách có ý thức nhiều hay ít – cho các vấn đề và các niềm hi vọng mà cuộc sống đặt ra cho mỗi người và cho xã hội. Việc làm chứng này có thể thực hiện được nếu người giáo dân biết cách khắc phục nơi bản thân mình sự tách rời Tin Mừng với đời sống, và nếu trong các hoạt động hằng ngày trong gia đình, công việc và xã hội, họ tạo được sự thống nhất trong đời sống theo sự soi sáng và sức mạnh thể hiện của Tin Mừng” (40).

Hoạt động nền tảng của Hội Thánh là truyền bá đức tin, nó là cơ sở cho mô hình và hoạt động của các cộng đồng Kitô giáo (41).

Loan báo và truyền bá Tin Mừng đòi Hội Thánh phải làm hết sức mình để bảo đảm rằng các cộng đồng Kitô có khả năng bộc lộ một cách mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của một đời sống đức tin, đó là bác ái, chứng tá, rao giảng, cử hành, lắng nghe và chia sẻ. Rao giảng Tin Mừng cần phải được nhìn như là tiến trình mà qua đó Hội Thánh, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, loan báo và truyền bá Tin Mừng cho toàn thế giới, hợp với lời dạy của Hội Thánh được tóm lược như sau: “được đức ái thôi thúc, [việc loan báo Tin Mừng] thấm nhuần và biến đổi toàn thể trật tự trần thế, nhận được và đổi mới các nền văn hoá, và làm chứng giữa các dân tộc về cách sống và hiện hữu mới cơ bản đối với căn tính Kitô giáo. Công việc phúc âm hoá công bố Tin Mừng một cách minh nhiên, qua giai đoạn loan báo ban đầu để kêu gọi người ta hoán cải; tiếp đến, qua huấn giáo và các Bí Tích khai tâm, nó dẫn đưa vào đức tin và đời sống Kitô giáo không chỉ những ai được hoán cải theo Đức Kitô, mà cả những ai đã quay trở về con đường đi theo Người, bằng cách tháp nhập cả hai hạng người này vào trong cộng đồng Kitô. Cũng vậy, phúc âm hoá liên tục nuôi dưỡng ơn hiệp thông nơi các tín hữu, qua việc dạy dỗ liên tục về đức tin (các bài giảng và các hình thức huấn giáo khác), qua các bí tích và các việc bác ái, và luôn luôn dẫn đưa họ tới chỗ đảm nhận sứ mạng của Hội Thánh là sai mọi môn đệ của Đức Kitô đi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới qua lời nói và việc làm của họ” (42).

13. Lời Thiên Chúa và việc truyền bá đức tin

Kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh Công Giáo đã tái khám phá ra rằng truyền bá đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, được thực hiện nhờ Kinh Thánh và Truyền Thống sinh động của Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (43)

Bằng cách này, Hội Thánh liên tục được tái sinh bởi Chúa Thánh Thần. Cũng thế, các thế hệ mới nhận được sự nâng đỡ từng giây từng phút trong cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô trong Nhiệm Thể của Người, cuộc gặp gỡ được diễn tả đầy đủ nhất trong cử hành Thánh Thể. Trọng tâm của công cuộc truyền bá đức tin đã được đánh giá lại và làm nổi bật trong hai đại hội thường kỳ gần đây nhất, một về chủ đề Thánh Thể và một về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Trong hai kỳ đại hội này của Thượng Hội Đồng, Hội Thánh được kêu gọi suy tư và ý thức đầy đủ về tiến trình năng động và sâu xa giúp củng cố căn tính của mình: Hội Thánh truyền bá đức tin mình đang sống, cử hành, tuyên xưng và làm chứng (44).

Sự ý thức này bao hàm những trách nhiệm và thách thức thật sự mà Hội Thánh phải đối đáp ứng trong hoạt động truyền bá đức tin của mình. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa phải phát triển một ý thức lớn hơn giữa các thành viên của mình về vai trò và sức mạnh của Lời Chúa trong việc mặc khải và biểu hiện ý định của Thiên Chúa đối với loài người và kế hoạch cứu độ của Người (45).

