Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Ngày nào anh yêu em

VRNs (14.11.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo – Đời Chúa Nhật XXXII



“Ngày nào anh yêu em,
anh đã quen trong cay đắng tuyệt vời,
ngày nào em yêu anh,
em hẳn quên với trời hạnh phúc mới.”

(Trần Thiện Thanh – Mùa Đông Của Anh)
(Lc 12: 51-53)

Không cần biết, ngày yêu em, anh có quen với “cay đắng tuyệt vời”, không? Chẳng cần hỏi: hồi yêu anh, em có quên cõi “trời hạnh phúc mới”, nữa rồi chăng? “Cay đắng”, “Lạnh giá”, “ngừng thở” như lời người nghệ sĩ viết lên thành câu nhạc/hát lên thành nỗi niềm ấy, phải chăng là niềm phúc hạnh/đắng cay, trong cuộc đời?

Sự thật thì, cuộc đời của nhiều người vẫn đầy tràn những đắng cay, lạnh giá, như câu hát:

“Em ơi, Đông lại về từ trăm năm lạnh giá,
Tim anh như ngừng thở, từ sau ân tình đó…
Em nghe không? Mùa Đông, Mùa Đông?..

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Mùa Đông của đời người, hay mùa Đông của anh, phải chăng là mùa của đắng cay/lạnh giá, khiền “tim anh như ngừng thở”? Mùa Đông ở nhà Đạo, có phải là mùa của khờ khạo, rẽ chia, nhiều phân cách? Phân và cách, như ý nghĩ của nhiều người khi nghiên cứu Sách thánh, có lời khuyên?

Trước khi tìm câu trả lời cho đích đáng từ Đấng bậc rất vị vọng, tưởng cũng nên nghe vội câu truyện kể để dẫn nhập cho những câu nhiều người hỏi về phân chia, tách lìa, những lỗi tội như sau:

“Truyện rằng:

Ở lớp giáo lý bỏ túi tại trường nọ, vị giáo lý viên hỏi đám học trò bé nhỏ những câu hỏi tưởng chừng cũng nhỏ cũng bé, mà sao các bé em lại cứ nghĩ là to tát, rất như sau:

-Nào các em! Muốn được Đức Chúa yêu thương thứ tha cho mình những lỗi cùng tội, thì ta phải làm gì?

Cả lớp nhao nhao em nào cũng giơ tay xin trả lời. Một em hiên ngang đứng dậy nói:

-Dạ, trước nhất là phải phạm tội ạ!”

Dĩ nhiên, lời mới vừa trả là của con trẻ, chẳng giống ai. Nhưng, điều đó cho thấy là cả đến đám trẻ cùng người lớn nay đã có những nhiều nhận định gây thắc mắc, và cũng khang khác khá nhiều, thời hồi trước. Thắc mắc của thời trước, cũng như thời bây giờ là thắc mắc tương tự như lời thư gửi đến toà soạn tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney hôm rồi, như sau:

“Thưa Cha. Nhiều lần giở Kinh Sách đọc trước đèn, sao con thấy dù có ánh sáng của ngọn đèn soi tỏ, vẫn không đủ để thấy được ý nghĩa đích thực về quan niệm lập trường rất đúng nơi Lời của Chúa khi Ngài bảo: Ngài đến với thế gian không phải để mang hoà bình, mà là chia rẽ giữa cha mẹ với con, vợ với chồng. Mỗi lần nghe đọc đoạn này, con thấy như có cái gì không ổn khiến con nghèn nghẹn hay sao ấy. Vậy ta phải hiểu giáo huấn của Chúa thế nào về chuyện này?” (trích thư của một độc giả rất hiền và cũng lành rất ít hỏi)

Thắc mắc/hỏi han, đâu liên can gì chuyện hiền lành, ở khắp chốn. Chí ít, là chốn Đạo/đời vẫn có nhiều người từ vua quan/lãnh chúa đến thứ dân vẫn cứ hỏi và cứ hát những câu những lời rất hỏi han như sau:

Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi?
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới?
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc…
Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc?
Em hỡi em!
Có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian
?
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Thật ra, hỏi như thế chỉ để anh, để em và để chúng ta không còn mang trong mình những thành kiến không nên có, mà thôi. Hỏi như thế, là hỏi những chuyện thường xảy ra ở huyện nhà Đạo và huyện dân gian, ở nơi đó có bậc vị vọng vẫn chờ người đến hỏi, để rồi có cơ hội mà giải đáp. Dù, thắc mắc ấy/lời hỏi nọ có nhiêu khê, diệu vợi về Lời Chúa, thì đấng bậc vẫn ra tay giúp giùm để mọi người còn dễ thở, rất như sau:

