Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Ơn gọi linh mục qua biến cố ra đi của cha Giuse Phạm Thể

VRNs (26.01.2012) – Sài Gòn – Sáng nay, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã diễn ra lễ an tang cha Giuse Phạm Thể, linh mục DCCT thuộc tỉnh Denver, Hoa Kỳ. Sau thánh lễ, thi hài của cha Giuse sẽ được di chuyển ra Đà Nẵng để an tang, theo nguyện vọng của thân nhân cha.

VRNs xin giới thiệu bài chia sẻ của cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Phương trong thánh lễ an tang này.

(Bài đọx I: G 19, 1. 23-27a; Bài đọc II: Kh 14, 13; Tin Mừng: Ga 17, 17-21)



DẪN NHẬP

Trọng kính cha giám tỉnh tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và quý cha quý thầy trong Dòng

Trọng kính cha giám tỉnh tỉnh dòng Ngôi Lời Việt Nam và quý cha đồng tế

Kính thưa quý tu sĩ nam nữ

Kính thưa quý ông bà anh chị em, cách riêng gia đình cha Giu-se Phạm Thể

Thưa cộng đoàn, sự chết của người thân, người bạn hữu, người anh em trong Dòng gợi cho ta suy nghĩ nhiều, suy gẫm nhiều và cầu nguyện nhiều.

Ánh sáng của Lời Chúa và bối cảnh của Thánh Lễ an táng này, thúc đẩy ta suy gẫm về mầu nhiệm của ơn gọi linh mục: Linh mục là người được Thiên Chúa thánh hiến – Linh mục là khí cụ tình thương – Linh mục sẽ được chết hạnh phúc.

I. LINH MỤC ĐƯỢC THIÊN CHÚA THÁNH HIẾN

Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại lời Chúa Giê-su nguyện xin Chúa Cha “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật; Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17, 17. 19).

Khởi nguồn từ sự thánh hiến của chính Chúa Giê-su, Chúa Cha thánh hiến các Tông Đồ. Người cũng sẽ thánh hiến những người Chúa tuyển chọn và cho trở thành những thừa tác viên phục vụ những tác vụ thánh.

Cha Giu-se Phạm Thể đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt và thánh hiến trở thành tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh dòng Denver- Hoa Kỳ. Cha là người con thứ tư trong một gia đình có 7 người con (6 trai và 1 gái). Bà cố thân mẫu của cha hằng ao ước và khẩn cầu cùng Chúa ban cho các con của bà được làm linh mục. Thế là lần lượt bà đã dâng 5 người con trai vào chủng viện và các Nhà Dòng (không có Dòng Chúa Cứu Thế). Vì bị kể là không bằng những người anh em khác mà còn hay tinh nghịch, Giu-se Phạm Thể không được mẹ dâng vào nhà Chúa, nên anh phải vào trường thiếu sinh quân và đã trở thành quân nhân ngành công binh phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố 30-04-1975, quân nhân Phạm Thể bị chính quyền xã hội chủ nghĩa bắt đi học tập cải tạo. Mãn thời gian cải tạo, anh Thể phải đi làm nghề phụ xe tải. E ngại nghề này phức tạp có thể làm hư anh Thể nên năm 1979 gia đình thu xếp cho anh định cư ở Hoa Kỳ.

Ý Chúa nhiệm mầu, cả năm người anh em được mẹ dâng vào nhà Chúa lần lượt trở về nhà và lập gia đình; ước mơ của mẹ tiêu tan. May thay, sau khi mẹ qua đời và cũng là sau 5 năm khi định cư tại Hoa Kỳ, năm 1984, Giu-se Phạm Thể đã xin vào Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh Dòng Denver. Nơi đây, ngày 02 tháng 02 năm 1987 anh đã được Chúa thương cho khấn lần đầu trong Dòng. Đường tu thật lắm gian nan; một cha Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh dòng Denver cho biết: theo lẽ thường, một tu sĩ sau khi khấn lần đầu 3 năm thì có thể được khấn trọn đời, nhưng cha Thể mãi hơn 9 năm ngài mới được khấn trọn. Vậy là, sau 11 năm khấn dòng, ngày 17-01-1998, cha đã được Chúa ban ơn linh mục. Tuyệt vời! Thì ra, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37).

II. LINH MỤC KHÍ CỤ TÌNH THƯƠNG

Chắc hẳn, Thiên Chúa không thánh hiến các linh mục một cách khơi khơi, nhưng Thiên Chúa đã thánh hiến các linh mục để sai đến với thế gian như lời Người cầu nguyện: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17, 18).

Cha Giu-se Phạm Thể đã được Thiên Chúa chuẩn bị để sai vào thế gian. Người nhà của cha cho biết: Cha Thể thua kém anh em trong gia đình về nhiều phương diện nhất là phương diện trí khôn và ngoại hình… nhưng ngài trổi vượt hơn anh em về tính cần cù chịu khó, cầu tiến, thương người, nhịn nhục, vâng lời, âm thầm và thường chịu thiệt thòi… Một cha Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh dòng Denver cho biết: các cha người Mỹ thường gọi cha Thể là “father The” (chữ Thể không dấu thành chữ The), còn các cha Việt Nam thường gọi cha Thể là “father Em” vì cha Thể gặp bất cứ cha nào dù nhỏ tuổi hơn ngài ngài vẫn gọi bằng anh và xưng là em. Cha Thể còn có năng khiếu bẩm sinh về mỹ thuật. Ngài đã dùng năng khiếu ấy âm thầm họa những hình Đức Mẹ tuyệt đẹp để tôn kính trong một số nhà thờ. Sau khi thụ phong linh mục, cha được Nhà Dòng sai đến những môi trường trực tiếp phục vụ việc bác ái. Từ năm định cư tại Hoa Kỳ 1979 đến nay cha về Việt Nam được 4 lần, lần đầu tạ ơn tân linh mục và ba lần sau đều làm việc bác ái.

