Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Đức Kitô là Thiên Chúa

VRNs (20.08.2011) – Nhân loại có hai cách hiểu về Đức Giêsu, có người tin nhận Ngài là Thiên Chúa, số còn lại không tin. Thế nhưng, không kể đến yếu tố niềm tin, con người không thể loại trừ khía cạnh lịch sử. Chẳng phải lịch sử Do Thái đã ghi nhận Ngài là con bà Maria và ông Giuse thợ mộc, thuộc dòng tộc Đavít đó sao?



Có lẽ không một cư dân Do Thái nào có thể phủ nhận thân thế và nguồn gốc lịch sử của Đức Giêsu. Vụ tử nạn đẫm máu hơn 2000 năm vẫn như mới hôm qua đang còn mới nguyên trong dòng lịch sử. Không một ai dám phủ nhận cái chết lịch sử của Ngài. Thế nhưng việc nhận biết và tôn thờ Ngài là ai lại còn nguyên dấu hỏi.

Ngay khi Đức Giêsu còn cận kề hiện diện, chung vai sát cánh với các môn đệ mà các ông còn chưa nhận biết sự thật về thân thế Ngài. Khi đặt dấu hỏi: “Người ta nói con người là ai?” (Mt 16,13), đáp án vẫn là một sự mông lung, mơ hồ. Trong tiềm thức nhân loại, Đức Giêsu vẫn chỉ là một tiên tri, là người loan báo về Thiên Chúa chứ không là Thiên Chúa. Chỉ riêng Phêrô khẳng định: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Chẳng phải nhờ trí khôn nhân loại, mà Phêrô có thể tuyên xưng mầu nhiệm về Con Thiên Chúa, nhưng hơn cả vẫn là ơn ban của Cha. Cuộc sống nhân loại cũng thế, nhiều khi con người lầm tưởng vào khả năng, cậy dựa vào tài cán của mình để khinh khi hay xem thường kẻ khác. Từ coi mình thủ đắc hết tri thức nhân loại để rồi không nhìn nhận ơn ban của Đấng làm nên mình.

Nếu không do Thiên Chúa mặc khải, tự sức mình con người khó có thể hiểu thấu mầu nhiệm nước trời. Một khi đã tiếp xúc với mầu nhiệm, con người chỉ còn biết lấy đức tin mà qui phục. Do vậy mà ngày nay, khi cuộc sống vật chất quá văn minh đầy đủ, con người đã không còn nghĩ đến việc cần phải tìm hiểu xem Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa là Đấng nào, và Đấng ấy có vị trí, ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời mình.

Biết Thiên Chúa là ai thì dễ, nhưng có tin Ngài là Chúa đời mình không mới là quan trọng. Biết Thiên Chúa, có lẽ mọi người đã từng biết, nhưng hiểu, yêu mến và tin, hiếm kẻ tin. Thực sự là vấn nạn không nhỏ. Nhận biết cần phải có niềm tin và lòng yêu mến. Biết chỉ để mà biết chưa đủ, tin để mà tin cũng chưa đủ, nhưng cần phải sống.

Giả như nhân loại mỗi người tự hỏi, Đức Kitô là ai với tôi, trong cuộc đời tôi, cuộc sống có lẽ sẽ khác, bớt đau khổ, giảm tội lỗi… Bởi chưng, khi nhận biết Đấng tác tạo nên tôi, yêu thương tôi, sống cho tôi và chết cũng vì tôi, người ta sẽ biết sống tốt hơn, cố gắng sống tốt hơn.

Một sự thật không kém buồn, đó là tình trạng niềm tin không đúng nghĩa. Người ta khua chiêng đánh trống vỗ ngực xưng tên nhằm diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng thực ra chỉ để mua danh bán tước!

Lạy Chúa, nếu như con biết dùng thời gian thinh lặng để tự hỏi lòng: Đức Kitô là ai trong cuộc đời mình, có lẽ con sẽ tìm được câu trả lời xác đáng nhất. Thật ra, ở tận đáy lòng, có bao giờ Thiên Chúa thôi đứng vị trí quan trọng trong cuộc đời con đâu. Nhưng cách sống thể hiện niềm tin ấy không đơn thuần, nó bao hàm trong mọi hoạt động đến mức tinh tế nhất, đôi khi tưởng chừng con loại bỏ Ngài xuống hàng thứ yếu. Sự thật con nào dám quên Thiên Chúa là ai, nhưng đứng trước phong ba, bão táp… Thiên Chúa vẫn thinh lặng, bản thân đức tin yếu kém, non nớt, con không thể không hoài nghi, hoang mang, ngờ vực. Thủ đắc sự hiểu biết về Ngài chưa đủ, mà cần phải sống trải nghiệm niềm tin ấy nữa kìa. Con thuyền đời con đang lênh đênh trên biển đời với những câu hỏi thách đố vây bủa. Xin giúp con biết sống niềm tin mà con đã tuyên xưng, với tôi, Đức Kitô là Thiên Chúa!

M. Hoàng Thị Thùy Trang