Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Cám ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

VRNs (14.11.2011) - Hoa Kỳ - Hôm nay 11 tháng 11 năm 2011, tôi viết những dòng chữ này như một duyên nợ với Thái Hà, cũng là lời kinh tạ ơn Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà.



Tôi đang hướng về Thái Hà, hiệp thông cùng những anh chị em tín hữu cách xa nửa vòng trái đất, quê hương Việt Nam giờ đây vẫn tràn đầy biết bao nhân chứng can đảm vì Đức Tin, khát khao hy vọng công lý tỏa sáng đẩy lui bóng tối bạo tàn…

Ngày mai (Thứ Bẩy 12 tháng 11 năm 2011), Giáo Xứ Thái Hà cùng dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội sẽ: “Thắp nến cầu nguyện cho quốc thái dân an, công lý sự thật được tôn trọng…” như lời kêu gọi của Cha Xứ Thái Hà.

Thái Hà, nơi niềm Tin được chiếu sáng suốt mấy năm qua, người giáo dân luôn đồng tâm nhất trí trong các buổi cầu nguyện, họ không chỉ cầu cho riêng mình, mà còn dám hy sinh chấp nhận chốn lao tù, bị đánh đập vì Đạo Chúa, vì sự thật, trung kiên một lòng yêu mến Giáo Hội, muốn bảo vệ nơi thánh thiêng đã ghi dấu ấn biết bao kỷ niệm trong đời sống tinh thần. Riêng với tôi, một dấu ấn không bao giờ quên được khi nhớ về ông nội và ba của tôi, người cha kính nhớ đã về cùng Chúa gần 26 năm trời.

Cách nay 3 năm, trước những biến cố xảy ra dồn dập ở tòa Khâm Sứ và Thái Hà, tôi đã định viết để nhắc nhở các em tôi về Đền Đức Mẹ Thái Hà ngày xưa, nơi ông nội tôi đã cầu xin Chúa và Mẹ Maria bầu cử cho ba tôi ngay lúc bị lạc đạn và sau này mãi cho đến khi ba tôi qua đời, tôi lúc đó thì lớn nhưng em út chưa đủ 8 tuổi, nên ký ức về ông bà và ba tôi các em nhỏ cũng chỉ biết chút ít.

Khi tôi còn nhỏ, chắc vừa đủ trí khôn, ông tôi còn ở cùng ba tôi, điều ông hay kể nhất cho chúng tôi là những nơi cố hương miền Bắc, lúc ấy chỉ có chừng 3, 4 chị em, tôi nghe nhưng chỉ hiểu biết loáng thoáng mơ hồ, một miền quê nghèo gần Bắc Ninh, cách xa Hà Nội vài chục cây số. Có lần tôi còn nói: “Sao ông toàn kể chuyện ngoài Bắc vậy? Mà con thấy ở đó nghèo khổ quá mà ông vẫn nhớ!” Thú thật ngày ấy những gì nội kể nhiều điều tôi chẳng thể hình dung được, ông kể về thời ông bà cụ, thời ông bà nội mới cưới nhau, thời ba tôi và các cô chú… bây giờ thì tôi mới hiểu được nội khi tuổi đã gần bằng nội, mà nội thì đã đi xa lâu rồi!

Điều làm tôi nhớ nhất trong những câu chuyện nội kể sở dĩ bà nội bằng lòng lấy ông vì ông có tý chữ hơn người. Bà nội đẹp nhất làng, lại con nhà giầu nữa… rồi đến ngôi nhà thờ Bỉ Nội, một ngôi nhà thờ sở dĩ nổi tiếng không phải vì hoành tráng vĩ đại nhưng ghi dấu tích của nhà kháng chiến chống pháp Hoàng Hoa Thám, người được gọi là “Hùm thiêng Yên Thế”. Lịch sử ngôi nhà thờ làng là của lễ tạ ơn của ông Hoàng Hoa Thám. Khi quân pháp đánh úp chiến khu, ông Thám đã cầu xin Đức Mẹ cho mưa xuống cản đường tiến quân chậm, quân kháng chiến đã rút lui an toàn. Sau đó ông đã cho cất một ngôi nhà thờ tuy ông không phải là người công giáo. Khi được học về lịch sử tôi cũng thấy tự hào về cố hương dù sinh ra ở miền nam.

