Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Người Công giáo phải làm gì trước những bất công trong xã hội?

VRNs (17.08.2011) – Người Công giáo VN đang phải sống trong một xã hội đầy dẫy bất công. Mở mắt ra đã đụng phải bất công. Đi ra đường đâu đâu cũng thấy bất công, từ việc gặp công an giao thông, giải quyết các công việc tại cơ quan công quyền, tại môi trường giáo dục và y tế,… Không nơi nào mà không gặp bất công. Nhiều anh chị em giáo dân cảm thấy bối rối lương tâm, không biết phải làm gì, phản ứng thế nào trước những bất công đó, với tư cách một Kitô hữu. VRNs chia sẻ với quý độc giả một trường hợp trong vô số trường hợp của cuộc sống hàng ngày qua điện thư trao đổi giữa một giáo viên Công giáo và một linh mục DCCT.



Trọng kính Cha…,

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Con là Maria N., muốn thưa chuyện với Cha qua email này, tha thiết mong Cha hồi âm cho con. Con xin trình bày với Cha một sự việc như sau, mà con không biết tỏ tường cùng ai.

Thưa cha, con công tác tại trường học. Cuối năm học 2010-2011, nhà trường có bình xét thi đua, con là người bị oan ức, nên có gởi đơn kiến nghị lên Phòng Giáo dục, yêu cầu giải quyết. Phòng Giáo dục đã đi xác minh và thấy Hiệu trưởng làm sai, nhưng vẫn làm ngơ, không giải quyết, cuối năm Hiệu trưởng mặc dù làm sai trái nhưng vẫn được xét thi đua đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua!

Con quá phẫn nộ nên gởi đơn cho Sở Giáo Dục…, phần việc sai trái của Phòng Giáo dục… Hôm nay, nhà trường lại yêu cầu chúng con phải có ý kiến thi đua cuối năm của nhà trường, nếu con lên tiếng thì coi như con bị mắc bẫy vì đã làm đơn thưa kiện. Con đang tuyệt vọng không biết phải nói thế nào, nếu không nói thì coi như không đòi hỏi được công bằng và công lý. Vì miếng cơm manh áo, thư đầu tiên (gửi cho Sở Giáo dục) con viết không xưng tên, nên không được giải quyết, lần thứ hai con xưng tên, nhưng lấy tên người khác, thì lại bị giở trò mèo.

Con muốn gọi điện thoại trực tiếp (cho Cha-BBT) để được trình bày, nhưng không gọi được, nên mạn phép phải viết thư. Con rất mong được hồi âm sớm. Lý do vì sắp tới nhà trường sẽ triệu tập cuộc họp. Mọi người đều biết việc làm sai trái đó nhưng không ai dám bênh vực cho con.

Kính chúc Cha hồn an, xác mạnh để cứu giúp nhiều linh hồn.

Con: Maria N.

————————-

Hồi âm:

Kính chào chị N.,

Tôi hết sức cảm thông và chia sẻ với chị những băn khoăn, lo lắng và căng thẳng mà chị phải gánh chịu, tôi cầu nguyện cho chị được bằng an và mau chóng ổn định.

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều vấn đề, khắp nơi bất công lớn nhỏ xảy ra như cơm bữa. Ra đường là chúng ta gặp bất công, đi đâu cũng gặp sự bất công, sự dữ len lỏi vào mọi nơi, cả chốn pháp đình nơi mà mọi người mong mỏi là nơi thể hiện sự công bằng, vẫn có quá nhiều những vụ án bất công.

Là người Kitô hữu, chúng ta đặt niềm tin vào Chúa, chỉ có Chúa mới là Đấng công bằng và Người trả lại cho chúng ta những gì mà chúng ta phải gánh chịu thua thiệt (Tám mối Phúc thật), không một ai trong thế gian này có thể hoàn trả cho chúng ta sự công bằng đáng có. Thánh An Phong đã thấm thía nguyên tắc này.

Làm người, chúng ta có những quyền căn bản của con người, quyền tự do trong mọi lãnh vực, quyền có việc làm và quyền lên tiếng trước bất công. Nếu chúng ta không ý thức, chúng ta tự gánh lấy thua thiệt. Nếu chúng ta bị chà đạp, bị tước đoạt những quyền căn bản, chúng ta có quyền lên tiếng đòi quyền của con người.

