Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Gioan Phaolô II thừa sai

VRNs (01.05.2011) – Sài Gòn – Đúng 18:00 pm, ngày 30/04/2011, cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, nhà truyền giáo đã có hơn 40 năm sống và tầm đạo với anh chị em các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, đã cất lên bài hát khẩn cầu Chúa Thánh Thần:

Lạy Thần Khí

ĐK. Con kêu đến Ngài Thần Khi Đức Chúa Trời
Canh Tân tấm lòng, thương con xin Ngài hãy đến.
Con kêu đến Ngài Thần Khí của Ngôi Lời,
Xin thương chỉ dạy, mau mau xin Ngài hãy đến.

1. Cho con đây Đức Tin vững vàng,
Cho con đây một lòng trong sáng,
Mến yêu Ngài trọn tâm hồn con.

2. Cho con đi reo vang Tin Mừng,
Yêsu Kitô là Đức Chúa,
Đã tử nạn mà nay phục sinh.



Cha Giuse Trần Sĩ Tín, người Jarai gọi là Siu Brâo, đang tập hát cho cộng đoàn

Giai điệu của âm nhạc Jarai vừa quen vừa lạ. Lạ vì khi hát, bài hát không cho người hát ngồi yên, nên chỉ cần ra dấu là mọi người võ tay và dễ dàng d0ung đưa tự nhiên theo giai điệu, còn quen, vì đó là lời kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần, là một kinh nhgiệm cụ thể của ông Ama Hiếu, một người Jarai ở làng Bon Ơi Nu B, xã Ia Siơm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.



Giáo dân người Kinh đang chăm chú hiệp thông

Cha Giuse Tín nói: “Chúng tôi được kêu gọi về đây để làm chứng cho ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, về tước hiệu thừa sai của Ngài. Một sự trùng hợp lạ lùng và đầy ý nghĩa là chúng tôi được làm chứng về ĐTC GIOAN PHAOLÔ II THỪA SAI đúng vào ngày thứ Bảy trongTuần Bát Nhật Phục Sinh áp Chúa Nhật Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót: Thứ Bảy, ngày kính Đức Mẹ như chính ĐTC GIOAN PHAOLÔ II có lòng sùng kính Đức Mẹ – khẩu hiệu mục vụ giáo hoàng của ngài là TOTUS TUUS, hai chữ khởi đầu của kinh dâng mình cho Đức Mẹ của Thánh Lu-y Maria Grignon de Monfort mà Hội Thánh mừng kính ngày bắt đầu của Tuần Tam Nhật này: Totus Tuus sum et omnia mea Tua sunt (Con tron vẹn là của Mẹ, tất cả những gì của con là của Mẹ – một kinh dâng mình mà ai là Legio đều thuộc lòng); Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tuần mà mọi người đều nhốn nháo chạy đi làm chứng: Tôi đã thấy Chúa; Ngày Thứ Bảy áp lễ Lòng Chúa Thương Xót, ĐTC GIOAN PHAOLÔ II vị Giáo Hoàng của Lòng Chúa Thương Xót, Ngài đã làm cho cả thế giới tôn sùng Lòng Thương Xót.

Chúng tôi được kêu gọi về đây vì trên 40 năm qua chúng tôi đã trực tiếp làm thừa sai như Ngài đã viết trong Thông Điệp “SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ” Ngài gửi cho toàn thể Giáo Hội ngày 07.12.1990 để kỷ niệm 25 năm bế mạc Công Đồng Vat.II và 15 năm Tông Huấn “Loan Báo Tin Mừng” của ĐGH Phaolô VI. Thừa sai là danh xưng của những người được sai đi trực tiếp loan báo Tin Mừng. ĐTC GIOAN PHAOLÔ II không chỉ làm thừa sai bằng ngòi bút, bằng thông điệp (14), tông huấn, tông thư. . . mà chính Ngài, tiếp nối Đức Phaolô VI, ra khỏi Vatican để đi “khắp tứ phương thiên hạ” đến với “muôn dân”, “đến tận cùng trái đất” như lệnh truyền của Chúa. Có người đã tính quãng đường Ngài đi cho đến năm 2003, với chuyến công du thứ 102 của Ngài, là 3 lần quãng đường từ trái đất đến mặt trăng. “Đi” như lệnh truyền sau mỗi Thánh Lễ, sau khi kết hiệp với Chúa, để cùng Chúa gặp gỡ mọi người, để mọi người được gặp Chúa, nguồn cứu độ. Như vậy ra đi loan báo Tin Mừng không chỉ là nói về Chúa mà là nói với Chúa và nghe Chúa nói với ta. Như vậy loan báo Tin Mừng phải hiểu là “Phúc Âm Hóa”, một cụm từ chúng ta hiếm khi sử dụng. “Phúc Âm Hóa” là biến đổi, để cho Chúa biến đổi mỗi người chúng ta thành Tin Mừng. Có lẽ như thế mới diễn tả được động từ và danh từ Evangelizare, Evangelisatio; Evangéliser, Evangélisation; Evangelize, Evangelisation.

