Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Xứ đoàn thiếu nhi Thánh Thể Fatima vươn lên

VRNs (07.11.2011) – Sài Gòn – Cha Giuse Lê Hòang, Tuyên Úy xứ đoàn THiếu nhi Thánh Thể (TNTT) giáo xứ Thiên Ân chăm chút cho phòng trào từng bước một, ngài quan tâm đến từng hoạt động dành cho thiếu nhi và quá trình đào tạo huynh trưởng để đáp ứng nhu cầu trẻ em Công giáo được rèn luyện trở thành con ngoan của Chúa và công dân tốt.



Các huynh trưởng là những cánh tay nối dài của cha tuyên uý. Các anh chị này cũng đối diện với nhiều khó khan do thách thức của đời sống cá nhân lẫn xu hướng xã hội đang lấn tới. Để hiểu rõ hơn về việc học giáo lý và giờ giấc sinh họat của TNTT cùng tâm tư và những khó khan cụ thể của anh chị huynh trưởng TNTT nói chung, và nói riêng tại giáo xứ Thiên Ân, phóng viên Minh Quân TT của VRNs có cuộc trò chuyện với anh Giuse Dương Minh Thái – Xứ đoàn trưởng TNTT Fatima thuộc giáo xứ Thiên Ân.

PV: Thái vui lòng cho biết đòan TNTT được thành lập khi nào và Thái phục vụ thiếu nhi được bao lâu ?

Anh Thái: TNTT Xứ đoànFatima do cha Giuse Phạm Đình Đại và dì Têlêsa Nguyễn Thị Thảo thành lập vào năm 2006. Lúc đầu thành lập có khoảng hơn 700 em thiếu nhi tham dự và từ thời điểm này thì các em chính thức đeo khăn. Thời gian trước khi thành lập Xứ đòan TNTT thì vẫn có có sinh hoạt TNTT nhưng chưa có đeo khăn vì Cha Xứ vẫn còn ngại phía chính quyền. Theo danh sách phân lớp tổng kết thì có 1.124 em TNTT nhưng từ ngày khai giảng đến nay bình quân mỗi tuần tăng 5 em nhưng cũng có một vài em thêm sức rồi nghỉ, nên số TNTT hiện giờ khoảng 1.150 em. Em tham gia sinh họat và hướng dẫn các em được 12 năm tại giáo xứ này rồi.

PV: Với thời gian làm việc trong đòan TNTT dày như vậy, Thái chắc hẳn biết những khó khăn của TNTT hiện nay ?

Anh Thái: Theo xu thế chung của xã hội thì phụ huynh và các em đều quan tâm đến việc đi học ở trường nhiều, còn việc học giáo lý trở thành thứ yếu. Tâm lý con người mà, việc học chữ ở trường thì quan trọng vì nó có thể tạo chổ đứng và việc làm cho con em họ trong xã hội sau này. Cho nên có một số phụ huynh cho con em mình học giáo lý là để lãnh nhận các bí tích xong thì thôi, không học tiếp lên Bao đồng hay Nghĩa sĩ. Mình có liên hệ, mời gọi nhưng họ không muốn thì cũng đành bó tay. Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh được tụi em phân tích về lợi ích khi cho con em học giáo lý thì họ hiểu và đồng tình đưa con đi học tiếp. Cũng có một số em rất bướng, mình không thể khuyên nó đi học hay đi Lễ, đi Chầu nhưng nhờ bạn bè rủ thì các em đi.

Mặt khác, nhân lực giáo lý viên cũng mỏng. Năm nay có 48 huynh trưởng và 30 dự trưởng chia cho bốn khối lớp: Chiên con; ấu nhi, thiếu nhi và bao đồng. Mỗi lớp có từ hai đến ba GLV giúp dạy giáo lý cho các em. Lúc trước còn là sinh viên thì đỡ nhưng nay một số anh chị đã tốt nghiệp, rồi đi làm nên giờ giấc sinh họat của anh chị GLV cũng không được đều đặn lắm. Nói là có 68 anh chị nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng có mặt tất cả. Nếu xé nhỏ sĩ số lớp học ra thì không đủ nhân lực để làm.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là khó khăn về cơ sở vật chất. Do số lượng các em năm nay tăng hơn 200 em so với năm trước nên sĩ số lớp tăng mà phòng học cũng không tăng được. Số phòng học giáo lý hiện tại là có từ khi thành lập giáo xứ, số TNTT ban đầu chỉ hơn 700 em nhưng hiện nay có hơn 1.150 em thì không đủ đáp ứng việc học của các em, có những lớp sĩ số lên đến hơn 70 em, các lớp đều chật ngất. Có những em xin vô rước lễ 1, nghe đến rước lễ 1 là em sợ vì không biết phải nhét vô chổ nào nữa. Phòng nào có thì cũng đã sử dụng cho các em hết rồi, chỉ còn lại cái phòng của Cha Tuyên Úy. Hy vọng năm tới thì Cha cho làm phía bên hoa viên thêm lầu để các em có đủ lớp mà học.

