Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống muôn đời

VRNs (21.06.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm A (Jn 6, 51-56)



Đoạn Phúc Âm trong phụng vụ hôm nay ( Jn 6, 51-56) nằm trong phần kết thúc của của bài thuyết giảng dài về bánh hằng sống, như là hậu quả và để giải thích rõ cho dân chúng biến cố phép lạ hoá bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu đã thực hiện.

Chúa Giêsu kết thúc phần lý luận của Người bằng lời xác quyết mãnh liệt rằng chính Người là bánh bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu:

- ” Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời ” ( Jn 6, 51).

Và rồi Người còn đi sâu hơn nữa, đời sống muôn đời đó là đời sống được ban cho, thoát xuất từ thịt và máu Người, văn bản của đoạn Phúc Âm mà chúng ta suy niệm hôm nay ( Jn 6, 52-58).

1 – Ý nghĩa của đoạn giảng dạy trước đó về manna đưa đến kết luận rõ ràng rằng con người của Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, với đặc tính là bảo đảm cho có được sự sống đời đời.

Người là thức ăn chính thức mà nhân loại đang mong đợi; ngoài Người ra,không có gì còn phải chờ đợi và ao ước hơn nữa: chính Người là thức ăn để làm cho con người có được sự sống vĩnh cửu.

Những người Do Thái đang nghe Người lúc đó, kể cả các môn đệ, sẽ đón nhận không mấy khó khăn, nếu Chúa Giêsu không đi xuống sâu hơn nữa, bằng cách xác nhận bánh mà Người sẽ ban cho chính là ” thịt và máu ” Người:

- ” Thật, Ta bảo thật các ông, ai không ăn thịt và uống máu Con Người, thì sẽ không có sự sống nơi mình …vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống ” ( Jn 6, 53-55).

Đến đây thì trí khôn thông thường của con người khó mà có thể vượt qua được, để thấu hiểu những gì Chúa Giêsu muốn dạy bảo cho.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu thoáng qua được, nếu nhớ lại những gì Thánh Gioan đã nói qua trước đó trong Lời Tựa Phúc Âm:

- ” Ngôi Lời đã trở nên ” xác thịt ” và cư ngụ giữa chúng ta ” ( Jn 1, 14).

Câu Phúc Âm vừa kể cho chúng ta biết ” Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ” và giờ đây ” xác thịt ” của Ngôi Lời là Chúa Giêsu trở thành bánh, để nuôi dưỡng chúng ta.

Như vậy biến cố Nhập Thể luôn luôn hiện diện, nơi đây và lúc nầy, để hoàn tất những gì Lời Tựa Phúc Âm Thánh Gioan đã loan báo.

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là nguồn mạch tuôn ra sự sống.

Trong tư tưởng đó chúng ta thấy được cuộc Nhập Thể, cuộc Tử Nạn và Bí Tích Thánh Thể là những gì liên hệ nhau trong chương trình đem lại sự sống đời đời cho con người.

Dĩ nhiên những gì vừa kể, chúng ta có thể liên kết được, vì chúng ta được mạc khải cho và Giáo Hội đã huấn dạy chúng ta; nhưng đối với người Do Thái lúc đó, họ chưa có đủ điều kiện để hiểu được có sự liên tục giữa biến cố Nhập Thể, cuộc Tử Nạn và Phép Thánh Thể được Chúa Giêsu lập ra cho.

Bởi đó chúng ta không lấy gì làm lạ phản ứng của người Do Thái như là phản ứng chống đối quá đáng:

- ” Làm sao ông nầy có thể làm cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ” ( Jn 6, 52).

Trước thái độ phản kháng đó, câu trả lời của Chúa Giêsu không có gì là dịu giọng làm cho ngôn từ của Người có thể chấp nhận được. Bởi lẽ sự thật là sự thật !

Chúa Giêsu nhắc lại câu xác quyết trước đó, bằng cách dùng lối diễn tả cá biệt của Thánh Gioan: ” Thật, Ta bảo thật ! “, để cho thấy những gì Người nói là những lời mạc khải long trọng và quyết định:

- ” Thật, Ta bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống đời đời ” ( Jn 6, 53).

Điều làm chúng ta lưu ý là từ ngữ ” thịt ” ( thay vì thân thể ), được lập đi lập lại đến 6 lần chỉ trong một ít hàng của đoạn Phúc Âm hôm nay, cũng như động từ ” ăn “, cả hai được dùng để diễn tả động tác đích thực hàng ngày con người phải có để sống.

