Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Vài dòng giới thiệu về Ẩm thực của xứ Việt

VRNs (23.01.2012) - Sài Gòn - Nếu Gạo là hạt giống nuôi miệng chính trong ba bữa của người dân Việt, thì hiện thân của lúa trong thực đơn của người Việt cũng không thể thiếu được qua hình ảnh hạt cơm.



Gạo tuy thân rất nhỏ nhưng là một sản phẩm dinh dưỡng thiết thực trong cuộc sống mỗi ngày. Từ khi người ta biết trồng lúa. Tinh bột gạo đã trở thành những thú vui tao nhã, bình dị qua những món ăn ngon bình dân quen thuộc như: Bánh ướt, bánh canh, bánh bèo, bánh xèo, bánh cuốn, bánh khọt, bánh phở, bún cá, bún mọc, bún chả, bún riêu, bún thịt nướng, bún mắm, bún bò Huế, bún thang… Các món ăn chơi quen thuộc này không chỉ có mùi vị thơm ngon mà còn được trình bày trang trọng trong các bữa tiệc của những ngày lễ hội.

Nấu ăn là một công việc bình thường của mọi gia đình, nhưng nấu các món ăn mà hương vị của chúng đọng lại với những cảm giác đầy thú vị đậm đà khó tả, khó quên, là một nghệ thuật tinh tế đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Một người bếp giỏi không chỉ là nấu ăn ngon mà còn biết nấu như thế nào để đảm bảo được sức khỏe cho người thưởng thức. Từ cách chế biến, nấu nướng, cho đến cách biết hài hoà màu sắc trong mâm dĩa cho thấy cái hay, cái đẹp của các món ăn khác nhau đã trở thành các sứ giả đại diện cho những gì là bản sắc riêng của từng miền và cũng là sự nói lên niềm đam mê đã thực hiện của những người đầu bếp tài ba.

Nghệ thuật nấu ăn là một trong những di sản quý báu do ông bà tổ tiên của chúng ta truyền lại, do đó Xứ Việt của mình có nhiều thức ăn, có nhiều cách nấu và mỗi miền đều có những món ăn đặc biệt. Trong tiếng Việt, nếu nhìn kỹ và quan sát lại, thì chữ Ăn cũng được dùng trong những câu nói bình dân mang tính giáo dục như: “Ăn phải coi nồi, ngồi phải coi hướng”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”,”Ăn riết rồi mạc luôn”… Ngoài ra chữ Ăn cũng là một từ đa dạng vừa có những nghĩa giống và khác nhau, nó thường được đặt đứng trước các động từ, danh từ hay tĩnh từ, thí dụ: Ăn ngủ, ăn uống, ăn hàng, ăn vặt, ăn vụn, ăn lén, ăn chơi, ăn nhậu, ăn quà, ăn mặc, ăn nói, ăn thua, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, ăn xin, ăn gian, ăn lận, ăn hại, ăn chịu, ăn vạ, ăn ngon, ăn dở, ăn nóng, ăn lạnh, ăn nguội, ăn đặc, ăn lỏng, ăn mặn, ăn ngọt, ăn chay, ăn lạt …

Qua tính phổ biến của chữ Ăn được sử dụng trong nhiều lãnh vực của cuộc sống, thì bên cạnh đó nghệ thuật nấu ăn cũng không nằm gói gọn trong giới hạn của nó theo nhịp chảy của thời gian. Với một bờ biển dài hơn 3000 cây số, một miền núi non hùng vĩ và những cánh đồng rộng lớn phì nhiêu, đã tạo nên những nghệ thuật ăn uống đa dạng, đa sắc, đa hương, đa vị … Cho dù đang ngồi ăn trên chiếc ghế đẩu nhỏ ở vỉa hè hay trong một nhà hàng sang trọng, những món ăn việt nam luôn là một cuộc hành trình khám phá thực sự cho các tâm hồn ăn uống, nó sẽ đưa bạn đi tìm những sự mới mẻ của những món ăn tinh túy, quen thuộc, độc đáo qua những chất mang hương vị đậm đà trong màu xanh của rừng núi, biển cả và đồng bằng, trên mãnh đất hình chữ S này.

Kính bút

TS Huệ Dân