Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Đồng hành với Đức Giám mục Kontum dịp lễ Giáng Sinh

VRNs (27.12.2011) – Gia Lai – Sáng ngày 25/12/2011, từ sáng sớm Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục GP Kontum cùng đoàn tùy tùng đến thăm Tu viện Thánh Phaolô Mai Liên liền kề giáo xứ An Khê và nhiều giáo họ truyền giáo “nhạy cảm” tại vùng Mang Yang mà Thánh Lễ phải mượn nhà dân để cử hành phụng vụ, phải ‘xin phép’ trước ngay cả trong những dịp Đại Lễ của người Công Giáo như Đại Lễ mừng kính Chúa Giáng Sinh.

Lúc 7 giờ 30 phút, nghe tin Đức Cha đến thăm, một Sơ đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn cố gắng đi từng bước chậm chạp được một giáo dân dẫn qua nhà thờ An Khê để tìm gặp Đức Cha nhưng Ngài đã vào cửa Tu viện Thánh Phaolô Mai Liên trong lúc Sơ tìm Ngài.

Đức Cha chúc Giáng Sinh các Sơ ‘luôn tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, khôn ngoan trong đức tin Chúa Kitô trong mọi sự Chúa đặt để cho mỗi người trong việc phục vụ anh em, những người nghèo khổ trên vùng đất tây nguyên này luôn an lành’.



Một gia đình giáo dân Giáo xứ An Khê



Thăm Tu viện Thánh Phaolô Mai Liên


Điểm dừng chân tiếp theo là giáo họ truyền giáo xã Sơn Lang, huyện K’bang, một nơi truyền giáo vùng sâu vùng xa nên luôn gặp khó khăn đối với chính quyền địa phương, và đây là lần thứ tư Đức Cha Micae đến hiệp thông dâng Thánh Lễ nơi này, và có Cha Giuse Phạm Minh Công đồng tế. Được biết các năm trước đây, chính quyền Kbang đã không cho phép Đức Cha dâng Thánh lễ, làm khó linh mục và giáo dân đủ mọi mặt kể cả việc hăm doạ người nhà, phạt giáo dân đi làm việc “công ích” tại xã. Nghe kể rằng lần đầu Đức Cha đến thì công an và an ninh không cấp phép và cũng cũng không “cho phép” Ngài dâng lễ, không cho giáo dân xếp hàng nghênh đón Ngài; lần thứ hai có “cho phép” nhưng đem xe ủi đất cản lối xe ngài vô làng; sự kiện càng nóng hơn khi lần thứ ba đem hàng trăm công an, an ninh, dùi cui điện,… đến trấn áp tinh thần người Công Giáo nơi này như ‘lính cai tù’ vậy.





Nghỉ chân trên đường Đông Trường Sơn đoạn làm sân bay

Con đường dẫn vào Kbang khá ngoằn ngoèo, uốn khúc trên những triền dốc núi. Càng lên cao khí trời càng lạnh nhưng khô hơn do có nắng dìu dịu. Đoàn đến giáo họ này khoảng 9 giờ 30 phút. Có khoảng 200 giáo dân phần đông là người kinh đã ngồi đợi sẵn trong nhà gỗ bé nhỏ và tràn ra khỏi hàng rào của một giáo dân vùng này cho mượn để dâng Thánh Lễ Giáng Sinh. Mọi người ngồi thật ngay ngắn, trật tự, cùng hát thánh ca và có vài người đọc kinh cầu nguyện nơi hang đá trong sân nhà. Quanh ngoài nhà có khoảng hơn 10 anh công an, an ninh, cán bộ chính quyền các cấp cũng đến nơi này để cùng “dâng Thánh Lễ” với cộng đoàn.

Trước khi vào gặp giáo dân trong giáo họ K’bang, Đức Cha Micae đã đến gặp chính quyền xã theo yêu cầu nhưng không có người tiếp ngài vì hôm nay là ngày Chúa nhật. Khi xe ngài vừa đến nơi, có rất nhiều anh chị em công giáo đến nắm tay ngài, hôn nhẫn, vui mừng khôn xiết vì nơi vùng sâu vùng xa như thế này mà một vị Giám Mục như ngài lại lặn lội đường xa đến trong ngày hết sức trọng đại của người Kitô hữu. Đức Cha Micae và Cha Giuse Phạm Minh Công đã làm bí tích hoà giải cho khoảng 50 giáo dân, lắng nghe những gì dân Chúa lỗi lầm để có lối thoát cho người có đạo. Thời gian giải tội khoảng 30 phút, chiếm mất một nửa thời gian mà chính quyền “cho phép” làm Lễ theo văn bản.