Cần thể hiện việc loan báo Lời Chúa một cách chăm chú hơn trong các cuộc cử hành phụng vụ, cũng như cần có sự xác tín và chuyên chăm hơn trong nhiệm vụ rao giảng (46).

Cần có sự chăm chú, xác tín và tin tưởng đối với vai trò của Lời Chúa trong sứ mạng của Hội Thánh, cả trong thời gian đang được dành cho việc rao giảng sứ điệp cứu rỗi cũng như trong những lúc suy tư qua việc lắng nghe và đối thoại với các nền văn hoá (47).

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đặc biệt lưu tâm tới việc loan báo lời Chúa cho các thế hệ tương lai. “Chúng ta thường xuyên gặp nơi họ một thái độ cởi mở tự nhiên với việc nghe Lời Chúa và ước muốn chân thành được biết Chúa Giêsu. […] Quan tâm tới giới trẻ đòi chúng ta phải can đảm và rõ ràng khi công bố sứ điệp; chúng ta cần giúp giới trẻ có sự tin cậy và gần gũi với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành chiếc la bàn định hướng con đường họ phải đi. Giới trẻ cần những chứng nhân và thầy dạy có khả năng đồng hành với họ, dạy họ yêu mến và chia sẻ Tin Mừng, đặc biệt với các bạn đồng trang lứa, nhờ đó họ có thể trở thành những sứ giả trung thực và đáng tin” (48).

Cũng thế, các nghị phụ kêu gọi các cộng đoàn Kitô “nghĩ ra các phương thức khai tâm Kitô giáo có khả năng giúp tăng trưởng đức tin, qua việc lắng nghe Lời, cử hành Thánh Thể và đời sống yêu thương huynh đệ. Cũng cần lưu ý đến những vấn đề mới nảy sinh từ tình trạng di chuyển nhiều hơn của các dân tộc và hiện tượng di dân đang mở ra những chân trời mới trong việc rao giảng Tin Mừng. Những người di cư không những cần phải được rao giảng Tin Mừng mà cũng cần phải được huấn luyện để chính họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng” (49).

Đại hội Thượng Hội Đồng cũng đặc biệt kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo kiểm chứng xem việc loan báo Lời Chúa đã được họ đặt làm nền tảng của nhiệm vụ truyền bá đức tin tới mức nào. “Vì vậy, chúng ta phải càng ngày càng khám phá ra sự cấp bách và vẻ đẹp của việc loan báo Lời Chúa, hầu cho Vương Quyền của Thiên Chúa mà chính Đức Kitô đã rao giảng mau ngự đến. […] Tất cả chúng ta hiểu rằng ánh sáng của Đức Kitô cần phải chiếu sáng biết bao trên mọi lãnh vực của đời sống con người: gia đình, nhà trường, văn hoá, lao động, nghỉ ngơi và mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội. Đây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một Lời khuấy động, kêu gọi hoán cải để dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, từ đó một nhân loại mới có thể đâm bông” (50).

14. Khoa sự phạm đức tin

Truyền bá đức tin không chỉ bằng lời nói mà thôi; nó đòi hỏi một sự tiếp xúc với Thiên Chúa bằng cầu nguyện, đó là đức tin hành động. Với các yếu tố sư phạm của nó, phụng vụ có vai trò quyết định trong việc giáo dục đời sống cầu nguyện, vì ở đây người giáo huấn là chính Thiên Chúa và người thầy đích thực về cách thức cầu nguyện là Chúa Thánh Thần.

Đại hội Thường Kỳ lần thứ IV của Thượng Hội Đồng về đề tài huấn giáo đã nhìn nhận rằng, bên cạnh sự gia tăng con số và sự tận tuỵ của các giáo lý viên, huấn giáo là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, và Hội Thánh đã đề ra những phương pháp truyền bá đức tin để đưa người ta tới gặp Đức Kitô (51).