Còn một khía cạnh chính Đức GIOAN PHAOLÔ II cũng nói tới, đó là “Chính từ ngày tôi được bầu làm Giám Mục Rôma, ngày 16/10/1978, với sức mãnh liệt và khẩn cấp đặc biệt, tôi đã nghe tiếng vọng của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như vậy chúng tôi có bổn phận bắt chước Tông Đồ Phêrô, ngài đi đó đây giữa tất cả mọi người để khẳng định và củng cố sức sống của Giáo Hội trong lòng trung thành với Lời Chúa và phục vụ chân lý, để nói với mọi người rằng Giáo Hội yêu thương họ, Giáo Hoàng yêu thương họ, và cũng để lãnh nhận từ họ sự khuyến khích và gương lành của họ, gương đức tin của họ”. Như vậy người thừa sai cũng là người, và người đầu tiên, đón nhận Tin Mừng. Đó là điều mà một Tổng Công Hội DCCT nói là Evangelisari a pauperibus (được người nghèo phúc âm hóa, được người nghèo loan báo Tin Mừng, Evangélisé par les pauvres, Evangelised by the poor). Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế của Đức Gioan Phaolô cũng khẳng định: Người nghèo là đối tượng đầu tiên của việc Loan Báo Tin Mừng (số 8 chương 5). Tuy chúng tôi ra đi lên Tây Nguyên đến với người Jrai 9 năm trước khi ngài làm Giáo Hoàng, và 21 năm trước Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, nhưng tính cách thừa sai của ĐTC GIOAN PHAOLÔ II và Thông Điệp của Ngài củng cố hướng đi của chúng tôi.

Chúng tôi không thể trình bày 8 chương của Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế. Chúng tôi chỉ có thể nói về chương III: Chúa Thánh Thần, Đấng chủ động trong sứ vụ truyền giáo. 1. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi người Thừa Sai và người nghe. Chúa Yêsu thổi hơi trên các Tông Đồ: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần” (Ga 20,21-23). Các Tông Đồ nói: “Chúng tôi và Thánh Thần làm chứng” (Cv 5,32), “Chúng tôi và Thánh Thần quyết định” (Cv 10,45). 2. Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội thành chứng nhân cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,8). 3. Chúa Thánh Thần tuyển chọn và sai đi: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trêh hai ông và tiễn đi. Vậy được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống thuyền.



Đoàn Jarai làm chứng về sự hiện diện của Chúa cho cộng đoàn

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II trong Thông Điệp “SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ” nói: Người thời nay tin các nhân chứng hơn thầy dạy, tin kinh nghệm sống hơn là lý thuyết (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, chương V). Chúng tôi xin đưa về đây 3 nhân chứng giữa trăm nghìn nhân chứng thuộc dân tộc Jrai. Họ làm chứng, không phải về những việc họ làm, mà là những việc Chúa làm cho bản thân họ và cho dân tộc của họ. Một đức tin trưởng thành là một đức tin biết chia sẻ. Xin quí ông bà anh chị em cho phép những người anh chị em Jrai được chia sẻ lòng tin của họ để cả một dân tộc được làm nhân chứng, để những người dự tòng và tân tòng cũng bắt đầu làm chứng, như ngày thứ hai tới đây là ngày của hằng ngàn người Tân Tòng của Giáo Hạt Pleiku, tôi phải có mặt nghe những người tân tòng này làm chứng. Chỉ tính phiá Ama Huệ đã có 80 tân tòng, phiá Ama Tơneo 43 tân tòng, tại Pleikly 40, Ia Hru’ 275, Pleiku 197, Cheoreo 330, Krông Pa 50, Măng Yang 110, Chư Ti . . . . . , Plei Tôt . . . . .”