Chủ nhà tại Kbang đón Đức Cha







Xưng tội trước khi dâng lễ







Công an và an ninh địa phương theo dõi Thánh lễ






Trong lời chia sẻ, Đức Cha nhắc nhở con chiên của Chúa phải biết sống đạo, giữ đạo và truyền giáo cho những người anh em xung quanh bằng những công việc cụ thể trong cuộc sống của mình, ‘là người buôn bán thì phải cân đo đong đếm cho đầy đủ’, ‘tuân thủ luật đi đường vì đánh võng, lạng lách, đua xe là làm hại mình và người khác’,… vì tất cả những việc này là lỗi đức công bằng. Ngài tha thiết mời gọi mọi người ‘hãy năng đi cầu nguyện, đọc kinh sớm tối trong gia đình hằng ngày và cầu nguyện liên nhà ít ra trong ngày Chúa nhật vì nơi đây chưa có giáo điểm, chưa có nhà nguyện nên không thể đi lễ hàng ngày, hàng tuần như những nơi khác. Cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, thậm chí là học đến hết đời để có kiến thức giúp ích cho xã hội, cho nhân loại, giúp đỡ người nghèo, đi thăm người đau yếu,….’.

Trong lúc mọi người lắng nghe Đức Cha chia sẻ lời Chúa, các anh công an, an ninh cũng “dự lễ” bên ngoài sân như người có đạo, có anh nào không đứng lên khi mọi người đứng thì anh bên cạnh cũng ‘lôi’ anh kia đứng lên cho bằng được mặc dù cũng có sự giằng co, chưa “thống nhất”. Các em trong đoàn tuỳ tùng thấy việc dâng lễ vùng cao khác vùng đồng bằng miền xuôi nên cũng chụp ảnh, quay phim về có cái mà cho người khác tin khi tận mắt chứng kiến những gì thấy được nơi này và cũng được các anh ‘chiếu cố’ bằng cách chụp hình lại các em và ngăn một người trong đoàn không được chụp hình Thánh Lễ.



Đức Cha chia sẻ lời Chúa



Chủ nhà tại Kbang cám ơn Đức Cha và cộng đoàn





Thờ lạy Chúa Hài Đồng


Cuối lễ, chủ nhà đại diện cộng đoàn dân Chúa nơi này cảm ơn Đức Cha và Đức Cha cũng “cám ơn chính quyền đã dễ dãi cho chúng tôi được dâng Lễ tại ngôi này. Tôi đang xin chính quyền cấp vài ba hecta đất để xây nhà nguyện nhà thờ cho giáo dân vì nhu cầu tôn giáo của giáo dân trong địa phương này là có thật”. Bên ngoài sân nhà, vài ba anh công an, an ninh nóng ruột vì “xin có một tiếng mà làm lố giờ. Nói gì mà nói dai vậy. Vô bắt ‘nó’ ngưng lại đi” nhưng cuối cùng cũng tự bỏ đi vì đâu ai mà biết. Lần này, chính quyền có vẻ dễ dãi hơn, bớt ‘nóng’ hơn và biết ‘cư xử’ hơn với người Công giáo tại vùng Kbang này. Nhưng không biết sau khi chúng tôi đi rồi thì có việc gì với giáo dân hay không thì cũng chưa ai biết được, chỉ cầu xin Chúa ban ơn soi sáng cho những người làm việc trong chính quyền địa phương thấy được cách sống đạo của giáo dân, hiểu được giáo dân mà đáp ứng nhu cầu tôn giáo, không còn cơ chế ‘xin cho’ như hiện nay nữa.

Rời Kbang, đoàn trở về dùng cơm vội vã tại Tu Viện Thánh Phaolô Mai Liên rồi tiếp tục cuộc hành trình thăm viếng chúc Giáng sinh các gia đình, họ đạo ở những vùng xa hơn 180 km từ Pleiku vào 13 giờ 30 phút.

