Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Giáo xứ Thái Hà thành lập Văn phòng Chống buôn người

VRNs (26.10.2011) – Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) là luôn tìm và giúp những người nghèo khổ tất bạt, những người bị áp bức, bóc lột, bị chà đạp nhân phẩm và nhân quyền dưới mọi hình thức. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, trước tình trạng các cơ quan công quyền hoạt động không hiệu quả nhằm cứu vớt những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ buôn người, Giáo xứ Thái Hà – DCCT Hà Nội đã đi tiên phong trong việc thành lập Văn phòng Chống buôn người.



Tháng 6 năm 2011, văn phòng chống buôn người thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã được thành lập tại giáo xứ Thái Hà, Tổng giáo phận Hà Nội. Đây là một trong những văn phòng phi chính phủ đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chống buôn người.

Thế nào là buôn người?

Buôn người là một dạng thương mại bất hợp pháp nhằm thu lợi bất chính mà nạn nhân thường là phụ nữ hay trẻ em bị cưỡng bức lao động, lạm dụng tình dục, lấy bộ phận cơ thể…

Khi nhắc đến loại tội phạm này, người ta thường nghĩ đến nạn buôn người qua biên giới, nhưng trên thực tế nạn buôn người nội địa cũng diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm. Nạn nhân của hoạt động buôn người nội địa thường là trẻ em và phụ nữ ở các vùng nông thôn được hứa hẹn lên các thành phố lớn để kiếm việc làm nhưng khi đến nơi, họ bị bóc lột sức lao động hoặc bị ép buộc trở thành gái mại dâm…

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về những trẻ em chạy thoát khỏi tình trạng nô lệ trong các quán ăn hay những cô gái quê bỏ trốn khỏi các động mại dâm đã cho thấy loại tội phạm buôn người hoạt động ngày đa dạng và tinh vi.

Có rất nhiều con đường để trở thành nạn nhân của tệ buôn người. Cách phổ biến và thông thường nhất là nạn nhân bị lừa bởi những tên cò mồi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm tại những thành phố lớn.

Người đi tìm việc hy vọng khi ra thành phố hoặc đến ngoại quốc, họ sẽ có cơ may đổi đời, nhưng thực tế, khi đến nơi, cuộc sống của họ rơi vào tình cảnh của những nô lệ thời hiện đại. Những vụ bắt cóc, lừa qua biên giới rồi bị bán cho các động mại dâm từ lâu đã trở thành hình thức hoạt động điển hình của loại tội phạm này.

Tại Việt Nam, tình hình hoạt động của loại tội phạm này diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, luật Phòng chống buôn người mới được Quốc Hội khóa XII thông qua vẫn chỉ dừng lại ở những điều khoản mang tính nguyên tắc. Những quy định thành văn trong luật này còn hạn chế ở ngay việc xác định nội hàm của khái niệm buôn người. Luật này không thừa nhận hành vi bóc lột sức lao động đối với những người đi lao động ở nước ngoài hoặc bị bóc lột ngay trong nước là nạn nhân của tệ buôn người mà chỉ nhất quán rằng, tội phạm buôn người chỉ giới hạn ở việc mua bán phụ nữ và trẻ em.

Trên thực tế, những nam giới đã thành niên cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ bóc lột sức lao động như các nô lệ thời hiện đại, khi họ phải lao động quá giờ, trong điều kiện không an toàn, nhà ở và đời sống cũng như mức lương không bảo đảm như thỏa thuận ban đầu theo quy định của luật pháp quốc gia và quốc tế. Trong trường hợp này, những người lao động kia cũng được pháp luật quốc tế thừa nhận là nạn nhân của tội phạm buôn người.

Hoạt động của Văn phòng Chống buôn người tại giáo xứ Thái Hà

Trong tinh thần chia sẻ và trợ giúp những người nghèo, những người bị áp bức, bất công trong xã hội, Văn phòng Chống buôn người tại giáo xứ Thái Hà với những chuyên viên đầy nhiệt huyết đang hoạt động trên hai phương diện.

Thứ nhất, văn phòng là đầu mối tư vấn cho những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài hoặc từ thôn quê lên thành phố kiếm việc làm về các nguy cơ, thách đố họ sẽ phải đối mặt trong tiến trình tìm việc và làm việc. Hoạt động tư vấn này sẽ góp phần giúp những người lao động nhìn nhận một cách tổng quan về triển vọng và rủi ro trước các cơ hội việc làm. Nhờ đó, họ có thể tỉnh táo hơn khi đối diện với các nguy cơ bị bóc lột sức lao động hay bị lạm dụng tình dục….

Thứ hai, văn phòng này sẽ là nơi tiếp nhận các thông tin về những vụ buôn người xuyên quốc gia và nội địa, phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm biện pháp giải cứu các nạn nhân và giúp đỡ họ trở lại cuộc sống bình thường. Những nạn nhân được giải cứu sẽ được các thành viên của văn phòng quan tâm, nâng đỡ giúp họ ổn định tinh thần. Văn phòng cũng đang xúc tiến việc tìm các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo quốc tế để giúp các nạn nhân có nguồn vốn ổn định đời sống hậu khủng hoảng.

Thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng, đại diện Văn phòng Chống buôn người của giáo xứ Thái Hà cho biết: “Trong bốn tháng qua, văn phòng đã triển khai phát gần 20.000 tờ rơi quảng bá thông tin về hoạt động của văn phòng trong cộng đồng giáo dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm thông tin cho mọi người biết họ có thể chủ động tìm đến với chúng tôi khi có thông tin về hoạt động buôn người mà thân nhân hoặc chính họ là nạn nhân. Hiện nay, mỗi ngày có hàng chục người gọi điện thoại đến văn phòng xin tư vấn về trình tự, thủ tục và những lưu ý cần thiết để đi lao động ở nước ngoài cũng như những biện pháp phòng ngừa để không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người”.

Hoạt động của Văn phòng Chống buôn người Thái Hà thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh các cơ quan công quyền không hoạt động hiệu quả nhằm cứu vớt những nạn nhân của loại tội phạm được coi là “nô lệ thời hiện đại” này. Với mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận, vì quyền lợi chính đáng của những người nghèo trong xã hội, các thành viên của văn phòng luôn tận lực giúp đỡ những nạn nhân, những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ buôn người, qua đó, sinh động hóa hình ảnh Chúa Kitô luôn đồng hành cùng những người bần cùng, tất bạt.

Mọi thông tin về nạn buôn người hoặc cần tham vấn, tìm hiểu thêm thông tin, xin quý vị liên hệ theo địa chỉ: Văn Phòng Chống buôn người, Nhà Thờ Thái Hà, số 180/2 Nguyễn Lương Bằng, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nôi. ĐT: 01234182240. Email: thongtinlaodongnuocngoai@gmail.com

Giáo xứ Thái Hà
Văn phòng Chống buôn người Thái Hà

5 Điều LƯU Ý Khi Đi Xuất Khẩu Lao Động

1. Bạn chỉ ký mượn tiền của ngân hàng và trả các khoản chi phí sau khi đã ký bản hợp đồng với công ty môi giới XKLĐ. Công ty môi giới XKLĐ phải đưa bản hợp đồng cho bạn ký ít ra 5 ngày trước ngày xuất cảnh.

2. Trước khi ký kết hợp đồng bạn cần dành thời giờ để đọc kỹ các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ của chủ sử dụng lao động nước ngoài, công việc, thời gian lao động, lương căn bản, lương phụ trội, điều kiện sinh hoạt, chi phí… và so sánh chúng với các thông báo tuyển dụng, hợp đồng cung ứng lao động mà công ty môi giới XKLĐ đã ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài. Bạn cần giữ kỹ các bản sao hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ để dùng khi có tranh chấp.

3. Khi trả bất cứ khoản chi phí nào cho công ty môi giới XKLĐ bạn cần đòi hỏi biên lai, biên nhận. Biên lai, biên nhận phải phản ảnh đúng và đủ các khoản phí bạn đóng cho công ty môi giới XKLĐ. Bạn cần giữ kỹ các biên lai, biên nhận để dùng khi có tranh chấp.

4. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động bạn cần gọi điện thoại, gửi thư, email, fax cho công ty môi giới XKLĐ để yêu cầu can thiệp và ghi chép lại nội dung và ngày tháng năm của những trao đổi đó.

5. Bạn cần mang theo trong người các thông tin liên lạc (số điện thoại, fax, email, địa chỉ) của đại diện công ty môi giới XKLĐ, Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ để dùng khi cần sự giúp đỡ nơi xứ lạ quê người.

5 Điều NÊN TRÁNH Khi Đi Xuất Khẩu Lao Động (XKLĐ)

1. Để tránh bị lường gạt, bạn không nên tin vào lời giới thiệu, hứa hẹn của các “cò môi giới” – dù đó là người quen hoặc là người được người quen giới thiệu – và không giao tiền cho họ. Bạn tuyệt đối không nên ký hợp đồng với những công ty không có chức năng XKLĐ. Nhiều công ty không có chức năng XKLĐ vẫn tuyển người trái phép. Bạn nên tránh những công ty đã có thành tích lường gạt công nhân về hợp đồng, vi phạm hợp đồng đã ký kết, hay phạm luật XKLĐ.

2. Bạn không nên đi XKLĐ khi chủ sử dụng lao động ở nước ngoài là một công ty môi giới lao động (outsourcing). Loại công ty này thường ăn chặn tiền lương, bóc lột sức lao động nên bạn dễ lâm vào tình trạng bị buôn người.

3. Bạn không nên ký kết nếu bản hợp đồng “nội” và bản hợp đồng “ngoại” có nội dung khác biệt với nhau. Nếu có sự khác biệt thì đó là dấu hiệu của sự lường gạt. Bạn không nên ký kết nếu không được cung cấp bản hợp đồng ít nhất 5 ngày trước khi lên đường đi lao động.

4. Bạn không nên để công ty môi giới XKLĐ tịch thu các giấy tờ, hợp đồng, biên lai, biên nhận của bạn. Điều này thường xảy ra khi công nhân ra phi trường để lên đường đi lao động.

5. Khi về nước, bạn không nên thanh lý hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ khi mọi quyền lợi của bạn chưa được thỏa mãn. Một số quyền lợi chính yếu khi bạn phải về nước trước hạn hợp đồng do lỗi của công ty môi giới XKLĐ hoặc do một sự kiện bất khả kháng là bạn có quyền đòi lại tiền dịch vụ, tiền môi giới và bồi thường thiệt hại.