Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu

VRNs (10.10.2011) - Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo đời Chúa Nhật 29 Thường niên



“Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau…”
(Trịnh Công Sơn – Hãy Yêu Nhau Đi)

(1Cr 13: 2)

Giả như anh hát: “hãy trao cho nhau, hạnh phúc với sướng vui” thì còn nghe được. Chứ đằng này, ai lại trao cho nhau cả những thương đau, nghe thật cũng rầu. Đời người, đầy những đau thương, sầu buồn, khốn khổ đâu nào thiếu. Có thiếu chăng, chỉ thiếu mỗi niềm phúc hạnh, thương yêu, dạt dào thôi. Bởi thế nên, nếu bảo: “Hãy trao cho nhau dạt dào niềm phúc hạnh”, đó mới là khúc tình ngàn dặm còn lưu luyến. Dù không gian có cách biệt. Dù, thời gian có chìm đắm chốn thiên thu.

Người tình xưa, vốn chìm đắm nơi bể khổ đầy nhung nhớ, hẳn rồi nay sẽ hát:

Trái tim cho ta, nơi về nương náu,
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều
.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Vâng. Sự thật là thế. Là thế, tức: một khi con người đã đắm chìm trong nỗi khổ đầy thương đau, dâu bể với âu sầu, cũng chỉ mong sao quên lãng ngày tháng tiêu điều, buồn bã, chán chường thôi. Và khi ấy, người nghệ sĩ lại hát thêm:

Hãy yêu nhau đi, bên đời nguy khốn,
Hãy yêu nhau đi, bù đắp cho trăm năm.
Hãy yêu nhau đi, cho ngày quên tháng,
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Sống thời bình, nước đã giàu dân đã mạnh rồi, ai mà để tâm đến lời nỉ non om sòm những súng đạn kéo dài suốt đêm thâu! Làm gì còn cảnh sáng sáng trời đất cứ thế ngập tràn những mưa bom, đại bác với pháo kích, vv… Hoạ chăng, chỉ nơi xa tít mù tắp xứ Lybia, Afghanistan, Sri Lanka. Ôi thôi! những là “thương nhau ngày đầu”, rất muốn như sau:

“Ngày xưa, trong làng nọ có người nông dân nghèo khổ, không có tiền để trả món nợ lớn cho lão già xấu người, xấu cả tính nết. Nông dân ấy, có cô con gái xinh đẹp khiến chủ nợ cứ là mặc cả với nông dân nghèo để đổi nợ. Mỗi lần gặp con nợ nông dân, lão chủ hứa sẽ xoá hết nợ, nếu bác nông dân chịu gả con gái đẹp cho lão.

Ở vào thế khó xử, hai cha con bác nông dân rất sợ. Nhìn nét mặt sợ hãi của hai cha con nông dân nghèo, lão chủ bèn đề nghị một giải pháp xem ra dễ thực hiện cho cha con nhà nghèo hơn. Đề nghị mà lão ta đưa ra, là: lão sẽ bỏ hai hòn sỏi nhỏ, một trắng một đen, vào túi xách và bảo cô gái bốc ra một trong hai hòn sỏi ấy. Túi xách được cột kỹ, nên khi bốc, cô bé chẳng thể nhìn ra mầu sắc của sỏi để chọn.

Lão ta qui định, là: hễ cô bốc nhằm sỏi đen, thì phải chấp nhận lấy lão làm chồng, và như thế mọi món nợ từ trước đến nay đều được xoá. Nếu gặp may, cô bốc được hòn trắng, thì sẽ không buộc phải ở với lão, và mọi nợ nần của cha cô đều xoá sạch. Còn, nếu cô không chịu bốc, thì cha cô sẽ bị lão đem bỏ tù đến khi nào trả hết nợ mới thôi.

