Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Khoá thường huấn mục vụ DCCT VN năm 2011

VRNs (27.08.2011) – Sài Gòn – 180 linh mục, tu sĩ DCCT VN tham dự Khoá thường huấn mục vụ năm 2011, được tổ chức tại Tu viện Sài Gòn, từ ngày 23 – 26.08.2011. Kỳ thường huấn nay tập trung vào các đề tài triết học, giáo luật về hôn nhân và bí tích giao hoà, cả ba đề tài đều cho chính các tu sĩ DCCT VN trình bày.

Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, bề trên chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn thuyết trình ngày đầu tiên với đề tài Lòng bao dung theo John Locke (1632-1704).

Theo cha Tâm, “Bao dung hệ tại việc để cho người khác diễn tả những quan điểm và tín ngưỡng, những thái độ được xét như là chỉ do lương tâm thúc bách. Hay “Bao dung là thái độ chấp nhận nơi người khác một cách suy nghĩ và hoạt động khác với mình”.

Vấn đề đặt ra là tại sao con người cần đến “Bao dung”?



Cha Giuse Hồ Dắc Tâm đang thuyết trình về Lòng bao dung

Theo cha tâm, xét về mặt triết học, “Người ta cần bao dung vì sự yếu hèn và mù quáng ở lý trí con người, vì sự thiếu chắc chắn và thiếu nền tảng tuyệt đối ở nhận thức”. Còn xét về mặt pháp lý thì “Bao dung được xây dựng trên định nghĩa về mục đích của nhà nước nhằm bảo đảm an toàn cho các thành phần của quốc gia”. Nhưng cha Tâm cũng cho biết những lý luận này không thuyết phục được những người chủ trương bất bao dung. Cuộc đấu tranh ý thức hệ và xã hội về một sự bao dung chân thật tỏ ra là một cuộc đấu tranh ác liệt, không ngừng nghỉ.

“Quyền hành và uy thế chỉ được trao cho chính quyền để sử dụng vì lợi ích, vì sự bảo toàn và vì sự an bình của dân: chính điều đó, và chỉ điều đó mà thôi là chuẩn mực để chính quyền ra luật và thiết lập sự cai trị của mình”. Đây là lời minh định được ghi ngay trên đầu Khảo luận về lòng bao dung (1667) của John Locke. Theo cha Tâm, khẳng định này là một tiền đề quan trọng nhất trong lập luận của J.Locke về lòng bao dung.

Ngoài ra cha Tâm cũng trình bày quan điểm của những triết gia không cổ suý cho lòng bao dung. Herbert Marcuse, một người Đức gốc Do Thái đã làm luận văn về Hegel, và dần hướng về Marxisme. Marcuse bàn đến “Bao dung trấn áp”. Ông viết: “Lòng bao dung trong xã hội công nghiệp tiên tiến của chúng ta. Nhưng mục tiêu của lòng bao dung này là một ý niệm và một thực tại lật đổ và giải phóng”.

Ngoài Marcuse, cha tâm cũng trình bày về Slavoj Zizek. Zizek lấy bằng tiến sĩ triết học ở Lijubljana và nghiên cứu thần học ở Paris VIII. Zizek bàn về sự bao dung không thể bao dung. Ông viết: “Tái khẳng định về một phê bình chua cay, cực kỳ bất bao dung, đối với văn minh tư bản toàn cầu”.

Những vấn đề triết học của thế kỷ XVII và XVIII tưởng đã cũ, không còn cần, nhưng với cách tiếp cận của một chuyên viên, cử toạ có cảm giác các triết gia này đang bàn vấn đề của thế kỷ XXI, và thậm chí đúng ngay những vấn đề đang chưa có được một câu trả lời thật sáng tỏ trong tương quan và quyền hạn giữa Giáo hội và Chính quyền.

Đó là ngày đầu tiên (23.08.2011).



Quý cha quý thầy DCCT đang cùng nhau học hỏi

Hai ngày liên tiếp sau (24-25.08.2011), cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Cố vấn thường vụ tỉnh DCCT VN, giáo sư Giáo luật trình bày về một vấn đề mà tất cả mọi linh mục đều cảm thấy nhiêu khê và phức tạp. Nói chung, nếu làm linh mục mà không phải làm mục vụ này thì thật hạnh phúc, nhưng cũng chính vì vấn đề này mà giáo dân cần đến giáo sĩ. Đó là những vấn đề Giáo luật về bí tích Hôn phối.