PV: Theo một số phụ huynh phản ánh thì mọi năm có nhiều sơ giúp dạy giáo lý nên yên tâm, năm nay thì số sơ về hơi ít nên họ cảm thấy lo cho việc học giáo lý của con em mình. Từ góc nhìn của Xứ đòan trưởng, anh Thái có suy nghĩ gì về trình độ giáo lý của các anh chị huynh trưởng và dự trưởng ?

Anh Thái : Tổng thể thiếu nhi Thiên Ân tương đối ngoan hơn so với những xứ khác. Về trình độ dạy giáo lý của các GLV của những năm trước thì cũng có những bâng khuâng vì các năm trước mình đang trong giai đoạn chuẩn bị học cấp 1.2.3 khóa huấn luyện giáo lý viên của giáo phận. Nhưng các em sau này thì học xong bao đồng 5, học hiệp sĩ 1 năm và trong thời gian này các em tham gia học khóa huấn luyện giáo lý viên của giáo phận, có bằng GLV giáo phận thì Cha mới cho đeo khăn dự trưởng. Phần đông, các anh chị đều đã tốt nghiệp Cao đẳng hay đại học và đã qua các cấp của khóa huấn luyện của giáo phận. Có bằng, Cha mới cho đứng lớp dạy, nên trình độ giáo lý để truyền dạy cho các em thì có thể an tâm. Còn lớp đàn em tiếp theo cũng có nhưng cũng chưa dám giao hẳn cho các em được mà chỉ cho các em tham gia hướng dẫn cho thiếu nhi trong giờ sinh họat ngòai trời. Ban giáo lý thì các năm trước Cha dành thời gian soạn bài, năm nay đã có sẵn bài soạn thì các anh chị kiểm tra lại, hễ lên lớp là anh chị phải có giáo án. Có những giờ kiểm tra đột xuất bằng cách dự giờ, kiểm tra giáo án xem các anh chị dạy các em như thế nào. Nhìn chung giáo lý năm nay là tự tin rồi, như vậy là ổn.

Mọi năm có 6 sơ, năm nào nhiều thì 7 sơ dạy 3 lớp rước lễ 2, 3 lớp thêm sức 2. Nhưng năm nay nghe nói bên nhà dòng thiếu, các xứ khác thiếu nên rút các sơ đi bớt. Năm nay GX mình được 5 dì thuộc Dòng Chúa Chiên Lành và Dòng Mân Côi về đây lo cho các em thiếu nhi. GX có ý xin thêm nhưng sơ Nhất nói là hết rồi thì mình chịu thôi chứ biết làm sao. Ngoài ở đây các sơ còn lo cái trường tình thương ngoài kia nữa, có nhờ một sơ bên dòng Chúa Chiên Lành lo cho lớp bao đồng. Do phụ huynh chưa rõ lắm về trình độ giáo lý hiện tại của các anh chị nên lo chứ thực ra năm nay là tụi em an tâm và tự tin lắm.

PV: Nghe một số phụ huynh nói là các lớp Chiên con thì học xong giáo lý, tham dự Thánh Lễ xong thì nên cho về vì các em có biết gì đâu mà cho sinh họat mất thời giờ. Còn việc học ở lớp thì cũng nên hạn chế ở việc làm quen môi trường, học làm dấu, giới thiệu về Chúa thôi.

