Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Quyết định quốc hữu hóa 2312/QĐUB đối với DCCT là bất hợp pháp

VRNs (30.11.2011) – Sài Gòn – Như tin chúng tôi đã loan, Tỉnh DCCT VN đã hai lần gởi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về tôn giáo và xây dựng, yêu cầu ngừng ngay công trình bất hợp pháp đang triển khai trên đất của DCCT VN tại 86 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, Sài Gòn. Thế nhưng, chính quyền vẫn không dừng công trình, mà còn trưng ra “Quyết định quốc hữu hóa 2312/QĐUB”, để đánh lừa dư luận về việc làm sai trái của chính quyền.

Sáng ngày 29.11.2011, thừa uỷ quyền của Cha giám tỉnh DCCT, Cha chánh văn phòng DCCT VN đã gởi văn thư Kiến nghị lần thứ 3. Trong văn thư, Cha Đinh Hữu Thoại đã liệt kê toàn bộ các danh mục văn bản pháp luật của Trung ương và riêng TP.HCM ban hành kể từ 30.04.1975 đến trước ngày 07.08.1978 (ngày được cho là Quyết định quốc hữu hóa 2312/QĐUB ra đời) liên quan đến nhà-đất gồm 25 văn bản, thì toàn bộ nội dung các văn bản này hoàn toàn không có bất kỳ điều nào cho phép UBND TP.HCM ban hành Quyết định quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo – như Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn – đang sử dụng.

VRNs xin giới thiệu nguyên văn Kiến nghị này.

————-

Kỳ Đồng, ngày 29 tháng 11 năm 2011

KIẾN NGHỊ – Lần 3

V/v: Đề nghị đình chỉ công trình xây dựng và yêu cầu giao lại phần nhà-đất thuộc sở hữu của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam toạ lạc tại số 86 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3.

Kính gửi: UỶ BAN NHÂN DÂN TP.HCM

TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM
Địa chỉ: 38 Kỳ Đồng, Quận 3, TP.HCM
Do Linh mục Phạm Trung Thành – Giám tỉnh – làm đại diện
(Có uỷ quyền cho Linh mục Đinh Hữu Thoại – Chánh Văn phòng)

Trình bày rằng:

Khu nhà-đất tọa lạc tại địa chỉ 86 Bà Huyện Thanh Quan thuộc quyền sở hữu (QSH) hợp pháp của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đến nay ngày 11/11/2011 khởi công xây dựng công trình mới: Trường Mầm Non 9 do Chủ đầu tư: Trường Mầm Non 9 với tổng mức đầu tư 14.825.955.000 đồng. Đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc III với chỉ huy trưởng: Kỹ sư Nguyễn Minh Tâm.

Bất chấp khiếu nại của chủ sở hữu hợp pháp khu nhà-đất này là Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Nhà nước đã giữ “im lặng” và mới đây tại Biển báo công khai công trình xây dựng đặt tại công trường, đã có thêm nội dung mới: “Quyết định Quốc hữu hóa số 2312/QĐUB 07/08/1978 của UBND TP.HCM” (Xin xem hình đính kèm).

Biển báo này vừa thừa nội dung này, trong khi lại thiếu nội dung khác là “Chủ đầu tư xây dựng công trình, chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm thiết kế, tổ chức hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình ngoài việc ghi rõ tên, chức danh, còn phải ghi địa chỉ liên lạc, số điện thoại” theo quy định tại khoản 5 Điều 74 Luật Xây dựng.

Vấn đề chính đặt ra ở đây là “Quyết định quốc hữu hóa số 2312/QĐUB ngày 07/08/1978 của UBND TP.HCM”, nếu có thật, đến nay Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chưa nhận được Quyết định này – có hợp pháp?

Trước hết, chúng tôi xin phép liệt kê toàn bộ các danh mục văn bản pháp luật của Trung ương và riêng TP.HCM ban hành kể từ 30/4/1975 đến trước ngày 07/08/1978 liên quan đến nhà-đất:

1.Ngày 05/08/1975 – Chỉ thị số 264/TTg của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thu hồi nhà ở thuê hoặc mua lại của Nhà nước trong trường hợp di chuyển đi nơi khác.