Theo cha Trần Sĩ Tín, truyền giáo và quá trình tầm đạo, tức là tìm Chúa, nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong dân, nên ngài mời cộng đoàn cùng lắng nghe chị Maria Ksor H’Khel: Giống như chị Priska với chồng là Aquila mà Thánh Phaolô trong thư Rôma (16,3) giới thiệu là (muốn đọc chứng từ này, xin bấm vào đường link ngay bên cạnh): “Những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Kitô. . . Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị.”



Theo văn hoá, người phụ nữ Jarai chỉ nói chuyện trong nhà, còn ra ngoài đường không nói gì với ai cả. Nhưng từ khi tin Chúa, với quyền năng Thánh Thần, nhiều phụ nữ Jarai như chị Maria Ksor H' Khel đã được Chúa sai đi và mở miệng các chị công bố Lời của Ngài.

Kế đó anh Ama Huê’ làm chứng (muốn đọc chứng từ này, xin bấm vào đường link ngay bên cạnh): Dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào đó mà được cứu độ. (Cv 4,12).



Ama Huê' mỗi tuần đi xe đạp 50 km đến nơi học giáo lý trong suốt 3 năm mới đón nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo

Ama Tơneo, một người thuộc dòng tộc pơtao Apui (vua lửa), anh bi buộc làm việc đó, mặc dù anh không thích, vì có quá nhiều điều cấm kỵ. Chỉ có tin vào Chúa, anh mới được giải thoát khỏi những ràng buộc đó. anh làm chứng (muốn đọc chứng từ này, xin bấm vào đường link ngay bên cạnh): Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những người tin: Nhân Danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ… và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. (Mc 16,17-18)



Ama H' Tơneo hiện nay là trưởng cộng đoàn làng Bon Trieng thuộc huyện Ea H' Leo, tỉnh Đăklăk, từ một mình anh có đạo năm 1995 đến nay, cộng đoàn này đã có 700 tín hữu.

Sau mỗi chứng từ, cộng đoàn cùng với cha Trần Sĩ Tín hát vang bài ca ngợi khen Thiên Chúa:

Bơni kơ Khua Yang Adai – Tạ ơn Thiên Chúa

ĐK. Chúc vinh Chúa Cha yêu thương trọn tình,
Cha của Đức Chúa Kitô.
Cha thương chúc cho ta muôn sự lành,
Trong Thánh Linh đến từ trời cao.

1. Người chọn ta trong Đức Kitô nhân lành,
Trước cả khi tạo thành trời đất,
Để nên thánh trước tôn nhan uy linh Người
Đón phúc vinh được làm con Cha.

Thánh lễ của ngày thứ ba trong Tam nhật Tôn vinh Thiên Chúa về hồng ân Gioan Phaolô II do cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, CSsR, cố vấn Tỉnh Dòng chủ tế. Đầu lễ, ngài mời gọi mọi người hướng về sứ vụ truyền giáo của Hội thánh qua gợi hứng của chân phước Gioan Phaolô II.



Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích



Cha Giuse Trần Sĩ Tín chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ

Thánh lễ kết thúc với lời cám ơn của cha Giuse Hồ Đắc Tâm, bề trên chánh xứ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp Sài Gòn đã thay mặt cộng đoàn cám ơn cha Giuse Trần Sĩ Tín và ba anh chị em Jarai, những nhà thừa sai của Chúa. Theo ngài, những chia sẻ hôm nay sẽ đốt thêm tinh thần truyền giáo cho cộng đoàn ngay tại thành phố này.

Ba ngày chuẩn bị tâm tình cho sự kiện chính đã kết thúc, theo chương trình, 18:30 pm hôm nay, 01/05/2011, sẽ có thánh lễ tạ ơn mừng Tân chân phước Gioan Phaolô II, kính mời anh chị em tham dự.

(Các hình ảnh trong bài tường thuật này của Thế Anh, Gia đình truyền thông Chúa Cứu Thế)



Một số anh chị thuộc Gia đình truyền thông Chúa Cứu Thế