Anh Thái: Sinh hoạt TNTT đã có từ trước 1975 nhưng sau này có một thời gian các em chỉ học giáo lý mà không có sinh hoạt ngoài trời thậm chí là phòng học phải đóng kín nữa. Sau này Đức Hồng Y, và Cha Tuấn khai triển sinh hoạt TNTT lại từ năm 2002, mục đích là sinh hoạt theo phương pháp hàng đội, đơn vị quản lý là hàng dọc, các em học theo chương trình giáo lý của giáo phận. Các em học theo chương trình từ ít tới nhiều, từ nông tới sâu như vòng tròn xoắn óc. Khai tâm học ít, ấu nhi ôn lại và đào sâu hơn, lên thiếu thì học nhiều hơn một tí như vậy cho tới bao đồng. Riêng nói về mảng sinh hoạt ngoài trời thì các em lại thích hơn vì có không khí vui vẻ, ca hát, nhảy nhót, không ngồi gò bó như trong lớp. Chủ yếu là dạy các em ca hát cho năng động, dạy các em biết yêu mếm anh chị em, ông bà, cha mẹ. Chỉ có các bạn nghĩa sĩ là hình như nó ngại nên sinh hoạt không như các em nhỏ nên có một số em len lẻn đi về. Năm ngoái thì tụi em cho anh chị đứng canh cửa ngăn không cho các em ra về, phùng mang trợn má, phụ huynh nhìn vô cũng phản cảm. Năm nay để tự nhiên mong các em tự ý thức về trách nhiệm của mình mà tham gia cùng nhóm, lớp sinh họat cho đầy đủ và vui vẻ.

Nội dung sinh hoạt thì các anh chị đầu tư hết sức từ ngày thứ bảy, còn nếu ngày thứ bảy đi làm thì phải đầu tư suy nghĩ cho chương trình sinh hoạt từ những ngày trước để làm sao chương trình sinh hoạt cho sinh động, hấp dẫn để thu hút các em, làm cho các em ham thích sinh hoạt, thậm chí đầu tư cả bánh kẹo cho các em. Riêng những ngày có chuyên đề thì cha sẵn sàng đầu tư chi tiền để các em sinh hoạt chuyên đề cho tốt. Những ngày có sinh hoạt chuyên đề, thời gian thường sau 10h30-11h giờ trưa mới xong, có gửi giấy báo cho phụ huynh nhưng các em không đưa giấy cho cha mẹ nên có một số phụ huynh đi đón cũng nóng ruột khi thấy trễ và cũng vì công ăn việc làm của phụ huynh nữa. Lúc đó, tụi em giải thích thì phụ huynh cũng thông cảm.

PV: Việc điểm danh cho các em thực hiện qua sổ liên lạc có phụ huynh nào thắc mắc không ?

Anh Thái: Thông thường là sau khi các em học xong giáo lý thì xếp hàng vô nhà thờ tham dự Thánh Lễ ngày chủ nhật, sau đó tham gia sinh họat ngòai trời thì điểm danh cho cột ngày chủ nhật. Còn ngày thứ năm thì các em Chầu Thánh Thể xong, tham dự Thánh Lễ và đọc kinh xong thì mới điểm danh. Các em chia điểm dưới 5 thì ở lại lớp. Việc điểm danh không phải là ép các em ở lại mà làm cơ sở để khi phụ huynh có thắc mắc là ngày đó con tui đi từ bảy giờ đến 10 giờ mới về mà sao không có tên sổ liên lạc thì mình có cơ sở, ngày đó nó ra khỏi nhà nhưng không vô nhà thờ mà vô tiện nét, tụi em ra tiệm nét gom mấy đứa nhỏ về, ông chủ tiệm nhiều khi đòi đánh tụi em vì đó là chén cơm của người ta mà. Việc các em bỏ về thì chỉ biết cầu nguyện Chúa biến đổi các em thôi, chứ việc điểm danh chỉ mang tính chất chế tài, phần còn lại giao cho Chúa. Các em muốn về sớm thì lên Cha phó xin giấy, phụ huynh ký xác nhận vô để biết là ngày đó các em không sinh hoạt, còn em nào nghỉ nhiều ngày không sinh hoạt thì báo về cho phụ huynh để cùng nhau đưa các em trở lại sinh hoạt. Đã có trường hợp các em tự bỏ về bị xe ủi, nhưng không phải người ta ủi em mà em ủi người ta mặt mày trầy xể, mình phải đến xin lỗi và người ta cũng thông cảm cho qua. Khổ một cái, ở đây không như học ở trường mà khóa cổng khóa rào, không thể kỷ luật hoặc đuổi học được, mà chỉ lấy tình thương mà đối với các em, mình làm được tới đâu thì làm, còn lại thì cầu nguyện Chúa lo thêm. Tụi em chỉ biết làm hết trách nhiệm, hết khả năng, phần còn lại giao cho Chúa chứ Chúa không thể giao khoán cho tụi em được.

PV: Trong ngần ấy thời gian làm huynh trưởng, em có gặp trường hợp cá biệt nào không?

