Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa

VRNs (24.08.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Mt 16, 21-27: Phụng vụ Chúa nhật XXII Thường niên, năm A (IV A 45), ngày 28.08.2011.



Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu tiên báo lần đầu tiên cuộc khỗ hình và tử nạn của Ngài.

Sau lần tiên báo nầy( Mt 16, 21-27), Ngài còn đề cập đến hai lần khác nữa ( Mt 17, 22-23; Mt 20, 17-19).

Bài tường thuật tiên báo hôm nay có thể chia làm ba đoạn:

– Chúa Giêsu tiên báo cuộc khỗ nạn ( Mt 16, 21),
– Phản ứng không chấp nhận của các môn đệ, nhứt là của Phêrô ( Mt 16, 22),
– Câu trả lời của Đức Giêsu và những lời giảng dạy mới liên hệ ( Mt 16, 23-27).

Sánh với bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa qua, đây là tình hình mới mẻ và đảo ngược đối với những gì Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta tuần qua.

Trong bài Phúc Âm tuần qua, Thánh Phêrô được Chúa Cha mạc khải sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu và Phêrô tuyên xưng Ngài một cách xác đáng: ” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” ( Mt 16, 16) .

Lời tuyên xưng bộc lộ niềm tin sắt đá đó của con người Phêrô được Đức Giêsu khen ngợi và tin tưởng đặt Ngài làm nền tảng và hướng dẫn Giáo Hội:

– ” Nầy anh Simon, con ông Gioan, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời…anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy Thầy sẻ xây Giáo Hội của Thầy…Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy…” ( Mt 16, 17-19).

1) Tiên báo và phản ứng

Nhưng rồi thời gian qua, cuộc khỗ nạn và tử hình đến gần, Chúa Giêsu thấy cần phải báo cho các môn đệ:

– ” Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khỗ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” ( Mt 16, 21).

Chúa Giêsu,

– người đã cho phép Phêrô đi trên mặt nước ( Mt 14, 22-33),

– người đã hoá cá và bánh ra nhiều để nuôi mấy ngàn người ( Mt 14, 13-21; 15,32-39),

– người quyền phép đã làm cho ” người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” ( Mt 11, 5),

– người mà dân chúng ngưỡng mộ định tôn vinh làm vua của họ ( Jn 6, 14-15),

– và người mà chính Phêrô tuyên xưng là Đấng Toàn Năng ,” Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống ” không lâu trước đó.

Con Người đó, có thể nào ” phải chịu nhiều đau khỗ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…”.

Đó là một nguồn tin sét đánh, không thể tưởng tượng được!

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ hiểu được phản ứng rất tự nhiên và ” rất người ” của Thánh Phêrô:

– ” Ông Phêrô liền kéo riêng người ra và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa thương, đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy” ( Mt 15, 22).

Trong giây phút đó, những lời khen ngợi ” …anh thật có phúc …”, sự tín cẩn ” …trên Tảng Đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy…, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời…” dường như bị sụp đổ, không còn nữa. Thay vào đó là lởi khiển trách:

– ” Sa tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa « ( Mt 16, 23).

Đọc câu trả lời của Thánh Phêrô, sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài và lời quở trách của Chúa Giêsu, chúng ta biết được Thánh Matthêu đặt chúng ta vào trọng điểm của Phúc Âm: cách hành xử của Thiên Chúa và quan niệm thông thường về cuộc sống của người đời.

Sự tương phản giữa hai quan điểm trên, không phải chỉ xảy ra thời Thánh Phêrô. Trong hiện tại cách thức xử sự của chúng ta cũng không khác gì.

– « Xin Thiên Chúa thương, đừng để Thấy gặp phải những chuyện ấy »,

điều đó không khác gì khuyên Chúa Giêsu hảy bỏ đi sứ mạng cứu độ của Ngài, nếu để chu toàn sứ mạng đó Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn và phải chết.

Con người ai cũng tham sống và tránh khỏi đau khổ chết chóc, mặc cho đó là con đường phải trải qua để thi hành sứ mạng của Thiên Chúa cũng vậy.

Thánh Phaolồ hiểu rõ hơn ai hết tâm lý đó của chúng ta, khi ngài viết :

-« Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa »( I Cor 1, 18).

2) Những huấn dụ mới.

Đứng trước thái độ không chấp nhận của Thánh Phêrô, Đức Giêsu quở trách ông.