Lúc 15 giờ 10 phút, đoàn đến thăm giáo họ xã Giang Chung, huyện Kon Chro trong lúc Cha Giuse Nguyễn Duy Tài đang kết Lễ trong nhà một giáo dân vì nơi đây cũng chưa được phép thành lập giáo điểm truyền giáo. Có khoảng 150 người đứng từ trong nhà ra sân và đường lộ để dâng Lễ cách sốt mến, nghiêm trang.

Đức Cha chúc Giáng Sinh An Lành và ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa. Ngài đã nhắc nhở giáo dân: “là người Công giáo, là con cái Chúa, là những người yêu nước thật sự nhất ở VN thì phải cố gắng nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn xây dựng, nhịn hết mà tập trung cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, thậm chí phải học suốt đời để phục vụ gia đình, giáo hội, xã hội của mình. Không có luật nào trong Kinh Thánh buộc các vị phải cho con em mình phải cho con nghỉ học khi học hết lớp chín hoặc lớp mười hai rồi đi kiếm tiền cả. Nếu vị nào cho con em mình nghỉ học sớm thì đề nghị làm ảnh con cháu mình đặt trên bàn thờ mà ‘xông hương’ vì em cháu mình giỏi quá không cần phải học hành chi cả. Tôi nói thế để các ông các bà thấy rằng việc học hành nó quan trọng như thế nào. Mình có học nhiều mới có hiểu biết, có kiến thức mà phục vụ cho cộng đoàn nơi mình sống, khai sáng cho đồng bào dân tộc mình. Không ai hiểu mình bằng người của mình. Các Cha, các Thầy, các Sơ có yêu quý các vị mà đến đây phục vụ cũng không thể làm tốt bằng chính con em các vị phục vụ chính dân của mình. Mình là con cái Chúa, mình phải giới thiệu, phải gặp gỡ, phải lên đường truyền giáo thì chúng ta mới có thêm người trở lại đạo, có thêm nhiều tân tòng. Đừng bao giờ dừng lại ở việc giới thiệu Chúa mà thôi vì có gặp gỡ mới nảy sinh tình yêu Giêsu mà sinh ra những đứa con mới là tân tòng”. Ngài cũng yêu cầu Cha Tài làm đơn xin chính quyền nơi đây vài hecta đất để làm nhà nguyện cho giáo dân có nơi cầu nguyện, thờ phượng Chúa vì ‘mình phải gặp gỡ chính quyền, cùng nói chuyện thì họ mới hiểu mình mà đáp ứng’.



Cha tài dâng lễ tại Kon Chro



Đức Cha đợi Cha Tài ban phép lành cuối Lễ





Đức Cha nhắn nhủ cộng đoàn Kon Chro


Vào lúc 15h 45 phút, đoàn đã đến thăm một gia đình đạo Tin Lành sống ven lộ, trên nóc nhà gỗ có Thánh Giá. Đây là gia đình người dân tộc độc nhất trên con đường vắng ngắt này, chẳng thấy một mái nhà nào trong suốt hơn hai mươi cây số. Vợ là người Bahnar, chồng là người Jarai cùng 6 con, sống nghèo khổ cách biệt làng, buôn, thị trấn, tìm cái ăn bằng những thứ tìm được trong rừng. Đứa con gái chừng mười lăm tuổi của anh chị này đã có một đứa con chừng hai tuổi, chơi cùng chồng và con cách vô tư, hồn nhiên như con nít trước mặt chúng tôi. Vừa thấy mặt Đức Cha, hai vợ chồng người dân tộc theo đạo Tin Lành này liền chạy ra chào hỏi cách mừng rỡ như chào đón người thân từ phương xa trở lại. Đức Cha hỏi thăm chủ nhà đủ mọi sự từ con cái, cái ăn, cái mặc, công việc, vân vân bằng tiếng Barnah. Các em Áo Xanh Lòng Chúa Thương Xót Chí Hoà đã thay mặt đoàn tặng hai chiếc chăn bông, mùng và bánh do Đức Cha mượn của Tu Viện Thánh Phaolô Mai Liên cho gia đình anh chị. Cả hai vợ chồng nói cười suốt với Ngài cho đến lúc chúng tôi chào tạm biệt. Trước lúc ra về, người phụ nữ Barnar đã mời Đức Cha uống nước trong chai nhựa nước ngọt cũ, thứ nước đùng đục nhưng Ngài vẫn đón nhận cốc nước và uống liền cái ực vui vẻ ngon lành. Có ai biết được rằng một vị Giám mục lại đến nhà một giáo dân nhưng không phải là con chiên thuộc tôn giáo mình để mang đến cho họ tấm chăn, cái mùng và thùng bánh để chia sẻ sự ấp áp, yêu thương trong mùa Giáng Sinh lạnh giá lạnh? Chiếc cốc đựng nước cũ kỹ, bám đầy bụi bặm mà người phụ nữ Bahnar cọ rửa qua loa bằng ít nước trong can 10 lít có ai dám uống thứ nước đùng đục ấy không, vậy mà Ngài vẫn uống vui vẻ, ngon lành.





Nhà người dân tộc theo đạo Tin Lành

Lúc 16 giờ 20 phút, đoàn đến Dòng Tu Hội Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần tại xã Pò Tó huyện Ya Pa, nơi chỉ có hai Sơ Maria Trần Thị lý và Maria Trần Thị Hương đều 26 tuổi từ Nghệ An đến giúp. Nói là Dòng tu nghe chừng to tát lắm nhưng ai có ngờ hai Sơ còn quá trẻ lại lăn lóc trong nơi ‘khỉ ho cò gáy’, ở hơn một năm trong căn chòi gỗ ván mục đơn Sơ chưa đầy 9 mét vuông. Sàn nhà là được lót bằng những viên gạch bát tràng cũ, vách bằng gỗ mục hết rồi, nhà thấp lè tè cao hơn đầu người mươi phân, buồng là giường hẹp chừng 8 tấc phủ bằng tấm màn thun và đối diện là một võng cũng cùng diện tích ấy phủ màn bên ngoài là nơi hai Sơ ngủ. Nhà vệ sinh độ hơn 1 mét vuông, vừa đủ người đứng tắm.

Đức Cha cho biết “Năm ngoái, tôi đưa hai đứa nhỏ đến đây cùng bà Tổng Dòng. Đến nơi, cứ tưởng có nơi ở đàng hoàng tử tế nên biểu đưa đồ xuống đi con rồi đi vô nhà ông đây là chủ nhà cạnh đất nhà Dòng. Khi trở ra thì thấy cả bà Tổng và hai em ngồi khóc ngoài bờ ao, té ra chỗ các em ở là cái “chuồng heo”, nhà có 1 cửa nhưng không có cánh cửa, cửa sổ 2 cái cũng thế, không mùng mền nhà vệ sinh gì ráo ngoài cái vạc tre trơ trọi bên trong. Bà Tổng khóc lóc nhất định không cho các em ở lại là phải vì ai đời lại để con gái ở cái nơi như thế. Vậy là, tôi buộc các em phải về nghỉ lại chỗ Cha sở 1 tuần (cách đó 30 cây số) với lý do chào Cha sở mặc dù Cha sở đang đi cùng chúng tôi, để sửa chữa lại nơi ở cho các em tử tế một chút, cho ra dáng một căn nhà có phòng vệ sinh. Ngày hôm sau, bà Tổng gọi lại cho tôi mà khóc lóc là “Ông ơi, các em nó trở lại cái chỗ hôm qua rồi, không về với con. Các em nói là con đã hứa trước mặt Chúa, trước mặt con là ‘chúng con phục vụ Chúa trong người nghèo thì dù có chết chúng con cũng ở lại nơi đó vì Chúa muốn chúng con ở đó’”. Từ một miếng đất hoang, các em vận động người dân tộc làm thành nơi đàng hoàng tử tế, làm nhà nguyện, dựng tượng Đức Mẹ, trồng hoa làm đẹp cho Chúa, cùng đọc kinh cầu nguyện với nhau chưa đầy một tháng. Các em không làm kinh tế gì cả, cứ đi vào làng dân tộc truyền giáo, giúp họ mọi việc, họ cho gì ăn nấy, phó thác tất cả cho Chúa và Mẹ. Chỉ hai chị em thôi mà nó giúp bảy chục gia đình hợp thức hoá lại, theo đạo. Bảy mươi gia đình, mỗi gia đình dân tộc ít nhất là năm người, đã có trên ba trăm năm chục người trở lại đạo. Rừng rú mà, không linh mục, không tu sĩ, vậy mà nó làm được vì nó sống hết tình”.