Dưới những hình thức khác nhau, các phương pháp này bao hàm các khả năng của các cá nhân, mối liên kết của họ trong một nhóm xã hội, các thái độ, các câu hỏi và công việc tìm kiếm của họ. Đó là những công cụ thích hợp cho việc hội nhập văn hóa (52).

Để tránh sự phân tán và hoang mang trong đà phát triển ngày càng tăng và đa hướng của việc hội nhập văn hóa, Đức Gioan Phaolô II đã lấy một nhận xét của các nghị phụ làm nguyên tắc: Sự đa dạng của các phương pháp trong huấn giáo có thể là một dấu hiệu tích cực của sức sống và sự bổ sung cho nhau, nếu mỗi phương pháp biết cách nội tâm hóa và đi theo một qui luật cơ bản, qui luật kép về sự trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người, trong một cách tiếp cận duy nhất là tình yêu (53).

Đồng thời, Thượng Hội Đồng về huấn giáo đặc biệt lưu ý không để mất đi những ích lợi và những giá trị của quá khứ, vì vậy cần phải bảo đảm việc truyền đạt đức tin được thực hiện một cách có hệ thống, toàn vẹn, có tổ chức và có thứ tự (54).

Do đó, Thượng Hội Đồng đề nghị lại hai công cụ cơ bản của việc truyền bá đức tin: huấn giáo và thời kỳ dự tòng. Bằng cách này, Hội Thánh truyền đạt đức tin một cách chủ động, gieo đức tin vào lòng những người dự tòng và người học giáo lý để làm cho các kinh nghiệm của họ đạt hiệu quả đặc biệt. Việc tuyên xưng đức tin mà Hội Thánh được trao ban (traditio), sẽ được ban lại (redditio) trong tiến trình huấn giáo và được trở nên phong phú hơn nhờ những giá trị của các nền văn hóa khác nhau. Như vậy, thời kỳ dự tòng được chuyển hóa thành một trung tâm tăng trưởng cơ bản về công giáo tính và là vườn ươm cho sự canh tân Hội Thánh (55).

Việc tái phát động hai công cụ này−huấn giáo và thời kỳ dự tòng−phải tạo hình cho “khoa sư phạm đức tin” (56), một thuật ngữ được sử dụng với mục đích mở rộng nội dung của ý niệm huấn giáo để bao gồm việc truyền bá đức tin. Từ sau Thượng Hội Đồng về huấn giáo, nay huấn giáo đã được hiểu như là chính tiến trình truyền bá Tin Mừng như cộng đoàn Kitô giáo đã lãnh nhận, hiểu, cử hành và truyền thông Tin Mừng (57).

“Huấn giáo trong giai đoạn khai tâm, vừa bao quát vừa có hệ thống, không thể chỉ giới hạn vào dịp này hay hoàn cảnh này, bởi vì trên thực tế, huấn giáo là sự đào luyện cho cả đời sống Kitô giáo. Huấn giáo không chỉ bao gồm sự dạy dỗ nhưng còn vượt qua sự dạy dỗ, bằng việc hướng đến những ‘yếu tố cơ bản’ của căn tính Kitô giáo, trong khi tránh những đề tài gây tranh cãi và không trở thành một dạng nghiên cứu thần học. Sau cùng, vì là một phần của công việc khai tâm, huấn giáo dự tòng dẫn tới sự tháp nhập vào cộng đoàn đang sống, cử hành và làm chứng đức tin, nhờ đó nó hoàn tất công việc khai tâm, giáo dục và dạy dỗ cùng một trật. Sự phong phú nội tại này của thời kỳ dự tòng của những người lớn chưa rửa tội phải được dùng để gợi hứng cho các hình thức huấn giáo khác” (58).

