Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Trẻ sống lồng ghép

VRNs (25.08.2011) – Sài Gòn – Trước đây, trong gia đình Việt Nam có cả ba thế hệ sống chung một mái nhà gồm ông bà, cha mẹ, con cháu. Ông bà là những tấm gương sống cho con cháu về đạo đức làm người, lễ giáo gia phong, kỹ năng sống trong gia đình, cách ứng xử trước những khó khan, và cả sự tương trợ, đỡ đần nhau trong mọi việc. Đặc biệt hiện nay, có những mái nhà có ông bà lớn tuổi và trẻ con sống chung, nhưng không phải do cùng dòng tộc, mà do kế sinh nhai, hay giáo dục. Đây là một dạng của sống lồng ghép trong gia đình.

Việc sống chung này có nhiều cái lợi, nhưng đôi khi cũng có không ít khó khăn do bất đồng quan điểm sống. Chính cái khác nhau giữa cách suy nghĩ, tư tưởng giữa ba thế hệ nên con cái muốn thóat ly ra sống riêng, để có một mái ấm riêng của mình. Khi sống riêng, họ có thuận lợi về việc làm chủ gia đình, làm chủ quỹ thời gian, tự do về không gian và trong mọi họat họat. Song, họ bị quây cuồng với bao bận bịu với công việc, cuộc sống mưu sinh, kế họach làm giàu nên không còn thời gian chăm sóc con cái, đành để con sống lồng ghép hoặc với nhà ngọai, nhà nội, nhà anh em của mình thậm chí là tại nhà xóm giềng.

Ngày nay, sống lồng ghép khá phổ biến nhất là ở Sài Gòn. Trẻ được sống lồng ghép tại nhà giáo viên hoặc người giáo viên quản lý sống lồng ghép ngược tại chính trong nhà của trẻ. Để biết rõ hơn về việc sống lồng ghép, tôi có cuộc trò chuyện với bà giáo Hà Thị Mận ,63 tuổi, đã về hưu, hiện nhận dạy trẻ lồng ghép tại gia hoặc tại nhà phụ huynh, địa chỉ 143/60 Gò Dầu, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú.

PV: Thưa cô, xin cô vui lòng cho biết những ưu điểm khi trẻ sống lồng ghép ?

Bà Mận: Khi sống lồng ghép trẻ phải xa cha mẹ nên buộc phải nghe lời người quản lý. Lúc này, trẻ muốn thể hiện điều gì đó để được người quản lý khen và tiếng khen này lây đến ba mẹ của trẻ. Khi được khen, trẻ cảm thấy thích vì cảm thấy nó có ích. Cho nên điều gì nó được khen tại nhà thì nó sẽ áp dụng tại nơi sống lồng ghép để giáo viên được thừa hưởng và ngược lại điều giáo viên dạy tốt thì phụ huynh được thừa hưởng tại nhà. Điều thứ hai là trẻ có ý thức tốt về việc tự học tập. Tôi luôn để cho trẻ tự giác học tập vì tôi thường nói với trẻ là bà hay ốm lắm, mà bà ốm thì bà sẽ nghỉ và con phải tự học. Thứ ba là trẻ có tính tự túc cao, có tính trách nhiệm cao, biết nói cho người quản lý cái mà trẻ thích và cái mà trẻ không thích kể cả trong ăn uống, trẻ biết hòa đồng với bạn bè xung quanh.

PV: Thưa cô, xin cô cho biết cô có những phương pháp gì làm cho trẻ sống lồng ghép ngoan hơn, sống tích cực hơn ?

Bà Mận: Để cho trẻ sống tích cực và ngoan hơn, thứ nhất, người quản lý phải giữ đúng chương trình, tức là giữ đúng giờ giấc học tập, vui chơi của trẻ. Với tôi, không bao giờ tôi cho trẻ học quá 20 phút. Mình phải biết rút ngắn thời gian học để cho trẻ có khả năng tiếp thu tốt nhất theo khả năng, đừng bắt trẻ phải học quá sức. Sau đó, mình phải xen vào những giờ chơi hợp lý như cho trẻ xem phim, tham gia các trò chơi trong nhà, kể chuyện. Đừng bao giờ dụ khị trẻ học tiếp, viết tiếp khi thấy trẻ đang làm tốt, vì như vậy là mình lấn sân của nó. Nếu thấy nó học tốt thì mình tự động chuyển qua chương trình khác như vui chơi giải trí, sau đó lại quay về môn học khác.