Nhưng có lẽ Ngài quở trách để rồi dạy Phêrô cũng như dạy chúng ta cách hành xử phải có, hơn là quở trách để quở trách.

Và đó là điều Chúa Giêsu đã làm ở những dòng kế tiếp của Phúc Âm :

– « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống đo ù » ( Mt 16, 24-25).

Vậy thì « theo Thầy », « liều mạng sống mình vì Thầy » nghĩa là gì ?

Có phải « theo Thầy », ” liều mạng sống mình vì Thầy » là dùng bạo lực để bảo vệ Chúa Giêsu chăng ?

Một diễn tiến trong vườn Giêtsemani cho chúng ta câu trả lời phủ quyết đối với câu hỏi trên :

– « Một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thấy thượng tế, làm nó đứt tai.Chúa Giêsu bảo người ấy: Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ?… » ( Mt 26, 51-54).

Như vậy ” theo Thầy”, ” liều mạng sống mình vì Thầy” không có nghĩa là dùng bạo lực để bảo vệ cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu.

Bỡi lẽ Ngài đã tự ý vâng phục thánh ý Cha Ngài cho đến chết và chết trên thập giá :

– « Chúa Giêsu Ki Tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự » ( Pl 2, 6-8) .

3) Phúc Âm, theo Thầy và liều mạng sống vì Thầy.

Vậy thì « theo Thầy » và « liều mạng sống vì Thầy , thì sẽ tìm được mạng sống “, không phải để bảo vệ cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu, vậy có nghĩa là gì ?

Câu trả lời rỏ ràng hơn chúng ta tìm được ở một đoạn Phúc Âm khác của Thánh Matthêu, khi Đức Giêsu khuyên bảo các môn đệ những lời cuối cùng, trước khi lìa khỏi trần gian về cùng Chúa Cha :

– « Chúa Giêsu đến gần và nói với các ông : Thầy đã đưọc trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em » ( Mt 28, 19-20).

Như vậy « theo Thầy », ” liều mạng sống vì Thầy », ý muốn của Chúa Giêsu là « dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em ».

Mọi điều gì Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ ?

Những điều đã được ghi lại trong Phúc Âm hay nói đúng hơn là giáo lý của Ki Tô giáo.

Và nội dung của bốn sách Phúc Âm, sách Tông Đồ Công Vụ, các thư mục vụ các tông đồ gửi các cộng đoàn Ki Tô hữu đầu tiên , cũng như nội dung của Cựu Ước được các ngôn sứ tuyên bố, chúng ta có thể thâu tóm lại trong hai giới răn ngắn gọn :

– « Điều răn thứ nhứt: Nghe đây hởi Israel! Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhứt. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.

Điều răn thứ hai: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” ( Mc 12, 29-31).

a) Kính mến Thiên Chúa.

Nhìn biết Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo ra mình và sáng tạo ra vũ trụ cho chính mình:

– ” Ta hãy dựng ra con người theo hình ảnh của Ta, giống như Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” ( Gn 1, 28)

Nhìn biết Thiên Chúa là Cha, với lòng thương yêu chúng ta vô hạn, đã nhắc chúng ta từ hoàn cảnh thọ tạo lên điạ vị con Thiên Chúa:

– ” Lạy Cha chúng con ở trên trời…” ( Mt 6, 9),

và ban cho chúng ta được thông phần vào bản tính thần linh của Ngài:

– ” Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa…” ( 2 Pt 1,4).

Trước những điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta như vừa kể, bổn phận của chúng ta là nhận biết, yêu mến và vâng phục các điều Người dạy, vì chúng ta là tạo vật duy nhứt được Chúa ban cho trí khôn ngoan và lòng yêu chuộng tự do, có khả năng nhận biết và yêu mến Ngài.

Đó là ý nghĩa Công Đồng Vatican II muốn gởi đến chúng ta:

– “…con người là tạo vật duy nhất ở trần gian mà Thiên Chúa muốn tạo dựng nên cho chính mình…” ( Gaudium et Spes, 24 ).

b) Yêu thương anh em như chính mình.

– « Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình » ,

giới răn thứ hai trong Phúc Âm, điều kiện không thể thiếu để « theo Thầy » và « liều mạng sống vì Thầy ».

Với những gì chúng ta biết qua ở trên : con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người là con Thiên Chúa và con người được Thiên Chúa cho quyền được tham dự vào bản tính thần linh của Ngài, nói lên địa vị cao cả của con người mà bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào cũng phải kính trọng.