Những vấn đề căn bản về hôn nhân, những yếu tố chi phối thành sự của hôn nhân Công giáo thì hầu như mọi người đã rõ, nhưng khi bàn đến những quy định có tính pháp lý trong việc cử hành hôn phối thì bắt đầu có vấn đề. Nào là chuyện điều tra hôn phối với những đòi buộc nhặt của Giáo luật, nào là việc chứng hôn. Nhiều giáo dân không rõ, cứ đơn sơ nghĩ đã là linh mục thì ai cũng chứng hôn được. Đúng thế ! Nhưng không phải ai cũng được chứng hôn, mà chỉ những người được Giáo luật chỉ định. Thông thường là các cha chánh xứ. Các cha phó, các cha phụ tá đều phải được cha chánh xứ uỷ quyền mới có thể chứng hôn hợp pháp. Ngay với linh mục chánh xứ, trong một số trường hợp cũng không được chứng hôn, trừ khi có phép của Đấng bản quyền như hôn nhân của những người di dân, chưa có nơi ở ổn định, hôn nhân với người công khai chối bỏ đức tin Công giáo, hôn nhân của người còn đang mắc vạ …

Cha Bích cũng cho biết, tại Việt Nam, các Đức giám mục đã đưa ra những quy định cụ thể về Hôn phối.



Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích đang giải thích những "nố" theo Giáo luật

Ví dụ, về thủ tục trước khi tiến hành hôn nhân :

- Làm điều tra và khảo hạch riêng bên Nam và bên nữ, do cha xứ thực hiện.

- Cha bên không cử hành bí tích (bên nam hoặc nữ) sẽ gởi tờ điều tra hôn phối kèm với giấy giới thiệu đến cha xứ bên sẽ cử hành hôn phối.

- Rao hôn phối cả hai bên nam và nữ ba lần. Sau khi rao xong, tờ rao đã được xác nhận chuyển về cho cha xứ bên làm bí tích.

- Về chuẩn miễn rao : cha xứ được chuẩn 1 lần, cha quản hạt được chuẩn 2 lần, và Đức giám mục hoặc vị được uỷ quyền được chuẩn cả 3 lần. Khi chuẩn rao, trên giấy rao phải ghi rõ.

- Sau khi điều tra và không có ngăn trở, đôi bạn nam và nữ phải đăng ký kết hôn theo luật dân sự và phải trình bản chính giấy Công nhận kết hôn dân sự trước khi cử hành hôn lễ.

- Sau khi chứng hôn, linh mục chứng hôn phải ghi vào sổ chứng hôn giáo xứ, điền ghi chú trong sổ rửa tội của người được rửa tội trong giáo xứ và gởi chứng thư hôn phối cho cha xứ bên đã giới thiệu đến làm đám cưới. Trường hợp hôn phối cử hành ở nơi không phải là nơi rửa tội của cả nam lẫn nữ, thì linh mục chứng hôn phải gởi chứng thư hôn phối đến cả hai nơi đã rửa tội cho hai người phối ngẫu.

Và còn rất nhiều vấn đề chi tiết về hôn nhân như đặc ân Phaolô, đặc ân Phêrô, một người ngoại giáo đã li dị bây giờ có đương nhiên được lấy người Công giáo chưa lập gia đình không?

Quá nhiều rắc rối, nên mới cần phải nhắc lại thường xuyên, để mọi cử hành bí tích hôn phối phải bảo đảm ơn sủng của Thiên Chúa ngự đến và chúc phúc cho gia đình mới.

Ngày cuối, cha Dominico Trần Quốc bảo, tiến sĩ thần học luân lý sẽ trình bầy đề tài Bí tích giao hoà và tinh thần Anphong. Thánh Anphong được Hội thánh đặt làm bổn mạng các cha giải tội và các thần học gia luân lý, nên đường lối thi hành bí tích giao hoà của thánh Anphong, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trên toàn bộ Dân Chúa, vì không ai không phạm tội, nên ai cũng phải đến với bí tích giao hoà.



Cha Bảo đã khởi đầu phần trình bày của mình bằng cách trình bày bối cảnh đời sống tâm linh và mục vụ giải tội tại Âu Châu thời thánh Anphong, sau đó là hành trình biến đổi thành một Anphong nhà thần học luân lý và cha giải tội. Phần thứ ba cũng là phần cuối của đề tài này là giáo thuyết về mục vụ giải tội của thánh Anphong.

Theo cha Bảo, các tham dự viên cần thấy rõ thánh Anphong quan niệm thế nào về bản chất của bí tích giải tội? Thánh Anphong dạy gì về phẩm chất của tâm hồn và cung cách cần có nơi người giải tội? Và thánh Anphong dạy gì về cuộc gặp gỡ giữa vị giải tội và hối nhân trong bí tích giải tội?

Cha Dominico Trần Quốc Bảo đã dựa theo cha Louis Vereecke, CSsR để đưa ra các nguyên tắc nền tảng của hệ thống luân lý Anphong.

Theo cha Bảo, “các thần học gia như thánh Thomas đã nghiên cứu về sự hoài nghi, nhưng vẫn chưa phân biệt được hoài nghi về luật (Dubium Iuris) và sự hoài nghi về sự kiện (Dubium Facti). Khi khó đối phó với đề tài về sự vô tri và bối rối, các thần học gia này dựa trên nguyên tắc pháp lý mà dạy rằng: Nếu sự hoài nghi kéo dài và không thể quyết định, cần phải tránh hành động hoặc làm theo điều luật dạy”.

