Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Khi người bỏ đạo biết khao khát Chúa

VRNs (20.09.2011) - Sài Gòn - Nhiều người Công giáo hay nói người ngoại đạo được ơn hơn, xin gì Chúa cũng cho, còn người có đạo xin ít khi được. Tôi không biết vì sao đi đâu tôi cũng nghe câu nói này. Đó phải chăng là một thái độ ganh tị về ơn lành Chúa ban cho người ngoại đạo nhiều hơn trong khi họ nghĩ mình là con cái Chúa nhưng ít được Chúa yêu thương, nhận lời.



Phàm làm người, khi được sinh ra đời, tất cả chúng ta những người có mặt trên trái đất này hay bất kỳ một hành tinh xa xôi nào đó mà bước chân con người chưa có dịp đặt tới thì tất cả chúng ta đều là thụ tạo do Chúa sinh ra dù bạn hay tôi có chấp nhận điều đó hay không. Hễ là con cái của Chúa do Chúa sinh ra thì dù người có đạo, tức người ấy đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy gội sạch tội tổ tông truyền hoặc người chưa có đạo, tức người ấy có thể là người của tôn giáo bạn hoặc người vô thần thì đều được Chúa yêu thương bằng cách này cách khác.

Ngày đầu tháng 07 năm nay (01/07/2011), tôi có dịp đi hành hương Đức Mẹ Tà Pao. Trong cái lạnh se se buổi sớm, Mẹ đứng uy nghiêm trên cao trắng toát giữa màu xanh bao la của núi rừng. Ai đến đây cũng xin ơn hoặc tạ ơn Đức Mẹ. Tại đây, tôi gặp anh Phêrô Trần Văn Hùng, 53 tuổi, nhà tại Phú Châu, Tam Phú, Thủ Đức, Sài Gòn (gần nhà thờ Châu Bình), hai mắt đỏ hoe, đầy cảm động. Tôi lân la trò chuyện thì được anh cho biết:

“Hôm nay, mình đi lễ ở đây, núi Tà Pao, gặp Mẹ, gặp Cha xưng tội. Mình ở Sài Gòn lên đây, đi hành hương cùng vợ và ba đứa con gái, một thằng cháu ngoại (Anh nói trong ngấn lệ, lời nói đứt quãng vì cảm động – NV). Giống như trong bài Cha vừa giảng xong, Thánh Tâm Chúa luôn yêu thương con người. Mình đã bỏ đạo hơn ba mươi ba năm rồi. Mình sống trong tội lỗi, bất an. Nay có dịp gặp Mẹ Tà Pao, gặp Cha ở đây, âu cũng là do Chúa quan phòng cho mình trở lại đạo. Mình mới xưng tội”.

Anh là con nhà đạo gốc. Từ nhỏ, anh hay đi nhà thờ với ba ở nhà thờ Hạnh Đông Tây, Gò Vấp, thỉnh thoảng đi nhà thờ DCCT Sài Gòn. Khi lập gia đình, vợ anh là người đạo Phật nên đạo ai nấy giữ. Từ ngày ba anh mất, anh bỏ nhà đi làm ăn xa. Anh kể:

“Từ đó mình không còn đi nhà thờ nữa. Có những lúc công việc của mình gần nhà thờ thì cũng đi nhưng rất ít. Công việc bù đầu bù cổ, nó chiếm hết thời gian, mình quên đi lễ, quên đến nhà thờ, quên thờ phượng Chúa lúc nào không biết”.

Chuyến hành hương Đức Mẹ Tà Pao kết thúc, chúng tôi tạm biệt nhau. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp lại anh để mang biếu anh vài tấm ảnh Đức Mẹ, Chúa Yêsu, Gia đình Thánh Gia và ít kinh sách và cũng để hai anh em cùng tám cho đỡ buồn. Anh làm nghề giữ xe máy gần bến xe Miền Đông, thu nhập cũng đủ trang trải nuôi bốn người, hai con ăn học. Phần lớn, những người gửi xe cho anh giữ là những khách hàng lâu năm, cũng năm sáu năm rồi nên xem nhau là bạn. Các bạn anh làm nghề chạy xe ôm tại bến xe Miền Đông để kiếm sống. Gặp tôi, các anh đều chào hỏi vui vẻ.