“Rõ ràng đây là một trong những đoạn sách rất gây hoang mang, ngỡ ngàng cũng không ít. Thôi, để tôi xin có đôi lời trích dẫn ít chương đọan Phúc Âm, mà giải toả. Trước nhất, tưởng cũng nên trích dịch nguyên văn đoạn nói về vấn đề này, ở ngay đây:

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.3 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12: 51-53)

Nếu đưa đoạn này ra khỏi bối cảnh lời lẽ của Kinh thánh, ắt là ta sẽ nghĩ rằng Chúa Giêsu đến Ngài chỉ đem đến những bất bình cùng cãi tranh thôi; và như thế, ta cũng sẽ thôi không còn theo chân Chúa nữa. Thế nhưng, như một bạn đồng nghiệp rất khoa bảng chuyên chú giải Thánh Kinh của bổn báo đã từng nói: “Nếu ta lấy bất cứ câu Kinh thánh nào đem ra khỏi bối cảnh Lời Chúa, ắt hẳn còn lại chỉ là những chương đoạn ngớ ngẩn, chẳng nghĩa lý!” Và, đây là một trong những cái-gọi-là vớ vẩn, vẩn vơ ấy.

Bởi thế nên, ta hãy đưa bản văn/câu nói ấy vào với bối cảnh của toàn bộ Sách Tân Ước, mới được. Làm thế, ta sẽ hiểu được rằng Đức Giêsu thực sự đến với trần gian con người là để mang cho họ sự bình an và hiệp nhất.

Để bắt đầu, ta hãy nghe về lời loan báo tin vui gửi đến các mục đồng về việc Chúa giáng hạ làm người, lúc mà triều thần thánh trên thiên quốc đồng thanh hát rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”.” (Lc 2: 14)

Cùng một kiểu như thế, ta đến với trình thuật về Bài Giảng Trên Núi, ở đó Chúa ca tụng những ai đem hòa bình đến với người khác, qua lời khuyên: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”(Mt 5: 9)

Quan trọng hơn, ta cứ nhìn vào những gì Chúa nói về sứ vụ Thiên sai của Ngài: “Bình an Ta để lại cho anh em; bình an mà Ta ban cho anh em, thế gian này không thể cho được như Ta đã ban cho anh em.” (Yn 14: 27) Xem như thế, rõ ràng là Chúa đến, Ngài đích thị là để mang bình an cho mỗi người. Rõ hơn nữa, hiển nhiên là Ngài chẳng khi nào lại muốn thấy sự rẽ chia, mà đúng hơn phải là sự kết hợp hiệp thông. Vào buổi tiệc Tạ Từ, Ngài nguyện cầu cùng Cha Ngài, rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. (Yn 17: 20)

Và, có điều là ta cứ tưởng là mình hiểu biết hết những lời bí nhiệm trong đoạn mà chị vừa trích dẫn, xem ra đã nghịch chống lại các đoạn văn khác chăng?

Trước hết, nên nhớ rằng chính Đức Giêsu là dấu tích của sự “mâu thuẫn, rẽ chia”. Khi Ngài có mặt ở đền thánh Giêrusalem, cụ già Simêon đã tiên đoán về Ngài rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2: 34)

Nhằm rao giảng sự thật cần nắm vững, Chúa đã gặp biết bao nhiêu là chống đối rất đáng kể trong suốt cuộc đời Ngài và cuối cùng Ngài cũng bị dẫn đến cái chết do chính bàn tay của những người không sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Ngài được.

Đồ đệ theo chân Ngài cũng thế, các vị đều đã gặp nhiều chống đối. Thánh Phaolô liệt kê một loạt những nỗi khổ mà thánh nhân phải chịu khi rao giảng Tin Mừng (2Cr 11: 12-28). Và chính Hội thánh của Chúa cũng bị bách hại trước nhất là từ những người Do thái, rồi sau đó từ đế quốc La Mã suốt 250 năm.

Thế nhưng, tại sao Chúa lại nói về sự rẽ chia ngay trong gia đình? Là bởi vì, cũng thế, điều này thường là kết quả khi thành viên trong gia đình tin vào Lời Chúa, trong khi đó người kia lại không. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều biết đến chuyện hễ có ai hồi hướng trở về với niềm tin nơi Đạo Chúa, thường thì người ấy dễ bị thành viên khác trong gia đình hoặc toàn bộ gia đình mình khích bác, cấm cửa không cho về lại với gia đình.