Thứ hai là người quản lý phải biết tự trọng và tôn trọng để nêu gương tự trọng và tôn trọng cho trẻ sống lồng ghép. Đừng tiếc lời khen với trẻ khi trẻ làm tốt. Ví dụ, khi trẻ biết lấy khăn lau bàn khi có nước đổ ra bàn thì mình phải khen ngay. Đừng bao giờ chỉ trích trẻ trước đám đông sẽ làm trẻ ù lỳ, mặc cảm. Nên nói riêng với từng trẻ những gì mình muốn trẻ phải khắc phục, làm tốt hơn như là nói với một người lớn vậy. Sống tôn trọng đó là điều cốt lõi vì trẻ chẳng qua là một người lớn thu nhỏ trong thế giới của nó. Điều quan trọng là hiểu được tâm lý trẻ. Trẻ luôn tỏ ra mình là đứa con có giáo dục nên muốn bà khen để tiếng thơm về với ba mẹ. Bình thường, nếu trẻ được mẹ khen thì lời khen đấy chỉ nằm trong bốn bức tường của mẹ, nhưng khi được người quản lý khen thì trẻ cảm thấy hãnh diện hơn, vui hơn. Khi cả trẻ và người quản lý đều cảm nhận được quá trình học, hiểu nhau tức là việc trẻ sống lồng ghép có kết quả tốt.

PV: Thưa cô, cô có gặp trường hợp cá biệt nào không trong việc dạy trẻ sống lồng ghép?

Bà Mận: Có một trường hợp đáng thương tâm mà tôi nhận trong thời gian gần đây là cả ba chị em Bình, Thành và Như: một em lớp sáu, hai em lớp bốn, cùng ở đường Lê Trọng Tấn, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Sài Gòn. Các em này đều bị ngọng, vừa được mổ cách đây bốn năm. Điều thương tâm là cả ba đứa đều có kỹ năng viết rất giỏi, kỹ năng ngọai ngữ, và tóan cũng khá, nhưng kỹ năng đọc thì thua, vì giáo viên không hiểu thì làm sao cho điểm cao, nên học lực của chúng xếp từ học sinh khá trở xuống trung bình.

Trường hợp thứ hai là hai học sinh lớp tám mà vẫn chưa thuộc cửu chương nên không làm tóan nhân được, và một em không biết làm tóan trừ mà vẫn cứ lên lớp đều đều, ở ngay tại Sài Gòn. Một trường hợp khác nữa là một em khôi ngô, con nhà giàu, năm nay học lớp năm, lại bị bệnh nhiễu sóng: học 15 phút thì không sao, qua phút thứ 16 thì y như là một cộng một bằng mấy không biết.



PV: Thưa cô, cô phải làm gì đối với những trường hợp cá biệt nói trên ?

Bà Mận: Mình phải hiểu tâm lý của từng trẻ mà có phương pháp dạy riêng cho từng đứa. Mình giống như người thợ hồ, phải biết trẻ khuyết chổ nào mà trám vào đúng cho đẹp. Mình phải biết kiên nhẫn với trẻ, phụ huynh cũng phải biết kiên nhẫn vì không thể có kết quả nhanh chống, gấp gáp được. Đối với tôi là không có đứa trẻ nào là đứa trẻ không ngoan cả, mà chỉ có người lớn không ngoan. Rõ ràng, chỉ có người lớn đánh nhau trước mặt trẻ em, người lớn uống rượu, hút thuốc, chửi thề, cờ bạc. Cũng không có đứa trẻ nào là chậm nhớ. Ta kiên trì nhắc thì nó nhớ hết. Ví dụ như đối với em bị bệnh nhiễu sóng, tôi cho em học nhưng tôi quan sát biểu hiện của nó, hể khi nào tôi hỏi 1+1 bằng mấy mà em không trả lời được là tôi cho nó nghỉ, chuyển qua học giao tiếp Anh văn, vẽ, kể chuyện, vui chơi, sau đó quay lại học tiếp môn tóan. Còn đối với ba chị em bị ngọng, ngòai việc dạy văn hóa cho các em, mỗi ngày, tôi dành ra một giờ để cho các em nói chuyện với nhau cho tôi nghe. Hễ cái gì tôi nghe các em nói đúng thì thôi, câu nào tôi nghe hiểu, nhưng nói chưa chuẩn thì tôi từ chối nghe, tôi nói tôi không hiểu, tôi buộc các em phải lặp lại tới khi được thì thôi. Trẻ không làm được là do được người lớn quá nuông chiều. Phải biết nói không với trẻ khi cần thì trẻ mới có thể phát triển tốt. Tôi hy vọng rằng một năm nữa thì ba em này mới có thể nói như người bình thường được.

PV: Thưa cô, cô có lời nào muốn nhắn gửi đến phụ huynh của trẻ sống lồng ghép ?

Bà Mận: Điều tôi muốn nói với quý phụ huynh là trẻ con như những chai lọ, hễ chai lớn có miệng lớn, đường kính lớn; chai nhỏ có miệng nhỏ, đường kính nhỏ. Thành thử, với sức của nó nó tiếp nhận được chừng nào thì nên khen nó ngay chừng đó. Ông bà ta thường nói Trăng tới tuổi trăng tròn không có nghĩa là phụ huynh – cô giáo – bảo mẫu đều bị động mà chúng ta cần kiên nhẫn với trẻ hơn. Cái miệng chai nhỏ có vậy mà mình cứ đổ nhiều quá như là với một chai lớn thì tự khắc nó có những bong bóng. Tôi mong muốn quý phụ huynh hãy ôm chặt lấy con, yêu thương, vuốt ve con, trò chuyện hỏi han con, quan tâm con nhiều hơn về việc học lồng ghép với người quản lý. Quý phụ huynh không nên bắt trẻ học quá nhiều, quá sức sẽ phản tác dụng vì đây là việc của người quản lý.