Vì chuyện quan trọng cho đời mình, nên cô gái quan sát kỹ thấy hai hòn sỏi được lão già nhặt bỏ vào túi xách, đều có mầu đen. Biết thế, nhưng cô vẫn im lặng như không có gì xảy ra, chẳng thốt lên lời nào, e lão già biết được sẽ lật lọng. Xong đâu đấy, lão già yêu cầu cô gái cho tay vào túi xách bốc một trong hai hòn sỏi nhỏ, cho bá quan thiên hạ biết sỏi đó mầu gì.

Trong tình thế rất căng, cô gái chợt nghĩ ra một kế: cô thọc tay vào túi sỏi, rồi làm như sơ xuất để nó rơi xuống đất, lẩn khuất trong đám sỏi đủ mầu. Cô buột miệng la lên: “Trời! Làm sao tôi lại vụng về đến độ để rơi mất hòn sỏi kia chứ!” Không sao, tôi sẽ bốc hòn sỏi còn lại trong túi. Ai cũng thấy hòn sỏi đầu mầu gì rồi phải không? Bây giờ tôi bốc hòn sỏi còn lại trong túi nếu mầu đen thì hòn sỏi đầu là màu trắng, phải không ạ?”

Cô gái làm thế vừa để cho lão già quỷ quyệt không nhận ra là ông đã gian dối bỏ vào túi xách hai hòn sỏi mầu đen; vừa để biện luận cho mọi người hiểu là cô làm đúng, và kết cuộc đem lại lợi thế cho cô. Làm thế, vừa giải quyết chuyện nợ nần cho cha mình, như chủ nợ đã hứa, lại cứu vãn cho lão chủ nợ khỏi bị mất mặt vì gian lận.”

Lời bàn của người kể hôm nay, là: truyện này nói lên một bài học luân lý rất giản đơn sau đây: trong cuộc sống, mỗi sự việc mang nhiều khía cạnh, ít là hai. Hai đây, không chỉ là mầu trắng/đen của hòn sỏi. Trắng/đen cuộc đời, buộc mọi người chấp nhận sống, dù rằng không ưa hoặc chẳng thích.

Lời bàn là thế, nhưng người nghe còn nhận ra được ý nghĩa khác không kém phần thực tế về yêu thương ở đó có tình tiết về hệ quả không thể lường trước. Thế nên, nghệ sĩ xưa lại viết lên lời bàn rất nhủ khuyên và rất thực, như sau:

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá.
Hãy yêu nhau đi, giòng nước đã trôi xa.
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ.
Ngày mãi mong chờ, ngày sẽ thiên thu.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Bởi thế nên, “Hãy yêu nhau đi”, khi “rừng đang thay lá”, cả vào lúc “giòng nước đã trôi xa”, vẫn yêu. Yêu rất nhiều, dù đời u tối. Bởi một khi đã yêu, thì mình sẽ quên đi những ngày u tối, trong đời. Hãy yêu, cả vào lúc biết mình sẽ xa lìa thế giới, như ca từ người nghệ sĩ còn muốn hát, như sau:

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời!”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hãy yêu đi. Yêu, hết lý trí cùng tâm can. Yêu, không chỉ con người. Hoặc, loài thú thôi. Nhưng, yêu cả vạn vật. Yêu thiên nhiên. Vũ trụ. Yêu, bằng con tim chân chính không cân nhắc. Yêu, với tất cả tâm trí không cần lý luận. Yêu hăng say. Yêu miệt mài, như thánh nhân nhà Đạo từng ca ngợi tình yêu nhiệm mầu, rằng:

Giả như tôi được tất cả lòng tin,
khiến chuyển được đồi núi,
mà tôi lại không có lòng mến,
thì tôi vẫn là không.”

