Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Nay trở về, vẫn còn như mới mẻ

VRNs (30.11.2011) – Úc Đại Lợi – Suy niệm Chúa Nhật thứ Hai mùa Vọng năm B 04.12.2011



“Nay trở về, vẫn còn như mới mẻ,
“Bao mùa thu, hoa vẫn vàng như thế.”

(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Mc 1: 1-8

Nhà thơ trở về, đã thấy mọi sự vẫn như thế. Riêng nhà Đạo trở về, để được những gì Chúa nhắn gửi khi xưa Ngài đã hứa? Điều Chúa hứa, là những điều được thánh sử ghi lại ở trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật thánh Máccô nay viết về việc Chúa trở về. Ngài về với Giáng sinh. Về với an bình Ngài từng hứa. Trình thuật, ngay từ đầu, thánh Máccô đã trích dẫn câu văn rút từ sách Isaia nói về việc người người chuẩn bị đường lối sống để Chúa trở về với dân con của Ngài vào những ngày sau lưu đày. Dù có ngang qua mọi khổ ải, nhưng người người đều hy vọng về với Đất lành Chúa hứa ban. Đất lành đây, không chỉ là đất miền sỏi đá, rất thể lý. Nhưng, còn là hành trình nội tâm ngay bên trong sa mạc nhiều đá sỏi. Đó, còn là hành trình về với sự khôn ngoan được giấu kín.

Với Isaia, hành trình dân con Chúa trở về thật ra chưa hoàn tất. Thật vậy, hành trình của mọi người vẫn còn tiếp tục. Mỗi người và mọi người, cần tạo đường lối tốt lành để ngang qua đó mà dấn bước, trước khi hoàn tất thời lưu đày nơi dân gian. Dân gian, dù người người đã được tái cư, nhưng chưa hẳn là đã thật sự “trở về”. Chỉ trở về thật sự sau khi đã hoàn tất hành trình lưu đày của mình. Và lúc đó, người người mới được tỏ bày cho thấy rằng mình là hoa trái được chúc phúc, từ cung lòng thân yêu của Chúa, thôi.

Chủ đề “ngày trở về” cứ diễn tiến, là ý tưởng làm nền được thánh Máccô đề ra để mọi người suy nghĩ. Khởi đầu Tin Mừng do mình đề xuất, thánh Máccô có nói: “Như đã viết trong sách Isaia… Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa đi.” (Mc 1: 1-3) Đây chính là tin vui mừng về Lời của Chúa theo bút pháp riêng biệt của thánh Máccô như quyển thứ hai sách Isaia. Tin mừng, theo bút pháp của Isaia, là triển vọng về sự trở lại sau ngày lưu đày. Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo điều ấy. Và chính Đức Giêsu cũng sẽ theo đường lối ấy mà thực hiện theo cung cách mới. Cách thế của một trở về, rất mới mẻ.

Ở nội dung ngôn từ của Isaia, có ba “thời khắc” cho thấy rõ sự trở về này:

Trước hết, Giavê Thiên Chúa sẽ giải thoát con dân Ngài khỏi quyền lực bức bách từ phía dân ngoại và từ ngẫu thần của họ. Tức, ra khỏi nền văn hoá thống trị và hệ thống giá trị có từ đó. Nói tóm lại, thì thời khắc đầu là: thời giải thoát.

Thời khắc tiếp đến, là lúc dân con Đạo Chúa dấn bước dõi theo con đường được Giavê Thiên Chúa vẫn hướng dẫn. Thời khắc, của hiện trạng “dấn bước” mà ra đi.

Và cuối cùng, tất cả đều cùng đi và cùng đến với Giêrusalem, đất miền tuyệt diệu có sự hiện diện của Giavê Thiên Chúa như chính Đức Vua. Ở nơi đó, có Vương Quốc Nước Trời đến với họ. Chính đó, là thời khắc của hiện trạng nay “đạt đến”.

Thánh Máccô theo cung cách Isaia quyển 2 đề cập đến ba giai đoạn tương tự, ở Tin Mừng:

Giai đoạn một, là thời khắc Chúa thực hiện sứ vụ giảng rao “Tin Mừng” ở Galilê. Nơi đây, Chúa chữa lành cho người tật bệnh. Xua đuổi loài quỷ dữ cứ quẩn quanh. Và, dân gian quần chúng cứ tuôn đến với Ngài để được cứu. Đây chính là thời “giải thoát” rất rõ nét.

Giai đoạn hai, là giai đoạn Chúa lên đường “đi Giêrusalem” sau sự kiện thánh Phêrô tuyên xưng nhận biết Chúa là Đấng Mêsia rất Cứu Độ. Chúa quyết định tỏ lộ lý lịch Ngài là Mêsia Đấng chấp nhận khổ đau, sầu buồn để thực hiện điều Cha muốn. Đã ba lần, Ngài từng nói sẽ đi dần vào cõi chết và sau đó sẽ trỗi dậy từ chốn ấy, trong ba ngày. Nghe thế, dân con đồ đệ đã rời bỏ, vụt biến mất. Chỉ những ai ở lại với Ngài, mới biết được đường lối Ngài chịu đựng khổ đau/sầu buồn thôi. Và, đây là giai đoạn “dấn bước” vào với sự chết và sống lại.

Giai đoạn ba, là giai đoạn cuối cho thấy Chúa đi dần về với Giêrusalem, nơi Ngài chấp nhận sự chết và sống lại vinh hiển. Chính Ngài và dân con Ngài phải “đạt đến” sự chết-và-sống-lại, rất đích thực.