Do đó, thời kỳ dự tòng trở thành mô hình mà gần đây Hội Thánh đã chọn làm khuôn mẫu cho việc truyền bá đức tin. Sau khi được nhấn mạnh trở lại trong Công Đồng Vaticanô II (59), thời kỳ dự tòng đã được sử dụng trong việc tổ chức lại và canh tân nhiều chương trình huấn giáo, và được lấy làm khuôn mẫu cho cấu trúc của việc rao giảng Tin Mừng. Cuốn Chỉ Nam Huấn Giáo Tổng Quát đã tổng hợp những yếu tố quan trọng trong nhiệm vụ này, đồng thời cho thấy những lý do tại sao rất nhiều Giáo Hội địa phương đã sử dụng khuôn mẫu này trong việc tái cấu trúc hoạt động loan báo Tin Mừng và truyền bá đức tin, và trên thực tế đã đạt đến một khuôn mẫu mới gọi là “thời kỳ huấn giáo sau Rửa Tội” (post-baptismal catechumate) (60), là một sự nhắc nhở liên tục cho toàn thể Hội Thánh về tiến trình dẫn vào đức tin và trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo. Hệ quả là khuôn mẫu mới này đặt Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô ở trung tâm của mọi chương trình của Hội Thánh; coi hội nhập văn hóa là bước sư phạm đầu tiên, và cho thấy nó là một tiến trình đào luyện đích thực và thích hợp (61).

15. Các Giáo Hội địa phương: Chủ thể truyền bá đức tin

Chủ thể truyền bá đức tin là toàn thể Hội Thánh được biểu hiện nơi các Giáo Hội địa phương, nơi thể hiện việc loan báo, truyền đạt và sống kinh nghiệm Tin Mừng. Hơn nữa, ngoài việc thi hành nhiệm vụ này, các Giáo Hội địa phương cũng là kết quả của hoạt động loan báo Tin Mừng và truyền bá đức tin, như được thấy trong kinh nghiệm của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x. Cv 2:42-47). Chúa Thánh Thần qui tụ các tín hữu thành những cộng đoàn nhiệt tình sống đức tin của họ, một đức tin được nuôi dưỡng nhờ việc nghe lời giảng dạy của các tông đồ, nhờ Thánh Thể và nhờ đời sống cộng đoàn hết lòng phục vụ việc loan báo Nước Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô II đã dùng cùng một cách nói ấy để diễn tả căn tính cơ bản của mỗi cộng đoàn Kitô hữu: “Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp. Những cộng đoàn này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc mới được Thiên Chúa mời gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn hoàn toàn (x. 1Tx 1:5). Nơi các cộng đoàn ấy, tín hữu được tụ họp lại nhờ sự rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô và mầu nhiệm Tiệc Thánh Chúa được cử hành, để ‘nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể’” (62).

Đời sống trong các Giáo Hội của chúng ta có cơ hội phát triển khi coi việc truyền bá đức tin−và việc rao giảng nói chung−như là cách diễn tả cụ thể và mẫu mực lời dạy này của Công Đồng. Những thập niên gần đây, rất đông Kitô hữu đã tham gia một cách tự phát và tự nguyện vào việc loan báo và truyền bá đức tin: đây quả là sự kiện quan trọng và là một trải nghiệm về hồng ân của Chúa Thánh Thần cho các cộng đoàn Kitô của chúng ta. Các hoạt động mục vụ gắn liền với việc truyền bá đức tin đã trở thành một môi trường cho phép Hội Thánh dấn mình vào các khung cảnh xã hội địa phương khác nhau và thể hiện các vai trò và các việc phục vụ phong phú và đa dạng làm cho đời sống hằng ngày của Hội Thánh trở nên sinh động. Xung quanh giám mục, chúng ta thấy phát triển vai trò của các linh mục, cha mẹ, tu sĩ, giáo lý viên và các cộng đoàn, mỗi vai trò có một nhiệm vụ và khả năng riêng (63).

