Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Lm Nguyễn Thể Hiện - Điều răn trọng nhất

VRNs (23.10.2011) – Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 30 Thường niên năm A



Mt 22,34-40

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 22,34-40) kể lại cho chúng ta một cuộc trao đổi thú vị giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu về một chủ đề quan trọng và thú vị: điều răn quan trọng nhất là điều răn nào.

“Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại” (c.34). Có lẽ những người Pharisêu cảm thấy khá vui trong lòng khi nghe tin nhóm Xađốc không thành công trong việc tranh luận với Đức Giêsu, nhất là khi chủ đề tranh luận lại là vấn đề kẻ chết sống lại (cc.23-33). Tuy nhiên, hình như họ cũng vẫn không hạnh phúc vì chính họ vẫn chưa chiến thắng Đức Giêsu. Vì thế, họ họp nhau lại. Mục đích của cuộc họp này là gì? Có lẽ nhẹ nhất cũng là để cử ra một người đại diện cho nhóm; người này có nhiệm vụ hỏi Đức Giêsu về những điểm giáo huấn mà nhóm họ đang quan tâm. Tuy nhiên, vì ngay ở câu tiếp theo, tác giả sẽ nói rõ mục tiêu của việc họ nói chuyện với Đức Giêsu là để thử Người, nên chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng cuộc họp nhau lại một nơi của những người Pharisêu có lẽ còn có mục đích sâu xa hơn: bàn mưu tính kế hại Đức Giêsu.

“Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng:”Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (cc.35-36). Trong Mt, đây là lần duy nhất xuất hiện hạn từ “người thông luật” (nomikos). Có lẽ ông ta là một trong các kinh sư (grammateus) như đoạn văn song song trong Mc cho biết (x. Mc 12,28). Người thông luật này rõ ràng là một thành viên của nhóm Pharisêu. Có lẽ ông là đại diện của nhóm Pharisêu và có nhiệm vụ gây khó khăn cho Đức Giêsu “để thử Người”. Và như vậy, ông không thành thật trong khi đặt câu hỏi. Ông không mong chờ một câu trả lời đúng, cho dù ông gọi Đức Giêsu là Thầy (didaskale); ông mong sẽ xảy ra một sai lầm chết người của Đức Giêsu để hại Người.

Người thông luật đặt câu hỏi về điều răn quan trọng nhất. Ông đề nghị Đức Giêsu cung cấp giải pháp cho một vấn đề tranh luận gay gắt giữa các rabbi. Mặc dù không thiếu những ý kiến cho rằng điều răn quan trọng nhất là điều răn tình mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, tuy nhiên, ý kiến thống lĩnh hình như lại là ý kiến cho rằng điều răn quan trọng nhất, tóm tắt tất cả Lề Luật, chính là phải giữ luật ngày sabát. Người Do Thái chia các điều răn thành các điều răn lớn và các điều răn nhỏ, tuy điều đó không hề có nghĩa là có những điều răn ít bó buộc hơn những điều răn khác, vì đối với họ, tất cả đều quan trọng. Người Do Thái đếm được 613 điều răn lớn nhỏ, trong đó có 365 điều tiêu cực và 248 điều tích cực. Trong số 613 điều răn đó, vấn đề đặt ra là: điều răn nào quan trọng nhất.

Dù sao, đó thực sự là một vấn đề quan trọng, và việc lưu tâm tìm hiểu xem đâu là điều răn quan trọng nhất là việc làm đáng được đánh giá cao. Một trong những bằng chúng cho thấy đây là vấn đề quan trọng, đó là thái độ và phản ứng của Đức Giêsu khi người thông luật hỏi Người. Bất chấp động cơ sâu xa bên trong của việc đặt vấn đề này là gì, lập tức Đức Giêsu trả lời một cách rõ ràng, nghiêm túc, đầy đủ và ngắn gọn cho câu hỏi đó.

