Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Định luật mâu thuẫn

VRNs (02.12.2011) - Sài Gòn - Tất cả đều tương đối, từ khởi nguyên đến tận thế là vậy, nhưng chỉ từ khi có định luật tương đối của bác học Einstein thì người ta mới khả dĩ chân nhận là tất cả đều tương đối.



Ai cũng là giám đốc, làm sao có nhân viên hoặc công nhân? Và như vậy làm sao có nhà máy? Ai cũng là giám mục, linh mục, làm sao có giáo dân? Và như vậy làm sao có giáo hội? Cả đời và đạo, dù là ai cũng đều tương quan với nhau, không trực tiếp thì cũng gián tiếp, vì thế mà không ai có quyền tự tôn tự đại – nói theo ngôn ngữ bình dân hiện đại là “chảnh”. Tại sao? Mỗi con người đều có một nhân vị như nhau và bằng nhau trước Tòa án Công minh của Thiên Chúa. Mỗi người được Thiên Chúa ban cho những ơn khác nhau, nhưng tất cả đều là để vinh danh Thiên Chúa.

Một người làm quan, cả họ được nhờ. Đó là lẽ thường ở đời. Chuyện kể trong trình thuật Mt 20:20-23, ngay cả hai con ông Dêbêđê cũng được người mẹ dẫn lẽo đẽo theo Chúa Giêsu cố nài xin cho được một đứa ngồi bên phải và một đứa ngồi bên trái Ngài, mong được “thơm lây”, nhưng Chúa Giêsu nói thẳng: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chẳng biết lúc đó ba mẹ con có thấu hiểu hết ý Chúa không, nhưng cũng may mà họ mạnh dạn nói: “Thưa uống nổi”. Chúa gật gù và mỉm cười: “Được, chén của Tôi, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Tôi, thì Tôi không có quyền cho, nhưng Cha Tôi đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.

Xưa nay chắc là Chúa Giêsu chưa trách mắng ai nặng như Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi của Công giáo: “Satan, lui lại đàng sau Thầy!” (Mt 16:23). Thật ra giáo hoàng Phêrô có ý tốt, vì thương Sư phụ, khi Chúa nói sẽ đi Giêrusalem chịu đau khổ và chịu chết, nên mới nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Chúa Giêsu “phang” ông ngay một câu nảy lửa, hơn cả chậu nước lạnh tạt vào ông. Nghĩ cũng đúng, giáo hoàng Phêrô bị chửi nặng là phải, vì theo Chúa Giêsu giải thích, giáo hoàng Phêrô có cách nghĩ của loài người chứ không là cách tư duy của Thiên Chúa.

Và chúng ta cũng thế, thậm chí còn tệ hơn vậy rất nhiều. Khó là chúng ta khả dĩ nhận biết và chấp nhận!

Điều kiện để được làm việc này hay việc nọ, chức vụ này hoặc chức vụ kia, người ta đòi bằng cấp, học vị, nam phải đẹp trai, nữ phải có ngoại hình,… Còn Chúa Giêsu lại đưa ra điều kiện “không giống ai”, hoàn toàn ngược đời: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Có lẽ Chúa thấy người ta khó hiểu nên Ngài nói “toạc móng heo” luôn: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25). Quả là điều kiện ngược đời và khắc nghiệt quá!

“Từ bỏ mình”, nghe chừng quá đơn giản nhưng hoàn toàn không đơn giản chút nào, thậm chí là rất nhiêu khê!

Thế nhưng, chính Định luật Mâu thuẫn ấy lại có sức hấp dẫn cực mạnh và kỳ diệu. Bằng chứng là đã có biết bao nhân chứng suốt từ hơn 2.000 năm qua đã, đang và sẽ xả thân vì Chúa. Người ngoại giáo cho đó là hành động dại dột, ngu xuẩn hoặc điên rồ. Trong chúng ta cũng đang có những người đang rất “điên”, và mong sao có những con người dám điên thật chứ không điên giả!

Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi, vị thánh nghèo, là phần hòa âm trong bài tổng phổ “Mâu Thuẫn Ca” của Chúa Giêsu, với những điều đối lập nhau: “Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người yêu mến. Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh, chính quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Tuyệt vời biết bao với cách cầu nguyện “nhẹ nhàng” của thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.

Lạy Chúa, con không biết nói gì hơn nữa, xin thêm sức mạnh cho con can đảm sống theo Đinh luật Mâu thuẫn của Ngài từng giây từng phút như hơi thở của con vậy. Amen.

TRẦM THIÊN THU