Tuy nhiên, bên cạnh các ân huệ và các khía cạnh tích cực, cũng phải ghi nhận những thách thức của tình hình mới này và những biến động mạnh đang diễn ra trong nhiều Giáo Hội địa phương: số linh mục giảm sút khiến cho hoạt động của họ không mang lại những kết quả mong muốn. Tình trạng mệt mỏi và kiệt sức của nhiều gia đình đã làm suy yếu vai trò của các bậc cha mẹ. Sự thiếu chia sẻ trách nhiệm chung trong việc rao giảng Tin Mừng khiến cho ảnh hưởng của cộng đoàn Kitô bị lu mờ và đi đến nguy cơ là gánh nặng của một hoạt động quan trọng và cơ bản như thế được đặt trên vai của một mình người dạy giáo lý, khiến họ trở nên mệt mỏi vì nhiệm vụ quá nặng nề và cảm thấy cô đơn khi thi hành nhiệm vụ này.

Như đã được nhắc tới ở điểm một, bầu khí văn hóa và tình trạng mệt mỏi mà nhiều cộng đoàn Kitô đang sống có nguy cơ làm suy yếu khả năng của các Giáo Hội địa phương trong việc loan báo, truyền bá và giáo dục đức tin. Câu hỏi của Thánh Phaolô − “Làm sao họ tin […] nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10:14)?” (Rm 10:14) – là câu hỏi rất thực tế đối với chúng ta ngày nay. Trong tình hình như thế, phải nhìn nhận rằng sự hiện diện của các nhóm và các phong trào trong Hội Thánh khơi dậy sự mới mẻ và sinh lực cho nhiệm vụ truyền bá đức tin này quả thực là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, mỗi nhóm và phong trào này được mời gọi cố gắng làm việc để những kết quả này có thể truyền sức bật của chúng cho những hình thức huấn giáo và truyền bá đức tin đã mất niềm hăng say ban đầu.

16. Lý giải đức tin: phong cách rao giảng

Vì vậy bối cảnh hiện nay đòi hỏi các Giáo Hội địa phương một sức bật mới, một hành vi tin tưởng mới vào Chúa Thánh Thấn Đấng hướng dẫn họ, để một lần nữa họ hân hoan và hăng say thi hành nhiệm vụ cơ bản mà Chúa Giêsu đã giao cho các môn đệ: loan báo Tin Mừng (x. Mc 16:15), rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3:15). Mỗi Kitô hữu phải cảm thấy mình bị chất vấn bởi lệnh truyền của Chúa Giêsu, hãy để mình được Thánh Thần hướng dẫn khi đáp lại lời chất vấn ấy, tùy theo ơn gọi mỗi người. Ngày nay, khi mà sự lựa chọn đức tin và đi theo Đức Kitô (sequela) trở nên khó khăn và khó hiểu hơn, thậm chí bị chống đối và cản trở, thì nhiệm vụ chứng nhân và sứ giả Tin Mừng của toàn thể cộng đoàn và của mỗi Kitô hữu càng phải được đẩy mạnh, như chính Chúa Giêsu Kitô đã làm.

Tính hợp lý của một thái độ như thế đã được Thánh Tông Đồ Phêrô nhắc đến khi ngài kêu gọi chúng ta biện hộ, lý giải, “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em” (1P 3:15). Chúa Thánh Thần đang chỉ cho các cộng đoàn Kitô chúng ta thấy các phương thức cần dùng cho một vụ mùa mới của việc làm chứng đức tin, những hình thức lý giải mới cho những ai chất vấn chúng ta về cái logos¸ cái lý của đức tin chúng ta: để đổi mới chính mình, để làm hiện diện trong thế giới chúng ta đang sống niềm hi vọng và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta cần phải học một phong cách mới để “trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. […] giữ lương tâm ngay thẳng” (1P 3:15), với sức mạnh bao dung do mối kết hợp với Đức Kitô trong Thánh Thần và với quyết tâm của người biết mục đích của mình là sự gặp gỡ với Thiên Chúa Cha, trong Vương Quốc Người (64).