Trước hết,“Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (cc.37-38). Đức Giêsu đưa ra câu trả lời trích từ kinh Shema. Người Do Thái đọc kinh Shema hai lần mỗi ngày. Cách diễn đạt ở đây cho thấy có một sự gần gũi đặc biệt với bản LXX, ngoại trừ một vài điểm nhỏ về ngữ pháp. Giống như trong Đnl 6,5, trong điều răn thứ nhất Đức Giêsu nói đến ba khía cạnh của con người, nhưng thay vì “hết sức lực” là “hết trí khôn”. “Lòng” tức là toàn diện con người nội tâm và “trí khôn” tức là khía cạnh lý trí của con người nội tâm ấy, đều tham dự vào một tác động đặc biệt là lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. “Linh hồn” (psykê) là sự sống, là sức sống mà với nó, toàn thể con người hướng về Thiên Chúa, vì yêu mến không chỉ là chuyện của cảm xúc, mà là chuyện của toàn thể con người và định hướng toàn thể cuộc sống. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, chính là điều răn quan trọng nhất và cũng là điều răn thứ nhất, vì nó mang lại ý nghĩa cho tất cả những điều răn khác và bảo đảm thực chất cho việc tuân giữ mọi điều răn khác mà Thiên Chúa ban cho dân Người.

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (c.39). Đức Giêsu thêm vào điều răn thứ hai mà Người bảo là cũng giống điều răn trước và đi liền với điều răn trước. “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” là một câu trích nguyên văn Lv 19,18 trong bản LXX. Chắc chắn những người Pharisêu đồng ý với tầm quan trọng của việc gắn thêm vào này của Đức Giêsu, cho dù không phải lúc nào họ cũng gán cho điều răn thứ hai này một tầm quan trọng nổi bật.

Dù sao, trong quan niệm của Đức Giêsu, hai điều răn nói trên không thể tách rời nhau. Người yêu mến Thiên Chúa thực sự sẽ phải có cách sống và hành xử hoàn toàn giống Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu mến con người. Việc tuân giữ nghiêm chỉnh hai điều răn này sẽ tạo nên một cộng đồng xã hội thái bình, công minh và chính trực. Tuy nhiên, trong thực tế, chương trình của Thiên Chúa đã thất bại, đến nỗi chính đền thờ của Ngài (tức là nơi mà những người Do Thái muốn sống trọn vẹn nhất điều răn yêu mến Thiên Chúa ) còn bị biến thành sào huyệt quân trộm cướp (x. 21,13).

Và Đức Giêsu kết luận: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (c.40). Đức Giêsu không lạc vào việc giải nố, cũng không coi Luật như là một tập hợp các điều khoản và quy định. Người coi Luật là một chỉnh thể. Cách duy nhất để hiểu và giải thích đúng đắn Luật chính là tập trung tất cả Luật vào lòngmến đối với Thiên Chúa và con người. Nhưng những người Do Thái đã không làm như vậy. Họ không ý thức về trục căn bản đó, và vì thế, lâm vào những cuộc tranh luận triền miên.

Điểm độc đáo trong câu trả lời của Đức Giêsu cho người thông luật đại diện nhóm Pharisêu không phải là ở chỗ Người nói đến hai điều răn vốn đã được những người Do Thái thuộc nằm lòng, mà là ở chỗ Người coi hai điều răn đó quan trọng như nhau và ở chỗ mà Người ấn định cho các điều răn đó tính cách trung tâm, đến độ tất cả Luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào đó. Đi xa hơn vấn đề mà người thông luật đặt ra, Đức Giêsu cung cấp chân trời giải thích cho toàn thể Luật Môsê và các sách ngôn sứ.

Trình thuật của Mt về cuộc trao đổi liên quan đến điều răn quan trọng nhất đột ngột kết thúc ở câu 40. Khác với trong Mc 12,32-34, tác giả Mt không nói gì thêm về thái độ của nhóm Pharisêu đối với câu trả lời của Đức Giêsu, cũng không nói gì thêm về thái độ của chính Đức Giêsu đối với nhóm Pharisêu liên quan đến cuộc trao đổi này. Điều này ngầm đề nghị cách hiểu rằng những người Pharisêu không cảm thấy có vấn đề gì trong việc chấp nhận câu trả lời của Đức Giêsu.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R