Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

M. Hoàng Thị Thùy Trang - Bình an vĩnh cửu

VRNs (30.04.2011) - Vấn đề duy nhất còn lại sau cuộc khổ nạn của Đức Giêsu chính là niềm tin vào sự sống lại của Ngài. Trên ngôn từ, có lẽ đây không hề là điều khó khăn, nhưng thực chất, sống niềm tin vào sự phục sinh của Thiên Chúa là cả một vấn nạn.



Sự thường, có mấy tín đồ Kitô hữu lại không tin Thiên Chúa đã chỗi dậy từ cõi chết, thế nhưng đức tin ấy có sống trong nhân loại không mới quan trọng. Tin chỉ trên cửa miệng, ai mà không tin được, nhưng chứng minh niềm tin trong cả đời sống thật chả mấy dễ. Giả như, nhân loại đặt niềm tin trọn vẹn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa, có lẽ nhân loại đã không còn nước mắt. Chẳng ai buồn khóc làm gì với cái nhân trần nay còn mai mất, cái cuộc sống mau qua chóng tàn, bởi biết chắc chắn ngày mai khi cùng nhau sum họp với Cha trên trời, họ tận hưởng cuộc sống trường sinh bất diệt, đây chả phải là khát vọng sâu thẳm của con người từ khi biết ý thức về sự chóng vắn của sự sống nhân loại hay sao.

Nhưng tại sao thế giới khó sống niềm tin phục sinh như vậy, phải chăng niềm tin ấy có điểm nào chưa chuẩn xác, quá tầm với của nhân loại, cũng là cả một vấn đề cần phải bàn luận. Thật ra, câu hỏi không có gì nan giải, các môn đệ, những con người cùng ăn, cùng uống, cùng sống với Đức Giêsu, tận mắt chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, đụng chạm con người Giêsu với thân xác hoàn toàn nhân loại mà còn hoài nghi, nói gì đến hậu duệ, sinh sau đẻ muộn, chỉ biết lấy đức tin mà bù lại, lấy lịch sử mà kiểm chứng, cho nên đòi hỏi sự tuyệt hảo thực khó.

Bao lần cùng Thầy rao giảng, bức màn bí mật về Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu… chẳng phải đã vén mở. Cuộc biến hình, các phép lạ, những câu chuyện ngụ ngôn… các tông đồ chẳng phải quá thuần thục, ngay cả cuộc khổ hình thập giá Ngài cũng đã từng báo trước mà tại sao họ vẫn không tin.

Có nhiều lý do khiến nhân loại khó tin và càng khó hơn để sống niềm tin của mình. Trên hết vẫn là đôi mắt tâm linh mù quáng, bị che phủ bởi những hào nhoáng vật chất bên ngoài. Thiên Chúa thuộc về thế giới tâm linh, thế giới nội tâm sâu kín trong tâm hồn con người, trong khi nhân loại lại sống cho nhu cầu vật chất. Chính sự lệ thuộc vào cái sự sống nay còn mai mất này mà con người đánh mất niềm tin vào Đấng siêu việt, người ta chỉ còn muốn sống cho lợi ích trước mắt mà thôi, những nhu cầu bảo tồn sự sống lớn hơn cả niềm tin vào cuộc sống mai hậu.

Hơn thế nữa, tin vào Thiên Chúa và sống niềm tin vào Ngài đòi hỏi con người đi vào ngõ hẹp, bước trên con đường hy sinh, từ bỏ. Đứng trước mất mát, ai cũng e ngại, ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh vất vả. Sống nuông chiều bản thân, chạy theo xu hướng dục vọng để thõa mãn khát vọng chân thường của bản ngã, đó là điều ai chả muốn. Chính vì thế, không phải con người không tin Thiên Chúa sống lại và xem thường sự sống bất diệt của Ngài mà đúng hơn họ không muốn chọn sống cho niềm tin vào Thiên Chúa.

Số còn lại sống trong tâm trạng hoang mang cùng cực, bởi kẻ tin chả có là bao mà người không tin đếm lại khôn xuể, chưa kể đến lớp người sống phản chứng với niềm tin và lời rao giảng của mình. Thế đấy, sự sống này có khác gì vòng xoáy tàn nhẫn, nó nghiền nát, trà trộn mọi con người. Nếu không muốn bị tiêu diệt, từng cá vị phải biết tự vượt thoát mình bằng ý chí nghị lực cùng với niềm tin kiên cường vào Thiên Chúa.