Đây phải là phong cách bao trùm cả tư tưởng và hành động, cả thái độ cá nhân và chứng tá cộng đồng, cả đời sống bên trong và sức bật truyền giáo của các cộng đoàn chúng ta, cả sự lưu tâm giáo dục và sự tận tụy đối với người nghèo, và khả năng của mọi Kitô hữu biết lên tiếng trong những hoàn cảnh họ sống và làm việc để truyền thông niềm hi vọng Kitô giáo như một ân huệ. Phong cách này phải làm cho họ có nhiệt tình, sự tự tin và tự do ăn nói (parresia) như được biểu lộ trong bài giảng của các tông đồ (x. Cv 4:32; 9:27.28) và trong kinh nghiệm của vua Agrippa khi nghe Thánh Phaolô giảng: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu rồi đấy!” (Cv 26:28).

Thời nay, khi nhiều người đang có những nếp sống thực sự là một trải nghiệm về “sa mạc đêm tối của Thiên Chúa, sự trống rỗng của những tâm hồn không còn ý thức về phẩm giá của đời sống con người”, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắc nhở chúng ta rằng “Noi gương Chúa Kitô, toàn thể Hội Thánh và mọi Mục Tử của Hội Thánh phải lên đường dẫn đưa người ta ra khỏi sa mạc để đến với đất sự sống, đến với tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, đến với Đấng ban cho chúng ta sự sống, và sự sống dồi dào” (65).

Theo lý lẽ của đức tin chúng ta, thế giới hoàn toàn có quyền được xem thấy phong cách hành động trong Hội Thánh và trong các cộng đoàn Kitô giáo chúng ta (66), một phong cách hành động như một cộng đoàn và trên cơ sở người-với-người, phong cách này đòi hỏi các cộng đoàn tự đánh giá mình trong tư cách một tập thể và từng cá nhân tín hữu, như Đức Phaolô VI đã nói: “song song với hình thức loan báo Tin Mừng tập thể, các hình thức khác để truyền bá Tin Mừng, hình thức người-với-người, vẫn còn giá trị và quan trọng. […] Không thể để cho sự thúc bách của việc loan báo Tin Mừng cho đám đông làm chúng ta quên mất hình thức loan báo này, nó làm cho lương tâm của một cá nhân được chạm tới bởi một lời hoàn toàn kỳ diệu mà cá nhân ấy nhận được từ một người khác” (67).

17. Những hoa quả của việc truyền bá đức tin

Mục đích của toàn thể tiến trình truyền bá đức tin là xây dựng Hội Thánh như là một cộng đoàn chứng nhân của Tin Mừng. Đức Phaolô VI quả quyết: “Là cộng đoàn tín hữu, cộng đoàn của niềm hi vọng đã được sống và truyền thông, cộng đoàn yêu thương huynh đệ, Hội Thánh cần phải không ngừng nghe điều mình phải tin, các lý do của niềm cậy trông, giới răn mới của tình thương. Là Dân Thiên Chúa ngập chìm trong thế giới, và thường bị cám dỗbởi các ngẫu tượng, Hội Thánh luôn luôn cần nghe loan báo những kỳ công của Thiên Cúa đã cải hóa mình về với Chúa, được Người qui tụ lại và kết hợp lại. Tóm lại, điều đó có nghĩa là Hội Thánh luôn luôn cần được phúc âm hóa, nếu muốn duy trì sự mới mẻ, sức bật và sức mạnh để loan báo Tin Mừng” (68).

Các hoa quả của tiến trình phúc âm hóa liên tục này được phát sinh trong Hội Thánh như dấu chỉ của sức mạnh tác sinh của Tin Mừng. Chúng mang hình thức cụ thể của những lời đáp ứng trước những thách thức của thời đại chúng ta. Các gia đình cần phải trở thành những dấu chỉ đích thực của tình yêu và sự chia sẻ, với khả năng hi vọng vì sự cởi mở của họ đối với cuộc đời. Cần có những sức mạnh để xây dựng các cộng đoàn có tinh thần đại kết thực sự và có khả năng đối thoại với các tôn giáo khác. Cần có sự dũng cảm để nâng đỡ các sáng kiến cho công bằng xã hội và tình liên đới, đặt người nghèo vào tâm điểm mối quan tâm của Hội Thánh. Cần biểu lộ niềm vui một cách rõ ràng hơn trong sự hiến dâng cuộc đời mình cho ơn gọi linh mục hay đời sống thánh hiến. Một Hội Thánh truyền bá đức tin, một Hội Thánh của cuộc “tân phúc âm hóa”, có khả năng chứng tỏ trong mọi hoàn cảnh rằng Thánh Thần hướng dẫn mình và biến đổi lịch sử của Hội Thánh, của cá nhân các Kitô hữu và của toàn thể các dân tộc và các nền văn hóa của họ.