2 – Đặc tính mới mẻ của đoạn Phúc Âm đó là nói lên mối liên hệ chặt chẽ với Phép Thánh Thể, mà chúng ta vừa đề cập ở trên, khi nói đến bánh từ trời và ý nghĩa thần học của công cuộc Nhập Thể.

Có lẽ để nhắc lại những gì đã được đề cập đến ở Lời Tựa ( Jn 1, 14 ) , mà Thánh Gioan nhắc lại bằng cách dùng từ ngữ ” thịt ” thay vì ” thân thể “.

Tất cả những điều đó đều có một ý nghĩa chính xác:

- ” Thánh Gioan xác nhận rằng qua kinh nghiệm Thánh Thể của Giáo Hội, mà công cuộc Nhập Thể vẫn còn tiếp tục giữa chúng ta ngày nay: xác thịt được hy sinh hiến tế của Ngôi Lời trở thành bánh nuôi dưỡng và thông ban đời sống Chúa Ki Tô thiên quốc , vinh quang cho chúng ta ” ( Thần học gia, L. Laconi).

Đoạn Phúc Âm hôm nay cũng mạc khải cho chúng ta hai phương diện mới mẻ của mầu nhiệm Thánh Thể: Thánh Thể tác động sự thông hiệp vững chắc giữa các môn đệ và Chúa Ki Tô và làm cho các vị được hội nhập vào cuộc sống tình thương giữa Chúa Con và Chúa Cha:

- “ Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy ” ( Jn 6, 56-57).

Đây là lần đầu tiên mà Thánh Gioan nói đến động tác ” cư ngụ ” ( ở ) trong nhau giữa người môn đệ và Chúa Ki Tô. Động từ ” ở trong ” ( cư ngụ trong ) diễn tả trạng thái kết hợp thân tình, hợp nhứt thành một với người tín hữu môn đệ:

- ” Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, thì anh em chẳng làm được gì …Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” ( Jn 15, 5.10).

Với lời xác nhận vừa kể chúng ta hiểu được giá trị sự hợp nhứt mầu nhiệm và độc nhứt mà Phép Thánh Thể không ngừng tác động giữa người tín hữu và Thiên Chúa.

3 – Đoạn văn cũng mỏ ra cho chúng ta nhãn quang quy tóm các quan niệm căn bản về đức tin, Phép Thánh Thể, mầu nhiệm Nhập Thể và đời sống.

Đây là gia sản vĩnh cửu và sống động mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta và

- ” chúng ta cần phải tiếp tục suy nghĩ đến và sống thực sự trong cuộc sống, như Chúa Giêsu muốn, để cho gia sản đó có thể ấn tính đầy hiệu lực vô hạn trên mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta ” ( ĐTC Phaolồ VI ).

Việc biến hoá bánh và rượu thành mình và máu Chúa Giêsu là một thực thể mầu nhiệm, vượt lên trên mọi khả năng hiểu biết của con người.

Điều đó không có gì lạ khiến cho ngày nay, cũng như ở thời Chúa Giêsu, nhiều người khó có thể chấp nhận được sự hiện hữu thực sự của Chúa Ki Tô trong Thánh Thể. Một Vị Thiên Chúa nhập thể trở nên xác thịt và hy sinh chính mạng sống trần thế mình để cho thế gian được sống làm cho trí khôn con nguời trở nên khủng hoảng.

Thánh thể là thức ăn dành cho những ai trong Phép Rửa đượcgiải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và trở nên con cái.

Thánh Thể là thức ăn nâng đỡ những đứa con đó trong bước đường lâu dài của cuộc xuất hành ngang qua sa mạc của cuộc sống nhân loại.

Như manna cho dân Israel ( bài đọc I ), đối với mọi thời đại Ki Tô giáo, Thánh Thể là thức ăn không thể thiếu để nâng đỡ họ trải qua sa mạc trên thế gian, bị làm cho trở nên khô khan cằn cổi bởi các ý thức hệ và các nền kinh té đang làm tổn thương, giết chóc con ngươi.

Người tín hữu Chúa Ki Tô bước đi trong cuộc lữ hành trấn thế, không có gì phải sợ hải, bởi vì họ được Chúa nâng đỡ:

- ” Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời ” ( Jn 6, 51).

NGUYỄN HỌC TẬP