Yêu thương anh em, trước tiên gồm có sự kính trọng đối với anh em tương xứng với địa vị cao cả con người của anh em, được Thiên Chúa ban cho.

Yêu thương anh em, biết tha thứ cho anh em, mỗi khi anh em xúc phạm đến chúng ta:

– « Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Co phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp : Thầy không nói đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy » ( Mt 18, 19-20).

Yêu thương anh em, phục vụ anh em :

– « Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em » ( Jn 13, 14-15).

– « Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại ai lớn nhứt trong anh em, thì phải nên ngưòi nhỏ tuổi nhứt, và kẻ làm đầu phải nên người phục vụ » ( Lc 22, 25-26).

Yêu anh em, quan tâm đến những nhu cầu, thiếu thốn, những nỗi khốn cùng, bệnh tật, lo âu của anh em như chính Đức Giêsu đã làm để dạy chúng ta: Ngài đã biến nước thành rượu trong tiệc cưới nửa chừng bị thiếu rượu ( Jn 2, 1-12), hoá bánh và cá ra nhiều cho dân chúng ăn uống no đầy vì sợ rằng họ sẽ bị xỉu dọc đường ( Mt 14,13-21 ; 16, 32-39), làm phép lạ chữa cho « người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng » ( Mt 11, 5-6).

Yêu anh em, « người tín hữu Chúa Ki Tô phải hợp tác với người khác để kiến tạo một xã hội xứng đáng với địa vị con người hơn » ( Gaudium et Spes, 57).

Yêu thương anh em, bằng lời nói và bằng hành động đòi hỏi công sức, tốn kém và hy sinh, đội khi đến cả tính mạng. Đó là ý nghĩa của « theo Thầy », « liều mạng sống vì Thầy », « vác Thánh Giá mà theo Thầy ».

Sống đời sống Ki Tô hữu với đầy đủ ý nghĩa là một cuộc sống dấn thân, tốn kém công sức, tốn kém của cải và có lẽ cũng tốn kém cả mạng sống : « liều mạng sống vì Thầy « là vậy.

Dấn thân để cá nhân mình phục vụ anh em và dấn thân để tổ chức xã hội thành môi trường có những điều kiện thuận lợi để phục vụ anh em.

Bởi lẽ một xã hội trong đó điạ vị con người không được tôn trọng, một xã hội đầy hận thù không biết tha thứ, một xã hội không được tổ chức để phục vụ và kính trọng con người, một xã hội để cho con người phải sống khốn cùn thiếu thốn, bệnh tật, dốt nát, không có khả năng cung cấp cho con người hoàn cảnh và điều kiện tự do để sống hạnh phúc và phát triển toàn vẹn con người của mình, không phải là xã hội được tổ chức trong tinh thần Phúc Âm. Không phải là xã hội được kiến tạo « xứng đáng với địa vị con người » và người Ki Tô hữu muốn « theo Thầy », « liều mạng sống vì Thầy » không thể chấp nhận.

Người Ki Tô hữu không thể im lặng , bình chân như vại trước cơ chế cấu trúc xã hội hiện hữu và cả ý thức hệ đã làm cho đường lối tổ chức xã hội bại hoại. Đó không phải là yêu thương anh em.

Một xã hội như vậy đặt người Ki Tô hữu trước lương tâm của mình: chúng ta đang « theo Thầy », « liều mạng sống vì Thầy », đang lên tiếng và hành động để « kiến tạo một xã hội xứng đáng với điạ vị con người hơn » hay chúng ta đang im thin thít « nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe không hiểu »( Mt 13,13) ?

Nếu chúng ta đang có thái độ đó, chúng ta trả lời sao với Thánh Gioan:

– « Ai không yêu thương anh em là người mình thấy được, làm sao có thể kính yêu Thiên Chúa, Đấng mà mình không thấy » ( 1 Jn 4,20s).

Và nếu Ki Tô giáo chỉ gồm tóm có hai giới răn : kính yêu Thiên Chúa và thương yêu anh em, thì người không yêu thương anh em, cũng chẳng kính yêu gì Thiên Chúa ( như lời cảnh cáo của Thánh Gioan vừa trích dẫn).

Người không kính yêu Thiên Chúa, mà cũng chẳng thương mến gì anh em người đó không phải là người Ki Tô hữu nữa !

NGUYỄN HỌC TẬP