Một hoa quả nữa của việc truyền bá đức tin là lòng dũng cảm để lên tiếng chống những bất trung và gương xấu nảy sinh trong các cộng đoàn Kitô hữu như một dấu hiệu và hậu quả của những lúc mệt mỏi chán chường trong công việc loan báo Tin Mừng. Các hoa quả khác là: can đảm nhìn nhận lỗi lầm; khả năng tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, đồng thời kể lại sự kiện chúng ta luôn luôn cần được cứu rỗi, vì biết rằng – như lời Thánh Phaolô dạy – chúng ta có thể nhìn thẳng vào những yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta biết rõ sức mạnh của Đức Kitô cứu thoát chúng ta (x. 2Cr 12:9; Rm 7:14tt.); thực hành sám hối, quyết tâm đi trên con đường thanh luyện và ý muốn chuộc lại những lỗi lầm; một sự tin tưởng vững vàng rằng niềm hi vọng đã được ban cho chúng ta “hoàn toàn không làm chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5). Đó cũng là những hoa quả của việc loan báo Tin Mừng, trước tiên nó không ngừng đổi mới các tín hữu, các cộng đoàn của họ, đồng thời đem Tin Mừng Chúa Kitô đến cho thế giới.

Câu hỏi

Mục tiêu của truyền bá đức tin là làm cho người khác trải nghiệm về Đức Kitô. Đây là nhiệm vụ phải được chia sẻ cho mọi người dù gần hay xa, và thúc đẩy chúng ta truyền giáo.

1. Các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta đạt tới mức độ nào trong việc đề nghị các môi trường giáo hội như là một công cụ của kinh nghiệm thiêng liêng?

2. Các chương trình đức tin của chúng ta đang ở mức độ nào trong việc coi mục tiêu không chỉ là việc chấp nhận chân lý Kitô giáo, mà còn là tạo ra một kinh nghiệm về sự gặp gỡ, hiệp thông thân tình và sống mầu nhiệm Đức Kitô”?

3. Mỗi Giáo Hội địa phương đã có những giải pháp hay đáp ứng nào trong việc tạo ra những kinh nghiệm thiêng liêng mà ngay cả những thế hệ trẻ ngày nay đang tìm kiếm? Lời Chúa và Thánh Thể là những phương thế chính và những công cụ ưu tiên để cung cấp kinh nghiệm thiêng liêng cho đức tin Kitô giáo.

4. Hai Đại hội thường kỳ lần trước của Thượng Hội Đồng đã giúp các cộng đoàn Kitô giáo nâng cao chất lượng của việc lắng nghe Lời Chúa trong các Giáo Hội của chúngta như thế nào? Đã giúp nâng cao chất lượng các cuộc cử hành Thánh Thể như thế nào?

5. Những yếu tố nào đã được đón nhận nhiều nhất? Những suy tư hay đề nghị nào còn đang chờ được đón nhận?

6. Các nhóm nghe và chia sẻ Lời Chúa đã trở thành những công cụ chung trong đời sống Kitô của các cộng đoàn chúng ta như thế nào? Các cộng đoàn chúng ta diễn tả địa vị trung tâm của Thánh Thể (cử hành và thờ phượng) và, dựa trên đó đã tổ chức đời sống và sinh hoạt của mình như thế nào? Sau những thập niên hoạt động sôi nổi, lãnh vực huấn giáo đang cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi và trì trệ, nhất là nơi những người được kêu gọi để nâng đỡ và sinh động hóa hoạt động giáo hội này.