Phần cha mẹ tôi, ba tôi đã sinh ra và lớn lên tại ngôi làng này, mẹ tôi sinh ra cạnh làng ba tôi gọi là làng Nội, khi lớn lên vài tuổi chị ruột của bà ngoại lấy chồng Hà Nội muốn mẹ tôi lên Hà Nội để được học hành tử tế, phần bà cũng muốn có đứa cháu gái vì bà chỉ có hai người con trai. Sau năm 1945 chiến tranh càng dữ dội, ông bà ngoại đã bắt mẹ tôi về quê vì muốn gần con và phần chính là muốn thực hiện lời hứa ngày xưa với ông bà nội. Mẹ tôi lại trở về làng vài năm sau giữa thời loạn lạc 1952. Cha mẹ tôi cưới nhau đúng như câu ca ngày nào “trai cầu vồng Yên Thế, gái nội duệ cầu Lim” như những câu thơ và địa danh cầu Lim, đình Cẩm, quan họ Bắc Ninh.

Sau thời gian ba mẹ mới cưới cả làng phải chạy tản cư về vùng pháp đóng, ba tôi trên đường chạy loạn bị lạc đạn, một người lính tên là đội Cảnh cõng ba tôi máu me dầm dề vào đồn pháp, ngay tức tốc xe lính chở ba tôi lên Hà Nội đưa vào nhà thương lấy viên đạn ra. Ông nội tôi sau đó chạy xe đạp lên Hà Nội nuôi ba tôi vì bệnh viện gần nhà thờ Thái Hà nên ngày nào ông cũng vào đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để cầu nguyện và dâng ba tôi cho Đức Mẹ gìn giữ.

Khi tôi lớn lên thỉnh thoảng thấy ba hay kêu đau lưng và ba cho tôi xem vết mổ ngay gần xương sống chỗ lưng quần. Tôi cũng nghĩ khi ba mẹ cưới nhau mãi 5 năm sau tôi mới được sinh ra, không biết có phải vì tai nạn ấy không mà tôi chậm ra đời nhưng điều không ai có thể ngờ được là sau tôi còn 10 đứa em nữa. Chiến tranh loạn lạc nhà quê thiếu phương tiện chắc ba mẹ tôi cũng chẳng chữa trị gì nhưng một điều khẳng định đã đi vào trí khôn tôi là gia đình tôi luôn luôn có bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp, từ mái nhà nhỏ trại tạm cư Xóm Mới của ông bà đến sau này khi đi làm xa trong phòng trọ ba tôi lúc nào cũng duy nhất chỉ treo bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Ngày ba tôi mất 29 tháng 11 năm 1985, ông nội tôi rất buồn nhưng ông vẫn nói: bố mày sống được đến giờ là nhờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chứ không thì đã chết từ lâu rồi. Có lần khi ba tôi về thăm nhà ở Gò Vấp trở lại nhà trọ để đi làm ở Bình Dương, khi trở về nhà mái tôn loang lổ những vết pháo kích rớt trong nhà mấy mảnh vụn xuyên thủng chiếc ghế bố quân đội.

Một điều tôi luôn luôn tin trong suốt cuộc sống gia đình 33 năm của ba mẹ tôi rất nhiều vất vả khó khăn nhưng vẫn vượt qua. Sau này khi ba tôi ra đi, gia đình càng khó khăn nhưng Chúa vẫn gìn giữ gia đình, các em tôi cũng luôn nhìn gương ba tôi để cố gắng trong mọi hoàn cảnh tín thác dưới sự che chở của Chúa quan phòng qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Hôm nay đây xin hiệp dâng lời cầu nguyện cùng giáo hữu Thái Hà, xin Chúa ban ơn can đảm cho nhiều chứng nhân công lý hòa bình. Một lần nữa xin dâng lời tạ ơn Mẹ Hằng Cứu Giúp đã gìn giữ không chỉ gia đình tôi mà biết bao người hằng trông lên Mẹ khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

HANH NGUYEN, Hoa Ky