2.Ngày 15/05/1976 – Chỉ thị số 11/CP-76 CP của Ban Đại Diện Trung Ương Đảng và Chính phủ về việc mua nhà của tư nhân.

3.Ngày 30/10/1976 – Quyết định số 434/TTg của Thủ tướng chính phủ về chủ trương đ/v tư nhân xin hiến tài sản.

4.Ngày 11/11/1976 – Thông tri số 1880/UB của Ủy ban Nhân dân TP. HCM hướng dẫn kiểm kê xử l‎ý tài sản vắng chủ.

5.Ngày 7/01/1977 – Chỉ thị số 12-TTg của Phủ Thủ tướng về việc tăng cường quản lý nhà cửa ở các đô thị vùng mới giải phóng;

6.Ngày 18/01/1977 – Quy định tạm thời số 144 QĐ –UB của UBND TP. HCM về việc giải quyết mua bán chuyển nhượng nhà cửa của đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới và hồi hương lập nghiệp.

7.Ngày 02/04/1977 – Chỉ Thị số 14/CT-UB của UBND TP.HCM về việc hướng dẫn xử lý tạm thời tài sản của người trốn đi nước ngoài bị bắt lại.

8.Ngày 14/04/1977- Quyết định số 111/CP của Hội Đồng Chính Phủ ban hành chính sách cải tạo XHCN đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam.

9.Ngày 25/05/1977 – Công văn số 1974/VP.3 của Phủ Thủ Tướng trả lời Công văn số 41/UB ngày 9/5/1977 của UBND TP.HCM – về việc xử lý diện nhà vắng chủ

10.Ngày 10/06/1977 – Quyết Định số 150/CP của Hội Đồng Chính Phủ ban hành tiêu chuẩn phân phối diện tích làm việc và diện tích ở.

11.Ngày 17/06/1977 – Công văn số 2267/VP.14 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc cấm cơ quan mua nhà của tư nhân.

12.Ngày 13/10/1977 – Thông tư số 31/BXD của Bộ Xây Dựng về việc hướng dẫn thi hành Quyết định 111/CP của Hội Đồng Chính Phủ.

13.Ngày 17/11/1977 – Quyết định số 305/CP của Hội Đồng Chính Phủ về việc sửa đổi bổ sung Quyết định 111/CP của Hội Đồng Chính Phủ.

14.Ngày 17/11/1977 – Thông tri số 410/TTg của Thủ Tướng Chính Phủ hướng dẫn thi hành chính sách xử lý nhà đất của các tổ chức và cá nhân những người làm việc trong quân đội và chính quyền Mỹ Ngụy, đảng phái phản động ở độ thị các tỉnh phía Nam.

15.Ngày 30/03/1978 – Thông tư số 05/BXD-VP của Bộ Xây Dựng giải thích, hướng dẫn thi hành Quyết định 150/CP của Hội Đồng Chính Phủ.

16.Ngày 30/03/1978 – Phụ lục Thông tư số 05/BXD-VP của Bộ Xây Dựng giải thích, hướng dẫn thi hành Quyết định 150-CP của Hội Đồng Chính Phủ.

17.Ngày 12/04/1978 – Quyết định số 442/QĐ-UB của UBND TP.HCM về việc ban hành tiêu chuẩn diện tích ở của CB-CNV Nhà nước tại Thành Phố.

18.Ngày 08/05/1978 – Chỉ thị số 20/CT-UB của UBND TP.HCM về việc xử lý chính sách đối với nhà cửa của tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất.

19.Ngày 30/05/1978 – Thông tư số 174/QLNĐ-BXD của Bộ Xây Dựng hướng dẫn việc thống nhất quản lý nhà cửa của tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất.

20.Ngày 01/06/1978 – Công văn số 862/UB của UBND TP.HCM quy định thêm về chỉ đạo xử lý các đối tượng bỏ trốn đi nước ngoài bị bắt và được trả tự do.

