Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Con đi theo Chúa

VRNs (26.08.2011) – Có mấy ai trên đời muốn nhìn thấy đau khổ, mất mát. Con người tự bản chất, sinh ra là đã muốn hạnh phúc. Một cuộc đời nếu chỉ có nước mắt khổ đau, cuộc đời đó thật vô nghĩa. Thế nhưng, chưa có số mệnh nào coi là “đen đủi”, trừ khi con người đánh mất niềm tin vào chính mình. Cái chuẩn mực mà nhân loại đưa ra làm bàn đạp cho hạnh phúc, không phải chuẩn mực của Thiên Chúa. Đối với Ngài, chỉ cần con người sống và ý thức Thiên Chúa yêu thương, chết và sống lại cho họ là đủ.



Hạnh phúc của Thiên Chúa là con người, nhưng hạnh phúc của con người lại không phải là Thiên Chúa. Đó chính là vấn nạn. Để rồi trong suốt dòng lịch sử người ta cứ mãi oán trách, đặt ra những dấu hỏi rồi tự mò mẫm tìm câu trả lời, quên mất sự hiện diện vĩnh cửu của Ngài trong vũ trụ.

Thật ra chỉ cần nhìn, là thấy và có thể tin. Khổ nỗi nhân loại đã không muốn nhìn, cho nên Thiên Chúa bị loại trừ, trở thành thứ yếu trong những nhu cầu nhân loại. Người ta thấy không cần phải tin Thiên Chúa, chẳng cần thiết phải cậy dựa vào thần linh, mà hơn cả vẫn tin vào sự xoay vần của định mệnh, vào tài càn và sức lực bản thân.

Đau khổ cần thiết cho cuộc sống con người. Tự bản chất, đau khổ không hề hủy diệt con người nhưng lại là phương thế giúp họ phát triển. Dạn dày trong đau khổ, người ta trở nên kiên vững, can trường và mạnh mẽ. Thực ra, tạo dựng thế giới, Thiên Chúa nhìn nhận vạn vật đều tốt đẹp, không tì vết, không khiếm khuyết. Những biến động của vũ trụ hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ sống tự do của nhân loại.

Đón nhận điều ngược ý muốn, nhân loại đổ thừa Thiên Chúa, qui trách nhiệm vào Đấng vô tội. Tình yêu đã toàn thắng tất cả, Ngài tự nguyện đón nhận cái chết, đền thay bất toàn, tội lỗi của thế giới, nhằm đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu.

Từ tội, mà thập giá nảy sinh. Cũng vì yêu, mà thập tự đổ máu. Con Thiên Chúa phải chết là điều nghịch lý nhưng tình yêu có thể biến đổi điều nghịch lý trở nên nguồn mạch sự sống bất diệt. Nhận biết, tri thức theo nhãn quan nhân loại, con người khó chấp nhận thập giá, nếu không muốn nói là từ khước, ghét bỏ: “Xin Thiên Chúa thương không để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Nhưng với Thiên Chúa, thập giá không phải chấm hết, mà chính là chìa khóa mang lại sự sống phục sinh vĩnh cửu: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23).

Đúng vậy, đừng nhìn đau khổ, mất mát, thua thiệt là thập giá, và càng không nên coi thập giá là bản án, vì như vậy sức nặng thánh giá sẽ càng tăng, bóng thánh giá càng che mờ đôi mắt tâm linh nhân loại. Nhưng hãy nhìn thập giá như là phương tiện mang lại ơn cứu độ, mọi gánh nặng sẽ tiêu tan mà bóng thánh giá cũng chẳng còn. Thiên Chúa làm người không để vác thánh giá thay cho nhân loại hay chỉ cho họ con đường trốn chạy thập giá, mà hơn cả chính là sự nêu gương, đi bước trước. Ngài đã đi trước trong việc đón nhận thập giá và đã chiến thắng khải hoàn thế lực sự dữ, ma quỉ thế gian, để minh chứng cho con người quyền năng, sức mạnh của Thiên Chúa.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Theo Đức Giêsu ở đây chính là bước đi trên con đường truy tìm sự sống và hạnh phúc. Như vậy, muốn hạnh phúc tất nhiên phải đón nhận thập giá, mà thập giá đây lại là thập giá của chính mình chứ không hề của ai khác. Tự bản thân, con người đã là thập giá của mình. Thập giá bởi tính hư, nết xấu, bởi thói ăn cách ở, lối hành xử, bởi quan niệm sống… Thập giá có bao giờ mọc lên từ tấm mồ của người khác, mà không phải bắt nguồn từ bản thân. Chỉ có Đâng vô tội mới cõng thập giá của kẻ có tội. Nhân loại không ai vô tội, thế nên, chẳng ai vác thập giá thay ai được.

Hãy vượt lên chính mình, tiến về phía trước để cùng với Đức Kytô sống niềm vui của hạnh phúc viên mãn là sự sống phục sinh cứu độ. Ngoài sự sống ấy, tất cả đều là sự chết “… được lời lã cả thế gian mà mất thiên đàng nào được ích gì?” (Mt 16, 26)

Lạy Chúa, có ai không ý thức tội vạ mình đã làm, nhưng khổ nổi Thiên Chúa thinh lặng, kiên nhẫn và bao dung quá, khiến con người lạm dụng. Coi thường tội, nhân loại ngày càng lún sâu vào con đường sự ác. Thế giới ngập chìm trong bóng đêm chiến tranh và tội lỗi vậy mà trên thập giá, lúc nào Ngài cũng giang tay gục đầu, nhắn nhủ, tha thứ. Thập giá đẫm máu thế kia, mà Thiên Chúa hằng ngày vẫn gọi. Chắc chắn Ngài không gọi con đi vào con đường ấy để mà chết, đau khổ hay tuyệt vọng nhưng chính là đi vào con đường đánh đổi sự sống bằng cái chết. Xin giúp con biết nhìn lên thánh giá Chúa mỗi ngày, can đảm vác thập giá mình đi trọn con đường, dẫu có phải đổ máu vì đau khổ, hy sinh hay mất mát, cũng trọn vẹn hạnh phúc vì biết mình đang cùng Chúa bước đi.

M. Hoàng Thị Thùy Trang