Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Giáo hội giúp nhà nước chăm sóc bệnh nhân phong

VRNs (22.08.2011) – Ucanews, 18-8-2011 – Bệnh phong cùi (còn gọi là bệnh Hansen) đã xuất hiện ít nhất 4.000 năm trước. Thường được nhắc đến trong Kinh thánh, bệnh này được nhận ra và gây sợ hãi trong nền văn minh cổ đại ở Trung quốc, Ai Cập và Ấn Độ.



May thay nó đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn có hàng ngàn bệnh nhân mới mỗi năm. Thế nên công việc điều trị của các trung tâm như Trung tâm Quả Cảm ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh vẫn cần thiết như xưa.

Tại đây, sự hợp tác giữa Giáo hội và các nhân viên y tế địa phương đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của hàng ngàn bệnh nhân, cả về tinh tần lẫn vật chất. Nguyễn Đức Tâm, phát ngôn viên của 153 bệnh nhân sống tại Trung tâm, nói: “Hiện nay chúng tôi hạnh phúc và đầy đủ nhờ tinh thần tình nguyện và hợp tác của giáo hội địa phương”.

Giáo phận Bắc Ninh đã tài trợ xây những nhà riêng và đường đi trong trung tâm, đồng thời cung cấp tiền bạc để xây ao nuôi cá và trồng cây ăn trái làm kế sinh nhai. Giáo phận mua 100 xe đạp tặng cho con em của các bệnh nhân và cấp 300 suất học bổng hàng năm.

Trung tâm đã có chiều dài lịch sử phục vụ các bệnh nhân phong. Trung tâm này được một linh mục thành lập năm 1913, hoạt động cho đến năm 1954 rồi bị nhà nước tịch thu. Khi nữ tu Anna Nguyễn Thị Xuân (Dòng Thánh Tâm) đến làm việc tại đây năm 1988, trung tâm hoang tàn như nhà vô chủ.

Nữ tu Xuân nói: “300 bệnh nhân phong sống ở đây trong những căn nhà xiêu vẹo, bị bỏ rơi và không được chăm sóc đúng mức. Mới đầu, tôi giặt quần áo cho các bệnh nhân, tắm rửa cho họ và cõng họ tới các trạm phát thuốc. Tôi cũng có mặt khi họ được chăm sóc y tế, chỉ cho họ cách mang giày dép và sử dụng dụng cụ, thế nên tôi có thể giúp các bệnh nhân nới lỏng ngón chân hoặc ngón tay khi bước đi, khi viết và khi ăn uống”.

Hiện nay nữ tu Xuân là một trong hai nữ tu thường trú tại trung tâm, có các chủng sinh từ Đại chủng viện Hà Nội đến giúp vào mùa hè.

Nhiệm vụ của nữ tu Xuân làm mọi thứ, từ việc giúp họ mang giày dép tới việc tổ chức thăm viếng các trại phong khác, và thậm chí là sắp xếp hôn lễ cho họ. Chị nói: “Các linh mục địa phương cũng đến chăm sóc mục vụ cho những bệnh nhân Công giáo ở đây, tại nhà nguyện được xây dựng năm 2005 ngay trong trại”.

Chị nói rằng chị được đánh động bởi Đức cố Giám mục Jean Cassaigne (thường gọi là Cha Sanh, nguyên Giám mục giáo phận Saigon), thuộc Hội Thừa sai Paris (Paris Foreign Missions), người đã lập Trại phong Di Linh năm 1928 và sống ở đó cho đến cuối đời. Năm 1973 ngài cũng qua đời vì bệnh phong và được an táng tại trại phong, đúng theo nguyện vọng của ngài. Nữ tu Xuân nói: “Dấn thân vì người phong cùi là cách tôi noi gương ĐGM Cassaigne”.

TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ UCANews.com)