Anh Thái: nhiều lắm chứ. Đây là giáo xứ di dân, phần lớn là dân nhập cư từ các nơi khác đến, dân lao động, ở trọ và rất khó khăn. Muốn cho họ cho con em họ đi học giáo lý nhiều khi cũng không phải dễ. Có nhiều gia đình chồng bên lương, vợ bên đạo hoặc chồng bên đạo còn vợ bên lương nên việc mời gọi họ cho con em đi học giáo lý gần như không có, mà phải nhờ qua ông bà quản đến thuyết phục họ nói là cho các bé đến nhà thờ sinh họat để nó vui vẻ họat bát năng động, chứ nói cho học giáo lý thì còn khuya họ mới cho đi. Các em đi học được vài tuần thì ngoan hơn, biết chào hỏi thưa dạ với ba mẹ, sống nề nếp hơn nên họ để con em mình đến nhà thờ học tiếp. Có trường hợp cháu của anh chị GLV má có đạo, ba không có đạo nên các em đi học giáo lý rất khó. Hễ tháng này nó đang học 10 điểm ở trường mà tháng sau 8-9 điểm thì đứa nhỏ và người vợ bị đánh bầm mặt bầm mày, nói là tại học giáo lý mà học kém. Mình có đến thuyết phục thì người ta cũng không thèm nói chuyện với mình, chỉ biết cầu nguyện cho các em.

PV: Có quy định nào cho anh chị huynh trưởng, dự trưởng không ? Em còn điều gì muốn nhắn gửi đến độc giả ?

Anh Thái: Thông thường ở các trung tâm thì ông thầy nào dạy giỏi thì học sinh tự động tìm tới chen nhau mà học, còn dạy dở thì không ai thèm đến. Còn giáo lý thì các anh chị GLV cố gắng trao dồi thêm sư phạm, nêu gương sống cho các em. Còn người nói hay chưa chắc sống tốt thì biết làm sao được. Các anh chị nên đi sinh họat đều đặn, còn anh chị nghỉ quá 30% thì cha cho nghỉ luôn. Vì hiện tại mỗi lớp với sĩ số cao như vậy, một anh chị điểm danh, lo sổ sách, một anh chị lo dạy giáo lý cho các em, một anh chị lo phần sinh họat ngòai trời. Một người nghỉ thì thiếu người không lo chu đáo cho các em được. Thời gian nghỉ nhiều quá thì thà là nghỉ luôn để Cha còn tiện sắp người thay thế để lớp được ổn định. Chứ có nhiều người dạy được ít hôm rồi nghỉ một lèo hai ba tháng lâu lâu nhảy vô một lần, đến cuối năm khi Cha cho đi chơi thì có mặt, không cho đi thì cũng kỳ.

Các năm trước thì tòan thể TNTT ngồi ở trong nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Năm nay do số TNTT tăng cao nên Cha cho khối bao đồng khỏang 200 em lên gát ngồi từ đầu tháng 10. Hồi trước do ngồi không theo lớp nên các “đại ca” quây quần lại với nhau nói chuyện, làm việc riêng, giỡn hớt không chú tâm vào Thánh Lễ, làm gương mù gương xấu cho các bạn khác. Một số em ngành nghĩa tới cái tuổi nó bướng thì nó bướng thôi, đưa lên gát ngồi cũng có hàng có ngũ theo lớp rồi, các em quậy không thể tụ họp tụm lại như trước kia ngồi bên dưới nữa. Cho nên cũng mong sự cộng tác của phụ huynh nhắc nhở và quan tâm đến các em nhiều hơn.

Sắp tới, Cha xứ cho xây thêm một số phòng học bên Hoa viên, rất mong Quý phụ huynh cùng hiệp thông cầu nguyện và cùng chung tay đóng góp để các em sớm có nơi học hành thỏai mái, không chen chút chật chội như hiện nay.

*****

Việc học giáo lý là quyền lợi và là trách nhiệm của mỗi người kitô hữu. Như Cha GB Đòan Vĩnh Phúc đã nói: “Chúng tôi tha thiết mời gọi anh chị em nào chưa cho con cái mình đi học giáo lý thì hãy đưa con em mình đến đây học bất kỳ lúc nào, tôi không khó khăn gì mà phải đợi đến ngày khai giảng. Con cái anh chị em được đến đây học giáo lý sớm ngày nào là gần Chúa được ngày đó, là tiếp thu cái tốt được ngày đó và xa lánh được cái xấu ngày đó”. Các bậc làm cha làm mẹ nên lo cho con cái mình giá trị đạo đức là được thừa hưởng một nền giáo dục và mở rộng hiểu biết về Chúa Kitô và sống theo Lời Chúa mà không tiền của nào có thể đánh đổi được. Có được như vậy thì không lo gì cửa thiên đàng không rộng mở với chúng ta.

Nguyễn Quân TT, VRNs