7. Kinh nghiệm cụ thể trong các Giáo Hội của quí vị thế nào?

8. Bên trong các cộng đoàn Kitô giáo, các tín hữu đang có những cố gắng gì để tạo sự nhìn nhận và tin tưởng đối với hình ảnh của người dạy giáo lý? Đang có những cố gắng nào để cụ thể hóa và tạo hiệu quả cho việc nhìn nhận các vai trò tích cực của những người khác trong nhiệm vụ truyền bá đức tin (cha mẹ, người đỡ đầu, cộng đoàn tín hữu)?

9. Đã có những sáng kiến nào được đưa ra để hỗ trợ các cha mẹ và khuyến khích họ trong nhiệm vụ (truyền đạt và do đó, truyền bá đức tin) mà nền văn hóa ngày càng ít coi là nhiệm vụ được giao phó cho cha mẹ? Đáp lại lời kêu gọi của Vaticanô II, nhiều Hội Đồng Giám Mục trong những thập niên qua đã bắt tay vào việc cải tổ chương trình huấn giáo và duyệt lại các bản văn huấn giáo.

10. Tình hình hiện nay về vấn đề này như thế nào?

11. Tiến trình truyền bá đức tin đã mang lại những kết quả gì? Đã có những hoạt động nào và đã gặp những trở ngại nào?

12. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã đóng vai trò gì trong công việc cải tổ này?

13. Mỗi cộng đoàn tín hữu (giáo xứ), các nhóm và các phong trào làm gì để bảo đảm việc huấn giáo mang đậm tính giáo hội, được phối hợp và chia sẻ với những thành phần khác trong Hội Thánh?

14. Đối diện với những biến chuyển văn hóa quan trọng hiện nay, hoạt động huấn giáo tại các Giáo Hội của chúng ta cảm thấy không có hay không đủ những phương thức sư phạm nào nhất?

15. Các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta đã sử dụng huấn giáo dự tòng như thế nào để làm mô hình cho các chương trình huấn giáo và giáo dục đức tin? Thời đại chúng ta kêu gọi Hội Thánh canh tân cách thức rao giảng Tin Mừng và biểu lộ một thái độ mới mẻ để sẵn sàng lý giải về đức tin và đức cậy nơi chúng ta.

16. Các Giáo Hội của chúng ta đã thành công đến đâu trong việc quảng bá đòi hỏi mới này trong các cộng đoàn tín hữu? Đã đạt được những kết quả gì? Đã gặp những mệt mỏi và cản trở gì?

17. Tính cấp bách của việc tân phúc âm hóa có trở thành một sự ý thức thường xuyên của hoạt động mục vụ của các cộng đoàn chúng ta không? Chúng ta có tiếp tục xác tínrằng sứ mạng này cũng phải được thực hiện trong các cộng đoàn Kitô địa phương của chúng ta và trong các hoàn cảnh thường ngày của đời sống chúng ta?

18. Ngoài các cộng đoàn, còn có những chủ thể nào khác thi hành việc sinh động hóa xã hội bằng việc loan báo Tin Mừng? Bằng những hành động và những phương pháp nào? Có những kết quả gì?

19. Bằng cách nào những người đã rửa tội tăng thêm sự ý thức rằng chính họ thực sự được gọi để loan báo Tin Mừng? Có thể kể ra những kinh nghiệm gì trong lãnh vực này? Cộng đoàn Kitô là kết quả của việc loan báo và truyền bá đức tin.

20. Đâu là những kết quả đã được tạo ra trong các Giáo Hội của quí vị nhờ việc truyền bá đức tin?

21. Các cộng đoàn Kitô sẵn sàng như thế nào để nhận ra những kết quả này, duy trì và phát triển chúng? Những kết quả nào còn thiếu nhiều nhất?

22. Những trở ngại, thử thách và gương xấu nào ngăn trở việc loan báo này? Các cộng đoàn đã học hỏi như thế nào để sống những giờ phút này bằng cách lợi dụng những cơ hội đó để canh tân thiêng liêng và truyền giáo?

(Còn tiếp)