Một điều đáng sợ khác, không phải Thiên Chúa phục sinh rồi hết, nhưng quả thực Ngài vẫn hiện diện, hoạt động âm thầm trong vũ trụ, cái khó là làm thế nào để nhân loại nhận ra điều ấy trước một nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, khi mà mọi nhu cầu của con người được đáp ứng một cách hiệu quả nhất. Nếu vậy thì tin hay không tin Thiên Chúa sống lại có còn quan trọng nữa không, khi mà ý niệm linh thánh đang có dấu hiệu báo động trong tâm thức nhân loại. Guồng máy hoạt động đương đại cho thấy, thế giới đang loại trừ sự hiện diện của thần linh trong vũ trụ.

Nếu nói niềm tin phục sinh đứng trước báo động đỏ, thì cách sống phản chứng lại gây hậu quả không nhỏ đến não trạng nhân loại. Đôi khi người có niềm tin, tự hào về niềm tin lại sống thua người không tin. Đau lòng vậy đó.

Hơn bao giờ hết, thế giới cần chứng nhân phục sinh. Câu chuyện Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết theo như lời kinh Thánh hơn 2000 năm qua đã qua thật lâu rồi, vấn đề là ở hiện tại, làm thế nào để có những con người tiếp nối sứ mệnh lịch sử ấy, viết tiếp câu chuyện phục sinh còn dang dở trong từng cá vị, Thiên Chúa phục sinh đang sống cho tôi và trong tôi kìa!

Thái độ bàng quan của nhân loại gây không ít thiệt hại đến niềm tin non nớt, yếu kém, dẫn đến những cái nhìn bi quan, yếm thế về cuộc đời. Nhìn thấy đau khổ, chiến tranh, bệnh tật, loạn lạc, đói nghèo, con người chỉ muốn buông xuôi, bỏ cuộc mặc cho sóng đời lôi cuốn, quên đi sức mạnh phục sinh tồn tại. Cái chết đã qua và chết một lần là đủ cho tất cả, điều quan trọng là tin rằng chính cái chết ấy đã giải thoát tất cả, mang lại sự sống bất diệt. Tại sao thế giới không quan tâm đến điều ấy, cứ mãi loay hoay với đường thập giá để mà nhìn thấy toàn gai nhọn với máu đào?

Nếu như niềm tin phục sinh chan hòa trong trái tim nhân loại, có lẽ con người không còn vật vã truy tìm lẽ sống. Bởi con đường mà thế giới đang mò mẫm bước đi là con đường mà chính Đức Giêsu đi trước khai sáng. Không cần phí thì giờ, luống công vô ích, chỉ cần vững tin và kiên trung tiến bước, ánh sáng phục sinh là đuốc sáng dẫn đường đưa nhân loại đến với sự sống bất diệt.

Đó cũng chính là lý do tại sao mỗi lần hiện ra với các tông đồ, Đức Giêsu luôn trao cho họ lời chúc bình an (x. Ga 20,21). Bình an của sự toàn thắng, của sức mạnh quyền năng. Thế giới hôm nay, mặc dầu vắng bóng chiến tranh nhưng lại thiếu vắng bình an phục sinh của Thiên Chúa hiện diện. Nguồn bình an phát xuất từ chính trái tim lương thiện. Người ta còn mãi hoài tranh chấp, cấu xé nhau chỉ vì tư lợi cá nhân. Chính sự bất bình an ấy khiến con người lầm than khổn khổ.

Tin Thiên Chúa chết cho tôi và sống lại vì tôi là một điều phúc (x. Ga 20, 29), thế nhưng sống niềm tin ấy còn phúc hơn rất nhiều. Niềm tin khiến cho con người sống, thái độ sống biểu hiện niềm tin, cả hai phạm trù hỗ tương nhau làm nên đức tin sống.

Lạy Chúa, tuyên xưng sự sống phục sinh bất diệt của Ngài là điều không chỉ trên môi miệng nhưng còn ở tận đáy lòng. Thế nhưng, trả lời về hành động sống niềm tin phục sinh là điều con cần xin lỗi. Nếu thực sự tin, con đã không buông xuôi, bỏ cuộc. Chỉ vì quá cậy dựa vào sức người, sức mình, không bám víu vào sức mạnh quyền năng Thiên Chú mà hết vấp váp này đến va vấp khác, con bơi lội trong hoài nghi, ngờ vực. Cho con bình an của Chúa, nguồn bình an phục sinh bất diệt. Phục sinh con, xin Ngài phục sinh con khỏi đam mê danh vọng, để không một thế lực nào có thể hủy diệt sự sống bất tử trong con.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.