Khu vườn hoa của Tu Hội Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần

16 giờ 40 phút, đoàn rời Dòng tu này tiếp tục đến thăm làng cùi Kon Thụp. Tại đoạn đường Ya Pa đi Con Thụp qua Đăk Đoa đường 19, cách Ya Pa khoảng 10 km, chúng tôi bắt gặp cảnh đau lòng trước cả trăm mét khối gỗ đang cháy ven đường lộ, có những cây mà chu vi hơn 8 tấc, khói bốc ngùn ngụt. Được biết đây là “cái thừa vứt đi” sau khi những cây tốt đã vận chuyển tới nơi cần đến nhưng ai muốn đem về sửa nhà thì ‘có mà chết, thà đốt đi như thế’. Đối diện nơi gỗ cháy mênh mông những cánh đồng khoai mì cao sản đang giết những cây dầu chết không còn một cái lá. Trên đường Đông Trường Sơn có một xe cuốc đang lật mặt nhựa đường mỏng chừng vài cm lên làm lại mặc dù con đường mới làm xong, ít xe qua lại nhưng lại không sử dụng được, được biết cũng chưa khánh thành.



Gỗ bị đốt trên đường gần Ya Pa







Đường càng về vùng sâu càng xấu, có những đoạn hoàn toàn là đường đất đỏ gợn sóng lồi lõm, xe 1 cầu có thể cạ gầm nếu đi không khéo. Xe trước chạy là tung bụi mù cả xe phía sau, cách nhau vài chục mét không nhìn thấy ánh sánh dù chạy trong đêm, nói vậy để thấy được lớp bụi đường dày đặc như thế nào. Sau khi lòng vòng qua nhiều khúc quanh trên núi có hình chữ U, có người đùa đây là đường ‘lưỡi bò Kontum’ vì khá giống hình lưỡi bò ‘No U’ trên áo các bạn trẻ No-U trên phố. Qua nhiều làng và đường nhỏ cỏ mây um tùm ven đường, đoàn đến làng cùi Con Thụp lúc 18 giờ 15 phút. Các Sơ Dòng Phaolô đã chạy ra đón Đức Cha cách mừng rỡ, vui vẻ. Có những người dân tộc cũng chạy đến mừng đoàn đến thăm, khi bắt tay nhau chúng tôi mới biết đây là những người cùi. Họ cũng như tất cả những người bình thường khác, cùng sống quây quần với nhau thành làng quanh nhà nguyện các Sơ cách hoà đồng trong Chúa.

Chúng tôi vào thăm nhà Dòng Chúa Quan Phòng là căn nhà có lầu hoàn toàn bằng gỗ rất đẹp, có cầu thang là một cây gỗ đẽo theo hình bậc thang để lên gác, có phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, nơi dạy giáo lý, nhà nguyện, tháp chuông cao ngất, vườn hoa sạch sẽ ở giữa làng cùi Kon Thụp. Đức Cha Micae kể lại rằng ‘trước đây có một Sơ Nga thôi, một mình về đây mà vận động được người cùi trong làng xây nhà này trong vòng một tháng, nhà này đẹp hơn cả nhà Dòng Đa Minh Thánh Tâm mà tôi làm phép ngày hôm qua nửa đấy. ‘Hắn’ là một nữ tu mà hắn điều khiển được người cùi để bào, đóng một căn nhà lầu như thế không phải dễ đâu, mà chỉ làm trong một tháng trời. Tôi và các nơi cũng cho ít tiền trả công mấy người thợ chính thôi, cũng chẳng ai khác là những người ở quê lên làm’.