****

Tôi hỏi chuyện anh Hùng:

PV: Dạo này anh còn đi lễ nữa hay không ? (Mỗi lần gặp anh, tôi đều hỏi anh nửa đùa nửa thật, anh đều rơm rớm nước mắt, hai mắt đỏ hoe trở lời)

Anh Hùng: Có chứ. Tuần nào anh cũng đi lễ hết. Muốn tiện gần nhà thì anh đi nhà thờ Châu Bình, còn làm siêng thì xuống DCCT Sài Gòn. Các cha ở đó giảng hay lắm. Anh thích nhất là các lễ có thắp nến cầu nguyện. Cha giảng về những người đấu tranh cho công lý, nhân quyền bị bách hại, bị bắt giam. Hồi tuần rồi, anh cũng đi xuống DCCT đi lễ, về gặp mấy thằng bạn rủ nhau đi nhậu, vui quá mất điện thoại, mất bóp hồi nào không hay. Bữa nay, anh mua điện thoại mới rồi. Chắc Chúa muốn mình xài cái mới nên để cái cũ nó đi (Nói xong anh cười híp mí, khoe cho tôi xem cái điện thoại mới mua).

PV: Từ ngày trở lại đạo, anh có được ơn gì chưa ?

Anh Hùng: Bây giờ anh đã lập bàn thờ thờ Chúa Mẹ ở trên, thờ ông nội tụi nhỏ ở dưới. Từ ngày trở lại đạo, anh thấy gia đình được bình an, yên ổn hơn, không còn cảm giác bấp bênh như hồi trước. Anh thấy anh cũng được ơn lắm. Anh xin cho mấy đứa nhỏ học hành tốt đều được Chúa nhận lời. Con gái giữa của anh là Trần Thị Ngọc Lan Thanh, hiện đang học lớp 11, học khá lắm. Con gái út là bé Tuyền học cũng giỏi nữa. Mà cái ơn lớn nhất anh cảm nhận được là ơn trở lại đạo. Mình trở lại đạo là mình được làm con cái Chúa, được rước Mình Thánh Chúa vào lòng, được bình an, không còn lo nghĩ gì nữa.

PV: Anh có định cho con anh theo đạo hay không ?

Anh Hùng: Có chớ. Nhưng có lẽ phải đợi con gái anh tốt nghiệp lớp 12 thì thuận tiện hơn. Vì vô đạo thì con anh phải học giáo lý. Bây giờ, sáng nó đi học, trưa về ăn cơm xong thì cũng học, tối lại học thêm. Việc học hành ở trường chiếm hết thời gian của nó, nó đâu còn thời giờ mà chuyên tâm học giáo lý. Vả lại, từ hồi nào đến giờ, trong nhà theo đạo nhà ngoại là đạo Phật. Tự dưng mình bắt con nó theo mình liền cũng ngặt lắm. Phải giải thích và uốn nó từ từ thì nó mới hiểu và thấy thích mà theo.

PV: Anh có nghĩ là một ngày nào đó anh bỏ đạo nữa không ?

Anh Hùng: Chắc chắn là không. Bây giờ, mình khôn lớn rồi, không còn ở cái tuổi bồng bột mê làm mê chơi nữa. Được trở lại với đạo, được làm con cái Chúa là mình thấy bình an, yên ổn lắm rồi. Cũng không có lý do gì mà anh phải bỏ Chúa nữa. Chỉ mong con cái học hành đàng hoàng tử tế, sau này theo đạo nữa là anh đã làm tròn bổn phận. Anh cũng mong rằng những người đã và đang bỏ đạo trở lại đạo để họ cảm thấy được Chúa ban bình an, ủi an và nâng đỡ, không còn cảm giác tội lỗi với cuộc sống tinh thần bấp bênh.

******

Anh Hùng là một trong hàng trăm, hàng ngàn thậm chí hàng triệu con chiên lạc của Chúa. Chúa không ngừng yêu thương anh hơn bất kỳ con chiên công chính nào của Người. Những người có đạo hoặc tự xem mình là người có đạo vì đi lễ, đi chầu đầy đủ nhưng không chắc họ nhận ra cái ơn lớn nhất mà họ có như anh Hùng đã nhận ra là được làm con cái Chúa, được rước Mình Thánh Chúa vào lòng, được bình an, không còn lo nghĩ gì nữa. Có lẽ, trong con mắt của người có đạo, ơn là cái gì phải thật hiện hữu, phải sờ thấy, nắm được hoặc thậm chí phải đếm được về số lượng vật chất là tiền của, nhà cửa, đất đai.

Chúa yêu người chưa có đạo và người bỏ đạo vì họ là những con chiên lạc mà Chúa cố công đi tìm về. Chúa yêu thương, nâng đỡ, ủi an những lúc họ khốn cùng không biết cậy vào đâu. Trong dụ ngôn con chiên bị mất, thánh Luca viết lời Chúa Yêsu nói: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’. Vậy tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy vui mừng vì một người tội lỗi ăn năng sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Nguyễn Quân TT