Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Tô cháo Giám mục

VRNs (30.12.2011) – Pleiku – Khoảng 16 giờ ngày 24 tháng 12 năm 2011, nhóm PV chúng tôi có dịp đồng hành với Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trong ngày lễ Giáng Sinh 2011. Bỏ lại phía sau tất cả gia đình, người thân, bạn bè, giáo xứ, chốn phồn hoa nhộn nhịp và có phần ồn ào của Thành phố Sài Gòn, chúng tôi lên vùng Tây Nguyên để cùng Đức Cha Micae đi vào các buôn làng của đồng bào sắc tộc dâng lễ Vọng Giáng sinh.

Khi chúng tôi đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, không khí nhộn nhịp, ồn ào của ngày lễ Giáng sinh không giống như ở Sài Gòn, mà chỉ cảm nhận được cái giá lạnh của vùng Tây Nguyên. So với Sài Gòn, nhiệt độ chênh lệch khá lớn, chỉ vào khoảng 12- 14 độ C. Chúng tôi được một số anh chị em vùng Pleiku tiếp đón rất chu đáo và đưa chúng tôi tháp tùng cùng Đức Cha Micae đi vào các buôn làng. Điểm đến đầu tiên trong đêm 24 là buôn Yok khá xa, khoảng hơn 120km từ Pleiku cộng với đường khá xấu và đèo dốc rất quanh co, hai bên toàn là rừng núi, có đoạn đường đất đỏ nên bụi mù mịt, nhìn không thấy gì. Đến nơi, Đức Cha dâng lễ ở ngoài trời vì trong nhà không có chỗ. Bà con đồng bào dự lễ rất sốt sắng mặt dù chúng tôi thấy họ cứ run cầm cập và cứ hít hà liên tục. Người mặt áo ấm thì không sao, còn người không có thì trùm mền đi dự lễ nhưng chẳng thấm vào đâu so với cái lạnh bên ngoài. Thế mà trông họ vẫn vui vẻ vì có thánh lễ trong đêm Giáng sinh do chính Đức Cha Micae chủ tế. Trong khi tham dự thánh lễ, chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn cơ cực mà Thánh Giuse cùng Đức Mẹ khi xưa và càng thấm thía hơn khi so sánh hang Bethléem khi xưa chắc cũng khó khăn tương tự như ở vùng Tây Nguyên này, trong khung cảnh tối tăm giữa trời đông lạnh lẽo, nghèo hèn, đơn sơ.





Sau thánh lễ, mọi người cùng chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với những cái bánh, cây kẹo, và Đức Cha thì được ban mục vụ mời ăn cháo gà. Đức Cha cầm tô cháo gà vội vàng ăn vài muỗng cháo lỏng bỏng chẳng thịt thà gì là bao, chẳng rau hay chanh ớt gì cả. Dù mang tiếng là cháo gà nhưng chẳng thấy gà đâu, chúng tôi thấy Đức Cha Micae ăn rất ngon lành và vui vẻ mà còn khen nữa. Cháo gà là món ăn quá bình dân trong ngày Đại lễ như lễ Giáng sinh. Nhưng khi thấy Đức Cha cầm ăn và kêu gọi mọi người cùng vào ăn cho nhanh để còn kịp lên đường về dâng lễ chỗ khác nữa, thì tất cả đều vào và ngồi bệt xuống đất cùng ăn, ăn một cách vội vàng để còn kịp lên đường đến nỗi không kịp uống nước. Cũng có vài người không ăn. Mọi người, nhất là các bạn trẻ lần đầu lên vùng đất này và đồng hành với Đức Cha Micae đều rất ngạc nhiên khi nhìn Đức Cha cầm tô cháo và ngồi ăn rất ngon lành. Các bạn trẻ ấy và ngay chính bản thân chúng tôi không nghĩ rằng một Giám mục mà lại bình dân, đơn sơ và giản dị như thế. Một Giám mục như thế đó, Giám mục của người nghèo, Giám mục của đồng bào sắc tộc, Giám mục bụi đời… trong đêm Giáng Sinh lại lang thang đây đó các buôn làng xa xôi để dâng lễ, mà ăn uống thì rất sơ sài.