Đức Cha cùng đoàn qua thăm nhà nguyện bằng tường gần đó khoảng trăm mét. Có nhiều em người dân tộc và người cùi ra nhà nguyện chào hỏi, mừng đoàn đến thăm. Các bé vòng tay chào chúng tôi bằng tiếng dân tộc cách lễ phép. Các Sơ ở đây giúp người cùi về việc dạy chữ, ca hát, sinh hoạt và giáo lý cho các em nhỏ, giúp người lớn các công việc trồng rau và các công việc nhà nông để có cái ăn cho con em trong làng cùi.

Ông Bơi là người xây nhà nguyện bằng tường này kể cho đoàn nghe vài nét Sơ khởi của nhà nguyện nơi này: “Trước đây có đoàn người Pháp đến thăm, chúng tôi nói muốn có nhà nguyện để cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Người Pháp cho tiền xây. Xây xong, chính quyền xã và Hội Chữ Thập Đỏ đến lấy nhà nguyện làm Nhà văn Hoá xã nhưng chúng tôi không chịu. Làm đơn, đấu tranh mấy năm trời mới lấy lại được nơi này làm nhà nguyện. Bây giờ người trong vùng đều theo đạo”.



Nhà Chúa Quan Phòng trong làng cùi Kon Thụp



Đức Cha đứng giữa vợ chồng anh Bơi



Anh Bơi chia sẻ trong nhà nguyện tại làng cùi








Khoảng 19 giờ 40 phút chúng tôi về đến nhà ông bà Thân Sinh của Linh mục Đa Minh Trần Văn Vũ dùng cơn tối cùng đoàn Lòng Chúa Xót Thương Chí Hoà. Trong buổi cơm tối, Đức Cha chia sẻ nhiều gương truyền giáo thực tế trong vùng miền cao này và cũng nhắn nhủ học sinh, sinh viên cố gắng học tập thật tốt để giúp cho xã hội và giáo hội VN. Khoảng 21 giờ 15 đoàn về đến Tu viện Thánh Phaolô Thiên Ân tại Chư Á, Pleichuet nghỉ đêm.

Chuyến ‘Đồng Hành với Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trong mùa Giáng Sinh’ từ chiều ngày 23 đến nửa đêm ngày 26/12/2011 đã kết thúc.

Ba ngày ngắn ngủi đồng hành với Đức Cha là ba ngày chúng tôi chứng kiến được ít nhiều những bâng khuâng, âu lo, mối bận tâm, lòng yêu thương chân thành Ngài dành cho những người nghèo khổ. Ngài muốn tất cả mọi người đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy phải có bổn phận đi loan báo tin mừng, gặp gỡ, lên đường đem Chúa cho mọi người chưa có Chúa bằng việc làm sống đạo cụ thể của mình, đặc biệt là cho con cái học hành, khai sáng cho dân tộc. Với Ngài, ánh sáng văn hoá cho dân tộc là yếu tố tối quan trọng hiện nay gấp vạn lần cái đói, cái khổ. Tất cả những việc Ngài làm không phải cho bản thân hoặc tạo thương hiệu, đánh bóng tên tuổi của Ngài mà vì một dân tộc đang chìm dần trong bóng tối.

Hãy mở lòng ra, hãy nhìn những gì thực tế người khác làm thì mọi người sẽ đón nhận được tấm lòng của người khác cách trọn vẹn vì chỉ có cái tâm mới đi tới được cái tâm.

Truyền Thông Chúa Cứu Thế xin chân thành cảm ơn:

- Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh Giáo Phận Kontum
- Tu viện Thánh Phaolô Mai Liên tại Pleichuet
- Tu viện Thánh Phaolô Thiên Ân tại Pleichuet
- Nhà thờ Phú Yên H’ra tại Mang Yang
- Nhà thờ Châu Khê
- Các giáo điểm, giáo họ thuộc giáo hạt Mang Yang
- Các anh chị em ân nhân trên vùng Gia Lai

Đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc để hoàn thành công việc của chúng tôi.

Giáng Sinh về và năm mới sắp đến, xin Chúa luôn chúc lành và đổ muôn ơn phúc, bình an trên tất cả mọi gia đình, đặc biệt là những người chưa có Chúa. Nguyện xin Công Lý, Hoà Bình, Tự Do sớm hiện trị trên quê hương Việt Nam.

Giêra Nguyễn & Nguyễn Quân TT, VRNs