21.Ngày 23/06/1978 – Thông tư số 201/BXD-NĐ của Bộ Xây Dựng hướng dẫn việc quản lý nhà đất vắng chủ ở các tỉnh, thành phía Nam.

22.Ngày 27/06/1978 – Thông tri số 19/TT-UB của UBND TP.HCM về việc thanh lý thanh toán và phân phối nhà tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất.

23.Ngày 05/07/1978 – Thông tư số 17/BXD-QLNĐ của Bộ Xây Dựng hướng dẫn kế hoạch thực hiện xử lý nhà đất của các tổ chức và cá nhân những người làm việc trong quân đội và chính quyền Mỹ Ngụy của các đảng phái phản động ở đô thị, các Tỉnh miền Nam.

24.Ngày 10/07/1978 – Thông tri số 20/TT-UB của UBND TP.HCM bổ sung Thông tri số 19/TT-UB ngày 27/6/1978 của UBND Thành Phố.

25.Ngày 11/07/1978 – Quyết định số 1520/QĐ-UB của UBND TP.HCM ban hành quy định về phân phối nhà do Nhà nước quản lý cho Cơ quan đơn vị và CB-CNV trong Thành Phố HCM.

Toàn bộ nội dung các văn bản trên hoàn toàn không có bất kỳ điều nào cho phép UBND TP.HCM ban hành Quyết định quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo – như Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn – đang sử dụng.

Mục 3, chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam (ban hành theo Quyết định của Hội đồng chính phủ số 111-CP ngày 14/04/1977) có quy định về nhà, đất của các Đoàn, Hội Tôn giáo. Theo đó:

“… 2. Nhà nước tịch thu toàn bộ nhà đất của các Đoàn, Hội, các tổ chức không được nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.

3. Nhà, đất… của các tôn giáo hiện đang cho thuê được giải quyết theo chính sách chung về nhà, đất cho thuê…

4. Những nhà cửa đất đai khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung”.

Như vậy, khu nhà-đất 86 Bà Huyện Thanh Quan thuộc sở hữu hợp pháp của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn – một cơ sở tôn giáo được pháp luật thừa nhận – đang sử dụng, không thể bị tịch thu và cũng chưa hề có giáo dân nào sau khi được nhà nước vận động, thuyết phục đã “giao cho nhà nước dùng“, nên “Quyết định quốc hữu hóa 2312/QĐUB ngày 07/08/1978 của UBND TP.HCM” – nếu có thực – cũng là không hợp pháp.

Chưa kể, Điều 6 Sắc lệnh số 234 của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng ban hành ngày 14/06/1955 quy định: “các nhà thờ, đền chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ, trường giáo lý của các tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Và Điều 18 Hiến pháp năm 1959 quy định “Nhà nước bảo hộ QSH của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác”. “Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định” (Điều 20).

Cần nói thêm, Luật đất đai và Nghị quyết 23/2003/QH11 của Quốc hội – mà thường được các cơ quan Nhà nước vận dụng – chỉ quy định “nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà-đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”. Như vậy, nhà-đất nhà nước đã quản lý mà không do thực hiện chính sách về quản lý đất đai và chính sách cải tạo XHCN không thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật này.

Kiến nghị: Nay, qua nội dung trình bày trên, chúng tôi tiếp tục lần thứ 3 đề nghị UBND TP.HCM và những cấp có thẩm quyền:

1. Đình chỉ ngay công trình đang xây dựng trái pháp luật trên phần nhà-đất 727m2 thuộc sở hữu và sử dụng hợp pháp của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

2. Thu hồi và giao lại phần đất này cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam để sử dụng vào mục đích tôn giáo và lợi ích cộng đồng. Đây chẳng những là nhu cầu chính đáng của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam mà còn thể hiện việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức tôn giáo.

Trân trọng,

(đã ký)

Linh mục Đinh Hữu Thoại
Chánh Văn phòng

Nơi nhận:

- Như trên
- Ban Tôn giáo – Dân tộc TP.HCM
- Sở Xây dựng TP.HCM
- Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM
- UBND Quận 3
- Phòng Giáo dục Quận 3
- Bà Đặng Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (165 Trần Quốc Thảo, Q.3)