(1Cr 13: 2)

Nói thế, thì: cuộc sống con người chính là để yêu. Yêu mọi nơi mọi lúc. Lúc nào người người cũng đưa lòng người đang yêu về với Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, như được căn dặn rằng: hãy bày tỏ tình yêu với Chúa. Và, với mọi người. Bày tỏ tình yêu không cdhỉ bằng ngôn ngữ của xác thân. Hoặc, trí tuệ. Tinh thần. Mà bằng cả cử chỉ lẫn nghi tiết phụng vụ tình yêu. Bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng bày và cũng tỏ

Ngôn ngữ diễn tả Tình-Yêu-ta-có với Chúa, được Hội thánh lâu nay sử dụng trong phụng vụ. Cả khi nghe và đọc Lời Chúa. Cả lúc khởi đầu câu tụng niệm khi dâng lễ, bẻ bánh. Ngôn ngữ mà người phàm sử dụng trong nguyện cầu, đôi khi khiến người cầu nguyện cứ tự hỏi: không biết lời kinh mình đọc có xứng hợp với đặc trưng Chúa dạy, hay không.

Vừa rồi, một phó thường dân nhà Đạo cũng thắc mắc đôi điều như thế, nên có thư về hỏi han đấng bậc phụ trách mục hỏi/đáp bằng lời lẽ rất sau đây:

“Dự lễ, tôi và một số bạn như bị hụt hẫng về lời kinh ta đọc trong các lễ. Đặc biệt những câu được cha chủ tế cất cao giọng đọc trước khi đọc kinh Tiền Tụng, dâng Chúa những lời như: “Hãy nâng lòng lên”, để rồi giáo dân lại sẽ thưa: “Thật là chính đáng và phải lẽ.” Thắc mắc của tôi là: đằng sau kinh này, chắc có điều gì hàm ẩn bên dưới mà tôi chưa hiểu rõ. Vậy xin linh mục vui lòng giải thích. Thành thật biết ơn.” (Một người đi nhà thờ rất thường nhưng chưa am tường nhiều kinh kệ).

Am tường sao bằng đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo được! Các ngài từng học cao hiểu rộng cả về thần học, tín lý, lẫn phụng vụ. Thế nên, dân con nhà Đạo nay thấy hay nhất là gửi câu hỏi nào “hơi bị” chuyên nghiệp về đấng bậc học cao hiểu rộng, bằng cấp đầy mình, chính là đức thày Lm John Flader của tờ The Catholic Weekly Sydney, vẫn chịu giảng giải trên báo, rất như sau:

“Có thể nói: lời kinh cô vừa trích dẫn, có nguồn gốc cũng rất xưa trong các Sách Lễ. Tra cứu kỹ, có vị tìm được câu ấy trong tài liệu tham khảo của thánh Hippolytus gọi là “Truyền Thống Tông Đồ” xuất hiện vào năm 215, khi ấy được dùng làm kinh cầu buổi chầu Thánh Thể. Bởi thế nên, đọc lời kinh ấy ta thấy mình được kết hợp với người anh, người chị trong Đạo vào thế kỷ thứ ba cũng như với tất cả mọi người từ đó đến nay.

Ngôn từ bản văn cổ có nói: “Hãy để phó tế đưa của lễ cho giám mục chủ sự. Khi ngài đặt tay lên lễ vật cùng với đoàn linh mục đồng tế, cứ để ngài nói lên lời cảm tạ: ‘Chúa ở cùng anh em’. ‘Và ở cùng thần khí ngài’. ‘Hãy nâng lòng lên’. ‘Tất cả hướng về Chúa’.’Hãy cảm tạ Thiên Chúa, là Chúa chúng ta’. ‘Thật là chính đáng và phải lẽ’.

Xem thế thì, lời xướng đáp đây gồm những câu được thấy trong bản dịch mới của thánh lễ bằng tiếng Anh, tức toàn bộ được rút từ bản tiếng La tinh của thánh Hippolytus. Nhưng các câu ấy có nghĩa gì?