Tin Mừng theo thánh Mátthêu, có nhiều đoạn Chúa cũng ám chỉ chuyện này. Sau khi nói về mẹ chồng sẽ chống lại nàng dâu, Ngài còn bảo: “Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10: 36) Chúa còn trích dẫn lời của tiên tri Micah, khi ông nói: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch.” (Mic 7: 6)

Và từ đó, Ngài nói tiếp: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10: 37)

Thế thì, nếu có ai khám phá ra sự thật ở Tin Mừng rồi đến mà thực thi Lời dạy của Chúa, hẳn nhiên là người đó yêu Chúa hơn gia đình mình và họ sẽ nghe theo tiếng gọi của Chúa, dù cho có phải gặp nhiều chống đối rẽ chia, từ phía gia đình.

Hiển nhiên là, Chúa đâu nào đã mang sự chia rẽ đến với ai bao giờ. Ngài chỉ muốn nói: Ngài biết là đôi lúc những người theo chân Ngài sẽ gặp phải chống đối. Sẽ có sự rẽ chia, và ly cách.

Điều Chúa mang đến, Ngài đã nói rõ điều đó, chính là sự bình an và hiệp nhất: bình an trong tâm hồn cho tất cả những ai theo chân Ngài. Hiệp nhất, tất cả mọi dân con đồ đệ của Ngài.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 6/11/2011, tr. 12)

Nghe đấng bậc giải đáp thắc mắc rất ở trên, bần đạo lại cứ liên tưởng đến ca từ, vẫn thấy hát:

Ngày nào ta xa nhau,
anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa
Từng mùa Đông theo qua,
Anh đã quen với đường đời băng giá
.”
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Bóng tối nhạt nhòa đây, chính là sự đông cứng, xót xa, như câu ca của nghệ sĩ còn cứ hát:

Xưa hôn em một lần,
Rồi đau thương tràn lấp.
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa Đông,
Nên anh yêu mùa Đông,
Ôi! Mùa Đông của anh!”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Hẳn là Mùa Đông của anh, nay đà xảy đến khiến anh phải ôm phải ấp chỉ vì anh đã trót hôn em một lần. Hôn chỉ một lần thôi, mà rồi đau thương tràn ngập. Ôi thôi mùa Đông. Của anh. Của người.Mùa Đông thì như thế. Vẫn cứ đem lại bóng tối nhạt nhòa. Băng giá. Chia xa. Còn Mùa Xuân trọn kiếp do Đức Chúa mang lại vẫn kết hợp, rất hài hòa. Bình an.

Về những chia xa, nhạt nhòa của Mùa Đông hay mùa hạ nhiều nắng rẽ phân, hoặc thu qua đầy ảm đạm, bần đạo nhớ về lời của thầy dạy môn Kinh thánh từng dặn dò: Khi đọc Kinh thánh, nhớ đừng hiểu từng chữ, rất nghĩa đen. Hoặc đối chiếu với khoa học lịch sử, ở bên ngoài; mà phải đặt lời lẽ trình thuật theo ý hướng và chủ đích của thánh sử khi viết Tin Mừng ấy.

Theo vị thày dạy của bần đạo, thì thánh sử Mát-thêu viết lên Tin Mừng của mình, hồi 80 hay 85 sau Công nguyên, đem vào đó nhiều dụ ngôn/truyện kể, là để trình và thuật về tình hình của cộng đoàn Hội thánh thời mình sống. Thời tiên khởi, là thời có nhiều bách hại, phân hóa. Tách lìa. Ngài viết là muốn để lại lời khuyên răn, khích lệ hơn là chứng cứ lịch sử Lời Chúa nói. Nói theo kiểu văn hoa thêu thùa nhiều tính chất thi ca/âm nhạc, là nói như nghệ sĩ trích ở trên vẫn hát và nói những rằng:

Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái.
Anh chỉ là người say, bên đường em nhìn thấy.
Anh đi đi, người điên không biết nhớ,
Và người say không biết buồn…”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Tiếc rằng bần đạo không còn trẻ như tác giả bài ca “Mùa Đông của anh”, khi anh yêu Mùa Đông ấy, đã thấy “rất cay đắng tuyệt vời”. Vì không còn cái tuổi rất trẻ của mùa Xuân, nên bần đạo và bạn bè thân quen cùng trang lứa, nay cũng thấy phần nào mùa Đông của tình yêu. Yêu mình và yêu người. nên, mới thấm thía lời của thánh nhân vẫn trình và thuật về Hội thánh thời tiên khởi, cũng rất cay đắng, tuyệt vời dù phân rẽ. Phân rẽ đến độ, thánh sử thấy mình “như ngừng thở”, bèn phải viết lên những lời “thơ” khá ai oán, rẽ chia. Kình chống.

Nói cho cùng, như các cụ xưa nay từng nói “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, có thể đó cũng là tâm trạng của thành viên trong thánh hội thời tiên khởi, nên mới có những lời như thế, gán cho Chúa.