Đến điểm dâng lễ kế tiếp là Giáo xứ Phú Yên H’ra, đến nơi khoảng 22 giờ Đức Cha dâng Thánh lễ thứ hai. Lúc này trời lạnh hơn và gió cũng đã mạnh hơn rất nhiều nên mọi người đều cảm thấy rất lạnh. Chúng tôi quan sát thấy những em thiếu nhi dân tộc đang run run, trong khi đó những em trong nhóm bảo vệ sự sống, những em trong nhóm lòng thương xót Chúa của Giáo xứ Chí Hòa thì vừa run vừa hít hà không ngớt.



Sau lễ là phần phát bánh mì của nhóm bảo vệ sự sống cho khoảng 2500 người. Chúng tôi vào nhà ăn cùng Đức Cha và Đức Cha kêu gọi mọi người kiếm gì ăn rồi nghỉ sáng sớm mai tiếp tục hành trình. Đức Cha cầm ổ bánh mì đã nguội lạnh bẻ làm hai và ngồi ăn rất ngon lành, vừa ăn Đức Cha vừa trò chuyện, cười nói rôm rả, kể lại những khó khăn của đồng bào và những tấm gương là nhân chứng đức tin sống động của Giáo phận. Đức Cha dẫn mọi người về với những câu chuyện chứng nhân đức tin tôn giáo của những người dân tộc Bahnar như chuyện anh Bơi ở làng Kon Thụp, anh K’lup ở làng Anh Hùng Núp tại huyện Kbang., Sau khi trò chuyện Đức Cha Micae uống ly nước trà nóng và đi kiếm chỗ nghỉ. Chắc hôm nay Đức Cha rất vui, vui vì có những nơi mà trước nay không có phép được dâng lễ nhưng nay có. Tôi nghe nói cả ngày nay Đức Cha chỉ có mỗi ly trà gừng, tôi nghĩ trong lòng nếu Đức Cha ở những nơi khác nhất là Sài Gòn thì đâu có vất vả và khổ đến như vậy. Đêm Giáng Sinh nhà nhà người người cùng vui chơi ăn uống đủ thứ trong khi đó tại nơi đây hầu như không có. Đức Cha chỉ mong sao cho có phép để cùng dâng lễ ở những nơi xa xôi và khó khăn cùng với đồng bào dân tộc, họ chỉ mong có được thánh lễ. Đức Cha còn trăn trở vì có những nơi chưa có phép như trong lá thư Giáng Sinh Đức Cha có nói: “Vui với anh chị em ở nhiều nơi có phép tổ chức mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhiều năm không được phép, năm nay được phép, tự nhiên anh chị em vui, vui lớn là chuyện bình thường. Nhưng cũng có những nơi giờ này xem ra buồn thiu vì không có cái phép đó. Tại sao? Vì nhiều lý do. Nào là vì an ninh không đảm bảo! Hay chưa có nơi thờ tự như nhà thờ, nhà nguyện! hoặc là vùng cấm hay biên giới…”



Vậy đó, Đức Giám Mục micae là một tấm gương hy sinh phục vụ, tận tâm với đồng bào, cùng chung nhịp đập với đồng hành, cùng chia sẻ vui buồn với họ. Không những thế, Đức Cha còn quan tâm đến các Linh mục, tu sĩ nam nữ đang dấn thân phục vụ đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh đang thiếu thốn mọi thứ trừ tình yêu, yêu Thiên Chúa, yêu đồng bào, vì “Chúa là chủ lịch sử, Chúa hiện diện khắp nơi ”.



Tôi xin mượn câu chúc của Đức Cha Micae trong lá thư Giáng Sinh để thay lời kết: “Một lần nữa, chúng tôi xin mượn lời các sứ thần xưa đã ca vang trên bầu trời Bethléem mà gửi tới anh chị em. Chúng ta quyết tâm, nhờ ơn Chúa, với đời sống đạo hài hòa giữa “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” (mến Chúa) và “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (yêu người) (x.Lc 2,14), mỗi chúng ta thực sự trở thành những “hang – đá – sống – động” di chuyển khắp nơi, để người người nhận biết và bái thờ thiên Chúa, qua đời sống yêu thương và phục vụ.”

Giera Công Trứ