Tư cách con người đòi chúng ta nhận trách nhiệm về những hành vi của mình, những phát biểu, những hành vị không trách nhiệm, không có giá trị của sự lên tiếng, nó còn làm tổn thương cho sự nghiệp tranh đấu cho công bằng, gây bế tác và tác dụng ngược.

Điều trước tiên tôi nghĩ là chị nên chấm dứt những phát biểu ẩn danh như vậy, nó không có giá trị mà còn phản tác dụng, gây bế tắc cho chính chị. Chị nên cân nhắc, nếu sự lên tiếng của mình không gây được tác dụng, kết quả còn xấu hơn vì mình bị trù dập, thì chị nên thinh lặng chờ cơ hội thuận tiện lên tiếng. Không phải nhát đảm, nhưng cần biết lúc nào thuận tiện cho việc lên tiếng.

Thế nào là thuận tiện, thưa đó là hoàn cảnh làm cho lời lên tiếng của mình có tác dụng. Có thể không thay đổi được tình hình, nhưng gây được ý thức nơi những người khác, họ chứng kiến bất công và sự lên tiếng của mình là lời cảnh báo cho họ, cho dẫu khi ấy họ vẫn im lặng vì sợ hãi, nhưng sự ý thức nơi lương tâm mỗi người có một sức mạnh ghê gớm, nó nằm im đấy nhưng có ngày sẽ bùng nổ.

Một khi đã lên tiếng, mình chấp nhận hậu quả của nó. Chắc chắn mình sẽ bị thua thiệt, bị trù dập và bị loại trừ, nhưng lương tâm mình thanh thản vì mình đã làm đúng điều lương tâm dạy bảo, mọi sự còn lại phó thác cho Chúa. Chúa có cách của Chúa để cứu giúp những ai sống ngay thẳng. Chỉ có kẻ tay sạch lòng thanh, mới được nhìn ngắm Thiên Chúa (Tám mối Phúc thật).

Một lần nữa chúc chị bằng an.

Linh mục P.

—————————-

Thư thứ hai của chị N.:

Trọng kính Cha,

Con đã nhận thư hồi âm của cha. Qua lời chia sẻ và lời động viên của cha, một phần đã tạo sự phấn chấn cho con.

Thưa cha, những lá thư kêu cứu của con một phần đã có tác dụng, tuy chưa hoàn hảo lắm nhưng một phần đã làm thay đổi tình hình, vì cùng một lúc, nhiều trường đã kêu cứu vì sự tắc trách của thi đua, đã làm giảm uy tín của Phòng Giáo dục. Bản thân người làm công tác thi đua cũng cảm thấy bị xúc phạm, vì UBND quá nhúng sâu vào thi đua của ngành.

Lá thư kêu cứu của con, mục đích chỉ đòi hỏi sự công bằng và minh bạch mà thôi, nhưng đã có tắc trách từ khâu ở bên trên, người làm công tác thi đua ở Phòng Giáo dục lại là bạn thân của con, cũng là bạn thân của người bị con viết đơn tố cáo! Đây là nỗi khổ của con, không biết nói với bạn con như thế nào, vì người bị tố cáo lại có của, còn con thì không, chỉ có lòng thành thật.

Vừa rồi có triệu tập cuộc họp tại trường, nhưng không có Phòng Giáo dục tham dự, một số Giáo viên cũng lên tiếng vì sự tắc trách của thi đua, không cần con phải lên tiếng. Điều đó chứng tỏ Chúa đã sắp xếp mọi việc, người khác cũng nhìn thấy sự sai trái của Hiệu trưởng.

Con thường theo dõi trang mạng Chúa Cứu Thế hằng ngày, và biết cha qua trang mạng, nên biết cha sẽ là người chỉ dẫn và hướng dẫn cho con nên phải làm gì, lúc nào là thời cơ thuận tiện.

Có những lúc con cảm thấy bị tuyệt vọng, tưởng chừng không thể vực dậy được, nhưng nhở có Chúa quan phòng, và lương tâm mách bảo không nên làm như vậy, nên con lại thôi. Xã hội đầy dẫy sự bất công, bị chà đạp, mình chỉ là tiếng kêu cứu nhỏ trong sa mạc mà thôi. Con khác họ ở chỗ con là người Công giáo, không muốn họ ghép con là thành phần “quậy”.

Vài hàng tâm sự đến với Cha. Chúc Cha an mạnh trong Chúa và Mẹ Maria, Thánh cả Giuse.

Con

Maria N.