Khi đọc lời chúc: “Chúa ở cùng anh chị em” xong, chủ tế xướng kinh bằng tiếng Latinh ‘Sursum corda’, tức: “Hồn ta ở bên trên” hoặc: “Tâm can ở trên cao”. Ý nghĩa này rút từ sách Cựu ước, trong đó nói: “Hãy nâng lòng và bàn tay với Thiên Chúa trên trời.” (Ai Ca 3: 41)

Thánh Âu Tinh có lần từng giảng: “Hãy nâng lòng ta lên để nó không bị rữa nát nơi mặt đất. Lời ngài cốt cầu mong cho chúng không bị rữa nát, nhưng được cứu vớt.”” (Bài giảng 60, #7)

Trong thư gửi giáo dân ở Côlôsê, thánh Phaolô cũng viết: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cô 3: 1-2)

Lời kinh vang vọng lời Chúa ở Bài Giảng Trên Núi khi Ngài phán: “Hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6: 20-21)

Chính vì thế, khi bước vào phần chính của thánh lễ, tức phần truyền phép Thánh Thể, người tham dự được mời gọi bỏ lại đằng sau tất cả những gì là thế gian để nâng lòng trí và tâm can lên cùng Chúa.

Cũng thế, ngôn từ của bài dạy trong sách lễ Rôma cũng nói: “Giờ đây ta bước vào trọng tâm và đỉnh cao của thánh lễ, tức lời truyền Thánh Thể, là lời cảm tạ và thánh hoá. Linh mục mời gọi người tham dự hãy nâng lòng mình lên cùng Chúa trong nguyện cầu cảm tạ.” (sđd 78)

Thánh Cyril thành Giêrusalem (315-386) có nói về nghi tiết này trong cuốn “Sách Phần để Khai Tâm” do ngài viết gửi cho tân tòng ở Giệrusalem năm 352, có dặn rằng: “Vị chủ tế cất cao lời cầu ‘Hãy nâng lòng lên!’, là vì: đây là thời khắc long trọng nhất để ta nâng lòng trí lên cùng Chúa, chứ không phải để ta đặt nó thấp ở dưới đất cùng với phẩm vật phàm trần, là để dạy ta bỏ lại dưới đất mọi ưu tư cùng lo lắn thể xác để nâng lòng mình lên chốn trời cao cùng Thiên Chúa là Đấng vô cùng rộng lượng. Khi ấy, ta sẽ thưa cùng ngài rằng: “Chúng con đang hướng về Chúa.” Nói cách khác, làm thế là ta đồng ý những gì vị linh mục nguyện cầu bằng cách công nhận việc ta đang làm. Vậy thì, ai đến dự lể để thưa cùng vị chủ tế bằng câu “Chúng con đang hướng về Chúa”, mà lòng trí lại vướng bận chuyện xác phàm là chuyện không phải.” (trích Sách Phần Khai Tâm #848d)

Tóm lại, điều này có nghĩa: quả là phải lẽ và chính đáng để ta cảm tạ lòng lành của Chúa đã vượt quá sự công bằng chính trực mà cứu vớt ta và đem ta về kết hợp cùng Ngài, để được làm con Ngài. Tức, những gì Chúa làm cho ta đều do lòng xót thương mẫn cán cho nên việc ta tạ ơn Ngài thật là phải lẽ.

Khi xướng câu này, ta tìm ra được lý lẽ để ca tụng ngợi khen và cảm tạ Chúa về việc Ngài dựng nên ta, và Ngài nhập thể làm người mà cứu chuộc ta nhờ Hội thánh, và ngang qua các phép bí tích. Ta cảm tạ Chúa ban cho ta có được lòng tin, sự sống, sức khoẻ, tài trí và gia đình rất yêu thương…

Tựu trung, ta có thể nói rằng: những gì tóm gọn trong lời xướng/đáp giản đơn xưa cổ ở thánh lễ quả là dồi dào, súc tích thật không kể.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 17/7/2011 Question time tr. 11)

Như vẫn nói, mỗi lần có ai hỏi đấng bậc vị vọng phụ trách mục giải đáp thắc mắc mọi mặt trong Đạo, người nào cũng nắm phần chắc như “đinh đóng cột” và mãn nguyện. Mãn tâm nguyện, vì đấng bậc nhà mình thuộc giống giòng hào kiệt ở trời Tây. Rất nhiều năm kinh nghiệm. Bởi thế nên, lời giải mã của đức thày bao giờ mà chả chính mạch, đáng tin cậy.

