Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Đội vô cảm lên đầu!

VRNs (15.10.2011) – Sài Gòn – Ngày trước, ông bà thường dạy đạo đức là cái vốn quý nhất cuộc đời cho con cháu. Tiền của mất, mình có thể tìm lại được nhưng tình nghĩa con người mất thì không thể nào lấy gì bù đắp được.



Người xưa thường nói nhất cận thân nhì cận lân, ấy là người ta nói đến những người thân sống chung thành quầng thể với nhau trong một khu vực thì có việc gì nhờ vả nhau giúp đỡ trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, khi họ hàng bà con sống xa cách nhau, người thân thuộc tha phương cầu thực thì người ta lấy xóm giềng làm nơi nương tựa nên mới có câu nhất cận lân nhì cận thân.

Sự giúp đỡ này không phải chỉ đơn thuần là đồng tiền bát gạo, lúc tắt lửa tối đèn mà đôi khi là sự chia sẻ gánh nặng tinh thần gia đình như dạy dỗ trẻ con nên là do có người lớn tuổi làm gương. Lúc gian truân, khó nhọc, tù đày thì thăm nom người gặp nạn, an ủi người tại gia.

Ngày nay, con người sống thực dụng và luôn co cụm trong cái vỏ ốc tôi quá lớn như không còn những giá trị đạo đức trong việc quan tâm và giúp đỡ người gặp nạn.

Có những lúc đi trên đường, một ai đó bất ngờ bị tai nạn, máu chảy đầy người. Thế nhưng, người đi đường, dù đông, cứ thản nhiên đi, thản nhiên bu lại xem, thản nhiên bàn tán tìm ra lý do tại sao người này bị nạn mà quên mất cái tình người nhỏ nhất là giúp đỡ người gặp nạn, đưa người bị nạn đến nhà thương gần nhất có thể. Đây là điều lạ lùng nhưng trở nên quen thuộc và trở thành nếp của người ViệtNamhiện đại là vô cảm trước khó khăn, mất mát của người khác.

Con người hiện đại với những tiện nghi cao ngất của khoa học kỹ thuật trở nên lười biếng trong hành động và lười biếng cả trong suy nghĩ. Câu nói thường gặp nhất “đó là việc của người ta, quan tâm làm gì cho mệt”. À, thì ra quan tâm đến người khác là họ cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy mất công vì đây không phải là việc của mình. Tuy nói là nói qua cửa miệng như vậy nhưng con người lại luôn tò mò xem người khác đang bị tai nạn là ra sao, ai đụng, người gây tai nạn đi đâu rồi? vân vân và vân vân. Nhưng luôn ngại giúp người gặp nạn vì sợ. Sợ mất công, sợ mất của, sợ chịu trách nhiệm khi chính quyền hỏi han, sợ liên lụy, nhưng họ không sợ rằng nếu chậm trễ trong việc giúp đỡ người khác thì sẽ mất đi một mạng người.

Năm 2002, một người lớn tuổi sống tại Quận 8, xóm nhà cháy (nay đã giải tỏa) kể rằng có lần bà gặp một thanh niên bụi đời dắt theo một cháu bé học sinh khoảng bảy tám tuổi gì đó, ngồi trước cổng nhà bà và tiêm ma túy cho bé. Bà khuyên bé đừng đi theo người thanh niên này và hãy về nhà nhưng bé nói đã nghiện rồi không bỏ được. Còn người thanh niên đó cũng không có ý định tha cho thằng nhỏ vì thằng nhỏ phải đi ăn xin lấy tiền trả tiền thuốc cho anh ta. Tuy bà sợ đứa bé sẽ chết vì sốc thuốc nhưng sợ tụi côn đồ trả thù, hành hung nên không dám đi tố cáo với chính quyền.

Sự vô cảm của con người không ngưng tụ ở một tầng lớp xã hội nào cả mà nó lan tỏa rộng lớn bao trùm cả xã hội. Người dân vô cảm, chính quyền cũng vô cảm tuốt tuồn tuột. Chị H ở Quận 5 kể:

“Hồi Tết, em thấy một thanh niên trẻ giật dây chuyền của một cô gái trên đường Hưng Phú Quận 8, cô gái kêu cứu thất thanh giật đồ, giật đồ. Lúc đó, em cũng la phụ là giật đồ, giật đồ nhưng người đi đường họ cứ tỉnh bơ. Em chạy tới CA P9, Q8 báo với CA trực thì chú CA nói để từ từ chú sẽ đến. Người ta giật xong thì chạy mất tâm chứ ngu gì đứng ở đó mà đợi từ từ chú sẽ đến. Em đi một đổi ngoái đầu nhìn lại còn chưa thấy chú ra khỏi cửa.