PV: Thưa cô, điều cô tâm đắc nhất khi dạy trẻ sống lồng ghép là gì ?

Bà Mận: Điều tôi tâm đắc nhất là các trẻ tôi dạy từ trước tới giờ chưa bao giờ làm xáo trộn đồ đạc trong nhà tôi như các giấy tờ, hóa đơn tiền điện, tiền nước, điện thọai. Cũng không bao giờ trẻ vẽ bậy lên tường mặc dù chưa bao giờ tôi ra lệnh cho các em hay đề cặp với các em điều này. Điều này có được là do phụ huynh giáo dục trẻ, hoặc có thể trẻ sợ tôi, có thể trẻ ý thức được việc làm của mình mà sống tốt hơn, ngoan hơn ở nơi lồng ghép nên tôi được thừa hưởng cách giáo dục tốt từ phụ huynh của các học sinh. Đó là lời khen trẻ tôi xin gửi đến quý phụ huynh.

PV: Thưa cô, cô có lời nào muốn nhắn gửi đến giáo viên đứng lớp tại các trường ?

Bà Mận: Nguyên tắc sư phạm là phải giáo dục được những trẻ không thể giáo dục được mà mình nhận dạy thì mới gọi là nhà giáo dục. Thông thường các giáo viên đang dạy ở các trường, các giáo viên trẻ không nhận những trẻ cá biệt vì họ sợ mất thời gian và mang tiếng, thậm chí có giáo viên tuyên bố chỉ nhận dạy học sinh từ khá trở lên thôi. Nhưng với tôi, trẻ khiếm khuyết đáng được quan tâm nhiều hơn, uốn nắn để trở thành những trẻ tốt. Trong phần dạy trẻ lồng ghép, tôi luôn dành 50% thời gian để dạy trẻ về đạo đức. Chúng ta nên dạy cho trẻ đạo đức trước vì đạo đức là nhân còn học tập là quả. Tại sao chúng ta cứ muốn có quả tốt mà lại không gieo trồng cái nhân trước. Ngay từ buổi học đầu, tôi dạy cho trẻ về đạo đức, uốn nắn tư thế ngồi, tư thế cầm viết, học văn hóa chỉ là phần phụ. Tôi dạy cho trẻ biết thương yêu cha mẹ, quý trọng công sức cha mẹ tần tảo khổ cực một nắng hai sương mới có tiền cho nó ăn học, dạy cho trẻ biết thương làn hơi của cô giáo cứ ra rã với mình như thế nào, yêu quý và giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ người khó khăn. Đừng tiếc mất đi một hai tháng đầu dạy văn hóa mà bỏ đi cái cốt lõi là đạo đức. Khi các em học tốt đạo đức thì mình dạy văn hóa, chữ viết tăng dần, rồi tự khắc nó học tốt văn hóa. Giáo viên nên dạy cho trẻ đạo đức mới là điều quan trọng nhất.



Cháu Minh Quân, một cháu học lồng ghép tại nhà bà giáo Mận trong mùa hè 2011 cho biết: “Con thích học với bà lắm. Bà dạy con cách cầm viết, bà bắt con phải ngồi thẳng lưng, đầu chỉ hơi nghiêng thôi thì chữ viết mới đẹp. bà còn kể chuyện cho con nghe nữa. Con nói con thích ăn canh khoai mỡ là bà nấu cho con ăn. Những lúc bà vắng nhà, con ngủ dậy thì tự học xong rồi chơi. Đến lúc mẹ đến đón thì về”.

Môi trường trẻ sống lồng ghép là một môi trường tốt vì một thầy 10 trò, một thầy 5 trò, thậm chí một thầy một trò. Chỉ có trò bỏ thầy chứ thầy không bỏ trò. Khi trò bỏ thầy đi hòa nhập được với các trung tâm văn hóa, không trở lại là lúc người quản lý có thể mỉm cười vì đó là hoa trái người quản lý thu lượm được. Hãy để cho trẻ đứng giữa phụ huynh và người quản lý. Đó là điều bà giáo Mận muốn nhắn nhũ với quý phụ huynh.

Chia tay bà giáo ra về, trong tôi vẫn còn in đậm một hình ảnh bà giáo già bên bàn học của học trò. Tôi học được ở bà cách nói chuyện thẳng thắng, cách sửa đầu cho trẻ khi ngồi viết, cách bà khôn ngoan dụ trẻ sửa cách cầm bút bằng cách cộng thêm một điểm vào bài viết, cách bà chỉ dẫn trẻ các thủ thuật kỹ năng sống trong gia đình và cả những bài học đạo đức. Bà gợi lên hình ảnh một người thầy nhiệt tâm, mẫn cáng với học trò mà thời nay ít thấy. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn mong mỏi, khát khao được phục vụ cho xã hội nhiều hơn, muốn đào tạo lớp trẻ ngòai tài năng, trí tuệ, sự thông minh còn có cả một trái tim nhân hậu, một tấm lòng và đạo đức làm người.

Nguyễn Quân TT