Dẫn chứng trên cho thấy: đây là nét song hành đặc biệt giữa điều được gọi là “Isaia thứ hai” và phần hai sách Tin Mừng do thánh Máccô ghi. Con đường dẫn đến Giêrusalem, là: “dấn bước” mà đi vào và đi tới. Chính động thái song hành này, đã cho thấy chiều kích tự tại, rất đặc biệt.

Ở Isaia quyển hai, đường lối mới ở đây là học cách thi hành trình thuật khôn khéo nhờ đó bất cứ con dân nào ở lại với Chúa, giống như đồ đệ Ngài, đều phải học hỏi để hiểu và biết Giavê Thiên Chúa. Học về Chúa, rất chầm chậm. Học với Chúa, để tinh thông.

Thánh Máccô còn nhận định: khi Chúa thiết lập hành trình về với Giêrusalem, Ngài đã loại bỏ toàn bộ sinh hoạt của Người Con từng rong ruổi đường dài để hiện thực một sứ vụ, cũng rất mới. Và, đó là lúc dân gian quần chúng đã vụt biến. Và khi ấy, nhóm đồ đệ Chúa được giáo huấn theo cung cách khác thường, rất đặc biệt. Đặc biệt là, học hỏi Chúa rất chầm chậm.

Tựa hồ như ở sách Isaia, đồ đệ Chúa được hướng dẫn để đi theo đường lối mình chưa biết đến vì mù và loà như sách Isaia nói. Các thánh được hướng đưa và dắt dìu, như lời Chúa khi xưa nói: “Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi. Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ, và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng. Những điều ấy, Ta sẽ thực hiện, không bỏ sót điều nào.” (Is 42: 16)

Chủ đề “mù loà” và hồi phục thị giác đã được thánh Máccô ghi rất chi tiết ở Tin Mừng do thánh nhân viết ngang qua hai sự kiện chữa lành: một về người mù thành Bétsaiđa (Mc 8: 22-26) và một về người mù thành Giêrikhô (Mc 10: 46). Rõ ràng, đây là phong cách đặc biệt được thánh Máccô sử dụng rất thường nhật, ở trình thuật. Bằng cách này, thánh nhân vẫn đưa vào phần trước và sau ở đoạn cuối Tin Mừng lời bàn về tính đặc trưng/đặc thù nơi đồ đệ Chúa, bằng một khẳng định: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? (Mt 8: 18) Thật ra thì, đồ đệ Chúa chỉ mù và loà về chiều kích khổ đau Chúa chấp nhận. Đồ đệ dấn bước theo Ngài là những người quyết chấp nhận học hỏi tuy rất chậm về giáo huấn khổ đau/sầu buồn Ngài từng chịu.

Giáo huấn này, được Chúa nói trước những ba lần về cuộc thống khổ của Ngài. Đỉnh cao ba đoạn văn này là đoạn 10, câu 42b đến 45, qua đó thánh sử đã lại viết: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Tin Mừng thánh Máccô viết, có đoạn còn qui rõ về cái chết của Chúa, như ở trên. Còn lại, là đoạn 14 câu 24 qua đó thánh sử viết về Tiệc Tạ Từ, trong đó có ghi rõ: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người”. Ngoài ra, ở đoạn 10 câu 42, thánh Máccô đặt song song với đoạn 20 câu 28 của Mátthêu, để coi đó như biểu hiện một xác quyết, ở trình thuật.

“Đổ ra vì muôn người”, là xác quyết hiện lên như nhu liệu cuối tìm được ở Tân Ước. Và cả ở lá thư đầu tay thánh Phaolô viết chođồ đệ Timôthê như văn bản viết vào cuối thế kỷ đầu, vẫn được coi là đoạn văn tóm kết niềm tin của dân con Đạo Chúa, thời tiên khởi. Tuy tóm kết, nhưng người viết vẫn kêu gọi mọi người hãy cùng Chúa định vị chính mình như những người dám “hy sinh vì muôn người”. Có thể, đây là công thức về niềm tin có từ thời xưa cũ. Xưa và cũ, hơn những gì do chính thánh Máccô từng viết và từng được coi như sử sách, rất đích thực.

Nói cho cùng, chuẩn bị mừng đón ngày Chúa Giáng Hạ còn là nhận chân rằng: dân con đồ đệ từng dấn bước theo chân Chúa phải xác quyết mình sẽ tận hiến mạng sống vì muôn người. Xác quyết cả chuyện dấn thân đi vào con đường khổ đau/sầu buồn, mà nhận lãnh.

Ở Tiệc lòng mến rất Thánh Thể, Đức Giêsu vẫn tỏ cho thấy Ngài vẫn làm việc ấy, cho ta. Và, với ta. Suốt mọi ngày, từ nay cho đến ngày kết tận, của thế giới.

Trong tâm tình cùng Chúa chấp nhận hy sinh vì muôn người, cũng nên về với thơ văn ở đời mà ngâm nga, cảm kích. Cảm và kích bằng giòng thơ:

“Bao mùa thu, hoa vẫn vàng như thế,
chỉ là, em đã khác với em xưa.
Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa,
Nào đâu, những biển chờ nơi cuối đất.”

(Xuân Quỳnh – Hoa Cúc)

Dù, nắng có nhạt ngày quá trưa, em và anh vẫn đâu nào khác trước. Có khác chăng, chỉ khác mỗi một điểm, là anh và em nay đổi mới. Đổi rất nhiều, ngày Chúa đến. Đổi, với thánh hội. Ở muôn nơi. Suốt mọi thời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch.