Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Lm Nguyễn Thể Hiện dcct - Dụ ngôn hai người con

VRNs (24.09.2011) – Sài Gòn – Mt 21, 28-32 (CN 26 TN – A): Dụ ngôn hai người con



Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 21,28-32) là dụ ngôn đầu tiên trong chuỗi ba dụ ngôn Chúa Giêsu kể nhằm mục đích cho thấy sự bất trung của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái.

Mở đầu, Chúa đặt vấn đề trực tiếp với các nhà lãnh đạo Do Thái đang đến chất vấn về thẩm quyền của Người, rằng họ nghĩ gì về hai người con trai của một người đàn ông nọ, mà một trong hai người đó là người trung tín. Chúa nói: “Các ông nghĩ sao?” (c.28a). Người muốn các vị đó tham gia một cách tích cực vào câu chuyện mà kết luận sẽ áp dụng vào chính họ trước hết!

Rồi Chúa bắt đầu kể: “Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho’. Nó đáp: ‘Con không muốn!’. Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (cc.28b-29). Người thứ nhất trong hai người con có lẽ là người lớn hơn. Người cha đến với anh và bảo anh đi làm vườn nho “hôm nay”, một đề nghị/lệnh truyền cho hiện tại, cho lúc này. Sự từ chối thẳng thừng, không lịch sự, có phần gay gắt và ngay lập tức của người con, chứng tỏ sự bất tuân và thậm chí là nổi loạn của anh ta đối với người cha và quyền bính của ông. Tuy nhiên, sau đó, anh ta hối hận, thay đổi suy nghĩ, ăn năn sám hối. Rồi anh đi để thực hiện lệnh truyền ban đầu của người cha. Thế là sự từ chối ban đầu, sau cùng, lại được đổi thành sự vâng phục rất thực chất và đáng khen.

“Người cha đến gặp đứa con thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’, nhưng rồi lại không đi” (c.30). Người con thứ hai này đã trả lời với đề nghị của người cha bằng một thái độ hết sức khả ái và lịch thiệp. Câu trả lời của anh ta hoàn toàn đối ngược lại với câu trả lời của người thứ nhất, cả trong nội dung lẫn trong cách thức và thái độ. Nhưng trong thực tế, anh không hề thực hiện ý muốn của người cha. Anh chẳng đi ra vườn nho, và càng chẳng động tay vào bất cứ việc gì. Thế là sự vâng phục khả ái và lịch thiệp ban đầu, sau cùng, lại bị biến thành sự bất tuân rất đáng trách.

Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và kỳ mục Do Thái đang đến để chất vấn Người: ‘Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?’ Họ trả lời: ‘Người thứ nhất’ (c.31a). Cách nói “ý muốn của người cha” (tô thêlema tou patrôs) ở đây có lẽ ngầm nhắc đến những chỗ Chúa Giêsu nói về ý muốn của Cha “của tôi”, ví dụ 7,21 (Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha tôi mới được vào Nước Trời mà thôi) và 12,50 (Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi). Đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo Do Thái đã đưa ra câu trả lời hoàn toàn chính xác và thỏa đáng. Như thế, trong cách đánh giá ví dụ được nêu ra, Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái đã hoàn toàn đồng ý với nhau, rằng ý muốn của người cha chỉ được thực hiện qua hành động, chứ không phải bằng lời nói lịch thiệp và khả ái.

Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (c.31b). Công thức dẫn nhập “Amen, tôi bảo các ông” nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của những gì được nói sau đó, trong câu kết luận áp dụng dụ ngôn.

Chắc chắn các nhà lãnh đạo Do Thái đã cảm thấy rất sốc và rất bị xúc phạm khi nghe câu kết luận áp dụng này của dụ ngôn. Chúa Giêsu đã coi họ là loại người con thứ hai trong dụ ngôn, kẻ đã dùng lời nói ngon ngọt để tỏ ra tuân phục nhưng thực chất là kẻ bất tuân và không đi vào vườn nho để làm việc. Quả thực, họ đã đón nhận Lề Luật, nhiệt thành nghiên cứu và tán dương Lề Luật, hãnh diện vì mình có và biết Lề Luật, nhưng lại không tuân phục Thiên Chúa – Đấng ban Lề Luật, và những sứ giả mà Người sai đến. Còn những kẻ cặn bã trong xã hội theo cái nhìn của những nhà lãnh đạo Do Thái, tức là hạng gái điếm và quân thu thuế, thì lại được đồng hóa với người con thứ nhất, là kẻ thoạt đầu bất tuân và ngỗ ngược, nhưng đã biết nghĩ lại, hối hận và sau đó thi hành ý muốn của người cha. Những kẻ tưởng là cặn bã ấy lại sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những nhà lãnh đạo mũ cao áo dài của người Do Thái! Theo họ, quân thu thuế và bọn gái điếm, về nguyên tắc, phải bị loại khỏi Nước Thiên Chúa vì lối sống tội lỗi của chúng, và nguyên việc bị đặt cùng hàng so sánh với những kẻ thu thuế và những cô gái điếm đã là một điều đau đớn và nhục nhã đối với các nhà lãnh đạo Do Thái rồi. Đàng này, những kẻ ấy lại còn được đánh giá cao hơn hẳn họ nữa! Tuy nhiên, đây cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, một lời mời gọi tha thiết và một cơ hội quý giá để họ suy nghĩ và thay đổi, cho dù đó là điều rất khó xảy ra.

Cuối cùng, Chúa Giêsu đưa ra lý do của kết luận rất khó chấp nhận đối với các nhà lãnh đạo Do Thái đó. Người nói: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (c.32).

Trong lời rao giảng của ông Gioan, Thiên Chúa đã đưa ra cho hàng lãnh đạo Do Thái lời mời gọi đi vào vườn nho đích thật của Thiên Chúa là vương quốc cánh chung của Người. Nhưng họ từ chối. Ông Gioan đã đến chỉ đường công chính. Ông rao giảng về Nước Thiên Chúa sắp đến: “Anh em hạy hối cải vì Nước Trời đã đến gần” (3,2; x.11,11-12). Nhưng các nhà lãnh đạo Do Thái “không tin ông ấy” (21,25). Những người thu thuế và các cô gái điếm tin ông Gioan. Chúa Giêsu đặt hàng lãnh đạo Do Thái trong vị trí đối nghịch với người con thứ nhất trong dụ ngôn. Ban đầu, anh ta cũng bất tuân, nhưng sau đó, anh ta đã suy nghĩ lại và thay đổi. Những nhà lãnh đạo Do Thái thì không như thế. Họ cứng cỏi và ương bướng trong thái độ cứng tin và bất tuân. Họ tỏ vẻ kính trọng Thiên Chúa, nhưng thực ra, bên dưới sự kính trọng bề ngoài đó lại là sự bất trung tuyệt đối của họ đối với Ngài, khi họ cứ nhất định không chịu tin vị sứ giả mà Ngài gửi đến cho họ.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Thi hành ý muốn của Chúa Cha, đối với Chúa Giêsu, là một thực tại vượt xa hơn lời nói và chủ trương lý thuyết. Đó trước hết và luôn luôn phải là thực tại của những hành động trong thực tế, chứ không phải của những lời nói hoa mỹ suông. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa! Là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngư trên trời, thì mới được vào mà thôi!” (7,21tt; x, 25,31-46).

2. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái tuyên bố mình chỉ sống để phục vụ Thiên Chúa mà thôi, và họ khẳng định rằng họ luôn trung thành với Torah. Thế nhưng, chính họ lại từ chối cái “hôm nay” của lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho họ khi họ từ chối, thậm chí là phản đối, sứ điệp của ông Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu. Và vì thế, họ không vào được Nước Thiên Chúa. Chính chúng ta cũng có thể lâm vào tình trạng đó, khi hăng hái và nhất quyết bảo vệ những tập tục hay cách hành xử của quá khứ đến độ đánh mất luôn khả năng lắng nghe và đón nhận được sứ điệp mà Thiên Chúa và Tin Mừng muốn mời gọi chúng ta trong cái “hôm nay” của sứ điệp đó.

3. Có một nghịch lý: những người thu thuế và những cô gái điếm trong bài Tin Mừng hôm nay, vốn là những hạng người bị coi là bất chính, lại đã tin vào Chúa Giêsu và đã tin vào ông Gioan Tẩy Giả. Và như thế, chính họ chứ không phải là những con người tự coi mình là công chính, đã đi vào Nước Thiên Chúa. Chính những người biết mình thiếu thốn sẽ là những người mở lòng đón nhận ân sủng đến lấp đầy cuộc sống mình, và nhờ đó, họ được trở nên viên mãn.

4. Trong lãnh vực cứu độ, nhận định mang tính thành kiến, dựa trên những sự phân loại theo nguyên tắc hay lý thuyết hay lập trường dấn thân, sẽ rất dễ trở thành nhận định phiến diện và sai lầm. Vấn đề chính yếu là đời sống thực tế theo thánh ý của Thiên Chúa. Tất cả sự hoàn hảo của chúng ta hệ tại ở chỗ thi hành thánh ý Thiên Chúa trong thực tế mà thôi.

5. Thái độ cứng cỏi ương ngạnh và lời từ chối bất lịch sự của người con thứ nhất trong dụ ngôn là có thật. Nhưng sau đó, anh ta đã nghĩ lại và thay đổi: anh thi hành ý muốn của người cha. Trong thực tế cuộc sống, những người chung quanh chúng ta, anh chị em của chúng ta, vợ chồng hay con cái chúng ta… cũng có thể đang có những thái độ và cách hành xử cứng cỏi, không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và của Hội Thánh. Nhưng chúng ta không được tuyệt vọng. Vẫn còn đó cơ hội… Và biết đâu, cuối cùng, họ mới sẽ là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa… hơn hẳn chúng ta!?

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.