Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Giáo huấn xã hội Công giáo thúc đẩy người tín hữu canh tân đời sống và xã hội

Nhiều người tham dự khóa tìm hiểu cơ bản giáo huấn xã hội Công giáo xác tín rằng giáo huấn này sẽ thúc đẩy người Công giáo Việt Nam canh tân đời sống cá nhân và dấn thân xây dựng một xã hội nhân bản và liên đới cho đất nước.

70 học viên tham gia khóa học do các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài-gòn và một nhóm giáo dân tổ chức vào bốn buổi chiều Chúa nhật tại hội trường Giê-ra-đô, nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vừa kết thúc hôm 21-8.



Các học viên đang trả lời các câu hỏi

Các học viên tìm hiểu sơ lược về lịch sử hình thành giáo huấn và 4 nguyên tắc gồm phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới. Cha Lê Quang Uy, linh hướng các nhóm bảo vệ sự sống, chủ tọa một buổi và kể nhiều câu chuyện thương tâm về thực trạng phá thai tại Việt Nam, với gần 3 triệu ca mỗi năm.

Trong một lá thư cám ơn nhóm tổ chức, chị Tê-rê-xa Đặng Tuyết Hoa viết rằng “đây là một lớp học rất bổ ích cho chúng tôi” bởi vì giáo huấn hướng dẫn họ cách ứng xử nhân bản hơn.

Chị tin rằng những chỉ dẫn và kiến thức của giáo huấn xã hội sẽ là “kim chỉ nam” cho người giáo dân dấn thân trong các hoạt động xã hội.

Trong buổi học kết thúc, một học viên phát biểu: “Tôi rất hạnh phúc khi được học hỏi giáo huấn xã hội Công giáo”. Ông nói thêm: “Học thuyết xã hội Công giáo cỗ võ việc xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên con người” và cung cấp những chỉ dẫn cụ thể giúp người Công giáo biết cách hành động để góp phần đẩy lùi nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Anh Đình Vượng, một người viết sách, nói rằng người Công giáo sẽ góp phần đổi mới xã hội nếu mỗi người biết xây dựng cuộc sống và mối tương quan thấm nhuần giáo huấn của Giáo hội trong đời sống cá nhân, gia đình và môi trường kinh doanh.

Tại một cuộc họp giữa giới tiểu thương và chính quyền, anh nói rằng các hộ kinh doanh Công giáo nơi anh ở cũng thuê nhiều lao động trẻ em dưới 16 tuổi và bóc lột sức lực các em, và sau đó nhiều người Công giáo quen biết đã “nhìn tôi bằng nửa con mắt”.

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành nói rằng nếu người Công giáo đào sâu giáo huấn này thì họ sẽ tìm thấy con đường xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, tôn trọng sự sống và phát huy các quyền con người.

Trong bài giảng thánh lễ đồng tế bế mạc khóa học, ngài quả quyết: “Chỉ có những lương tâm được thấm nhuần Lời Chúa và giáo huấn xã hội của Giáo hội mới có đủ sức mạnh đi tới hành động phục vụ sự thật toàn vẹn của con người”.

Cha Thành, được bầu làm Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế nhiệm kỳ hai, còn nhấn mạnh thêm việc học hỏi, phổ biến và thực hành giáo huấn xã hội này không chỉ sinh ích cho xã hội và Giáo hội Việt Nam mà còn tạo ra “một bước nhảy hoàn vũ” để đưa cả nhân loại tiến tới một nền nhân bản toàn diện và liên đới.

Ngài kêu gọi các bác sĩ, thầy cô, doanh nhân Công giáo và hội đồng mục vụ giáo xứ – những người có tầm ảnh hưởng trên nhiều người – ra sức học hỏi giáo huấn này để áp áp dụng vào môi trường làm việc của họ.

Chẳng hạn, ngài nói, thầy cô Công giáo thấm nhuần giáo huấn của Giáo hội sẽ tạo ra biết bao ảnh hưởng tốt lành cho các học trò của mình khi hàng ngày dạy dỗ các em trong suốt một năm, điều mà chỉ có họ mới có cơ hội làm được.

Theo ban tổ chức, số người đăng ký tham gia lớp học đông và không giảm vào buổi học cuối là một “sự thành công” vì môn môn học này rất “khó nuốt”.

Các học viên được học trong phòng có máy lạnh. Họ còn được phục vụ nước uống đóng chai, cà phê hòa tan, và bánh kẹo vào giờ giải lao và thảo luận tổ, và còn được mua sách học với giá 10.000 đồng, thay vì 45.000 đồng giá bán ở nhà sách.

Cha Mát-thêu Vũ Khởi Phụng là người khai sinh phong trào học hỏi giáo huấn này. Ngài nhận xét cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo “khô như ngói”, thế mà các anh chị giáo dân vẫn kiên trì học hỏi. Đây là tài liệu do Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, dưới thời ĐHY Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch, biên soạn. Bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được xuất bản năm 2007.

Cha Phụng nhận xét rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, người Công giáo cần thực thi công bằng xã hội dựa trên công lý, hòa bình và tình bác ái, theo tinh thần của giáo huấn.

Theo ngài, “giáo huấn xã hội của Giáo hội là một triết lý giáo dục” cần được phổ biến nhanh chóng để góp phần đổi mới xã hội Việt Nam và giúp người dân hướng thượng. Nếu không làm được như thế thì “ánh sáng giáo huấn xã hội của Giáo hội sẽ bị tắt ngóm”.

Ngài nhắc lại lời phát biểu của một học viên “cần làm nổi bật và nhân rộng những điều tốt đẹp để đối lại các điều dữ”, khi nhiều người và nhiều phương tiện truyền thông đang khai thác các vấn đề tiêu cực làm cho nhiều người dân thấy bình thường và vô cảm trước sự bất công xã hội.

Theo ban tổ chức khóa học này sẽ tiếp tục lại vào tháng Mười tới. Các học viên đã yêu cầu có các chuyên viên về học thuyết giảng dạy, tăng thêm thời gian để họ có cơ hội đào sâu các đề tài, và mở các lớp chuyên đề về gia đình, kinh tế, lao động, môi trường...

Cha Ernesto Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài-gòn, đã đồng ý tiếp tục giảng dạy trong khóa học tới. Nhiều học viên xúc động khi nghe ngài tâm sự: “Tôi đã bước sang tuổi già và muốn đóng góp một cái gì đó cho anh chị em giáo dân để sau này ra đi cho thanh thản”.

Vị giáo sư thần học luân lý cho biết ngài đã từng giảng dạy giáo huấn này cho hàng trăm linh mục và hàng ngàn nữ tu, nhưng chưa bao giờ giảng dạy cho giáo dân.

Theo ban tổ chức, hiện nay tại Sài-gòn có 4 nhóm giáo dân đang tự học hỏi giáo huấn xã hội Công giáo. Chương trình đào tạo của Học Viện Mục Vụ tổng giáo phận Sài-gòn niên khóa 2011 cũng đưa môn này vào chương trình giảng dạy.

Nguyễn Đình Thao