Điều này cứ tưởng là chìa khoá vàng, trong suốt gần 200 năm, nhưng thực tế lại đẩy các nhà luân lý và cha giải tội lạc lối trong mớ bòng bong của các học thuyết xác xuất (Probabilite), đại xác xuất (Probabiliorisme), và đại xác cách thuyết (Tutionisme). Trong bối cảnh đó, cha Anphong đã bộc bạch: “Khi bắt đầu nghiên cứu thần học luân lý, tôi đã tình cờ theo học một bậc thầy dạy các tư tưởng của chủ nghĩa hà khắc (Rigoriste). Tôi đã đấu tranh mạnh mẽ với người khác để bảo vệ tư tưởng này. Trong một thời gian dài, tôi đã là người tích cực bảo vệ chủ thuyết đại xác xuất”.

Nhưng khi dấn thân cho người nghèo và sống giữa người nghèo, nhất là nghe các tội nhân xưng thú khi làm các kỳ Đại phúc, cha Anphong đã quay về với thuyết xác xuất. Cuộc trở về này đã xảy ra sự dằn vặt và khủng hoảng nội tâm. Ngài dành nhiều tâm lực hơn cho nghiên cứu thuyết xác xuất, nhưng tỏ ra không đáp ứng được thực tế mục vụ. Mãi đến năm 1726, khi bắt tay biên soạn tác phẩm Thần học luân lý, cha Anphong mới thực sự có được những nguyên tắc luân lý khả dụng cho mình và cho các cha giải tội cho đến ngày nay.

Theo cha Bảo, thánh Anphong đưa ra ba xác quyết quan trọng:

1. Nếu ý kiến ủng hộ luật xem ra chắc chắn có khả năng đúng hơn, chúng ta buộc phải tuân theo và không thể làm theo ý ngược lại, là ý kiến ủng hộ sự tự do.

2. Nếu ý kiến ủng hộ sự tự do chỉ có khả năng đúng hoặc có khả năng đúng tương đương như ý kiến ủng hộ luật, chúng ta không thể theo ý kiến ủng hộ sự tự do chỉ vì nó có khả năng đúng.

3. Nếu hai ý kiến có khả năng đúng bằng nhau, ý kiến ủng hộ sự tự do có khả năng đúng như ý kiến ủng hộ luật. Như vậy sự hiện hữu của luật là đáng nghi hoặc. Khi đó người ta không thể bảo rằng luật đã được công bố một cách đầy đủ, rõ ràng. Nếu luật đã không được công bố một cách đầy đủ, rõ ràng, thì nó không thể buộc. Một luật không chắc chắn không thể áp đặt một nghĩa vụ chắc chắn.

Đối với thánh Anphong – theo cha Bảo – “Con người hiện diện trong trong tâm trí của Thiên Chúa trước lề luật”. Như vậy, theo trật tự tự nhiên, trước tiên con người được xem là tự do, sau đó Thiên Chúa mới thiết lập lề luật liên hệ cho họ. Vì thế, theo thánh Anphong, “tất cả đều được phép, trừ điều gì hiển nhiên bị cấm”.

Để kết luận cho phần trình bày của mình, cha Dominicô Trần Quốc Bảo tóm lại học thuyết của thánh Anphong về lương tâm như sau:

- Con người phải luôn luôn hành động theo sự thật, ít nhất là những gì gần với sự thật nhất.

- Con người không được hành động theo các quy luật bên ngoài cách máy móc. Lý trí và lương tâm, hành xử với sự cẩn trọng, là quy luật trực tiếp cho hành động con người.

- Con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa thì tự do để làm điều thiện cách bộc trực và tự nhiên, theo phán đoán của lý trí. Tự do của con người chỉ bị ràng buộc bởi luật cá biệt được công bố qua mạc khải của Thiên Chúa hoặc qua lý trí. Luật đó phải biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa cách chắc chắn, hay ít ra là cách chắc chắn nhất. Khi ấy, lương tâm con người phải theo luật cá biệt này.

Đợt thường huấn mục vụ này đã kết thúc bằng thánh lễ đồng tế tại tu viện DCCT Sài Gòn lúc 17:00, ngày 26.08.2011.

Thường huấn là một hoạt động thường xuyên hàng năm của DCCT nhằm cập nhật thông tin, giải pháp và triển khai những định hướng mục vụ hầu gia tăng khả năng phục vụ Dân Chúa và đời sống tu trì cho các linh mục và tu sĩ DCCT. Được biết từ đầu năm đến nay, kỳ thường huấn này là kỳ thứ hai. Kỳ thứ nhất đã được tổ chức vào tháng sáu về Linh đạo. Và kỳ thứ ba trong năm nay về chủ đề Đào tạo các tu sĩ DCCT sẽ được tổ chức vào những ngày sắp tới.

PV.VRNs

Ảnh: Fx75 và Antôn Tặng