Nói nào ngay, lâu nay đấng bậc vị vọng của tờ The Catholic Weekly là linh mục John Flader nổi tiếng cứng rắn, chững chạc, hoặc “cựu trào” như nhận xét của một số người “vẫn chưa già nhưng không còn trẻ’ đã từng gán cho “đức ngài” cái mũ chụp ấy. Tuy nhiên, đức thày quan niệm rất không sai, khi bảo rằng: “Chúa đâu nào đã mang sự chia rẽ đến với ai bao giờ. Ngài chỉ muốn nói: Ngài biết là đôi lúc những người theo chân Ngài sẽ gặp phải chống đối. Sẽ có sự rẽ chia, và ly cách.”

Nói cho rõ, thì chính ra phải nói: thánh sử Mát-thêu là người viết lên trình thuật có lời lẽ rất “đắng cay tuyệt vời” vào thời điểm những 50 năm sau ngày Chúa chịu nạn, cũng là để diễn tả tâm trạng của các thành viên trong nhóm hội rất thánh, là Hội thánh. Nói như thế, không chỉ để khuyên răn, hoặc đưa chứng cứ mà để nói lên một sự thật rất đau lòng. Và, cũng là sự thật rất mất lòng.

Để minh họa cho những sự thật đau lòng hay mất lòng, cũng nên kể về một dụ ngôn thời đương đại, rất như sau:

“Bố mẹ cô gái nọ thấy con mình nay đến tuổi cần có người trông nom và ở cạnh “lúc vui cũng như khi buồn”, bèn mở một cuộc tuyển lựa… chàng rể.Trong số các chàng trai đến dự thi tuyển để được chuẩn nhận làm rể thảo, Chàng trai thứ nhất, hiên ngang khoe:

-Dạ! Tài khoản của con trong ngân hàng tròm trẻm chỉ độ triệu đô, thôi.

-Cũng được. Thế còn anh B này thì sao?

-Dạ! Con chỉ có mỗi biệt thự trị giá hai triệu đô, cũng tạm sống ạ.

-Thế cũng được. Thế còn anh trai trẻ này, có những gì?

-Dạ thưa bác! Cháu chả có gì ra hồn cả ngoài mỗi đứa con đang nằm trong bụng của con gái bác.

Chánh chủ khảo nghe thế cũng “tá hỏa!”, nhưng thấy anh này cũng không đến nỗi tệ, vì dám nói lên một sự thất…rất mếch lòng…”

Dù truyện kể, không là chân lý hoặc nguyên tắc để sống, mà chỉ nói lên tình hình hiện tại ở một số huyện dân gian, tại nhà khiến ta cần chú ý, thế thôi. Nhưng người kể truyện lại rút ra được một bài học rất thấm, đó là: Muốn thắng các địch thủ rất kếch xù trong khi mình chẳng có lấy một xu, thì chỉ còn cách duy nhất là “có tay trong”, mới hòng thắng. Và, người kể lại cứ thêm: Đây không phải là chân lý sống, nên cũng đừng thắc mắc hoặc hỏi han, tại sao thế.

Thật đúng thế. Cuộc đời người, có những chuyện không thể cứ mãi hỏi han: sao như thế? Sao lại thế? Mà, hãy cứ nhìn thẳng vào sự thật, rồi hiên ngang dấn bước, để còn sống.

Nói cho cùng, không thể kể cho nhau nghe: thế nào là nguyên tắc, hoặc chân lý sống ở đời. Cho bằng cứ kiếm tìm chân lý ấy, rồi sẽ sống. Vì, chân lý hay sự thật sẽ được phơi bày trên mái nhà. Chí ít, lại là sự thật như câu hát của người. Ở đời, rằng:

Những cuộc tình dương gian, muôn đời không nghĩa lý…
Nhưng người vẫn tìm nhau, trong vòng tay tình ý.
Như đôi ta, niềm yêu xưa chỉ còn
Một vì sao anh lẻ loi.”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Vì “sao” kia, có là anh hay là em rất lẻ loi, có là cuộc tình dương gian hoặc gì đi nữa thì cũng chẳng nghĩa lý chi khi mà “người người vẫn cứ tìm nhau, trong vòng tay tình ý” rất tế nhị. Bởi đời người là như thế. Người đời là như vậy. Nên, hãy cứ thương yêu cho trọn. Yêu thương, như Chúa vẫn thương yêu con người. Ngài không cách ly, chia lìa hoặc rẽ đám bất cứ một ai. Chí ít, là đồ đệ của Ngài, dân con Nước Trời. Ở mọi nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Nay không còn trẻ gì nữa
Nhưng vẫn cứ kiếm tìm
một cuộc tình chí lý rất thân thương
Nơi nhà Đạo.
Với con người.