Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Thần Ô Uế

VRNs (30.01.2012) – Ephata – Năm 2005, tôi có dịp sang Úc, sau những ngày làm việc, tôi ghé qua nhà người em của tôi đang định cư tại châu lục rộng lớn này. Chuyện là gia đình em tôi có quen rất thân với gia đình hai ông bà người Úc đã lớn tuổi, thân đến mức họ coi gia đình em tôi như ruột thịt.



Được tin tôi qua Úc, hai ông bà dặn em tôi phải dành cho hai ông bà một bữa cơm gia đình, thế là tôi được mời đến dùng bữa tại nhà ông bà. Trước khi đi, em tôi đã nhẹ nhàng dặn trước, nhà hai ông bà có nuôi đủ thứ con vật trong vườn và rất thích được dẫn khách thân quí đi thăm.

Quả thật khi đến nơi, ông vui vẻ dẫn tôi đi thăm nhà rồi ra thăm vườn, đi đến đâu tôi cũng tỏ vẻ ngạc nhiên và khen ngợi. Sau khi đi được đúng ba nơi nuôi các loại động vật như thỏ, cá, chó, đứa cháu gái, con của em tôi, lúc ấy khoảng 15 tuổi kéo tôi riêng ra một chỗ, cô bé phản ứng với tôi về cách khen ngợi của tôi, cô bé bảo là cô bé biết tôi đã không khen thật lòng, và tỏ ý không chấp nhận về thái độ giả vờ xã giao ấy.

Lần này thì tôi ngạc nhiên thực sự, một kẻ đã ngoài 50 lại bị một con bé 15 “sửa lưng” cho đâu ra đấy! Thế nhưng, ngẫm nghĩ thấy con bé chỉnh mình quá đúng, tôi không còn cách nào hơn là xin lỗi cháu và giải thích đôi điều, nhưng dù tôi có nói thế nào đi nữa thì cháu vẫn cho rằng đó không phải là cách giao thiệp đúng đắn.

Câu chuyện làm tôi nhớ mãi, nó để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa về giáo dục. Mình đang sống trong một thế giới nói dối quá nhiều và nói dối đủ mọi mặt, nên mình đã đánh mất cái nhạy cảm về Sự Thật, nhất là sự thật ngay trong những việc cỏn con nhất. Cháu gái tôi cũng như trẻ em ở các nước phát triển được hưởng một nền giáo dục sống Sự Thật, chê ghét việc gian dối, cho dù là dối xã giao, dối chơi cho vui, dối không hại ai! Vì thế, các thế hệ nối tiếp nhau ra đời, đảm nhận lấy một xã hội không hề biết đến nói dối. Đã có nhiều dự án của Việt Nam chúng ta bị mất uy tín với các tổ chức thế giới vì có những điều không minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện dự án. Kể cả dự án của một số tổ chức Công Giáo chúng ta.

Bảy năm sau, cô bé năm xưa đã 22 tuổi, cháu tốt nghiệp đại học ngành Sư Phạm. Trước khi nhận nhiệm sở để bắt đầu một niên học mới, cháu về thăm quê hương của bố mẹ và thăm bà nội cháu là mẹ của tôi. Chuyến thăm Việt Nam mới đây của cháu vỏn vẹn chỉ có 6 ngày nhưng đã gây cho cháu những ấn tượng mạnh và làm thay đổi hẳn cách nghĩ, nếp nghĩ và cả nếp sống của cháu.

Trong một lần được một người chị bà con ở Việt Nam dẫn đi uống nước, có một chú bé đến mời mua vé số, hai chị em đã lựa mua mấy tờ vé số vì thấy tội nghiệp chú bé nghèo. Vừa nhận tiền xong, chú bé bán vé số giật luôn mấy tờ khách đã lựa mua rồi bỏ chạy. Chỉ vậy thôi mà cô giáo tân khoa Việt kiều bị bất ngờ và hoảng loạn vì sốc, cháu đòi về nhà ngay, vào phòng đóng cửa lại, giữ thinh lặng mấy giờ liền. Đến khi lấy lại được bình tĩnh, cháu gọi điện về Úc hỏi ông bố: “Tại sao vậy?”

Một lần khác, tôi dẫn cô cháu gái ấy đi thăm Nhà Giêrađô, nơi chăm sóc các chị em đơn thân bị bỏ rơi sau khi mang thai. Gặp gỡ trò chuyện với các bạn đồng trang lứa tại đó, cô giáo về nhà cứ trầm ngâm suy nghĩ mãi. Hôm sau cháu lại gọi điện về Úc để hỏi bố: “Tại sao vậy ? Tại sao người ta không dạy các bạn đó cách phòng vệ để không bị lạm dụng? Tại sao người ta không dạy các bạn đó hiểu biết về thân xác và tính dục?”

Lại nữa, khi được dẫn đến viếng Lăng Anh Hài, nơi lo hậu sự cho hàng trăm thai nhi bị phá mỗi ngày mà chúng tôi thu thập được, nơi có một Nhà Nguyện được xây dựng bằng những viên gạch chứa tro cốt của các thai nhi đã được thiêu, cô bé đã nghẹn ngào và lại gọi điện về hỏi bố: “Tại sao vậy? Tại sao người ta lại giết con trẻ?”

Sau chuyến về thăm quê hương ấy, trở lại Úc, cháu gái tôi đột nhiên thay đổi hẳn cách sống, đứng đắn hẳn lên, không còn mè nheo nhõng nhẽo với bố mẹ, chấp nhận những gì đang có và gìn giữ cẩn thận, không còn vòi vĩnh điều này điều kia, không bỏ phí những gì đang còn dùng được, luôn nhắc đến Việt Nam và những gì cô bé chứng kiến với nỗi trăn trở xót xa cho một xã hội bế tắc quá nhiều mặt.

Em trai tôi tìm dịp để nói với cháu: “Đó là quê hương của bố, nơi bố sinh ra và lớn lên. Bố yêu quê hương tha thiết. Bố day dứt ngày đêm về quê hương của mình, vế những người thân yêu của bố đang sinh sống bên đó. Bỏ quê hương để ra đi lập nghiệp ở một nơi khác, bố đau lòng lắm, nhưng cũng chỉ vì những điều con đã thấy, cũng mới chỉ là một phần nhỏ thôi, mà bố đã phải đành đoạn ra đi. Và bây giờ thì con hiểu rối đấy, đó là lý do tại sao DCCT của bác con bên Việt Nam phải lên tiếng, không thể cứ mãi im lặng…”

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến Thần Ô Uế. Hẳn chúng ta sống chung với “nó” lâu quá, sâu quá nên chúng ta mất nhạy cảm? Không nói Sự Thật, giao tiếp xã hội không còn thật nữa. Lường gạt, lạm dụng, bỏ rơi, hất hủi, loại trừ người khác. Giết người dù chỉ là một bào thai với cả trăm ngàn lý do biện minh, đều là những hoạt động của Thần Ô Uế.

Chúa Giêsu với quyền năng của Ngôi Hai Thiên Chúa, chính Ngài sẽ trục xuất chúng ra khỏi chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi quyền lực áp chế của Nó. Và Ngài sẽ ban cho chúng ta Tự Do của con cái Chúa. Hãy chạy đến với Ngài, đón nhận Ngài làm chủ đời ta.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.1.2012
Nguồn: Ephata 494