Chi H kể tiếp: Một lần khác, hai xe tông nhau trên đường ở Quận Phú Nhuận. Một người nằm thẳng cẳng máu chảy thấy ghê, người đi đường bu lại xem như xem hội vậy. Người gây tai nạn thì không biết ở đâu, chỉ thấy còn có xe thôi. Thấy vậy, em chạy tới ngã tư gặp một anh CSGT, em nói là có người bị tai nạn nặng lắm cần đưa đi cấp cứu gấp thì chú CSGT nói đó không phải là khu vực của chú”.

Đấy là những người xa lạ nên con người vô cảm đã đành, nhưng người quen họ cũng sài chiêu mackeno tuốt luốt.

Nói đến đây, tự dưng tôi nghĩ ngay đến chị Tạ Phong Tần.

Tính ra chị Tạ Phong Tần trước đây cũng là chiến sĩ công an, ít nhiều cũng là đồng chí đồng đội của các anh CA và an ninh của nhà cầm quyền. Mặc dầu nay chị và chính quyền không cùng chung tiếng nói nhưng ít ra cái tình cái nghĩa đồng đội phải còn ấm. Không tận mắt thấy chị Tần bị bắt, nghe đồn trước ngày chị Tần bị bắt đã mang bệnh nặng trong người, chị đi khám và mua cả thuốc, vậy mà đồng đội của chị lại không cho chị mang theo thuốc vô tù uống. Nghĩ cũng lạ! Không lẽ ngoài đời người ta bệnh, khi vô tù thì người ta khỏe mạnh cường tráng hơn sao ?

Có người hỏi có ai đi thăm chị Tần chưa, chị Tần đang ở số 04 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận đó. Đáp lại câu hỏi là những cái lắc đầu, sự im lặng rơi vào khoảng không mênh mông. Hình như chẳng ai đi thăm chị ấy ngoài gia đình anh Hải Điếu Cày, nhưng nghe nói cũng chẳng gặp được. Có nhiều nguồn tin là CA sợ chị Tần dính dáng đến việc đấu tranh cho Biển Đông, nhưng chính chị Tần có nói chị là nhân chứng sống của anh Hải Điếu Cày trong lần gặp gỡ cuối cùng trước ngày bị bắt, đó là ngày 03/09/2011 nhóm Truyền thông Chúa Cứu Thế (VRNs) học chụp hình, làm phóng sự với Cha Antôn Lê Ngọc Thanh.

À, thì ra không phải là chỉ có dân đen mới biết sợ mà ngay cả nhà cầm quyền nắm quyền sinh sát trong tay cũng biết sợ, đó là sợ sự thật. Vì sợ sự thật mà họ ráo riết bắt bớ, đàn áp, khủng bố, hành hung người nói lên sự thật bằng cách này cách khác. Họ trở nên vô cảm với chính người dân là tầng lớp mà Đảng Công Sản luôn rao rằng Đảng từ dân rà ra, vì nhân nhân quên mình, vì nhân nhân hy sinh. Có lẽ câu nói này ngày nay không còn hợp thời nữa, không còn hiệu ứng nữa chăng ?

Cũng có nguồn tin là một số anh em VRNs làm truyền thông tại Kontum trong sự kiện Đức Sứ Thần Léopoldo Girelli thăm giáo phận Kontum từ ngày 09.09.2011 đến 11.09.2011 sau khi về thì được các anh CA thân thương đến tận nhà hỏi thăm sức khỏe đến nay vẫn còn. Việc Đức Sứ Thần không thường trực tại Việt Nam đi thăm giáo phận Công giáo là việc làm công khai và Ngài cũng đến thăm hỏi cả chính quyền địa phương nên có gì sai trái mà nhà chức trách lại e ngại mà thăm hỏi làm khó anh em truyền thông ?

Tội ác là do con người tự tạo, nó như cái vòng lẩn quẩn, xiết lấy tâm linh con người, từ đó con người trở nên vô cảm, sống theo sự điều khiển của cái ác mà quên đi bản chất ban đầu làm người là xuất phát từ cái thiện. Con người phải biết phân định đâu là đích đến làm người trong kiếp người sống tạm ở trần gian thì mới biết sống hết lòng cho người, cảm nhận được cái vui, cái hạnh phúc khi mình giúp được người khác, rằng mình không sống vô cảm.

Minh Quân