Chuyến về Việt Nam lần này, cha làm việc bác ái dọc theo đất nước. Cha cùng gia đình đi từ Nam ra Bắc rồi ngược lại. Hành trình này cũng là hành trình cuối cùng của đời cha ở chốn dương gian. Ngày 18-01-2012, cha đã về đến núi Tà-Pao thuộc tỉnh Bình Thuận; dưới chân Mẹ, cha dâng Thánh Lễ tạ ơn tròn 14 năm linh mục với tâm nguyện theo gương Mẹ xin vâng theo thánh ý Chúa. Sau Thánh Lễ cha đã bị truỵ tim và đã kết thúc cuộc đời dương thế vào lúc 0 giờ ngày 19-01-2012 ở tuổi 61, tuổi không còn là trẻ nhưng cũng chưa kể là già và chắc chắn đang còn nhiều hoài bão phục vụ ơn cứu độ.

Người nhà cho biết bài giảng cuối cùng của đời cha là bài giảng xin vâng theo thánh ý Chúa. Thiết nghĩ, một khi xin vâng theo ý Chúa thì dầu chết hay sống không còn là mối bận tâm và sự chết của đời linh mục vẫn được kể là sự chết hạnh phúc.

III. LINH MỤC SẼ ĐƯỢC CHẾT HẠNH PHÚC

Ơn gọi linh mục thật nhiệm mầu! Linh mục được Chúa thánh hiến (c. 17), được sai đến thế gian (c.18) được nên một trong Chúa Cha và Chúa Con (c. 21).

Người nhà của cha còn cho biết: trong quá trình tu luyện, do tuổi cao, tu muộn, học hành khó khăn nên nhiều lần cha Giu-se Phạm Thể đã nản chí và có ý định bỏ cuộc, nhưng mỗi khi nghĩ đến việc phục vụ các linh hồn, phục vụ tha nhân, cha đã cố gắng và nuôi niềm hy vọng ơn linh mục sẽ giúp cha có nhiều cơ hội để phục vụ tốt hơn. Ơn riêng Chúa ban và sự nỗ lực không ngừng của bản thân đã từng bước dẫn Giu-se Phạm Thể đến bàn thánh. Cha đã phụng vụ Chúa trong sứ vụ linh mục đến hơi thở cuối cùng và đã hoàn tất cuộc đời dương thế với Thánh Lễ dưới chân Mẹ trên núi Tà-Pao.

Linh mục Giu-se Phạm Thể hay nhiều linh mục khác, lúc sinh thời xem ra không có tài sản riêng, không vợ và cũng chẳng có con… Nếu có gì cũng là hồng ân Thiên Chúa và mang ra phục vụ cho bằng hết và phục vụ cho đến chết. Trái lại khi chết đi, linh mục lại có tất cả, có cộng đoàn tín hữu hiệp thông cầu nguyện, có thân nhân an táng chu đáo, có anh em Nhà Dòng trong tình huynh đệ cùng là con cái thánh Anphongso tiễn đưa và cầu nguyện, nhất là có Chúa làm gia nghiệp vĩnh cửu, có cung lòng Thiên Chúa để tìm về…

Cha Giu-se Phạm Thể đã qua đời trong tư cách là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Dù là thành viên thuộc tỉnh dòng Denver Hoa Kỳ nhưng những ngày cuối năm Tân Mão (26-28 Tết) linh cữu của ngài được quàn tại phòng khách của nhà Sài Gòn, nhà mẹ của tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và hôm nay ngày mồng bốn Tết năm Nhâm Thìn, linh cữu của ngài lại hiện diện giữa lòng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để tiếp tục được cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện. Thật là sự chết hạnh phúc!

Hôm nay, ta cử hành Thánh Lễ an táng cầu nguyện cho cha Giu-se Phạm Thể người thân của gia đình và cũng là người anh em trong gia đình con cái cha thánh Anphongso. Ta không vội vàng phong thánh cho người quá cố, nhưng một cách khách quan, qua những chia sẻ của người thân và của anh em Việt Nam thuộc tỉnh dòng Denver cho ta biết về ngài thực sự giúp ta xác tín vào tình thương và niềm hạnh phúc Thiên Chúa ban cho người theo Chúa.

KẾT

Đời người ai ai cũng sẽ phải chết. Tuy nhiên, “Phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa.” (Kh 14, 13).

Thánh Anphongso, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế còn dạy: Ai chết đang khi còn ở trong Nhà Dòng thì chắc chắn được rỗi linh hồn và có thể được làm thánh.

Hạnh phúc đời linh mục không hệ tại ở danh vọng hay của cải nhưng là được: Thiên Chúa thánh hiến, sai đi giữa thế gian và sẽ trở về với Thiên Chúa “sẽ được ngắm nhìn Người.” (G19, 26). Cuộc đời như vậy thật là hạnh phúc.

Sài Gòn, mồng 4 Tết năm Nhâm Thìn (26-01-2012)

Lm. Jb. Nguyễn Minh Phương, CSsR