Duy có điều, là: khi nghe lời giải của đức thày rồi, người đọc chắc chắn sẽ gật gù mà công nhận để rồi sẽ đi thẳng vào giấc mộng thiên thu, có Chúa có Mẹ đón chờ mình. Phần bần đạo, vẫn nghe quen những lời giải đáp như thế từ nhỏ, nay nhớ lại cũng vẫn gật gật gù gù không chỉ để đi vào giấc thiên thu mộng mị, đầy gật gật thôi, mà còn tìm ra được lời vui nơi câu hát ở bên dưới, rằng:

Hãy ru nhau trên những lời gió mới,
Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui.
Hãy kệu tên nhau trên gềnh dưới bãi
dù mai nơi này người có xa người.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát lời này, bần đạo thấy: lời ca trên đã không đem mình vào chốn miền nhiều gật gù, cho bằng vẫn dẫn đưa ta về với lời vàng hôm xưa có thánh nhân vẫn khẳng định: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và “nâng lòng trí lên cùng Chúa” chính là nâng tâm hồn cùng với lời dặn dò vàng ngọc từ các thánh vẫn cứ bảo:

Anh em hãy gớm ghét điều dữ,
tha thiết với điều lành;
thương mến nhau với tình huynh đệ,
coi người khác trọng hơn mình;
nhiệt thành, không trễ nải;
lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.”

(Rm 12: 10-11)

Thể theo lời yêu cầu của thánh nhân mà thực hiện điều lành trong cuộc sống có lời nhủ khuyên: “hãy nâng lòng lên”, bần đạo lại dám thêm một đề nghị vào đoạn cuối buổi phiếm loạn chuyện cao siêu nhiệm mầu bằng truyện kể, rất dễ hiểu để còn nhớ, như sau:

“Truyện rằng:

Người con đi Đạo hôm ấy thấy lòng mình dâng cao lên với Chúa, bèn có lời thân thưa cùng Ngài như sau:

-Lạy Chúa Cha Nhân Từ, là Tình Yêu của con và của muôn người, hôm nay con nâng lòng lên với Tình Yêu Chúa để rồi sẽ thưa Chúa chuyện của con. Con thưa với Chúa là: con rất yêu vợ con. Yêu vô cùng tận đến độ nếu cô ấy có đau đầu đau óc, thì con đây xin đau thay. Nếu cô ấy rơi vào chốn buồn sầu lo lắng, thì con xin lắng đọng sầu buồn thay cho cô ấy. Và nếu cô phải chịu cảnh goá bụa nuôi con nhỏ, thì con đây xin chịu thay cho cô cảnh khổ ấy…

Nay con khẩn nài xin Chúa nhậm lời con cầu van, Chúa ơi! Chúa của con ơi!!”

Nâng lòng trí, thì ai mà chẳng nâng được. Nhưng, cũng chớ có nâng hoặc nhấc theo kiểu gật gật gù gù hoàn toàn đồng ý hoặc thất hồn như người trẻ nọ vẫn cầu như trên. Tóm lại, nâng gì thì nâng bạn mình hãy cứ nhớ mà nâng hồn và lòng mình với đấng bậc mình từng yêu dấu hoặc chưa yêu. Để rồi, Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu sẽ đoái hoài mà đỡ nâng hồn mình. Hồn người. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn muốn nâng lòng mình lên cao, lên cao mãi
đến độ gật gù chấp nhận
đi vào chốn ngủ vùi nhiều phút,
vào buổi cầu kinh, và giảng giải.